Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2024 |
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Cục Tài chính doanh nghiệp là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp, bao gồm cả tài chính doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài (trừ đầu tư gián tiếp); tài chính kinh tế tập thể, hợp tác xã; tài chính phục vụ chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp, cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Cục Tài chính doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về:
a) Cơ chế, chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước;
b) Quy định tiêu chí, phương thức đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và xếp loại đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cơ chế quản lý, giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; cơ chế giám sát về tài chính đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước;
c) Cơ chế, chính sách về tài chính phục vụ chuyển đổi sở hữu, sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp, cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác hỗ trợ cho doanh nghiệp theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
đ) Cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; cơ chế, chính sách về tài chính phục vụ chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
e) Cơ chế tài chính cho việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi và sự nghiệp khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
g) Cơ chế, chính sách khác về tài chính doanh nghiệp theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
h) Tổng hợp, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính tham gia ý kiến với các bộ, ngành, cơ quan khác ở trung ương và địa phương đối với các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách khác liên quan đến tài chính doanh nghiệp; doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động đầu tư nước ngoài.
2. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các cơ chế, chính sách quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều này.
3. Chủ trì báo cáo Bộ hoặc trình Bộ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp:
a) Xây dựng, báo cáo Bộ trình Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính;
b) Cho ý kiến cụ thể về báo cáo tài chính của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ;
c) Thực hiện việc giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp của các cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định;
d) Theo dõi, giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản và phân tích, cảnh báo các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính và đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước bao gồm: Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định pháp luật; kiến nghị, đề xuất giải pháp với cơ quan đại diện chủ sở hữu về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
4. Tham mưu báo cáo Bộ trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính:
a) Có ý kiến bằng văn bản theo đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu về:
- Đề án thành lập doanh nghiệp nhà nước; Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập hoặc được giao quản lý;
- Chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm của doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và các doanh nghiệp nhà nước khác theo phân công; dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước;
- Việc tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại doanh nghiệp;
- Vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước;
- Quy chế quản lý tài chính đối với các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;
- Việc đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp; đầu tư vốn nhà nước để bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động và đầu tư vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
- Các vấn đề vượt thẩm quyền của các cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu lập và thực hiện kế hoạch giám sát tài chính tại các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật; giám sát theo chuyên đề hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thẩm định, chấp thuận về khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ, trừ khoản vay vốn nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
5. Tham mưu giúp Bộ quản lý đối với nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và đối tượng khác theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính:
a) Thẩm tra, tổng hợp dự toán và tổng hợp hoặc thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm đối với:
- Các khoản hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công gồm: quản lý, khai thác công trình thủy lợi; dịch vụ hậu cần nghề cá trên các vùng biển xa; quản lý, khai thác, duy tu các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá; các sản phẩm, dịch vụ khác thực hiện theo cơ chế, chính sách về tài chính doanh nghiệp và theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Các khoản chi hỗ trợ tài chính cho các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để bảo vệ diện tích rừng tự nhiên của các công ty lâm nghiệp phải tạm dừng khai thác; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ cho các hợp tác xã, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các khoản hỗ trợ tài chính khác.
b) Chủ trì rà soát các khoản chi hỗ trợ để giải quyết chính sách lao động dôi dư, tinh giản biên chế, các khoản chi khác theo quy định của pháp luật khi thực hiện cơ cấu lại các doanh nghiệp có vốn nhà nước gửi Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Vụ Ngân sách nhà nước tổng hợp chung.
c) Chủ trì rà soát, xác định kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ quỹ khen thưởng, phúc lợi cho doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh gửi Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt tổng hợp chung.
6. Tham mưu về tài chính doanh nghiệp đối với chương trình/dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (không bao gồm đầu tư gián tiếp):
a) Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính tham gia ý kiến về năng lực tài chính của nhà đầu tư và nội dung tài chính đối với các chương trình/dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội;
b) Tham gia ý kiến đối với các vướng mắc, kiến nghị về tài chính doanh nghiệp của các chương trình/dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và dự án đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội.
7. Chủ trì tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), phần vốn nhà nước đầu tư tại Tập đoàn Bảo Việt. Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về công tác cán bộ đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
8. Tổng hợp, báo cáo Bộ trình cấp có thẩm quyền:
a) Tổng hợp, báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
b) Tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp của các cơ quan đại diện chủ sở hữu;
c) Tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại của doanh nghiệp có vốn nhà nước; tình hình thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích giao cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện;
d) Báo cáo tình hình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và thoái vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
đ) Tổng hợp kế hoạch tài chính của doanh nghiệp có vốn nhà nước để phục vụ xây dựng dự toán ngân sách hàng năm;
e) Tổng hợp, báo cáo tình hình tài chính hàng năm của doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam;
g) Tổng hợp, báo cáo tình hình tài chính hàng năm đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp có vốn nhà nước;
h) Báo cáo đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài và tình hình quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
9. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trình Bộ tham gia xây dựng chính sách tiền lương (bảng lương, ngạch, bậc, chế độ phụ cấp, quản lý tiền lương và thu nhập) và các chính sách khác liên quan đến tiền lương, tiền công lao động của khu vực doanh nghiệp.
10. Tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng và nâng cấp Hệ thống thông tin quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp (MIS) theo quy định.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
11. Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về tài chính doanh nghiệp; chủ trì rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với Vụ Pháp chế hợp nhất, pháp điển văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. Thực hiện tự kiểm tra văn bản theo quy định pháp luật và phân công, phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
12. Tổ chức công tác nghiên cứu khoa học; hợp tác và hội nhập quốc tế về tài chính doanh nghiệp theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
13. Quản lý công chức, người lao động, tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
14. Đôn đốc thực hiện các kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan cảnh sát điều tra đối với các vấn đề về tài chính doanh nghiệp theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
15. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao và theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Cục Tài chính doanh nghiệp gồm:
1. Văn phòng Cục;
2. Phòng Chính sách tổng hợp;
3. Phòng Sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp;
4. Phòng Quản lý tài chính doanh nghiệp lĩnh vực công thương (gọi tắt là Phòng Nghiệp vụ 1);
5. Phòng Quản lý tài chính doanh nghiệp lĩnh vực giao thông vận tải và xây dựng (gọi tắt là Phòng Nghiệp vụ 2);
6. Phòng Quản lý tài chính doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp và tài nguyên môi trường (gọi tắt là Phòng Nghiệp vụ 3);
7. Phòng Quản lý tài chính doanh nghiệp lĩnh vực thông tin, truyền thông và dịch vụ khác (gọi tắt là Phòng Nghiệp vụ 4);
8. Phòng Quản lý tài chính doanh nghiệp lĩnh vực dầu khí, xăng dầu (gọi tắt là Phòng Nghiệp vụ 5);
9. Phòng Quản lý tài chính doanh nghiệp lĩnh vực đầu tư nước ngoài (gọi tắt là Phòng Nghiệp vụ 6).
Nhiệm vụ cụ thể của Văn phòng và các Phòng nghiệp vụ do Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp quy định.
Điều 4. Chế độ làm việc và biên chế
1. Cục Tài chính doanh nghiệp làm việc theo tổ chức phòng kết hợp với chế độ chuyên viên. Đối với công việc thực hiện chế độ chuyên viên, Cục trưởng phân công nhiệm vụ cho công chức phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn và năng lực chuyên môn để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
2. Cục Tài chính doanh nghiệp được bố trí kế toán trưởng tại đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định của pháp luật và của Bộ Tài chính.
3. Biên chế của Cục Tài chính doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.
1. Cục Tài chính doanh nghiệp có Cục trưởng và một số Phó Cục trưởng.
2. Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục Tài chính doanh nghiệp; quản lý công chức, tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật.
Cục trưởng được ký các văn bản hướng dẫn, giải thích, trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp có vốn nhà nước, các đơn vị giúp việc của các cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý và các văn bản ký thừa lệnh, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính theo quy chế làm việc của Bộ.
3. Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Cục trưởng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1266/QĐ-BTC ngày 29/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Tài chính doanh nghiệp.
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính và Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 1966/QĐ-BTC quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế trực thuộc Tổng cục Thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 1968/QĐ-BTC năm 2021 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế doanh nghiệp lớn trực thuộc Tổng cục Thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Quyết định 16/QĐ-BTC năm 2024 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Tài chính doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính
- Số hiệu: 16/QĐ-BTC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/01/2024
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Hồ Đức Phớc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra