Hệ thống pháp luật

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 167/QĐ-UBDT

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG NGUỒN TÀI TRỢ NƯỚC NGOÀI CỦA ỦY BAN DÂN TỘC

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC

Căn cứ Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;

Căn cứ Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ về Quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;

Căn cứ Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/10/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 89/QĐ-UBDT ngày 25/02/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc thành lập Ban Quản lý các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của Ủy ban Dân tộc;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Giám đốc Ban Quản lý các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của Ủy ban Dân tộc.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của Ủy ban Dân tộc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Giám đốc Ban Quản lý các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của Ủy ban Dân tộc và Thủ trưởng các Vụ, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm;
- Các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm;
- Cổng Thông tin điện tử UBDT;
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Hầu A Lềnh

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG NGUỒN TÀI TRỢ NƯỚC NGOÀI CỦA ỦY BAN DÂN TỘC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 167/QĐ-UBDT ngày 18/3/2022 Của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Cơ sở pháp lý

Việc thành lập và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của Ủy ban Dân tộc (Ban Quản lý Dự án PEMU) căn cứ vào các cơ sở pháp lý sau:

1. Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ về Quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của Nhà tài trợ nước ngoài.

2. Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc.

3. Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

4. Quyết định số 524/QĐ-UBDT ngày 04/8/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt Văn kiện dự án “Nâng cao năng lực thể chế cho thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) viện trợ không hoàn lại.

5. Quyết định số 830/QĐ-UBDT ngày 09/12/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Hỗ trợ sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số”, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) viện trợ không hoàn lại.

6. Quyết định số 89/QĐ-UBDT ngày 25/02/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc thành lập Ban quản lý các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của Ủy ban Dân tộc.

Điều 2. Thông tin chung về các chương trình, dự án

1. Ban Quản lý Dự án PEMU có trách nhiệm điều phối, quản lý và triển khai thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài do Ủy ban Dân tộc làm chủ quản dự án giao.

2. Các chương trình, dự án và thông tin chung của từng chương trình, dự án do Ban Quản lý Dự án PEMU trực tiếp điều phối, quản lý và triển khai được quy định tại Phụ lục của Quy chế này.

Điều 3. Thông tin về Ban Quản lý dự án

1. Tên giao dịch: Ban Quản lý các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của Ủy ban Dân tộc. Tên viết tắt tiếng Việt: Ban Quản lý các dự án nước ngoài của Ủy ban Dân tộc.

2. Tên tiếng Anh: Project Management Unit of International funded Projects and Program of Committee for Ethnic Affairs. Tên viết tắt tiếng Anh là PEMU.

3. Địa chỉ: 349 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.

4. Điện thoại: 02432115942

5. Email: banqlcda@cema.gov.vn và PEMU@gmail.com

6. Tài khoản: Mở tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý các dự án nước ngoài của Ủy ban Dân tộc

1. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Dự án PEMU

Ban Quản lý Dự án PEMU được thành lập theo Quyết định số 89/QĐ-UBDT ngày 25/02/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc để giúp Ủy ban Dân tộc quản lý, thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài của Ủy ban Dân tộc.

Ban Quản lý Dự án PEMU có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các thỏa thuận, hiệp định được ký kết.

Mọi hoạt động của Ban Quản lý Dự án PEMU phải được công khai và chịu sự giám sát theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ban Quản lý Dự án PEMU chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và trước pháp luật về các hoạt động do Ban Quản lý Dự án PEMU tổ chức thực hiện.

Ban Quản lý Dự án PEMU có trách nhiệm quản lý và sử dụng hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí các nguồn lực của các dự án và thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng; có các biện pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí.

2. Phạm vi quản lý của Ban Quản lý Dự án PEMU

Ban Quản lý Dự án PEMU trực tiếp điều phối, quản lý và triển khai thực hiện các Dự án:

- Dự án “Nâng cao năng lực thể chế cho thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) viện trợ không hoàn lại (Quyết định 524/QĐ-UBDT ngày 04/8/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc).

- Dự án “Hỗ trợ sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số” do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) viện trợ không hoàn lại (Quyết định 830/QĐ-UBDT ngày 09/12/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc).

- Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của Ban Quản lý dự án “Tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo đa chiều trong dân tộc thiểu số tại Việt Nam” (Dự án SPDREM), đảm bảo dự án đang thực hiện không bị gián đoạn, được quản lý, thanh quyết toán theo đúng quy định của pháp luật.

- Các chương trình, dự án khác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc giao bằng Quyết định cho từng chương trình, dự án cụ thể.

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN

Điều 5. Lập kế hoạch thực hiện chương trình, dự án

1. Ban Quản lý Dự án PEMU lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm của từng chương trình, dự án trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt thực hiện.

2. Kinh phí hoạt động của các chương trình, dự án theo kế hoạch hàng năm do Ban quản lý các dự án xây dựng và được lãnh đạo Ủy ban Dân tộc phê duyệt.

3. Kinh phí đối ứng phía Việt Nam sẽ do Ủy ban Dân tộc bố trí tương ứng - theo các Văn kiện dự án đã ký kết và dựa trên kế hoạch ngân sách đóng góp vốn đối ứng hàng năm của các dự án đã được phê duyệt.

4. Các khoản kinh phí đối ứng của ngân sách nhà nước sẽ được giải ngân qua Kho Bạc Nhà nước và quyết toán theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 6. Thực hiện các hoạt động đấu thầu và quản lý hợp đồng

1. Ban Quản lý Dự án PEMU tổ chức triển khai, giám sát các hoạt động trên cơ sở Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch chi tiết (hàng năm hoặc đột xuất) đã được Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc phê duyệt.

2. Thực hiện nhiệm vụ đấu thầu (tổ chức lựa chọn nhà thầu, đàm phán, ký kết hợp đồng) do Ủy ban Dân tộc giao phù hợp với quy định của pháp Luật về đấu thầu; báo cáo Lãnh đạo Ủy ban kịp thời về các vấn đề phát sinh để cho ý kiến chỉ đạo.

3. Quản lý việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại các hợp đồng đã được ký kết với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan; theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động để đảm bảo khối lượng, chất lượng và tiến độ thực hiện theo hợp đồng đã ký kết. Giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các hợp đồng theo thẩm quyền.

Điều 7. Quản lý tài chính, tài sản và giải ngân

1. Ban Quản lý Dự án PEMU quản lý tài chính, tài sản và thực hiện các thủ tục giải ngân theo quy định của pháp luật và phù hợp với các quy định của nhà tài trợ.

2. Ban Quản lý Dự án PEMU được phép sử dụng con dấu riêng theo quy định của pháp luật để phục vụ công tác quản lý và thực hiện chương trình, dự án.

3. Ban Quản lý Dự án PEMU được mở tài khoản tiền đồng Việt Nam và (hoặc) ngoại tệ của chương trình, dự án tại Ngân hàng thương mại và (hoặc) tại Kho bạc Nhà nước đối với từng nguồn vốn của dự án phù hợp với quy định của pháp luật và Điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết với nhà tài trợ nước ngoài.

4. Nguồn kinh phí của Ban Quản lý Dự án PEMU gồm: Nguồn viện trợ không hoàn lại từ các Nhà tài trợ nước ngoài, nguồn vốn đối ứng các dự án và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

5. Ban Quản lý Dự án PEMU được mua sắm, trang bị tài sản để phục vụ công tác quản lý, triển khai thực hiện các dự án theo quy định của pháp luật. Tài sản của Ban Quản lý Dự án PEMU phải được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của pháp luật và Văn kiện chương trình, dự án, điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký kết với nhà tài trợ nước ngoài.

6. Trường hợp tư vấn hoặc tổ chức tư vấn, nhà thầu bàn giao, tặng, để lại tài sản cho Ban Quản lý Dự án PEMU, Ban Quản lý Dự án PEMU có văn bản đề nghị cơ quan chủ quản cho phép quản lý, sử dụng trong thời gian thực hiện chương trình, dự án và bàn giao lại cho cơ quan chủ quản sau khi chương trình, dự án kết thúc.

7. Tài sản của Ban Quản lý Dự án PEMU phải được đánh giá lại và thực hiện xử lý tài sản sau khi kết thúc từng dự án theo quy định của pháp luật; tài sản không cần sử dụng phải được xử lý theo quy định hiện hành.

Điều 8. Công tác hành chính, điều phối và trách nhiệm giải trình

1. Ban Quản lý Dự án PEMU là đại diện theo ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trong các giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện được xác định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của Ủy ban Dân tộc và tại các văn bản ủy quyền khác.

2. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, Ban Quản lý Dự án PEMU có trách nhiệm:

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, công chức, nhân viên làm việc tại Ban Quản lý Dự án PEMU.

- Thực hiện việc tuyển chọn và ký kết hợp đồng thuê nhân viên, chuyên gia tư vấn trong nước, chuyên gia tư vấn quốc tế theo các quy định hiện hành.

3. Thiết lập hệ thống thông tin nội bộ, tập hợp, phân loại, lưu trữ toàn bộ thông tin, tư liệu, tài liệu gốc liên quan đến các chương trình, dự án và Ban quản lý Dự án theo các quy định của pháp luật;

4. Cung cấp thông tin chính xác và trung thực cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhà tài trợ, các cơ quan thông tin đại chúng và các cá nhân liên quan trong khuôn khổ nhiệm vụ và trách nhiệm được giao, ngoại trừ những thông tin được giới hạn phổ biến theo luật định.

5. Ban Quản lý Dự án PEMU có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị chức năng của Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong triển khai tổ chức các hoạt động của các chương trình, dự án đã được phê duyệt; trực tiếp liên hệ, làm việc với nhà tài trợ, các đối tác quốc tế về các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án.

6. Ban Quản lý Dự án PEMU có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ các đơn vị hưởng lợi (được ký kết hợp đồng thực hiện công việc hoặc được hỗ trợ triển khai công việc) thực hiện theo kế hoạch điều hành chung của các chương trình, dự án; giải quyết các bất đồng về mặt kỹ thuật giữa các đơn vị tham gia thực hiện hoạt động của các chương trình, dự án (nếu có).

Điều 9. Công tác giám sát, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, dự án.

1. Ban Quản lý Dự án PEMU có trách nhiệm tổ chức theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, dự án và hoạt động của Ban Quản lý Dự án PEMU theo quy định hiện hành.

2. Báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, dự án định kỳ và đột xuất theo kế hoạch đã được phê duyệt cho Ủy ban Dân tộc để theo dõi, giám sát và hỗ trợ quá trình thực hiện.

3. Ban Quản lý Dự án PEMU là đầu mối phối hợp với cơ quan có thẩm quyền, các nhà tài trợ để đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị hưởng lợi từ các chương trình, dự án và hoạt động của các chương trình, dự án.

4. Thuê tư vấn tiến hành đánh giá giữa kỳ và kết thúc theo nội dung các hiệp định, thỏa thuận đã được ký kết.

5. Phát hiện các trường hợp cần điều chỉnh, sửa đổi mục tiêu hoạt động hoặc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch tổng thể, kế hoạch chi tiết và các vấn đề khác phát sinh trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án; Ban Quản lý Dự án PEMU chuẩn bị các tài liệu cần thiết và làm thủ tục trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc xem xét quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Điều 10. Công tác nghiệm thu, bàn giao, quyết toán các chương trình, dự án

1. Sau khi một chương trình hoặc dự án kết thúc, trong vòng 06 tháng, Ban Quản lý Dự án PEMU phải hoàn thành báo cáo kết thúc chương trình hoặc dự án đó và báo cáo quyết toán của chương trình hoặc dự án trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt.

2. Bàn giao các sản phẩm đã hoàn thành của Dự án cho các đơn vị tiếp nhận theo Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đồng thời, làm thủ tục xử lý tài sản của chương trình hoặc dự án đã kết thúc theo quy định hiện hành.

3. Trường hợp chưa thể kết thúc được các công việc nêu trên trong thời gian quy định, Ban Quản lý Dự án PEMU có văn bản giải trình gửi tới Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc xem xét gia hạn để Ban Quản lý Dự án PEMU tiếp tục hoàn thành công việc.

4. Ban Quản lý Dự án PEMU có trách nhiệm thực hiện các thủ tục đóng các chương trình, dự án đã kết thúc khác theo quy định hiện hành và điều ước, hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã ký với nhà tài trợ.

Điều 11. Một số nhiệm vụ khác do cơ quan chủ quản, chủ dự án giao

Căn cứ nội dung, quy mô, tính chất và năng lực của Ban Quản lý Dự án PEMU, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ủy quyền cho Ban Quản lý Dự án PEMU quyết định hoặc ký kết các văn bản thuộc thẩm quyền của mình trong quá trình quản lý các chương trình, dự án và thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc giao trong khuôn khổ, phạm vi hoạt động của các chương trình, dự án.

Chương III

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CỦA BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN

Điều 12. Cơ cấu tổ chức Ban Quản lý các dự án nước ngoài của Ủy ban Dân tộc

1. Ban Quản lý Dự án PEMU là đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc, được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban quyết định thành lập để giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban quản lý và triển khai các dự án của Ủy ban Dân tộc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc giao.

2. Ban Quản lý Dự án PEMU có Giám đốc, các Phó Giám đốc (trong trường hợp cần thiết), Kế toán trưởng, Điều phối viên là công chức chuyên môn kiêm nhiệm hoặc nhân viên, chuyên gia hợp đồng theo nhu cầu công việc.

3. Ban Quản lý Dự án PEMU được xác định vị trí việc làm tương ứng với nhiệm vụ theo quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm.

Điều 13. Giám đốc Ban Quản lý các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của Ủy ban Dân tộc

1. Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc tổ chức, điều hành Ban Quản lý dự án các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của Ủy ban Dân tộc, tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật và điều ước quốc tế cụ thể, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã ký.

2. Điều hành công việc của Ban Quản lý các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của Ủy ban Dân tộc theo chế độ thủ trưởng, quyết định và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và trước pháp luật về việc tổ chức triển khai các hoạt động và sử dụng các nguồn lực của các chương trình, dự án được giao.

3. Là chủ tài khoản của Ban Quản lý các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của Ủy ban Dân tộc; chủ động làm việc theo thẩm quyền với các bộ, ngành, địa phương, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế liên quan trong quá trình đề xuất, xây dựng, chuẩn bị và triển khai các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài và vận động, thu hút các nguồn lực ODA.

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm giao.

Điều 14. Nhân sự của Ban Quản lý các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của Ủy ban Dân tộc (PEMU)

1. Nhân sự của Ban Quản lý dự án PEMU gồm giám đốc, phó giám đốc (nếu có), kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán, thủ quỹ, chuyên viên (điều phối viên) là công chức kiêm nhiệm hoặc hợp đồng lao động, nhân viên hợp đồng lao động khác theo vị trí việc làm.

2. Giám đốc Ban Quản lý Dự án PEMU do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ. Phó Giám đốc (nếu có), Kế toán trưởng hoặc Phụ trách kế toán, Điều phối viên là công chức, viên chức kiêm nhiệm do Giám đốc Ban Quản lý Dự án PEMU đề xuất, trình lãnh đạo Ủy ban Dân tộc bổ nhiệm và miễn nhiệm. Điều phối viên và các nhân sự khác theo chế độ hợp đồng do Giám đốc Ban quản lý dự án tuyển chọn, ký hợp đồng sau khi có ý kiến của Lãnh đạo Ủy ban.

3. Giám đốc Ban Quản lý dự án PEMU chịu trách nhiệm phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho chuyên viên, nhân viên thuộc Ban Quản lý dự án.

Điều 15. Chế độ đãi ngộ

1. Chế độ đãi ngộ đối với Giám đốc Ban Quản lý Dự án PEMU và các chức danh khác của Ban Quản lý Dự án PEMU làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc biệt phái thực hiện theo các quy định hiện hành có tính đến tính chất, cường độ công việc, thời gian thực tế để đảm bảo khuyến khích các cán bộ, công chức có năng lực làm việc lâu dài và chuyên nghiệp.

2. Chế độ đãi ngộ đối với các thành viên thuê tuyển từ bên ngoài căn cứ vào tính chất công việc và năng lực, kinh nghiệm công tác, được thỏa thuận trên cơ sở hợp đồng và theo thỏa thuận với nhà tài trợ.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

2. Các nhiệm vụ quản lý và thực hiện chương trình, dự án không được quy định cho Ban Quản lý Dự án PEMU trong Quy chế này sẽ do cơ quan chủ quản hoặc chủ các chương trình, dự án thực hiện theo quy định hiện hành.

3. Giám đốc Ban quản lý các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của Ủy ban Dân tộc và Vụ trưởng, thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quy chế này.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, Ban quản lý các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài và các đơn vị liên quan có trách nhiệm báo cáo, đề xuất để Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi Quy chế này./.

 

PHỤ LỤC

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN DO BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN PEMU TRỰC TIẾP ĐIỀU PHỐI, QUẢN LÝ VÀ TRIỂN KHAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 167/QĐ-UBDT ngày 18/3/2022 Của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

I. DỰ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC THỂ CHẾ CHO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021-2030”.

Quyết định số 524/QĐ-UBDT ngày 04 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực thể chế để thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030”, do ADB viện trợ không hoàn lại.

1. Tên chương trình, dự án.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực thể chế để thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030”

Tên tiếng Anh: Technical assistance Project on “Strengthening institutional capacity for the implementation of the Master plan on socio-economic development of the ethnic minorities and mountainous areas in Vietnam, period 2021-2030”

2. Tên nhà tài trợ, đồng tài trợ.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)

3. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của chương trình, dự án.

a) Mục tiêu tổng quát:

Tăng cường năng lực thể chế của các cơ quan Chính phủ Việt Nam để góp phần thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; thông qua đó đồng bào vùng DTTS&MN được hưởng lợi từ tăng trưởng bao trùm và giảm nghèo bền vững.

b) Kết quả chính:

Đầu ra 1: Năng lực của UBDT và các cơ quan Chính phủ trong việc xây dựng chính sách được cải thiện để có thể hoạch định các cơ chế, chính sách có tính đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Đầu ra 2: Nâng lực của Ủy ban Dân tộc và các địa phương được cải thiện để có thể xác định, lựa chọn, chuẩn bị, xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư, thu hút nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng bao trùm tại vùng đồng bào DTTS&MN1; qua đó đóng góp trực tiếp vào thực hiện nhiệm vụ (d) như đã đề ra trong Nghị quyết 88/2019/QH14.

Đầu ra 3: Năng lực của Ủy ban Dân tộc và cơ quan Chính phủ được cải thiện để giám sát được tiến độ và kết quả chính trong thực hiện Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

4. Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc chương trình, dự án.

Từ tháng 01 năm 2022 đến tháng 12 năm 2025

5. Tổng vốn của chương trình, dự án.

Tổng mức vốn dự án: 2.300.000 USD (53.224,3 triệu đồng)

Trong đó:

- Vốn viện trợ không hoàn lại: 2.000.000 USD (46.282,0 triệu đồng)

- Vốn đối ứng từ ngân sách trung ương: 300.000 USD (6.942,3 triệu đồng)

6. Nguồn vốn và cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình, dự án.

a) Nguồn vốn:

Vốn đối ứng từ ngân sách trung ương (bằng tiền mặt) bao gồm: Trang thiết bị văn phòng làm việc, chi phí hội nghị, hội thảo; chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án, 01 xe ô tô 07 chỗ phục vụ khảo sát địa bàn dự án và các chi phí hợp lý khác.

Vốn đối ứng được ngân sách nhà nước cấp phát hàng năm cho Ủy ban Dân tộc theo quy định hiện hành.

b) Cơ chế tài chính:

Nguồn vốn viện trợ của Dự án này sẽ được quản lý theo quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; định mức chi của ADB và các quy định quản lý chương trình, dự án khác của ADB.

ADB sẽ trực tiếp thuê tuyển tư vấn và mua sắm theo các quy định về đấu thầu của ADB đối với nguồn vốn ODA không hoàn lại của dự án. Giải ngân thực tế cho các hoạt động khác được thực hiện thông qua hình thức Ban Quản lý Dự án ký hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ và ADB thanh toán trực tiếp cho các bên cung cấp dịch vụ.

II. DỰ ÁN “HỖ TRỢ SINH KẾ BỀN VỮNG CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ”

Quyết định số 830/QĐ-UBDT ngày 09/12/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt Văn kiện Dự án “Hỗ trợ sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) viện trợ không hoàn lại.

1. Tên chương trình, dự án.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Hỗ trợ sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số”.

Tên tiếng Anh: Technical assistance Project on “Supporting sustainable livelihoods for ethnic minorities”.

2. Tên nhà tài trợ, đồng tài trợ.

Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

3. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của chương trình, dự án.

a) Mục tiêu tổng quát:

Mục tiêu tổng quát của Dự án là để đồng bào vùng dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ thay đổi cách làm, phương thức sản xuất, hòa nhập thị trường, chuyển nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thành sản xuất lớn, hiệu quả, tạo nguồn thu để tái đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất, tăng thu nhập và nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giảm cách biệt về phát triển giữa các vùng, tạo sự đoàn kết giữa các dân tộc, góp phần ổn định an ninh, chính trị khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

b) Kết quả chính:

Đầu ra 1: Quy hoạch xây dựng các mô hình phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế có tính liên kết vùng về phát triển du lịch văn hóa bản sắc, phát triển nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ của đồng bào DTTS theo lợi thế của vùng nhằm tạo sinh kế bền vững, ổn định lâu dài cho đồng bào DTTS được xây dựng.

Đầu ra 2: Hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất đa dạng hóa sinh kế theo chuỗi giá trị có lợi thế đặc trưng của đồng bào DTTS của địa phương được xây dựng và phát triển: Hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị có lợi thế như về nông nghiệp, du lịch, thủ công mỹ nghệ... đặc trưng của đồng bào DTTS của địa phương và hỗ trợ phát triển các làng nghề thủ công truyền thông, du lịch bản sắc dân tộc... của vùng dự án.

Đầu ra 3: Hợp phần đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường năng lực cho cán bộ cho các tỉnh sử dụng vốn JICA thực hiện sinh kế bền vững nhằm tạo ra hiệu ứng cộng hưởng, phát huy hiệu quả một cách tổng hợp nhờ tác động tương hỗ lẫn nhau một cách tích cực.

4. Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc chương trình, dự án.

Từ năm 2022 đến năm 2024.

5. Tổng vốn của chương trình, dự án.

Tổng mức vốn dự án: 3.300.000 USD (76.414,8 triệu đồng)

- Vốn viện trợ không hoàn lại: 3.000.000 USD (69.468 triệu đồng)

- Vốn đối ứng từ ngân sách trung ương: 300.000 USD (6.946,8 triệu đồng)

6. Nguồn vốn và cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình, dự án.

a) Nguồn vốn:

Vốn đối ứng từ ngân sách trung ương (bằng tiền mặt) bao gồm: Trang thiết bị văn phòng làm việc, chi phí hội nghị, hội thảo; chi phí tư vấn, lao động hợp đồng, chi phí quản lý dự án và các chi phí hợp lý khác...

Vốn đối ứng được ngân sách nhà nước cấp phát hàng năm cho Ủy ban Dân tộc theo quy định hiện hành.

b) Cơ chế tài chính:

Nguồn vốn viện trợ của Dự án này sẽ được quản lý theo quy định tại Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và các quy định quản lý chương trình, dự án (nếu có/khi được áp dụng) của JICA./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 167/QĐ-UBDT năm 2022 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý các chương trình, dự án sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài của do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành

  • Số hiệu: 167/QĐ-UBDT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/03/2022
  • Nơi ban hành: Ủy ban dân tộc
  • Người ký: Hầu A Lềnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản