Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 16/2009/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THU PHÍ VỆ SINH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Phí, Lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí
Căn cứ Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23/09/2003 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí,
Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 06/2004/TT-BTC ngày 04/02/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/05/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị quyết số 23/2008/NQ-HĐND ngày 12/12/2008 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội Khoá XIII Kỳ họp thứ 17;
Xét đề nghị của Cục thuế thành phố Hà Nội tại công văn số 17473/CT-THNVDT ngày 21/11/2008 và Báo cáo thẩm định số 54/STP-VBPQ ngày 08/01/2009 của Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Đối tượng nộp phí

1. Các tổ chức, cá nhân được cung ứng dịch vụ vệ sinh có trụ sở và cư trú tại phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hà Nội phải thực hiện nộp tiền phí vệ sinh hàng tháng.

2. Trường hợp tổ chức, cá nhân có rác thải nguy hại (rác thải công nghiệp, y tế nguy hại) cần phải đảm bảo thực hiện quy định nghiêm ngặt từ khâu thu gom đến khâu vận chuyển và xử lý rác giao cơ quan chuyên môn xây dựng đề án trình Hội đồng nhân dân kỳ họp sau.

Điều 2. Mức thu phí (đã bao gồm thuế GTGT)

1. Mức thu đối với hộ gia đình

a) Cá nhân cư trú ở các phường: 3.000đ/người/tháng

b) Cá nhân cư trú ở các xã, thị trấn: 1.500đ/người/tháng

2. Mức thu đối với các hộ sản xuất kinh doanh:

a) Đối với các hộ kinh doanh buôn bán các mặt hàng ăn uống, vật liệu xây dựng (gạch, cát, đá, sỏi), rau, hoa quả, thực phẩm tươi sống:

- Trường hợp có lượng rác thải dưới 1m3/tháng: Trên địa bàn phường mức thu 100.000 đồng/tháng; Trên địa bàn xã, thị trấn: mức thu 70.000 đồng /tháng.

- Trường hợp có lượng rác thải trên 1m3/tháng thì thu theo đơn giá 160.000 đồng/m3 hoặc 380.000 đồng/tấn.

b) Các hộ kinh doanh buôn bán khác: Mức thu 40.000 đồng/tháng.

3. Đối với trường học, nhà trẻ, trụ sở làm việc của các doanh nghiệp, cơ quan hành chính, sự nghiệp mức thu là 100.000 đồng/ đơn vị/tháng.

4. Các tổ chức và cơ sở khác: Mức thu theo đơn giá 160.000 đồng/m3 hoặc 380.000 đồng/tấn.

5. Đối với các hộ sản xuất, kinh doanh đã thu phí vệ sinh theo hộ kinh doanh thì không thu phí theo hộ gia đình. Trường hợp người kinh doanh thuê địa điểm thì người kinh doanh phải nộp phí vệ sinh theo hộ kinh doanh và gia đình có địa điểm cho thuê phải nộp phí vệ sinh theo mức hộ gia đình.

Điều 3. Đơn vị thu phí

Các tổ chức cung ứng dịch vụ vệ sinh được tổ chức thu phí vệ sinh.

Đơn vị thu phí có trách nhiệm niêm yết hoặc thông báo công khai tại địa điểm thu phí về tên phí, mức thu phí, phương thức thu và cơ quan quy định thu. Khi thu tiền phí phải cấp chứng từ thu phí cho đối tượng nộp phí theo quy định.

Điều 4. Quản lý, sử dụng tiền phí thu được

Toàn bộ số thu phí vệ sinh thu được là doanh thu của tổ chức cung ứng dịch vụ vệ sinh do vậy đơn vị thu phí vệ sinh phải kê khai, nộp thuế theo quy định của Luật thuế đối với số phí thu được theo đúng quy định.

Điều 5. Chứng từ thu phí

Sử dụng hoá đơn GTGT hoặc vé in sẵn do Cơ quan thuế phát hành.

Điều 6. Xử lý vi phạm

Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23/09/2003 của Chính phủ và Thông tư số 06/2004/TT-BTC ngày 04/02/2004 của Bộ Tài chính.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 111/2007/QĐ-UBND ngày 22/10/2007 của UBND Thành phố Hà Nội (cũ) về việc thu phí vệ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 2262/2006/QĐ-UBND ngày 19/12/2006, QĐ số 2403/2007/QĐ-UBND ngày 11/12/2007 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dựng các loại phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Hà Tây.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố; Giám đốc các Sở: Tài chính; Xây dựng, Kho bạc Nhà nước Hà Nội; Cục thuế thành phố Hà Nội; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện và cấp tương đương; Các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Mạnh Hiển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 16/2009/QĐ-UBND về thu phí vệ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 16/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/01/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Hoàng Mạnh Hiển
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/01/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản