Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2007/QĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2007 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định Chương trình khung giáo dục đại học trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non thuộc Khối ngành Sư phạm ngày 27 tháng 12 năm 2006;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau Đại học,
QUYẾT ĐỊNH:
| BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Trình độ: Cao đẳng
Ngành đào tạo: Giáo dục Mầm non
Mã ngành:
(ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
1. Mục tiêu chung
Chương trình giáo dục đại học trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non (GDMN) nhằm đào tạo giáo viên mầm non (GVMN) đáp ứng được yêu cầu đổi mới của GDMN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các GVMN được đào tạo phải có đủ phẩm chất, năng lực và sức khỏe để đảm bảo thực hiện tốt chương trình GDMN, có khả năng đáp ứng được sự phát triển của GDMN, có kỹ năng tự bồi dưỡng.
2. Mục tiêu cụ thể
GVMN trình độ cao đẳng sư phạm phải đạt được các yêu cầu cơ bản sau:
a) Về phẩm chất:
- Phẩm chất chính trị:
+ Yêu nước, trung thành với Tổ quốc. Là công dân tốt trong cộng đồng. Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Biết vận dụng sáng tạo đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước vào việc chăm sóc và giáo dục trẻ em;
- Phẩm chất nghề nghiệp:
+ Yêu nghề, say mê, tận tụy với công việc. Yêu trẻ, tôn trọng và có tinh thần trách nhiệm cao với trẻ;
+ Có lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị, nêu gương tốt cho trẻ;
+ Có văn hóa giao tiếp. Đoàn kết, khiêm tốn học hỏi, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp trong chuyên môn. Quan hệ tốt với cha mẹ trẻ và cộng đồng, có ý thức vận động cộng đồng và cha mẹ trẻ tham gia xây dựng nhà trường, giáo dục trẻ, thực hiện xã hội hóa giáo dục;
+ Có khả năng tiếp tục học lên các chương trình đào tạo cao hơn hoặc có thể tuyển chọn, bồi dưỡng vào các vị trí quản lý;
+ Có ý thức rèn luyện để hoàn thiện bản thân, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thích ứng nhanh những điều biến đổi của xã hội và của ngành GDMN.
b) Về kiến thức:
- Hiểu biết về kiến thức giáo dục đại cương để vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn GDMN;
- Nắm vững hệ thống kiến thức khoa học GDMN ở trình độ cao đẳng để thực hiện tốt công tác chuyên môn;
- Hiểu biết đầy đủ về mục tiêu, nội dung chương trình GDMN, phương pháp tổ chức, đánh giá các hoạt động giáo dục và sự phát triển của trẻ em ở các cơ sở GDMN;
- Áp dụng có hiệu quả kiến thức khoa học GDMN vào việc tổ chức và đánh giá các hoạt động giáo dục trẻ các đối tượng khác nhau bao gồm cả trẻ dân tộc thiểu số, trẻ có nhu cầu đặc biệt ở tất cả các nhóm tuổi, các loại hình trường, lớp mầm non.
c) Về kỹ năng:
GVMN trình độ cao đẳng cần có các kỹ năng cơ bản sau:
- Giao tiếp với trẻ; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển và học tập của trẻ;
- Quan sát, tìm hiểu và đánh giá mức độ phát triển của trẻ;
- Lập kế hoạch định hướng phát triển và giáo dục trẻ phù hợp với yêu cầu của từng độ tuổi, từng cá nhân và điều kiện thực tế;
- Tổ chức, thực hiện kế hoạch giáo dục một cách khoa học (thiết kế các hoạt động giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục, lựa chọn và sử dụng hợp lý các học liệu, phương pháp giáo dục – dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của trẻ);
- Đánh giá hiệu quả và điều chỉnh kế hoạch giáo dục;
- Quản lý nhóm, lớp;
- Hợp tác và giao tiếp với đồng nghiệp, gia đình và cộng đồng trong hoạt động giáo dục;
- Tuyên truyền khoa học giáo dục, vận động xã hội hóa GDMN;
- Theo dõi, xử lý kịp thời các thông tin về ngành học;
- Phân tích và đánh giá hiệu quả công việc của đồng nghiệp và bản thân.
d) Về thái độ:
Trên cơ sở có kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm, sinh viên tin tưởng vào năng lực chuyên môn của bản thân, có thái độ tốt với trẻ và nghề GVMN. Có ý thức vận động sáng tạo các kiến thức và kỹ năng được đào tạo để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng GDMN.
II. KHUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo theo thiết kế
- 168 đơn vị học trình (đvht), chưa kể phần nội dung về Giáo dục thể chất (03 đvht) và Giáo dục quốc phòng (135 tiết).
- Thời gian đào tạo : 3 năm
2. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo
|
| ĐVHT |
a | Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu | 29 |
b | Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu | 139 |
- Kiến thức cơ sở của ngành | 14 | |
- Kiến thức ngành (kể cả kiến thức chuyên ngành) | 66 | |
- Kiến thức bổ trợ |
| |
- Thực tập nghề nghiệp và thi tốt nghiệp | 19 |
1. Danh mục các học phần bắt buộc
a) Kiến thức giáo dục đại cương
|
| 29*ĐVHT |
1 | Triết học Mác - Lênin | 4 |
2 | Kinh tế chính trị Mác - Lênin | 4 |
3 | Chủ nghĩa xã hội khoa học | 3 |
4 | Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam | 3 |
5 | Tư tưởng Hồ Chí Minh | 3 |
6 | Quản lý hành chính nhà nước | 2 |
7 | Ngoại ngữ | 10 |
8 | Giáo dục quốc phòng | 135 tiết |
9 | Giáo dục thể chất | 3 (90 tiết) |
| * Chưa kể các học phần 8 và 9 |
|
b) Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp 99 đvht
- Kiến thức cơ sở của ngành 14 đvht
1 | Tâm lý học đại cương | 3 |
2 | Giáo dục học đại cương | 3 |
3 | Mỹ thuật | 4 |
4 | Âm nhạc và múa | 4 |
- Kiến thức ngành 66 đvht
Nội dung 1: Trẻ em, gia đình và xã hội | 14 | |
1 | Sự phát triển thể chất trẻ em lứa tuổi mầm non | 3 |
2 | Sự học và phát triển tâm lý trẻ em lứa tuổi mầm non | 7 |
3 | Giáo dục gia đình | 2 |
4 | Nghề GVMN | 2 |
Nội dung 2: GDMN và Chương trình GDMN | 42 | |
5 | Giáo dục học mầm non | 4 |
6 | Giáo dục hòa nhập | 3 |
7 | Chương trình GDMN | 2 |
8 | Tổ chức hoạt động vui chơi | 4 |
9 | Tổ chức hoạt động tạo hình | 3 |
10 | Tổ chức hoạt động âm nhạc | 3 |
11 | Phương pháp phát triển ngôn ngữ | 4 |
12 | Phương pháp làm quen với văn học | 3 |
13 | Phương pháp làm quen với toán | 3 |
14 | Phương pháp khám phá khoa học và môi trường xung quanh | 4 |
15 | Phương pháp giáo dục thể chất | 3 |
16 | Vệ sinh - Dinh dưỡng | 3 |
17 | Phòng bệnh và đảm bảo an toàn | 3 |
Nội dung 3: Quản lý GDMN | 10 | |
18 | Phát triển và tổ chức thực hiện chương trình GDMN | 4 |
19 | Quản lý trong GDMN | 3 |
20 | Đánh giá trong GDMN | 3 |
- Thực tập nghề nghiệp 19 đvht
1 | Kiến tập sư phạm | 2 |
2 | Thực hành sư phạm | 4 |
3 | Thực tập sư phạm | 4 |
4 | Thực tập cuối khóa | 9 |
2. Mô tả nội dung các học phần bắt buộc
1. Triết học Mác – Lê nin: 04 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 19/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 08/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Kinh tế chính trị Mác – Lênin: 04 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 19/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 08/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Chủ nghĩa xã hội học: 03 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 34/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: 03 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 41/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 27/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Tư tưởng Hồ Chí Minh: 03 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 35/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 31/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
6. Quản lý hành chính Nhà nước: 02 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 33/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 22/7/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
7. Giáo dục thể chất: 03 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 3244/GD-ĐT ngày 12/9/1995của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
8. Giáo dục quốc phòng: 135 tiết
Nội dung ban hành tại Quyết định số 12/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 09/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
9. Ngoại ngữ: 10 đvht
Đây là nội dung tiếng Anh cơ bản thuộc khối kiến thức đại cương, nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về ngữ pháp, vốn từ vựng sử dụng trong giao tỉếp và giáo dục ở trình độ trung cấp: Động từ thời hiện tại thường, hiện tại tiếp diễn, quá khứ đơn; tính từ so sánh; các giới từ; danh từ đếm được và không đếm được; động từ nguyên thể chỉ mục đích; tính từ sở hữu và đại từ sở hữu; cách biểu đạt lời nói trong giao tiếp hàng ngày.
10. Tâm lý học đại cương: 03 đvht
Những vấn đề cơ bản về khoa học tâm lý: Đối tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu tâm lý. Các khái niệm: Tâm lý, ý thức, hoạt động, giao tiếp, nhân cách. Các hoạt động tâm lý người: Nhận thức, tình cảm, ý chí.
11. Giáo dục học đại cương: 03 đvht
Những vấn đề cơ bản về khoa học giáo dục: Đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục, các phạm trù cơ bản của khoa học giáo dục và xu hướng phát triển của giáo dục Việt Nam và trên thế giới. Vai trò của giáo dục và các yếu tố khác đối với sự hình thành và phát triển nhân cách.
Lý luận cơ bản về dạy học và giáo dục. Mục đích, nhiệm vụ giáo dục và những con đường giáo dục cơ bản trong nhà trường: dạy học, tổ chức các hoạt động lao động, xã hội, tập thể, vui chơi và nghiên cứu khoa học.
12. Mỹ thuật: 04 đvht
Những vấn đề chung về nghệ thuật tạo hình. Kiến thức và kỹ năng thể hiện về luật xa gần, hình họa, màu sắc, bố cục, tỷ lệ người, phóng tranh, tranh đề tài, tranh minh họa, tranh xé-cắt-dán, kẻ cắt chữ, nặn; trang trí trường lớp mầm non.
Những vấn đề chung về kỹ thuật làm đồ chơi: Ý nghĩa của đồ chơi đối với trẻ nhỏ; những yêu cầu khoa học đối với đồ chơi dùng cho trẻ nhỏ; nguyên tắc làm đồ chơi; kỹ thuật làm đồ chơi từ các nguyên vật liệu khác nhau.
13. Âm nhạc và múa: 04 đvht
Nhạc lý cơ bản: Cao độ âm thanh, trường độ âm thanh, nhịp, phách, các loại nhịp, dấu hóa, hóa biểu, cung, quãng, điệu thức, gam, giọng, dịch giọng, hợp âm, sơ lược về hình thức và thể loại âm nhạc, các ký hiệu. Tập đọc nhạc: Tập đọc điệu thức trưởng, điệu thức thứ. Kỹ thuật ca hát cơ bản (sơ lược bộ máy phát âm, hơi thở – hơi thở ca hát, bài tập luyện thanh, tư thế ca hát thông thường); động tác giữ nhịp, dàn dựng bài hát; học các bài hát phù hợp với chương trình GDMN.
Múa cơ bản: Khái niệm cơ bản về nghệ thuật múa; một số kỹ năng múa các động tác dân gian cơ bản.
14. Sự phát triển thể chất trẻ em lứa tuổi mầm non: 03 đvht
Khái niệm cơ bản về sự phát triển sinh lý trẻ em; các thời kỳ phát triển của cơ thể trẻ em, các chỉ số đánh giá, yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể trẻ; đặc điểm sinh lý và vệ sinh bảo vệ các hệ cơ quan cơ thể trẻ em lứa tuổi mầm non (hệ thần kinh, hệ phân tích, hệ cơ, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ nội tiết và sinh dục).
15. Sự học và phát triển tâm lý trẻ em lứa tuổi mầm non: 07 đvht
Những vấn đề chung của tâm lý học trẻ em. Các học thuyết về sự phát triển tâm lý và sự học của trẻ em lứa tuổi mầm non. Đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ em từ bào thai đến 6 tuổi. Một số nội dung cơ bản về tâm lý học dạy học và giáo dục mầm non. Phương pháp nghiên cứu, đánh giá sự phát triển tâm lý trẻ em.
16. Giáo dục gia đình: 02 đvht
Trẻ em và Công ước về quyền trẻ em.
Những vấn đề cơ bản về giáo dục gia đình hiện nay: Gia đình – chủ thể của các tương tác sư phạm và môi trường văn hóa – xã hội đối với sự phát triển của trẻ; vai trò, đặc điểm của gia đình; các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của giáo dục gia đình; nhiệm vụ và nội dung giáo dục gia đình; phương pháp và biện pháp giáo dục gia đình. Mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, những định hướng và yêu cầu của xã hội đối với ngành học, ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế – xã hội đối với GDMN trong chăm sóc và giáo dục trẻ.
17. Nghề Giáo viên mầm non: 02 đvht
Hoạt động sư phạm của GVMN: Đối tượng hoạt động sư phạm của GVMN. Công cụ lao động, chức năng và các kỹ năng nghề GVMN. Giao tiếp và ứng xử sư phạm của GVMN. Khó khăn và tình huống sư phạm và trong công tác của GVMN.
Các giai đoạn phát triển nhân cách và nghề GVMN: Con đường hình thành phẩm chất và năng lực của GVMN. Định hướng, các giai đoạn phát triển nghề và các yêu cầu chuẩn của các bậc đào tạo. Các loại hình đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên đối với nghề GVMN.
18. Giáo dục mầm non: 04 đvht
Nội dung bao gồm: Đối tượng và phương pháp nghiên cứu của giáo dục học mầm non (GDHMN); giáo dục và phát triển; mục đích và nhiệm vụ của GDHMN; chương trình GDMN.
Bản chất, nội dung, nguyên tắc, hình thức, phương pháp và các điều kiện giáo dục trẻ lứa tuổi nhà trẻ và lứa tuổi mẫu giáo; giáo dục trong hoạt động; các dạng hoạt động cơ bản của trẻ mầm non: Hoạt động vui chơi, hoạt động học – nhận thức, lao động, hoạt động nghệ thuật, giao tiếp; phương pháp tổ chức các hoạt động của trẻ.
Tổ chức cuộc sống của trẻ trong các cơ sở GDMN; nội dung và hình thức phối hợp giữa nhà trường và gia đình; tính kế thừa của GDMN và giáo dục tiểu học.
19. Giáo dục hòa nhập: 03 đvht
Những vấn đề chung về giáo dục hòa nhập (GDHN): Khái niệm, mục tiêu và nhiệm vụ của GDHN; GDHN trên thế giới và ở Việt Nam.
Các hình thức tổ chức GDHN; các nguyên tắc GDHN; chiến lược thúc đẩy và hỗ trợ GDHN; giáo dục cho các nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt.
20. Chương trình GDMN: 02 đvht
Giới thiệu chương trình GDMN (cách tiếp cận, nguyên tắc và các bước phát triển); phân tích chương trình GDMN.
Các điều kiện thực hiện chương trình (yếu tố con người, cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện, cơ sở vật chất).
21. Tổ chức hoạt động vui chơi: 04 đvht
Những vấn đề cơ bản về trò chơi trẻ em: Khái niệm hoạt động vui chơi. Các loại trò chơi của trẻ em. Ý nghĩa của hoạt động vui chơi. Sự hình thành và phát triển các loại trò chơi trong độ tuổi mầm non: Trò chơi giả bộ (trò chơi phản ánh sinh hoạt và trò chơi đóng vai), trò chơi xây dựng, trò chơi có luật. Đánh giá mức độ phát triển hoạt động vui chơi của trẻ.
Vị trí hoạt động vui chơi trong chương trình GDMN. Vai trò của người lớn đối với sự phát triển hoạt động vui chơi của trẻ. Phương pháp hướng dẫn trẻ chơi. Ý nghĩa, nội dung phương pháp và hình thức tổ chức các thời điểm vui chơi trong ngày của trẻ. Lập kế hoạch tổ chức hoạt động vui chơi của trẻ ở trường mầm non.
22. Tổ chức hoạt động tạo hình: 03 đvht
Những vấn đề lý luận cơ bản: Ý nghĩa của hoạt động tạo hình với sự phát triển trẻ toàn diện; đặc điểm hoạt động tạo hình của trẻ mầm non; giáo dục thẩm mỹ cho trẻ thông qua các phương tiện hoạt động tạo hình; nội dung và các thể loại hoạt động tạo hình của trẻ mầm non: Vẽ, nặn, cát dán, chắp ghép.
Tổ chức hoạt động tạo hình trong các cơ sở GDMN: Vị trí của hoạt động tạo hình và sáng tạo thẩm mỹ trong chương trình GDMN. Mục đích, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp, hình thức và điều kiện tổ chức hoạt động tạo hình. Lập kế hoạch tổ chức và đánh giá hoạt động tạo hình và sáng tạo thẩm mỹ của trẻ.
23. Tổ chức hoạt động âm nhạc: 03 đvht
Ý nghĩa của âm nhạc đối với trẻ. Đặc điểm cảm thụ và năng lực âm nhạc, múa của lứa tuổi mầm non. Vị trí của hoạt động âm nhạc trong chương trình GDMN. Mục đích, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp, hình thức và điều kiện giáo dục âm nhạc ở trường mầm non.
Hình thức và các thể loại tổ chức hoạt động âm nhạc của trẻ mầm non: Ca hát, nghe nhạc, vận động theo nhạc, trò chơi âm nhạc.
24. Phương pháp phát triển ngôn ngữ: 04 đvht
Ý nghĩa của việc phát triển ngôn ngữ và giao tiếp; đặc điểm phát triển ngôn ngữ của trẻ em.
Nhiệm vụ, nội dung, phương pháp, biện pháp, hình thức và điều kiện phát triển ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ em. Tổ chức các hoạt động phát triển ngôn ngữ trong các cơ sở GDMN: Rèn luyện tai nghe và phát âm, phát triển vốn từ, dạy trẻ nói đúng ngữ pháp, nói mạch lạc, giáo dục văn hóa giao tiếp. Mục đích, nội dung, phương pháp, biện pháp và hình thức cho trẻ làm quen với đọc, viết. Lập kế hoạch, quan sát, đánh giá sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ trong GDMN.
25. Phương pháp làm quen với văn học: 03 đvht
Vị trí của văn học trong giáo dục trẻ; văn học dân gian, văn học thiếu nhi trong và ngoài nước. Đặc điểm cảm thụ văn học của trẻ em.
Vai trò của đọc kể diễn cảm trong việc phát triển hoạt động ngôn ngữ nghệ thuật của trẻ em lứa tuổi mầm non: Chất giọng, lôgíc đọc, ngữ điệu, ngắt nghỉ giọng, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ, lấy hơi. Cách thức thể hiện các loại hình văn học: Đọc thơ, đọc và kể chuyện, sân khấu hóa các loại hình văn học.
Nhiệm vụ của việc cho trẻ tiếp xúc với văn học: Lập kế hoạch, đánh giá, phương pháp, biện pháp và hình thức đọc thơ, kể chuyện cho trẻ nghe; phương pháp và hình thức dạy trẻ thể hiện các tác phẩm văn học.
26. Phương pháp làm quen với toán: 03 đvht
Những vấn đề lý luận cơ bản: Ý nghĩa và đặc điểm của việc hình thành các biểu tượng toán; mục đích, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp, hình thức và điều kiện hình thành các biểu tượng toán cho trẻ trong GDMN.
Tổ chức các hoạt động hình thành biểu tượng toán: Tập hợp – số và phép đếm, hình dạng, kích thước, không gian và thời gian (lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và đánh giá).
27. Phương pháp khám phá khoa học và môi trường xung quanh: 04 đvht
Những vấn đề lý luận cơ bản: Một số khái niệm (môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội); ý nghĩa của việc cho trẻ khám phá khoa học và môi trường xung quanh; đặc điểm nhận thức của trẻ về môi trường xung quanh; cơ sở giáo dục học của việc khám phá khoa học và môi trường xung quanh (mục đích, nhiệm vụ, nguyên tắc, nội dung, phương pháp, hình thức và điều kiện cho trẻ khám phá khoa học và môi trường xung quanh).
Tổ chức khám phá khoa học và môi trường xung quanh, giáo dục tình cảm – xã hội, ý thức đối với môi trường cho trẻ ở trường mầm non: Môi trường thiên nhiên gần gũi (động vật, thực vật và hiện tượng thiên nhiên) và môi trường xã hội.
28. Phương pháp giáo dục thể chất: 03 đvht
Lý luận cơ bản về giáo dục thể chất cho trẻ mầm non: Nhiệm vụ, nội dung và phương tiện giáo dục thể chất; phát triển vận động chủ động cho trẻ lứa tuổi mầm non; phát triển các bài tập thể lực sáng tạo và tự lực của trẻ; cơ sở của việc dạy trẻ các thói quen và kỹ năng vận động; mối liên quan giữa phát triển các tố chất tâm vận động và thói quen vận động.
Nội dung và phương pháp dạy trẻ các bài tập vận động: Thể dục, trò chơi vận động, bài tập thụ động, bài tập chủ động, đội hình, đội ngũ, bài tập phát triển chung, vận động cơ bản; phương pháp tổ chức các hoạt động vận động của trẻ trong chế độ sinh hoạt tại trường mầm non. Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và đánh giá hoạt động phát triển và giáo dục thể chất cho trẻ ở các cơ sở GDMN.
29. Vệ sinh – Dinh dưỡng: 03 đvht
Những kiến thức cơ bản về vệ sinh học: Vi sinh vật; sự phân bố của vi sinh vật trong tự nhiên và ký sinh ở người; ký sinh trùng và các biện pháp phòng tránh; đại cương về nhiễm khuẩn, bệnh truyền nhiễm và miễn dịch; các biện pháp diệt khuẩn và ứng dụng trong các cơ sở GDMN. Yêu cầu và chế độ vệ sinh ở trường mầm non (vệ sinh về xây dựng; vệ sinh trang thiết bị; vệ sinh chăm sóc trẻ).
Dinh dưỡng học: Khái niệm về dinh dưỡng; dinh dưỡng hợp lý và tầm quan trọng của dinh dưỡng hợp lý; năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể; một số bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ do dinh dưỡng không hợp lý; giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, cách sử dụng và chế biến các loại thực phẩm thông dụng; an toàn vệ sinh thực phẩm. Giáo dục dinh dưỡng và dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi: Xây dựng khẩu phần ăn và thức ăn.
30. Phòng bệnh và đảm bảo an toàn: 03 đvht
Phòng bệnh cho trẻ em: Các bệnh thường gặp ở trẻ em; sơ cứu ban đầu và cấp cứu khẩn cấp thường gặp; thuốc và cách sử dụng thuốc trong trường mầm non. Phòng tránh và xử lý một số tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ. Tổ chức chăm sóc sức khỏe và giáo dục vệ sinh an toàn cho trẻ trong trường mầm non.
31. Phát triển và tổ chức thực hiện chương trình GDMN: 04 đvht
Phát triển chương trình và lập kế hoạch giáo dục: Quan điểm tiếp cận và hình thức thiết kế chương trình GDMN; cơ sở khoa học và thực tiễn của việc phát triển chương trình, xây dựng chế độ sinh hoạt và lập kế hoạch giáo dục; các bước phát triển chương trình và lập kế hoạch giáo dục; yêu cầu và các loại kế hoạch giáo dục trong trường mầm non.
Tổ chức thực hiện và đánh giá việc thực hiện chương trình GDMN: Áp dụng các phương pháp phù hợp với sự phát triển của trẻ giúp trẻ phát triển trí tò mò, sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và tư duy linh hoạt, phát triển thể lực, xã hội, tình cảm, thẩm mỹ và trí tuệ. Kiến thức và năng lực tổ chức, thực hiện các hoạt động học tập và giáo dục có ý nghĩa và mang tính tích hợp, xuất phát từ nhu cầu và hứng thú của trẻ trong tất cả các nội dung giáo dục.
Xây dựng môi trường giáo dục: Khái niệm (môi trường giáo dục, môi trường vật chất, môi trường xã hội); nguyên tắc xây dựng môi trường giáo dục; các yêu cầu đối với môi trường giáo dục (yêu cầu thẩm mỹ, yêu cầu sư phạm, yêu cầu phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ...); các bước xây dựng môi trường giáo dục theo chủ đề; tạo dựng, đánh giá và lựa chọn học liệu, trang thiết bị, môi trường giáo dục phù hợp với sự phát triển của trẻ.
32. Quản lý GDMN: 03 đvht
Các vấn đề cơ bản về quản lý giáo dục: Khái niệm, chức năng, các nguyên tắc, các phương pháp và quá trình quản lý giáo dục; các văn bản về quản lý giáo dục và GDMN.
Quản lý GDMN: Mục tiêu, nhiệm vụ, các yêu cầu đối với quản lý GDMN; nội dung, các biện pháp quản lý nhóm, lớp mầm non; xây dựng kế hoạch về công tác quản lý nhóm, lớp mầm non.
33. Đánh giá trong GDMN: 03 đvht
Một số vấn đề chung về đánh giá trong GDMN: khái niệm, ý nghĩa, nguyên tắc, nội dung, hình thức, phương pháp và các kỹ thuật đánh giá (đánh giá các hoạt động nghề nghiệp của GVMN, chương trình GDMN và sự phát triển của trẻ dưới tác động của chương trình GDMN).
Sử dụng các biện pháp và kỹ thuật đánh giá (quan sát, ghi lại và đánh giá sự học và phát triển của trẻ) nhằm mục đích thiết kế các hoạt động và môi trường giáo dục phù hợp với nhu cầu của từng trẻ, kể cả trẻ có nhu cầu đặc biệt, tạo sự phát triển toàn diện về thể lực, xã hội, tình cảm, thẩm mỹ và trí tuệ cho trẻ.
34. Kiến tập sư phạm: 02 đvht
Tham quan, kiến tập các cơ sở GDMN. Bước đầu tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ của GDMN, hệ thống tổ chức, loại hình trường, lớp mầm non; hình thành nhận thức ban đầu về tiếp cận tích hợp của chương trình GDMN. Tham gia các buổi thảo luận, xêmina, thực hiện các bài tập về quan sát và đánh giá sự phát triển của trẻ.
35. Thực hành sư phạm: 04 đvht
Sinh viên tham gia vào các hoạt động sau: Quan sát, tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; quản lý, điều kiện nhóm trẻ; làm việc với cha mẹ và cộng đồng; thiết kế môi trường giáo dục. Tham gia thảo luận, xêmina, làm các bài tập thực hành theo chương trình.
36. Thực tập sư phạm: 04 đvht
Tham gia các hệ thống rèn luyện những kỹ năng sau: Chăm sóc, giáo dục, quản lý và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục trong trường, lớp mầm non; thiết kế và thực hiện chương trình phù hợp với sự phát triển của trẻ và điều kiện thực tiễn của cơ sở thực hành theo hướng tích hợp. Tiếp cận, xử lý và vận dụng linh hoạt những thông tin khoa học mới của ngành học vào hoạt động thực tiễn của GDMN; sử dụng các phương tiện phục vụ cho hoạt động chăm sóc – giáo dục trẻ.
37. Thực tập cuối khóa: 09 đvht
Sinh viên thực hành như một GVMN tham gia vào tất cả các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ ở trường mầm non; thiết kế và thực hiện chương trình; trên cơ sở khai thác các nguồn lực một cách hợp lý. Tiếp tục rèn luyện và thể hiện kỹ năng giao tiếp với trẻ, phụ huynh, đồng nghiệp và cộng đồng; rèn luyện và thể hiện một cách có hiệu quả các kỹ năng tổ chức và quản lý nhóm lớp; rèn luyện kỹ năng đánh giá và điều chỉnh các hoạt động giáo dục trẻ.
IV. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CHƯƠNG TRÌNH KHUNG ĐỂ THIẾT KẾ CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CỤ THỂ
1. Chương trình khung giáo dục đại học trình độ cao đẳng ngành GDMN được phát triển theo hướng liên thông với các chương trình trung cấp và đại học cùng ngành.
2. Khi thiết kế chương trình đào tạo cụ thể cần chú ý một số nội dung sau:
a) Xác định mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chương trình phải cụ thể hóa mục tiêu chương trình khung, đồng thời đảm bảo phù hợp với đối tượng đào tạo, thể hiện được yêu cầu về học vấn, vị trí làm việc và chức danh mà người học cần đạt tới.
b) Về khối lượng kiến thức: Khối lượng kiến thức (tính theo đvht) được xác định cho từng học phần trong chương trình khung. Dựa trên đặc điểm của đối tượng, điều kiện tổ chức, hình thức và phương thức đào tạo mà lựa chọn các học phần với khối lượng kiến thức thích hợp cho một chương trình cụ thể. Nguyên tắc của việc lựa chọn là toàn bộ kiến thức người học đã tích lũy cho đến khi tốt nghiệp (bao gồm cả tích lũy trước và trong khóa đào tạo) phải đạt được tổng khối lượng kiến thức tối thiểu đã được quy định trong chương trình khung. Cụ thể:
- Đối với đối tượng đào tạo là GVMN chính quy trình độ cao đẳng: Thực hiện việc cụ thể hóa chương trình khung vào từng khóa đào tạo cụ thể theo yêu cầu đảm bảo đầy đủ các học phần bắt buộc, đồng thời có thể sử dụng một số học phần tự chọn nhằm nâng cao năng lực nghề và phù hợp với đặc điểm của đối tượng đào tạo. Nội dung các học phần thuộc khối kiến thức ngành được thiết kế theo hướng liên môn và đảm bảo không lặp lại kiến thức trong các học phần.
- Với đối tượng là GVMN đã tốt nghiệp trung cấp sư phạm: Chương trình đảm bảo không lặp lại những kiến thức mà người học đã học ở hệ trung cấp, bổ sung kiến thức và các học phần cần thiết thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương, cơ sở ngành và ngành cho phù hợp với mục tiêu đào tạo GVMN trình độ cao đẳng. Toàn bộ quỹ thời gian dành cho việc học các học phần, làm bài tập và thực tập tại trường mầm non.
- Các đối tượng là những người đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học thuộc ngành sư phạm nhưng khác với ngành GDMN sẽ phải học những phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành và ngành GDMN.
3. Khối lượng kiến thức tự chọn:
Việc xây dựng chương trình đào tạo cụ thể được phép thêm một số học phần với khối lượng kiến thức tối thiểu là 41 đvht, ngoài số học phần bắt buộc. Quyền chọn các học phần này thuộc về các khoa, trường sư phạm đào tạo GVMN. Từng khóa học, căn cứ vào tình hình thực tế của đối tượng đào tạo, yêu cầu của nhà trường, Hiệu trưởng quyết định danh mục các học phần tự chọn. Các học phần tự chọn có thể xây dựng dưới hai hình thức: Tự chọn do khoa, trường sư phạm đào tạo GVMN và tự chọn do sinh viên. Khi quyết định các học phần tự chọn, cần chú ý đến các nội dung sau: Tâm lý học xã hội, Môi trường và con người, Tiếng Việt thực hành, Công nghệ thông tin và ứng dụng CNTT trong GDMN, Xã hội học, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Lịch sử giáo dục học mầm non, Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Giáo dục đặc biệt, Sức khỏe tâm thần, Sức khỏe sinh sản, Văn học thiếu nhi và đọc kể diễn cảm, Giáo dục dinh dưỡng, Phương pháp nghiên cứu trẻ em, Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục, Tiếp cận trọn vẹn trong phát triển ngôn ngữ, Tâm lý học trò chơi, Giáo dục môi trường, Phương pháp giáo dục âm nhạc và mỹ thuật, Phát triển chương trình GDMN và các chuyên đề đổi mới trong GDMN.
4. Thời gian thực hành và thực tập cuối khóa:
Các đợt thực hành, thực tập cuối khóa coi như một học phần trong chương trình đào tạo với số lượng tối thiểu là 19 đvht. Mỗi đợt thực hành, thực tập phải có mục tiêu, nội dung và kế hoạch chặt chẽ và được thực hiện tập trung ở các cơ sở GDMN.
5. Việc xây dựng kế hoạch đào tạo:
Kế hoạch đào tạo phải trung thành với chương trình đào tạo, đồng thời vận dụng linh hoạt, phù hợp với các đối tượng đào tạo cụ thể. Phòng Đào tạo và các phòng ban có liên quan căn cứ vào chương trình khung, kế hoạch, nhiệm vụ từng năm học, từng học kỳ để bố trí các học phần bảo đảm tính lôgíc, khoa học, thuận lợi và hiệu quả trong tổ chức đào tạo./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1Kế hoạch 645/KH-BGDĐT về tổng kết 4 năm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Thông tư 30/2020/TT-BGDĐT về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về chương trình khung giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp
- 3Quyết định 567/QĐ-BGDĐT năm 2021 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo hết hiệu lực năm 2020
- 4Quyết định 466/QĐ-BGDĐT năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ 2019-2023
- 1Thông tư 30/2020/TT-BGDĐT về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về chương trình khung giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp
- 2Quyết định 567/QĐ-BGDĐT năm 2021 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo hết hiệu lực năm 2020
- 3Quyết định 466/QĐ-BGDĐT năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ 2019-2023
- 1Luật Giáo dục 2005
- 2Nghị định 86/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ
- 3Nghị định 85/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 4Kế hoạch 645/KH-BGDĐT về tổng kết 4 năm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Quyết định 16/2007/QĐ-BGDĐT về Chương trình khung giáo dục Đại học trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non thuộc khối ngành sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
- Số hiệu: 16/2007/QĐ-BGDĐT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/05/2007
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 416 đến số 417
- Ngày hiệu lực: 13/07/2007
- Ngày hết hiệu lực: 01/11/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra