Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC HẢI QUAN TP. HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1669/QĐ-HQHN

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH THỦ TỤC HẢI QUAN TẠM THỜI ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, QUÁ CẢNH TẠI CHI CỤC HẢI QUAN CHUYỂN PHÁT NHANH TRỰC THUỘC CỤC HẢI QUAN TP. HÀ NỘI

CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN TP. HÀ NỘI

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

Căn cứ Thông tư số 100/2010/TT-BTC ngày 10/9/2010 của Bộ Tài chính Quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường hàng không quốc tế;

Căn cứ Thông tư số 36/2011/TT-BTC ngày 16/3/2011 của Bộ Tài chính Quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 49/2015/TT-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ Tài chính Quy định thủ tục hải quan đối với thư, gói, kiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp được chỉ định;

Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

Căn cứ Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

Căn cứ Quyết định số 1027/QĐ-BTC ngày 11/5/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ công văn số 6292/TCHQ-GSQL ngày 09/7/2015 của Tổng cục Hải quan về việc khai hải quan và sử dụng tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh;

Xét đề nghị của Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình thủ tục hải quan tạm thời đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh trực thuộc Cục Hải quan TP. Hà Nội.

Điều 2 Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký đến khi Thông tư mới thay thế Thông tư số 100/2010/TT-BTC ngày 10/9/2010 và Thông tư số 36/2011/TT-BTC ngày 16/3/2011 của Bộ Tài chính có hiệu lực;

Điều 3. Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh báo cáo về Cục Hải quan TP. Hà Nội để kịp thời điều chỉnh và tổng hợp báo cáo Tổng cục Hải quan hướng dẫn giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục GSQL-TCHQ (để b/cáo);
- Các đ/c Phó Cục trưởng;
- Lưu: VT, GSQL (3b).

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Trường

 

QUY TRÌNH

THỦ TỤC HẢI QUAN TẠM THỜI ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, QUÁ CẢNH TẠI CHI CỤC HẢI QUAN CHUYỂN PHÁT NHANH TRỰC THUỘC CỤC HẢI QUAN TP. HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1669/QĐ-HQHN ngày 27/11/2015 của Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hà Nội)

Phần I

HƯỚNG DẪN CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng:

Quy trình thủ tục này áp dụng đối với hàng hóa, thư, gói, kiện hàng xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường hàng không quốc tế, đường bộ, dịch vụ bưu chính (sau đây gọi chung là hàng hóa chuyển phát nhanh) thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh trực thuộc Cục Hải quan TP. Hà Nội (sau đây gọi là Chi cục chuyển phát nhanh) theo quy định tại Thông tư số 100/2010/TT-BTC ngày 10/9/2010, Thông tư số 36/2011/TT-BTC ngày 16/3/2011 và Thông tư số 49/2015/TT-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ Tài chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

Công chức hải quan thuộc Chi cục chuyển phát nhanh và Chi cục Hải quan sân bay.

Điều 3. Một số hướng dẫn chung trong thực hiện quy trình thủ tục hải quan tại Chi cục chuyển phát nhanh:

1. Nguyên tắc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:

a. Tại Trụ sở Chi cục chuyển phát nhanh:

a.1. Thực hiện tiếp nhận, đăng ký tờ khai hải quan do người khai hải quan khai báo trên hệ thống.

a.2. Thực hiện thủ tục hải quan đối với trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 (áp dụng đối với hàng hóa chuyển phát nhanh của các doanh nghiệp nằm trong Địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa chuyển phát nhanh đã được Tổng cục Hải quan công nhận tại Quyết định số 3668/QĐ-TCHQ ngày 11/11/2015 - sau đây gọi là Địa điểm kiểm tra tập trung).

b. Tại các Địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh ngoài cửa khẩu đã được Tổng cục Hải quan công nhận:

Thực hiện thủ tục hải quan đối với trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 (áp dụng đối với hàng hóa chuyển phát nhanh của các doanh nghiệp nằm ngoài Địa điểm kiểm tra tập trung).

2. Nguyên tắc thực hiện thủ tục hải quan trước khi chuyển hàng đến (không áp dụng đối với hàng xuất khẩu):

Công chức giám sát thực hiện:

a. Tiếp nhận bản lược khai hàng hóa, tiến hành kiểm tra việc phân luồng của doanh nghiệp, việc khai hải quan (bao gồm cả việc phân loại hàng hóa) của doanh nghiệp, quyết định ngay nội dung phải điều chỉnh.

b. Trình Lãnh đạo Chi cục ký duyệt phân luồng của doanh nghiệp (bao gồm cả trường hợp đề xuất chuyển luồng).

c. Đối với các trường hợp nghi ngờ nội dung khai báo, báo cáo Lãnh đạo Đội, trình lãnh đạo Chi cục phê duyệt để xử lý theo quy định.

d. Nếu không có nội dung khai hải quan phải điều chỉnh thì công chức hải quan thông báo ngay cho doanh nghiệp biết việc Chi cục Hải quan quyết định chấp nhận nội dung khai hải quan.

