Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1606/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 20 tháng 7 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG CỦA DỰ ÁN KHAI THÁC CÁT XÂY DỰNG TRÊN SÔNG ĐA DÂNG TẠI CÁC XÃ ĐẠ ĐỜN VÀ PHÚ SƠN, HUYỆN LÂM HÀ, TỈNH LÂM ĐỒNG.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;

Theo đề nghị của Hội đồng thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường dự án Khai thác cát xây dựng trên sông Đa Dâng tại các xã Đạ Đờn và Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 442/TTr-STNMT ngày 14/7/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường dự án Khai thác cát xây dựng trên sông Đa Dâng tại các xã Đạ Đờn và Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng (sau đây gọi là Dự án) của Công ty TNHH An Hòa (sau đây gọi là Chủ dự án) với các nội dụng cụ thể sau:

1. Giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường:

a) Khu vực khai trường khai thác (2,687 ha): Gia cố vị trí bờ sông có khả năng bị sạt lở (tổng chiều dài khoảng 100 m) bằng cách đóng hai hàng cọc gỗ tràm so le cách nhau 0,5 m, tại mỗi hàng các cọc cách nhau 0,2 m, cọc dài 4 m đóng sâu vào đất khoảng 1,5 m đến 3 m (tùy từng vị trí), đổ đất sét để gia cố giữa hai hàng cọc.

b) Khu vực sân công nghiệp (0,8154 ha):

- Đối với trang thiết bị khai thác: Kéo tàu hút cát lên bờ và vận chuyển khỏi khu vực dự án.

- Đối với hố lắng bùn: Lấp hố lắng với khối lượng 72 m3.

- San gạt bãi tập kết với diện tích 7.754 m2.

c) Thường xuyên duy tu, sửa chữa, cải tạo tuyến đường vận chuyển.

(Chi tiết tại phương án đã được phê duyệt kèm theo).

2. Thời gian cải tạo, phục hồi môi trường: Theo Bảng tổng hợp tiến độ thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường của dự án.

3. Dự toán kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường và phương thức ký quỹ:

a) Tổng kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường là 55.188.760 đồng (năm mươi lăm triệu, một trăm tám mươi tám nghìn, bảy trăm sáu mươi đồng); số lần ký quỹ là 26 lần; trong đó:

- Số tiền ký quỹ lần đầu là 8.278.314 đồng; thời gian nộp trước khi đưa mỏ vào khai thác 30 (ba mươi) ngày;

- Số tiền ký quỹ từ năm thứ 2 đến năm thứ 26: số tiền nộp hàng năm là 1.876.417 đồng; thời gian nộp: trước ngày 30 tháng 01 hàng năm.

- Số tiền nêu trên chưa bao gồm yếu tố trượt giá sau năm 2017.

b) Đơn vị nhận ký quỹ: Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Chủ dự án có trách nhiệm thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; những nội dung trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường và những yêu cầu bắt buộc sau đây:

1. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, ứng phó sự cố môi trường; đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về chất lượng các thành phần môi trường đất, nước, không khí; thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo đúng quy định hiện hành trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường.

2. Lập hồ sơ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để được kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành từng phần (nếu có) và toàn bộ phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt theo đúng quy định tại các Điều 16 và 20, Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình khai thác và triển khai các công trình cải tạo, phục hồi môi trường của dự án.

Điều 3. Chủ dự án phải tuân thủ nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường, chế độ thông tin, báo cáo về việc thực hiện nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt theo các yêu cầu của Quyết định này và Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Điều 4. Phương án cải tạo, phục hồi môi trường của Dự án và những yêu cầu bắt buộc tại Điều 2Điều 3 Quyết định này là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xác nhận thực hiện công tác ký quỹ và cải tạo, phục hồi môi trường của Chủ dự án.

Điều 5. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có những thay đổi về nội dung phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt, tổ chức, cá nhân phải có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền và chỉ được thực hiện những thay đổi đó sau khi có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Điều 6. Ủy nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với UBND huyện Lâm Hà kiểm tra, giám sát thực hiện các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt; công tác bảo vệ môi trường trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường và các yêu cầu tại Điều 2 Quyết định này.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Sở TNMT;
- UBND huyện Lâm Hà;
- Lưu: VT, MT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1606/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường dự án Khai thác cát xây dựng trên sông Đa Dâng tại xã Đạ Đờn và Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 1606/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Phạm S
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản