THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 160/1998/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
NGÀY 04 THÁNG 9 NĂM 1998 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HỌACH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP GIẤY ĐẾN NĂM 2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Điều lệ Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 42/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 và Nghị định số 92/CP ngày 23 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ Công nghiệp (công văn số 1178/TT-KHĐT ngày 18 tháng 4 năm 1998) và Báo cáo thẩm định của Bộ Kế họach và Đầu tư (công văn số 5788/BKH-CN-VPTĐ ngày 19 tháng 8 năm 1998),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy họach tổng thể phát triển ngành Công nghiệp Giấy Việt Nam đến năm 2010 do Bộ Công nghiệp lập, theo các nội dung chính sau đây:
1. Mục tiêu:
Mục tiêu phát triển của ngành Công nghiệp Giấy đến năm 2010 là khai thác và phát triển các nguồn lực sản xuất, đảm bảo 85% - 90% nhu cầu tiêu dùng trong nước, từng bước tham gia hội nhập khu vực. Đổi mới thiết bị và hiện đại hóa công nghệ, kết hợp hài hòa giữa đầu tư xây dựng mới với đầu tư chiều sâu, mở rộng các cơ sở hiện có, phát triển vùng nguyên liệu, cân đối giữa tiêu dùng và sản xuất, xuất nhập khẩu, tăng sản lượng, đảm bảo chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa, góp phần tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
2. Quan điểm:
a) Về công nghệ:
Đối với các công trình đầu tư xây dựng mới và các dự án cải tạo, mở rộng của các cơ sở sản xuất chủ lực của ngành phải sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến, hiện đại, tự động hóa ở mức cao nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, điện năng và các vật tư sản xuất, bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Việc đầu tư mua các thiết bị cũ đã qua sử dụng chỉ thực hiện để nâng cấp, cải tạo các cơ sở hiện có với quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ và thiết bị quá cũ kỹ, lạc hậu và phải được xem xét kỹ đối với từng dự án cụ thể.
b) Về quy mô và công suất các dự án đầu tư:
Định hướng phát triển lâu dài của ngành công nghiệp giấy là tập trung vào các dự án quy mô lớn và vừa để đảm bảo sản xuất có hiệu quả, trong giai đoạn phát triển trước mắt có đầu tư các dự án quy mô nhỏ để tận dụng những thế mạnh tại chỗ như nguyên vật liệu, thị trường, nhân lực . . . nhất là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên...
c) Về bố trí quy họach:
Việc xây dựng các cơ sở sản xuất giấy phải nghiên cứu, đánh giá rất kỹ về địa điểm, đặc điểm nguồn nguyên liệu, nhu cầu thị trường (tại chỗ và trên địa bàn cả nước), điều kiện hạ tầng và khả năng huy động vốn đầu tư. Việc bố trí quy họach phát triển nguồn nguyên liệu giấy phải phù hợp với quy họach chung của ngành nông nghiệp, gắn liền với quy họach giống cây trồng, đặc điểm từng vùng về điều kiện tự nhiên (thổ nhưỡng, khí hậu), điều kiện xã hội và phải đi đôi với việc xác định mô hình hợp lý về hệ thống sản xuất và tổ chức quản lý các vùng nguyên liệu cũng như chính sách giá nguyên liệu và phương thức thu mua, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất.
Ngành giấy phải có biện pháp đầu tư sản xuất bột giấy nhằm tăng nhanh sản lượng bột giấy trong nước, phấn đấu đến năm 2003 không phải nhập bột giấy.
Phát triển công nghiệp giấy, gồm cả vùng nguyên liệu, phải được thực hiện trong mối liên kết chặt chẽ với bảo vệ an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường cảnh quan, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và góp phần vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
d) Về huy động các nguồn vốn đầu tư:
Tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài một cách hợp lý, đảm bảo vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước. Việc thực hiện phương châm này là tùy thuộc vào đặc điểm của từng dự án, từng địa phương, từng giai đoạn cụ thể để quyết định phương thức đầu tư thích hợp (trong nước tự đầu tư hoặc liên doanh với nước ngoài).
3. Các chỉ tiêu của quy họach:
a) Các chỉ tiêu về công suất thiết kế:
| Đơn vị | 2000 | 2002 | 2010 |
Sản lượng giấy | Tấn | 325.000 | 375.000 | 1.050.000 |
Sản lượng bột giấy | Tấn | 216.000 | 435.000 | 1.015.000 |
b) Các chỉ tiêu về sản lượng:
| Đơn vị | 2000 | 2002 | 2010 |
Công suất giấy | Tấn | 300.000 | 375.000 | 1.050.000 |
Công suất bột giấy | Tấn | 215.000 | 400.000 | 1.015.000 |
c) Các chỉ tiêu về nhu cầu vốn đầu tư:
| Đơn vị | 1997 - 2002 | 2003 - 2010 |
Vốn đầu tư nhà máy | Triệu USD | 1.590 | 1.690 |
| Triệu USD | 1997 - 2010 320 |
Khối lượng vốn đầu tư đến năm 2010 chỉ là định hướng, Bộ Công nghiệp, Tổng công ty Giấy Việt Nam căn cứ điều kiện thực tế để hiệu chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
d) Danh mục, tiến độ dự kiến: Xây dựng mới, cải tạo mở rộng cơ sở sản xuất hiện có và dự kiến diện tích đất để phát triển vùng nguyên liệu giấy ghi trong phụ lục kèm theo.
Điều 2. Phân công thực hiện:
- Bộ Công nghiệp phối hợp với các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy họach phát triển ngành Công nghiệp Giấy đến năm 2010 theo các nội dung đã được phê duyệt tại Quyết định này.
- Bộ Công nghiệp phối hợp với Bộ Kế họach và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan và Tổng công ty Giấy Việt Nam xác định các danh mục đầu tư, quy mô đầu tư và địa điểm những công trình mới trong từng giai đoạn phù hợp quy họach nói trên.
- Bộ Công nghiệp là Bộ quản lý ngành chủ trì, nghiên cứu, soạn thảo và trình duyệt có sự phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Địa chính và ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan xây dựng quy họach cụ thể các vùng nguyên liệu cũng như các cơ chế, chính sách liên quan đến cây nguyên liệu theo tinh thần gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất giấy với cung cấp cây nguyên liệu giấy, đảm bảo lợi ích thoả đáng của người trồng cây, góp phần khuyến khích và đẩy mạnh phong trào trồng rừng nguyên liệu giấy.
- Bộ Kế họach và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công nghiệp sắp xếp tìm nguồn vốn trong và ngoài nước, kể cả vốn vay ưu đãi, ODA và FDI để đáp ứng nhu cầu đầu tư ngành công nghiệp giấy.
Điều 3. Bộ Công nghiệp, Tổng công ty Giấy Việt Nam căn cứ mục tiêu của quy họach, triển khai xây dựng các kế họach 5 năm, thực hiện sản xuất và đầu tư phù hợp điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ban hành. Các Bộ Kế họach và Đầu tư, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Quốc phòng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng cục Địa chính; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan và Tổng công ty Giấy Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Ngô Xuân Lộc (Đã ký) |
PHỤ LỤC 1
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 1998 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 160/ 1998/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ)
| Đơn vị | Công suất giấy | Công suất bột giấy |
1. Đầu tư chiều sâu và mở rộng: |
|
|
|
- Công ty Giấy Bãi Bằng | Tấn/năm | 100.000 | 200.000 |
- Công ty Giấy Tân Mai | Tấn/năm | 65.000 | 60.000 |
- Công ty Giấy Đồng Nai | Tấn/năm | 40.000 | 16.000 |
- Nhà máy Giấy Việt Trì | Tấn/năm | 30.000 |
|
- Các dự án khác | Tấn/năm | 105.000 | 80.000 |
2. Đầu tư mới: |
|
|
|
- Liên doanh giấy Hải phòng | Tấn/năm | 50.000 |
|
- Nhà máy gỗ Cầu Đuống | Tấn/năm | 10.000 |
|
- Nhà máy bột giấy Kon Tum | Tấn/năm |
| 100.000 |
- Các dự án mới | Tấn/năm | 750.000 | 580.000 |
PHỤ LỤC 2
VÙNG VÀ DIỆN TÍCH PHÁT TRIỂN CÂY NGUYÊN LIỆU GIẤY
(Ban hành kèm theo Quyết định số 160/1998/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ)
- Tổng diện tích quy họach trồng mới: | 640.000 ha |
- Tổng diện tích rừng hiện có trong vùng quy hoạch: | 174.000 ha |
- Tổng diện tích trồng rừng tự nhiên trong vùng quy họach: | 476.000 ha |
Trồng rừng mới chia ra: |
|
- Vùng trung du và miền núi phía Bắc (trên cơ sở đã hình thành): | 135.000 ha |
- Vùng miền Đông Nam-bộ (trên cơ sở đã hình thành): | 135.000 ha |
- Vùng Tây Bắc Thanh Hóa: | 50.000 ha |
- Vùng Bắc Kon Tum: | 90.000 ha |
- Vùng Hòa Bình - Sơn La: | 140.000 ha |
- Vùng Bắc Kạn - Thái Nguyên: | 40.000 ha |
- Vùng duyên hải miền Trung: | 50.000 ha |
- 1Quyết định 07/2007/QĐ-BCN phê duyệt quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành Công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành
- 2Quyết định 115/2001/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 3Thông báo số 08/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Phan Văn Khải về Chương trình phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam gắn với phát tiển vùng nguyên liệu từ nay đến 2010 do Văn phòng chính phủ ban hành
- 1Quyết định 07/2007/QĐ-BCN phê duyệt quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành Công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành
- 2Luật Tổ chức Chính phủ 1992
- 3Nghị định 42-CP năm 1996 ban hành điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng
- 4Nghị định 92-CP năm 1997 sửa đổi Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 42/CP
- 5Quyết định 115/2001/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 6Thông báo số 08/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Phan Văn Khải về Chương trình phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam gắn với phát tiển vùng nguyên liệu từ nay đến 2010 do Văn phòng chính phủ ban hành
Quyết định 160/1998/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp giấy đến năm 2010 do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- Số hiệu: 160/1998/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/09/1998
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Ngô Xuân Lộc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 31
- Ngày hiệu lực: 19/09/1998
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định