đ. Thực hiện hồi báo thông tin cho văn phòng Giám sát tại trụ sở Chi cục chuyển phát nhanh để phối hợp.

3. Nguyên tắc thực hiện thủ tục hải quan khi chuyển hàng đến (không áp dụng đối với hàng xuất khẩu):

Công chức giám sát tiếp nhận thông tin phân luồng hàng hóa, chứng từ chuyển tiếp của lô hàng (do Chi cục Hải quan sân bay lập) và xe chở hàng hóa do doanh nghiệp xuất trình; đối chiếu số ký hiệu, tình trạng niêm phong với chứng từ chuyển tiếp:

a. Nếu không phù hợp, báo cáo Lãnh đạo Chi cục, lập biên bản xử lý theo quy định.

b. Nếu phù hợp, căn cứ vào phê duyệt của Lãnh đạo Chi cục tại bảng phân luồng hàng hóa, thực hiện giám sát phân luồng hàng hóa của doanh nghiệp:

b.1. Đối với hàng hóa luồng 1: kiểm tra qua máy soi (đối với trường hợp phải kiểm tra qua máy soi) và thông quan hàng hóa

b.2. Đối với hàng hóa luồng 2, luồng 3: thực hiện tiếp thủ tục hải quan theo quy định tại Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ.

4. Đối với hàng nằm ngoài Bản lược khai hàng hóa:

Thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại Thông tư số 100/2010/TT-BTC ngày 10/9/2010, Thông tư số 36/2011/TT-BTC ngày 16/3/2011, Thông tư số 49/2015/TT-BTC ngày 14/4/2015, Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 (kiểm tra thực tế toàn bộ hàng hóa 100%).

5. Đối với hàng lạc tuyến:

a. Công chức được phân công tiếp nhận văn bản đề nghị của doanh nghiệp theo quy định để kiểm tra việc doanh nghiệp chuyển hoàn trả hàng hóa lạc tuyến đến nước gửi (nước xuất khẩu) hoặc chuyển hàng hóa lạc tuyến đến nước có địa chỉ được ghi trên bao bì (trừ hàng cấm theo quy định của pháp luật), trình Lãnh đạo Chi cục phê duyệt.

b. Lập hồ sơ chuyển tiếp gửi doanh nghiệp để làm thủ tục hoàn trả và thực hiện giám sát hải quan đối với trường hợp này.

6. Đối với hàng hóa thu gom ngoài lãnh thổ được chia chọn để chuyển tiếp đi quốc tế:

Công chức giám sát thực hiện theo quy định tại Chương III, Thông tư số 49/2015/TT-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ Tài chính.

Điều 4. Công tác phối hợp:

Đảm bảo công tác phối hợp chặt chẽ giữa Chi cục chuyển phát nhanh với Chi cục Hải quan sân bay và giữa Chi cục chuyển phát nhanh với các đơn vị khác trong Cục Hải quan TP. Hà Nội trong quá trình thực hiện quy trình thủ tục này.

Phần II

QUY TRÌNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Điều 5. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu lưu giữ tại Địa điểm kiểm tra tập trung:

Thực hiện theo Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi là Quy trình 1966).

Điều 6. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu lưu giữ ngoài Địa điểm kiểm tra tập trung:

1. Đối với hàng hóa xuất khẩu:

a. Trường hợp miễn kiểm tra thực tế hàng hóa:

Công chức hải quan tại trụ sở Chi cục chuyển phát nhanh thực hiện theo quy định tại Quy trình 1966.

b. Trường hợp kiểm tra thực tế hàng hóa:

b.1. Trách nhiệm của công chức hải quan tại trụ sở Chi cục chuyển phát nhanh:

Thực hiện theo quy định tại Quy trình 1966 (không thực hiện: kiểm tra thực tế hàng hóa và thu thuế, lệ phí).

b.2. Trách nhiệm của công chức tại điểm lưu giữ hàng hóa:

- Thực hiện theo quy định tại Quy trình 1966 (thực hiện: kiểm tra thực tế hàng hóa và thu thuế, lệ phí).

- Lập Biên bản và xử lý vi phạm (nếu có).

- Trường hợp đủ điều kiện xuất khẩu: Công chức giám sát thực hiện niêm phong xe chuyên dụng và lập hồ sơ chuyển tiếp giao cho doanh nghiệp, chủ hàng chuyển tới cửa khẩu xuất để làm thủ tục; kiểm tra tờ khai đủ điều kiện qua khu vực giám sát, thực hiện thủ tục xác nhận hàng qua khu vực giám sát để vận chuyển lên cửa khẩu xuất, đồng thời phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khấu xuất theo dõi tuyến đường đi, địa điểm đến, thời gian vận chuyển hàng hóa.

- Trường hợp không đủ điều kiện xuất khẩu: Công chức kiểm hóa báo cáo Lãnh đạo Đội, Lãnh đạo Chi cục, thông báo lý do hàng hóa không đủ điều kiện xuất khẩu (trừ hàng hóa là mặt hàng cấm xuất khẩu phải xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật).

b.3. Trường hợp phải điều chỉnh thông tin và bổ sung hồ sơ trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa thì tùy từng trường hợp mà hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục theo quy định.

2. Đối với hàng hóa nhập khẩu:

a. Trường hợp miễn kiểm tra thực tế hàng hóa:

Công chức hải quan tại trụ sở Chi cục chuyển phát nhanh thực hiện theo quy định tại Quy trình 1966.

b. Trường hợp kiểm tra thực tế hàng hóa:

b.1. Trách nhiệm của công chức hải quan tại trụ sở Chi cục chuyển phát nhanh:

Thực hiện theo quy định tại Quy trình 1966 (không thực hiện: kiểm tra thực tế hàng hóa và thu thuế, lệ phí).

b.2. Trách nhiệm của công chức tại điểm lưu giữ hàng hóa:

- Thực hiện theo quy định tại Quy trình 1966 (thực hiện: kiểm tra thực tế hàng hóa và thu thuế, lệ phí).

- Lập Biên bản và xử lý vi phạm (nếu có).

- Trường hợp đủ điều kiện nhập khẩu: Công chức giám sát kiểm tra tờ khai đủ điều kiện qua khu vực giám sát, thực hiện thủ tục xác nhận hàng qua khu vực giám sát.

- Trường hợp không đủ điều kiện nhập khẩu: Công chức kiểm hóa báo cáo Lãnh đạo Đội, Lãnh đạo Chi cục, thông báo lý do hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu (trừ hàng hóa là mặt hàng cấm xuất khẩu phải xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật).

b.3. Trường hợp phải điều chỉnh thông tin và bổ sung hồ sơ trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa thì tùy từng trường hợp mà hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục theo quy định.

Phần III

QUY TRÌNH THỦ TỤC HẢI QUAN GIẤY ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Điều 7. Cấp số tờ khai:

Công chức thực hiện chức năng “Cấp số tờ khai” trên hệ thống E-Customs V5 và thông báo số tờ khai cho doanh nghiệp để làm thủ tục hải quan đối với tờ khai giấy.

Điều 8. Quy trình thủ tục hải quan:

1. Đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu không có thuế:

a. Công chức được phân công kiểm tra hồ sơ, đối chiếu thông tin khai báo trên bảng kê và mở sổ theo dõi.

b. Kiểm tra hàng hóa qua máy soi (đối với trường hợp phải kiểm tra qua máy soi):

b.1. Trường hợp kết quả kiểm tra phù hợp, thông quan hàng hóa và lưu giữ hồ sơ theo quy định.

b.2. Trường hợp có nghi ngờ, kiểm tra thực tế hàng hóa bằng phương pháp thủ công và thực hiện tiếp các bước theo quy định.

2. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có thuế:

a. Công chức được phân công kiểm tra hồ sơ, xử lý tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015.

b. Công chức kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015.

c. Thu thuế, lệ phí tại Trụ sở Chi cục chuyển phát nhanh /Điểm lưu giữ hàng hóa ngoài Địa điểm kiểm tra tập trung; thông quan, giải phóng hàng xuất khẩu, nhập khẩu và trả tờ khai theo quy định.

Phần IV

QUY TRÌNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CHUYỂN CỬA KHẨU

Điều 9. Đối với hồ sơ giấy:

Thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại Thông tư số 100/2010/TT-BTC ngày 10/9/2010 và Thông tư số 36/2011/TT-BTC ngày 16/3/2011 của Bộ Tài chính.

Điều 10. Đối với hồ sơ điện tử:

Thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015, Thông tư số 49/2015/TT-BTC ngày 14/4/2015 và công văn số 10169/BTC-TCHQ ngày 27/7/2015 của Bộ Tài chính.

Phần V

QUY TRÌNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA QUÁ CẢNH

Điều 11. Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh:

1. Tiếp nhận, kiểm tra bản kê hàng hóa do doanh nghiệp lập.

2. Thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh theo quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ và Thông tư số 36/2011/TT-BTC ngày 16/3/2011 của Bộ Tài chính.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1669/QĐ-HQHN năm 2015 về Quy trình thủ tục hải quan tạm thời đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh trực thuộc Cục Hải quan thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 1669/QĐ-HQHN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/11/2015
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Văn Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/11/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản