Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 166/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 9 tháng 8 năm 1985 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH TẠM THỜI VIỆC MUA BÁN, TRAO ĐỔI, GIA CÔNG KÝ GỞI HÀNG HÓA CỦA CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG, TỈNH, THÀNH PHỐ BẠN HOẠT ĐỘNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC ĐƠN VỊ THUỘC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG BẠN”.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983;
Căn cứ yêu cầu mua bán, trao đổi, gia công, ký gởi hàng hóa giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố bạn, các ngành của Trung ương và yêu cầu cải tạo, tổ chức lại thị trường thành phố,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này, bản “Quy định tạm thời việc mua bán, trao đổi, gia công, ký gởi hàng hóa của các đơn vị kinh tế Trung ương, tỉnh, thành phố bạn hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị thuộc thành phố Hồ Chí Minh tại các địa phương bạn”.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Các văn bản của Ủy ban Nhân dân thành phố trước đây trái với quy định này đều được bãi bỏ.
Điều 3: Các đ/c ChánhVăn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thuộc thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các Quận, Huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIỆC MUA BÁN, TRAO ĐỔI, GIA CÔNG, KÝ GỞI HÀNG HÓA CỦA CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG, TỈNH, THÀNH PHỐ BẠN ĐÓNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC ĐƠN VỊ THUỘC TP HỒ CHÍ MINH TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG BẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 166/QĐ-UB ngày 9-8-1985 của Ủy ban Nhân dân thành phố)
Để thắt chặt mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố bạn và các ngành của Trung ương về trao đổi, mua bán, gia công, ký gởi hàng hóa, hỗ trợ nhau trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh công tác cải tạo và tổ chức lại thị trường, củng cố lại trật tự mới trong khâu phân phối lưu thông, quản lý tốt giá cả, chất lượng hàng hóa và quỹ hàng hóa của thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố quy định việc mua bán, trao đổi, gia công, ký gởi hàng hóa giữa các đơn vị kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh với các ngành của Trung ương và các tỉnh, thành phố bạn như sau:
I. CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ BẠN:
1. Các đơn vị kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã, các công ty ngoại thương…) khi đến tỉnh, thành phố bạn để quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa, phải có giấy giới thiệu của Sở chủ quản, công ty trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố, hoặc Ủy ban Nhân dân quận huyện (đối với cơ sở của quận, huyện) và phải ghi rõ nội dung, thời hạn của việc quan hệ, trao đổi mua bán hàng hóa.
2. Mọi quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với các đơn vị kinh tế của tỉnh, thành phố bạn hoặc cơ quan đơn vị thuộc Trung ương phải có hợp đồng kinh tế và hợp đồng phải được sự chấp thuận của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố bạn (hoặc cơ quan được Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố bạn ủy quyền). Trường hợp các đơn vị của thành phố Hồ Chí Minh cần sử dụng tư nhân trong khâu nghiệp vụ giao nhận, thu gom hàng phải được sự chấp thuận của chánh quyền địa phương bạn. Không được sử dụng tư nhân làm đại diện ký hợp đồng kinh tế hoặc để tư nhân lợi dụng danh nghĩa của cơ quan mua bán trao đổi hàng.
3. Khi đến tỉnh, thành phố bạn quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa, các đơn vị của thành phố phải nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định về quản lý thị trường, về giá cả v.v… của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố bạn.
4. Nếu trong quá trình quan hệ mua bán, trao đổi có phát sinh thêm những yêu cầu ngoài danh mục hàng hóa đã ký trong hợp đồng phải làm phụ lục bổ sung và phải được chấp thuận như hợp đồng chính.
5. Trường hợp cần lập Trạm trung chuyển, giao nhận hàng hóa tại tỉnh, thành phố bạn phải được phép của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố bạn.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ CỦA CÁC NGÀNH TRUNG ƯƠNG VÀ CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ BẠN ĐÓNG VÀ HOẠT ĐỘNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
1. Các tổ chức kinh tế của các ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố bạn đóng và hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh phải có công văn giới thiệu của cơ quan chủ quản và phải được Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho phép.
Các đơn vị này phải chấp hành đầy đủ những thủ tục về quản lý hộ khẩu và những quy định chánh quyền quận, huyện, phường, xã nơi đơn vị đặt trụ sở.
Nếu các đơn vị này cần sử dụng người của thành phố làm nhân viên cho mình, phải theo các thủ tục tuyển chọn lao động của Sở Lao động thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đại diện các tổ chức kinh tế của các tỉnh, thành phố bạn đóng tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ được làm nhiệm vụ giao dịch và tổ chức giao nhận hàng hóa theo hợp đồng kinh tế đã ký kết theo quy định.
Nếu dùng địa bàn thành phố để giao nhận hàng thì cả hai đơn vị giao nhận phải có giấy tờ hợp lệ, phải tuân thủ các quy định về tài chánh, ngân hàng, hải quan tại thành phố… Chịu sự kiểm soát về mặt hành chánh của các cơ quan chức năng tại thành phố.
3. Tất cả đơn vị kinh tế của tỉnh, thành phố bạn, các ngành của trung ương có hàng đều không được bán trực tiếp cho tư nhân tại thành phố mà phải cho các đơn vị thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã và phải lập hợp đồng kinh tế được cơ quan chủ quản cấp sở (thành phố) và Ủy ban Nhân dân quận, huyện (cấp quận, huyện) duyệt.
Các đơn vị kinh tế của tỉnh, thành phố bạn và Trung ương đóng tại thành phố Hồ Chí Minh không được tổ chức thu mua hàng nông sản thực phẩm tại thành phố để chế biến hoặc xuất khẩu; không được dùng tư nhân ở thành phố mua gom hàng và gia công chế biến hàng xuất khẩu. Trường hợp cần sử dụng tay nghề của tư nhân tại thành phố để chế biến hàng lấy từ nguyên liệu tỉnh vận chuyển đến phải có giấy phép của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Các tổ chức cơ sở gia công chế biến xuất khẩu ở thành phố cũng không được phép nhận thu mua ủy thác cho các đơn vị kinh tế của tỉnh, thành phố bạn và cơ quan ngành Trung ương tại thị trường thành phố.
Mọi sự vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Các tỉnh, thành phố bạn, các ngành của Trung ương cần lập kho chứa hàng tại thành phố Hồ Chí Minh và phải báo rõ địa điểm, danh mục mặt hàng tổng quát và được Sở Quản lý nhà đất và công trình công cộng thành phố chấp thuận và báo cho Ủy ban Nhân dân quận, huyện, phường, xã sở tại để có trách nhiệm bảo vệ. Những hàng hóa trong kho phải có đầy đủ chứng từ hợp lệ. Những hàng hóa chưa lập xong chứng từ phải được Giám đốc công nhận, thủ kho ghi vào thẻ kho tạm và trong thời hạn 3 ngày phải lập chứng từ hợp lệ.
Không thu thuế hàng hóa của các tỉnh, thành phố bạn quá cảnh ngang Thành phố Hồ Chí Minh hoặc nhận của cấp 1 theo kế hoạch, nhưng phải có đầy đủ hợp đồng và hóa đơn xuất kho của đơn vị bán hàng. Số hàng này, khi đưa ra khỏi thành phố, phải có giấy phép vận chuyển của Ủy ban Nhân dân Thành phố (hoặc sở, ngành được ủy quyền) cấp, không được dùng phiếu xuất kho từ các kho thuê của thành phố để vận chuyển hàng ra khỏi thành phố.
III. VIỆC MUA BÁN, TRAO ĐỔI HÀNG HÓA GIỮA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
1. Việc mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các công ty, ngành hàng cấp thành phố với các đơn vị kinh tế cấp quận, huyện và giữa các ngành, các quận, huyện với nhau đều phải có công văn giới thiệu của đơn vị mình (không được sử dụng giấy giới thiệu in sẵn) phải lập qua hợp đồng kinh tế khi vận chuyển hàng phải mang theo hợp đồng và các hóa đơn, chứng từ xuất hàng hợp lệ của đơn vị bán hàng.
2. Hợp tác xã mua bán các phường, xã nội ngoại thành được phép mua hàng của các công ty, cửa hàng thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã mua bán và các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc các cấp của thành phố để về bán lẻ trong địa bàn hoạt động của phường, xã mình. Cấm việc đi mua hàng nơi này đem bán trao tay cho nơi khác để thu chênh lệch giá.
3. Sản phẩm do sản xuất phụ gia đình của nội thành và của nông dân ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh sau khi làm nghĩa vụ và giao nộp sản phẩm theo hợp đồng hai chiều với Nhà nước, được đem bán tại thị trường trong thành phố không phải nộp một khoản thuế nào nhưng phải xin giấy phép vận chuyển hàng của Ủy ban Nhân dân địa phương (Sở thương nghiệp hướng dẫn Ủy ban Nhân dân phường, xã làm giấy phép vận chuyển gọn, bảo đảm thuận lợi cho dân).
IV. VỀ VIỆC GIA CÔNG SẢN XUẤT HÀNG HÓA
1. Các đơn vị kinh tế của tỉnh, thành phố bạn và trung ương có nguyên liệu, vật tư cần gia công tại thành phố Hồ Chí Minh đều phải lập hợp đồng kinh tế theo quy định.
Hợp đồng phải được sở, công ty chủ quản cấp thành phố duyệt (Ủy ban Nhân dân quận, huyện duyệt hợp đồng gia công đối với các đơn vị thuộc quận, huyện quản lý), khi xuất thành phẩm đưa về địa phương phải có giấy phép vận chuyển của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (hoặc sở, ngành được ủy quyền).
2. Giá gia công do hai đơn vị thỏa thuận và phải được Ủy ban Vật giá thành phố duyệt mới có giá trị thanh toán.
3. Riêng các hợp đồng gia công sản xuất các loại thiết bị, máy móc thì khách hàng phải thông qua sở chủ quản (cấp thành phố) hoặc Ủy ban Nhân dân quận huyện (cấp quận, huyện) để được giới thiệu đến ký hợp đồng tại cơ sở sản xuất. Hợp đồng ký xong phải được sở chủ quản hoặc Ủy ban Nhân dân quận, huyện duyệt.
V. VỀ VIỆC TRAO ĐỔI ĐỐI LƯU HÀNG HÓA
Các đơn vị kinh tế của tỉnh, thành phố bạn và trung ương đến thành phố Hồ Chí Minh để trao đổi, đối lưu hàng hóa với các đơn vị kinh tế của thành phố đều phải lập hợp đồng kinh tế cụ thể.
Hợp đồng phải được sở, công ty chủ quản cấp thành phố phê duyệt. Đối với các đơn vị, cơ sở quận, huyện thì phải được Ủy ban Nhân dân quận, huyện chấp thuận và sở, công ty chủ quản cấp thành phố phê duyệt.
Muốn thay đổi, bổ sung danh mục hàng hóa đã quy định trong hợp đồng cũng phải theo những quy định nêu trên.
Khi xuất hàng hóa đưa về địa phương phải có giấy phép vận chuyển do Ủy ban Nhân dân thành phố cấp.
Các hợp đồng bán nguyên liệu mua thành phẩm với tiểu thủ công nghiệp phải được Sở Thương nghiệp giới thiệu đến cơ sở và phải ký kết hợp đồng kinh tế được phê duyệt theo quy định nêu trên.
VI. VỀ VIỆC MUA BÁN HÀNG HÓA
Việc bán hàng hóa cho các tỉnh và đơn vị trung ương do ngành thương nghiệp quốc doanh thành phố đảm nhiệm thông qua các công ty thương nghiệp cấp 2. Hợp đồng kinh tế phải được Sở Thương nghiệp phê duyệt. Khi đưa hàng hóa về địa phương phải có giấy phép vận chuyển của Ủy ban Nhân dân thành phố (hoặc Sở Thương nghiệp được ủy quyền).
Các đơn vị kinh tế của tỉnh, thành phố bạn và trung ương muốn mua hàng hóa tiểu thủ công nghiệp sản xuất phải được Sở Thương nghiệp giới thiệu đến cơ sở. Hợp đồng kinh tế phải được Ủy ban Nhân dân quận, huyện chấp thuận và Sở Thương nghiệp phê duyệt.
Khi mua hàng hóa của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, bên mua phải ứng cho cơ sở một lượng tiền mặt (tối thiểu là 50% trị giá hợp đồng) để mua nguyên liệu sản xuất và trả lương cho người lao động.
VII. VỀ VIỆC KÝ GỞI HÀNG HÓA
Hàng hóa ký gởi của tỉnh, thành phố bạn và các đơn vị trung ương được quy định như sau:
Hàng hóa ký gởi là hàng nông sản, thực phẩm. Không nhận bán ký gởi hàng công nghệ phẩm, hàng nhập khẩu.
Sau khi hàng ký gởi đã bán xong, bên có hàng ký gởi được thanh toán 50% tiền mặt (nếu có yêu cầu).
Hàng nhập của các đơn vị xuất nhập khẩu thành phố và cung ứng xuất khẩu thành phố và cung ứng xuất nhập khẩu quận huyện của thành phố Hồ Chí Minh được ký gởi bán bình thường ở các cửa hàng, công ty thương nghiệp.
Các Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp thành phố và các quận huyện được thành lập một số cửa hàng để nhận hàng ký gởi của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Mỗi quận, huyện được tổ chức một cửa hàng ký gởi của Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp. Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp thành phố được tổ chức 1 đến 2 cửa hàng trung tâm ký gởi.
Hàng ký gởi là loại hàng mẫu, đang thử nghiệm, đang chào hàng để nghiên cứu thị hiếu của khách hàng, phải bảo đảm chất lượng tiêu dùng, theo đúng giá niêm yết và phải nộp thuế hàng hóa khi xuất xưởng. Cửa hàng không được nhận hàng ký gởi mang tính chất mua bán thông thường.
Các cửa hàng thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán cũng được nhận hàng ký gởi của ngành Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp nhưng phải chấp hành các quy định nêu trên.
VIII. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Những tranh chấp trong quá trình thực hiện các hợp đồng kinh tế do cơ quan Trọng tài kinh tế xét xử theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Sở chủ quản và Ủy ban Nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm kiểm tra và đôn đốc việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.
3. Ngân hàng Nhà nước thành phố và Ngân hàng quận, huyện chịu trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành quy định về mua bán, gia công, trao đổi đối lưu, ký gởi hàng hóa thông qua công tác tín dụng, thanh toán:
- Đối với hợp đồng gia công chỉ cho thanh toán qua Ngân hàng số tiền gia công.
- Hợp đồng trao đổi, đối lưu hàng hóa: Tổng trị giá hàng mua lại không được thấp hơn 20% tổng trị giá hàng bán đi.
- Đối với hợp đồng mua bán của các đơn vị kinh tế của tỉnh, thành phố bạn và trung ương với cơ sở tiểu thủ công nghiệp chỉ cho thanh toán qua Ngân hàng tối đa 50% trị giá hợp đồng.
4. Hàng tháng, quý, năm, Cục Thống kê thành phố và Ngân hàng Nhà nước thành phố tổng hợp tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế để báo cáo với Ủy ban Nhân dân Thành phố.
5. Quy định này được phổ biến đến các Sở, Ban, Ngành, quận, huyện, đơn vị, cơ sở và các đơn vị kinh tế của thành phố, tỉnh bạn, trung ương đóng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Quyết định 166/QĐ-UB năm 1985 Quy định tạm thời việc mua bán, trao đổi, gia công, ký gởi hàng hóa của các đơn vị kinh tế Trung ương, tỉnh, thành phố bạn hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị thuộc thành phố Hồ Chí Minh tại các địa phương bạn do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 166/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/08/1985
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra