Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1591/2006/QĐ-UBND

Huế, ngày 28 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG CỐ ĐÔ VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000;

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thông báo số 33-TB/TU ngày 10/4/2006 của Tỉnh ủy về việc thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về tổ chức Giải thưởng Cố đô về Khoa học Công nghệ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự và thủ tục xét tặng Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau mười ngày (10 ngày) kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở; Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện và Thành phố Huế và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG CỐ ĐÔ VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1591/2006/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2006 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ là giải thưởng nhà nước cấp tỉnh, xét trao tặng cho những công trình, cụm công trình khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là công trình) xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ; mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực, có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng và sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh nhằm phát huy khả năng lao động, sáng tạo của mọi tổ chức, cá nhân.

Điều 2. Quy định này áp dụng đối với các công trình nêu tại Điều 1 của Quy định này do công dân Việt Nam nghiên cứu, sáng tạo, công bố và áp dụng tại Thừa Thiên Huế.

Điều 3. Giải thưởng Cố đô về khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức xét tặng 5 năm một lần.

Việc xét tặng thưởng được thực hiện theo nguyên tắc công khai, công bằng và chính xác.

Điều 4. Các tác giả có công trình đạt Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ được tặng bằng khen, giấy chứng nhận của UBND tỉnh và tiền thưởng.

Số lượng giải thưởng và định mức tiền thưởng của mỗi loại giải thưởng do Sở Khoa học Công nghệ thống nhất với Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 5. Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình khoa học và công nghệ được xét thưởng là sản phẩm của quá trình lao động sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, bao gồm công trình nghiên cứu khoa học và công trình nghiên cứu công nghệ.

2. Công trình nghiên cứu khoa học được xét tặng thưởng là công trình nghiên cứu, điều tra, khảo sát về tự nhiên và xã hội, các luận cứ khoa học dẫn đến những thay đổi quan trọng trong nhận thức, có ảnh hưởng lớn trong khoa học, kinh tế và xã hội của tỉnh.

3. Công trình nghiên cứu công nghệ được xét thưởng, bao gồm:

a) Công trình nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ tạo ra các giải pháp kỹ thuật mới, vật liệu mới, giống mới, sản phẩm mới dẫn tới những chuyển biến quan trọng đối với nền công nghệ, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng và phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh.

b) Công trình ứng dụng công nghệ có sáng tạo là công trình ứng dụng thành công và có sáng tạo các thành tựu kỹ thuật trong các công trình kinh tế-kỹ thuật quan trọng của tỉnh như công trình xây dựng-kiến trúc, nhà máy, xí nghiệp, công trình quốc phòng-an ninh và các công trình khác, có tác động quyết định đến hiệu quả của các công trình kinh tế-kỹ thuật đó.

4. Cụm công trình được xét thưởng, bao gồm:

a) Tập hợp các công trình của cùng một tác giả hoặc đồng tác giả đã được xác định thuộc một lĩnh vực khoa học hoặc một lĩnh vực áp dụng.

b) Tập hợp các công trình do nhiều tác giả thực hiện độc lập, tạo ra cùng một kết quả nhưng sử dụng các phương pháp, nguyên lý, kỹ thuật khác nhau.

5. Tác giả, đồng tác giả công trình là người bằng sức lao động của mình trực tiếp nghiên cứu, sáng tạo, thực hiện công trình.

Những người chỉ giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, vật chất, kinh phí cho tác giả, đồng tác giả mà không tham gia nghiên cứu, sáng tạo ra công trình thì không được coi là tác giả, đồng tác giả công trình.

Chương II

ĐIỀU KIỆN VÀ TIÊU CHUẨN XÉT THƯỞNG

Điều 6. Công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ phải đảm bảo các điều kiện sau:

1. Công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ là những công trình nghiên cứu liên quan đến tỉnh Thừa Thiên Huế, phải được công bố hoặc ứng dụng vào thực tiễn tỉnh Thừa Thiên Huế ít nhất là 2 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét thưởng.

2. Không có tranh chấp về quyền tác giả, không có khiếu nại về nội dung và kết quả của công trình tại thời điểm xét thưởng.

3. Các công trình đề nghị là những công trình chưa được tặng Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ lần trước, chưa được tặng giải thưởng ở cấp nhà nước cao hơn.

4. Đối với những công trình là kết quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng kinh phí nhà nước, phải là những công trình đã được các cơ quan quản lý tổ chức nghiệm thu và được chính đơn vị chủ trì giới thiệu tham gia.

Điều 7. Công trình nghiên cứu khoa học được xét tặng Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

1. Về giá trị khoa học

a) Đạt được những thành tựu khoa học xuất sắc, dẫn tới những thay đổi quan trọng trong nhận thức, sản xuất và đời sống xã hội.

b) Được đánh giá cao về giá trị khoa học và được công bố, trích dẫn trên các tạp chí khoa học có uy tín trong, ngoài nước.

2. Về giá trị thực tiễn

2.1. Có tác dụng và ảnh hưởng lớn trong xã hội và thuộc một trong các đối tượng sau:

a. Những phát hiện, khám phá mới về điều kiện tự nhiên hoặc xã hội có tác động quan trọng đến nhận thức và đời sống xã hội;

b. Những đề xuất có giá trị về lý luận làm sáng tỏ cơ cấu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; những luận cứ khoa học có đóng góp quan trọng cho việc lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch và hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển bền vững và hội nhập kinh tế; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn tương đối chính xác cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh;

c. Những kết quả nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng có tác động quan trọng đối với việc lựa chọn, thích nghi, làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiến nhập từ trong nước và nước ngoài vào tỉnh Thừa Thiên Huế;

d. Những thành tựu khoa học quan trọng trong các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; bảo vệ môi trường; khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; giám sát và dự báo thiên tai, thảm hoạ.

2.2. Có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của lĩnh vực hoặc ngành khoa học trong tỉnh và các đơn vị.

Điều 8. Công trình nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ được xét tặng

Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

1. Về giá trị công nghệ

Có tính sáng tạo và đổi mới quan trọng về công nghệ:

a. Giải quyết được những vấn đề tương đối mấu chốt để cải tiến công nghệ, phát triển hoặc tạo sản phẩm mới;

b. Góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo điều kiện

hình thành và phát triển ngành nghề mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của đơn vị sản xuất, của ngành kinh tế;

c. Các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật cơ bản của sản phẩm, công nghệ cao hơn hoặc bằng các chỉ tiêu của sản phẩm, quy trình, hệ thống tương tự khác trong nước hoặc của nước ngoài (nêu được tên, địa chỉ, giá thành - so sánh cụ thể).

2. Về hiệu quả kinh tế, kinh tế-xã hội và khoa học-công nghệ

a. Tạo ra hiệu quả kinh tế hoặc hiệu quả kinh tế-xã hội lớn; đóng góp lớn cho phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh của tỉnh.

b. Có đóng góp trong phát triển khoa học-công nghệ của đơn vị, của ngành và lĩnh vực.

Công trình có các giải pháp được cấp giấy chứng nhận hoặc văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp sẽ được tính điểm ưu tiên khi xét tặng giải thưởng.

Điều 9. Công trình ứng dụng công nghệ có sáng tạo được xét tặng Giải thưởng

Cố đô về Khoa học và Công nghệ phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

1. Về giá trị công nghệ

Tạo ra những cải tiến kỹ thuật quan trọng để ứng dụng thành công và sáng tạo các công nghệ tiên tiến trong công trình kinh tế-kỹ thuật quan trọng của tỉnh như: công trình xây dựng-kiến trúc, nhà máy, xí nghiệp, công trình quốc phòng-an ninh hoặc các công trình khác, có tác động quan trọng đến hiệu quả của các công trình kinh tế-kỹ thuật đó.

2. Về hiệu quả kinh tế, kinh tế-xã hội và khoa học-công nghệ phải đáp ứng các tiêu chuẩn tại Khoản 2, Điều 8 của Quy định này.

Chương III

TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC XÉT THƯỞNG

Điều 10. Việc xét tặng Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ được tiến hành theo hai bước:

1. Bước 1: Xét thưởng tại các Hội đồng giải thưởng chuyên ngành (theo các lĩnh vực khoa học: tự nhiên, xã hội nhân văn, kỹ thuật, nông-lâm-ngư nghiệp, y dược).

2. Bước 2: Xét thưởng tại Hội đồng giải thưởng tỉnh.

Điều 11. Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực của Hội đồng Giải thưởng Cố đô về khoa học công nghệ.

Cơ quan thường trực có trách nhiệm thông báo tổ chức giải thưởng; ban hành thể lệ cuộc thi theo quy định này; phê duyệt quy chế xét duyệt của Hội đồng giải thưởng chuyên ngành (cấp cơ sở); tiếp nhận, xác định về tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị xét thưởng; thông báo nội dung tóm tắt giới thiệu về công trình kèm theo danh sách tác giả trên ấn phẩm thông tin, mạng của ngành và một số phương tiện thông tin đại chúng khác trong quá trình đánh giá, xét thưởng của các Hội đồng giải thưởng chuyên ngành và Hội đồng giải thưởng cấp tỉnh.

Điều 12. Hồ sơ đề nghị xét thưởng gồm:

1. Đơn đề nghị xét tặng Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ của tác giả hoặc đồng tác giả.

2. Báo cáo tóm tắt công trình (theo mẫu), (03 bản)

3. Bản sao các văn bản, tư liệu khoa học và công nghệ liên quan đến công trình:

a. Luận văn, sách chuyên khảo, bài báo (trang bìa và mục lục), (03 bản phô tô)

b. Giấy chứng nhận hoặc văn bằng bảo hộ (nếu có), (03 bản phô tô)

c. Nhận xét của đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả công trình. (01 bản gốc và 02 bản phô tô)

d. Giấy chứng nhận giám định công nghệ hoặc đo đạc, kiểm nghiệm các sản phẩm khoa học và công nghệ của công trình, (01 bản gốc và 02 bản phô tô)

đ. Tài liệu liên quan khác (nếu có).

4. Đối với những công trình là kết quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng kinh phí nhà nước phải có biên bản đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do cấp quản lý tương ứng thành lập, (03 bản phô tô)

Khi có yêu cầu, tác giả hoặc các đồng tác giả phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thành viên Hội đồng được làm việc trực tiếp với bản gốc của văn bản, tài liệu liên quan đến công trình đã nêu.

Điều 13. Tổ chức xét thưởng:

1. Sở Khoa học và Công nghệ thành lập các Hội đồng giải thưởng chuyên ngành.

a. Hội đồng giải thưởng chuyên ngành có từ 07 đến 09 thành viên, trong đó có chủ tịch Hội đồng, thành viên phản biện, thành viên thư ký. Hội đồng gồm các nhà khoa học, nhà công nghệ, nhà quản lý có uy tín, có chuyên môn phù hợp và am hiểu sâu lĩnh vực khoa học của công trình và đại diện các cơ sở đã áp dụng kết quả nghiên cứu của công trình.

Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Hội đồng giải thưởng chuyên ngành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ mời thêm các chuyên gia am hiểu công trình, không phải là thành viên Hội đồng tham gia viết nhận xét, đánh giá về công trình.

b. Kỳ họp đánh giá xét thưởng của các Hội đồng giải thưởng chuyên ngành phải có ít nhất 3/4 số thành viên Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch và ít nhất 01 uỷ viên phản biện

c. Các thành viên Hội đồng giải thưởng chuyên ngành căn cứ tiêu chuẩn của giải thưởng để xem xét, đánh giá từng công trình và bỏ phiếu đánh giá cho điểm; đồng thời, lập biên bản kiểm phiếu, biên bản xét thưởng, bản tổng hợp kết quả xét thưởng với danh sách công trình đề nghị tặng giải thưởng trình Hội đồng giải thưởng cấp tỉnh xem xét.

2. Hội đồng xếp thứ tự ưu tiên các hồ sơ được đề nghị chọn theo nguyên tắc sau đây:

a. Điểm trung bình của tổng số điểm toàn Hội đồng theo thứ tự từ cao xuống thấp của các hồ sơ từ 70/100 điểm trở lên;

b. Ưu tiên điểm của Chủ tịch Hội đồng đối với các hồ sơ có cùng số điểm trung bình của tổng số điểm toàn Hội đồng;

c. Trong trường hợp không có hồ sơ nào đạt số điểm trung bình từ 70/100 điểm trở lên thì công trình thuộc Hội đồng chuyên ngành đó không đề nghị xét thưởng.

3. UBND tỉnh thành lập Hội đồng giải thưởng cấp tỉnh.

Hội đồng có từ 9 đến 11 thành viên, trong đó có chủ tịch Hội đồng, phó chủ tịch Hội đồng, thành viên thư ký. Hội đồng giải thưởng cấp tỉnh sẽ căn cứ vào kết quả đánh giá của Hội đồng giải thưởng chuyên ngành, đối chiếu với các tiêu chuẩn của giải thưởng để xem xét từng công trình, bỏ phiếu đánh giá, lập bản tổng hợp kết quả xét thưởng và danh sách công trình đề nghị tặng Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ trình Chủ tịch UBND tỉnh.

4. Các tác giả hoặc đồng tác giả của các công trình đề nghị xét thưởng không được tham dự vào Hội đồng giải thưởng liên quan.

Chương IV

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 14. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét thưởng và tố cáo những hành vi vi phạm về quy định, trình tự, thủ tục xét thưởng.

Đơn khiếu nại, tố cáo phải ghi họ và tên, địa chỉ và gửi cho cơ quan thường trực Hội đồng Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ

Cơ quan thường trực của Hội đồng giải thưởng nhận đơn khiếu nại, tố cáo phải có trách nhiệm xem xét và trả lời đơn trong thời gian sớm nhất. Trường hợp đơn không có tên, địa chỉ rõ ràng hoặc mạo danh sẽ không được xem xét trả lời.

Điều 15. Trường hợp phát hiện hồ sơ xét thưởng thiếu trung thực trong kê khai

thì cơ quan thường trực của Hội đồng Giải thưởng có trách nhiệm làm các thủ tục trình và đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh ra quyết định huỷ bỏ quyết định tặng thưởng, thu hồi giấy chứng nhận, hiện vật và tiền thưởng.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Quy định này có hiệu lực thi hành theo hiệu lực thi hành của Quyết định ban hành Quy định này.

Điều 17. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện, trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định này thì Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp các ý kiến của đơn vị, cá nhân liên quan trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1591/2006/QĐ-UBND về Quy định xét tặng Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 1591/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/06/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Ngô Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/07/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 03/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản