Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1669/2007/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 14 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI KIỂM TRA LIÊN NGÀNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH ngày 26/7/2003;

Căn cứ Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 08/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm;

Căn cứ Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm;

Căn cứ Quyết định số 1137/2004/QĐ-UB ngày 19/7/2007 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành về Quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Kạn;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 672/TT-SYT ngày 23/8/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về Quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Giám đốc Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Y tế; Giám đốc Sở Công nghiệp - Khoa học và Công nghệ; Giám đốc Công an tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường; Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành viên Đội kiểm tra liên ngành về Quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Kạn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Thị Tảo

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI KIỂM TRA LIÊN NGÀNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1669/2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Kạn (sau đây gọi là Đội kiểm tra liên ngành).

Điều 2. Đội kiểm tra liên ngành hoạt động dưới sự điều hành của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Kạn.

Điều 3.

1. Thường trực Đội kiểm tra liên ngành đặt tại khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng - Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn.

2. Các thành viên của Đội kiểm tra liên ngành hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

Chương II

CƠ CẤU TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 4. Tổ chức hoạt động:

1. Đội kiểm tra liên ngành được thành lập theo Quyết định số 1137/QĐ-UBND ngày 19/7/2007 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh.

2. Đội kiểm tra liên ngành gồm: 01 Đội trưởng; 01 Đội phó, 01 thư ký và các thành viên là cán bộ thuộc Sở Y tế, Công an tỉnh, Chi Cục quản lý thị trường tỉnh, Sở Công nghiệp - Khoa học và công nghệ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trên cơ sở đề nghị của các sở, ngành thành viên.

3. Thành viên Đội kiểm tra liên ngành đi công tác, học tập từ 3 tháng trở lên hoặc có thay đổi về nhân sự thì cơ quan chủ quản phải thông báo và cử người thay thế bằng văn bản cho Đội trưởng và Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh.

Điều 5. Trách nhiệm của Đội trưởng, Đội phó và các thành viên Đội kiểm tra liên ngành:

1. Đội trưởng Đội kiểm tra liên ngành:

a) Xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng năm và theo từng đợt kiểm tra, báo cáo theo kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong đội kiểm tra thực hiện theo yêu cầu nội dung hoặc công việc cụ thể.

b) Tổ chức kiểm tra theo kế hoạch và theo yêu cầu (nếu có).

c) Trực tiếp điều hành các cuộc kiểm tra. Quyết định biện pháp xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình kiểm tra.

d) Tổ chức rút kinh nghiệm hoạt động của Đội kiểm tra, nhận xét, đề nghị khen thưởng hoặc xử lý vi phạm đối với các thành viên trong đội kiểm tra. Bàn giao hồ sơ cho các cơ quan chức năng khi cần.

2. Đội phó Đội kiểm tra liên ngành chịu trách nhiệm trước Đội trưởng, có các nhiệm vụ sau:

a) Giúp Đội trưởng thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và theo sự phân công của Đội trưởng.

b) Thay mặt đội trưởng điều hành công việc khi được uỷ quyền.

3. Các thành viên của Đội kiểm tra liên ngành:

a) Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành, từng thành viên thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch và chấp hành sự phân công của Đội trưởng.

b) Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Đội trưởng đối với phần việc được giao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Điều 6. Nhiệm vụ của Đội kiểm tra liên ngành:

1. Xây dựng kế hoạch kiểm tra VSATTP vào dịp tết Nguyên đán, tết Trung thu để trình Ban chỉ đạo phê duyệt; Tiến hành kiểm tra khi có yêu cầu đột xuất của Sở Y tế, Công an tỉnh, Chi Cục quản lý thị trường, Sở Công nghiệp - Khoa học và công nghệ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, UBND các cấp hoặc các cá nhân, tổ chức yêu cầu.

2. Tiến hành kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở cung cấp nguyên liệu chế biến thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Kiểm nghiệm nhanh tại chỗ và lấy mẫu thực phẩm chuyển về Trung tâm Y tế dự phòng hoặc Cục vệ sinh an toàn thực phẩm để kiểm nghiệm khi cần kiểm tra.

4. Xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các cơ sở thực phẩm không thực hiện các quy định pháp luật về VSATTP, về thương mại và các văn bản pháp luật hiện hành khác có liên quan.

5. Tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ cơ sở thực phẩm thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về VSATTP.

6. Lập và lưu giữ các biên bản kiểm tra liên ngành; định kỳ báo cáo kết quả các đợt kiểm tra cho lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và cơ quan liên quan biết.

7. Tham mưu cho thường trực Ban chỉ đạo về công tác quản lý chất lượng VSATTP trên địa bàn tỉnh.

Điều 7. Quyền hạn của Đội kiểm tra liên ngành về Quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Kạn.

1. Yêu cầu chủ các cơ sở thực phẩm xuất trình các giấy tờ, hồ sơ có liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc quyền quản lý.

2. Tiến hành kiểm tra vệ sinh cơ sở, vệ sinh cá nhân, vệ sinh thiết bị, dụng cụ. Lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm nhanh tại chỗ và chuyển về Trung tâm Y tế dự phòng hoặc cơ quan kiểm nghiệm tuyến trung ương để kiểm nghiệm.

3. Lập biên bản khi phát hiện hành vi vi phạm Pháp luật và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền; trường hợp vi phạm vượt quá thẩm quyền của Đội kiểm tra liên ngành thì phải chuyển biên bản, tài liệu liên quan, tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có) đến cơ quan thẩm quyền xử lý.

Chương III

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC KIỂM TRA

Điều 8. Đội kiểm tra liên ngành xây dựng kế hoạch kiểm tra và chế độ thông tin, báo cáo của đợt kiểm tra theo kế hoạch, báo cáo sơ kết 6 tháng, báo cáo tổng kết năm và gửi báo cáo cho các ngành thành viên.

Điều 9. Khi thực hiện nhiệm vụ phải có đủ thành phần, trường hợp vắng thì không được vắng quá 3 người, các thành viên còn lại phải có Đội trưởng hoặc Đội phó.

Điều 10. Khi tiến hành kiểm tra, thành viên Đội kiểm tra liên ngành phải xuất trình thẻ kiểm tra do Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp (có mẫu thẻ kèm theo); mặc sắc phục theo quy định của ngành thành viên; Đội trưởng hoặc Đội phó công bố Quyết định kiểm tra và yêu cầu đối tượng được kiểm tra chấp hành theo hướng dẫn của Đội kiểm tra liên ngành.

Điều 11. Đội trưởng và các thành viên Đội kiểm tra liên ngành chấp hành nghiêm chỉnh các quy định trong Pháp lệnh Cán bộ công chức; Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng và các quy định pháp luật có liên quan khác.

Điều 12. Biên bản kiểm tra sử dụng con dấu của Thanh tra Sở Y tế.

Điều 13. Kết thúc kiểm tra, giao biên bản, hồ sơ, mẫu thực phẩm cho Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để tổng hợp, kiểm nghiệm và lưu trữ.

Chương IV

KINH PHÍ VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 14. Kinh phí hỗ trợ khi làm nhiệm vụ:

Các thành viên làm nhiệm vụ được hưởng kinh phí hỗ trợ theo chế độ hiện hành. Nguồn kinh phí được chi từ chương trình mục tiêu đảm bảo chất lượng VSATTP. Nếu làm thêm ngoài giờ thì được thanh toán chế độ ngoài giờ theo quy định hiện hành.

Điều 15. Xử lý tiền thu phạt vi phạm hành chính:

1. Toàn bộ số tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp vào ngân sách tỉnh qua hệ thống Kho Bạc Nhà nước, để bổ sung vào kinh phí hoạt động về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Giao Giám đốc Sở Y tế và Giám đốc Sở Tài chính quản lý kinh phí trên và duyệt chi cho công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, khen thưởng, phương tiện làm việc, công tác phí, phục vụ hội nghị sơ kết, tổng kết... đảm bảo hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Kạn.

Điều 16. Quan hệ công tác:

1. Các thành viên trong đội chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của sở, ngành và đơn vị chủ quản: Sở Y tế, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, Sở công nghiệp - Khoa học và công nghệ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

2. Đội kiểm tra thực hiện nhiệm vụ ở địa phương nào thì tuỳ theo tình hình thực tế có thể mời đại diện UBND, cơ quan chuyên môn cấp đó cùng phối hợp tham gia.

Chương V

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Khen thưởng:

Tập thể hoặc mỗi cá nhân trong Đội kiểm tra liên ngành có thành tích xuất sắc trong hoạt động Đội kiểm tra liên ngành về quản lý, chất lượng VSATTP được xét khen thưởng theo quy định hiện hành.

Điều 18. Xử lý vi phạm:

1. Các thành viên trong đội vi phạm trong khi thi hành nhiệm vụ tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật.

2. Trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 19. Điều khoản thi hành:

1. Thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình có trách nhiệm cử cán bộ tham gia và phối hợp thực hiện quy chế này.

2. Giám đốc Sở Y tế thống nhất với các ngành thành viên hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì phát sinh cần sửa đổi cho phù hợp thì phải kịp thời trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.

 

MẪU THẺ THÀNH VIÊN ĐỘI KIỂM TRA

- Kích thước: Hình chữ nhật, dài 8cm, rộng 5,5cm, ảnh 2x3cm có đóng dấu của UBND tỉnh.

- Màu sắc: Màu xanh lơ, chữ đen, riêng chữ THẺ KIỂM TRA, màu đỏ có biểu tượng con rắn quấn xung quanh chiếc ly.

- Thẻ có giá trị sử dụng trong 3 năm kể từ ngày cấp.

- Nội dung: Như mẫu dưới đây:

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1669/2007/QĐ-UBND Quy chế về tổ chức và hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về Quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu: 1669/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/09/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Hoàng Thị Tảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/09/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản