Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH BẠC LIÊU
SỞ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 157a/QĐ-SXD

Bạc Liêu, ngày 02 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC THẨM ĐỊNH, THẨM TRA DỰ ÁN, THIẾT KẾ CƠ SỞ VÀ THIẾT KẾ, DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH; KIỂM TRA CÔNG TÁC NGHIỆM THU ĐƯA CÔNG TRÌNH VÀO SỬ DỤNG

GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Quyết định số 17/2009/QĐ-UBND ngày 15/9/2009 của UBND tỉnh Bạc Liêu về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Sở Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong công tác thẩm định, thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

Điều 2. Giao Chánh văn phòng Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn, Trung tâm trực thuộc Sở Xây dựng tổ chức triển khai và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Sở Xây dựng; Trưởng các phòng chuyên môn, Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm và Kiểm định chất lượng công trình xây dựng trực thuộc Sở xây dựng; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- UBND tỉnh (báo cáo);
- Sở Tư pháp (kiểm tra);
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các chủ đầu tư, các Ban QLDA;
- Lưu: VT.

GIÁM ĐỐC




Dương Ngọc Ẩn

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC THẨM ĐỊNH, THẨM TRA DỰ ÁN, THIẾT KẾ CƠ SỞ VÀ THIẾT KẾ, DỰ TOÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH; KIỂM TRA CÔNG TÁC NGHIỆM THU ĐƯA CÔNG TRÌNH VÀO SỬ DỤNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 157a/QĐ-SXD ngày 01 tháng 11 năm 2015 của Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định về nguyên tắc, phương thức, quy trình, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các phòng chuyên môn và Trung tâm Thí nghiệm và Kiểm định chất lượng công trình xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng Bạc Liêu (sau đây gọi tắt là Trung tâm TN&KĐ), các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác thẩm định, thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

2. Đối tượng điều chỉnh: Quy chế này áp dụng đối với các phòng chuyên môn và Trung tâm TN&KĐ trực thuộc Sở Xây dựng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực thẩm định, thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của các phòng chuyên môn và Trung tâm TN&KĐ để nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện công tác thẩm định, thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo trong hoạt động quản lý và không gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Thực hiện theo đúng nguyên tắc, nghiệp vụ, chuyên môn, chế độ bảo mật của mỗi cơ quan, đơn vị; bảo đảm kết quả phối hợp đạt chất lượng và thời gian yêu cầu.

3. Bảo đảm tính khách quan trong quá trình phối hợp. Những vướng mắc, phát sinh trong quá trình phối hợp phải được bàn bạc, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của mỗi cơ quan, đơn vị. Đối với những vấn đề chưa thống nhất ý kiến, cơ quan chủ trì có trách nhiệm tổng hợp báo cáo và đề xuất hướng giải quyết trình Giám đốc Sở Xây dựng xem xét, quyết định.

Điều 3. Phương thức phối hợp

Tùy theo tính chất, nội dung của công tác thẩm định, thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, cơ quan chủ trì quyết định việc áp dụng các phương thức phối hợp sau:

1. Lấy ý kiến bằng văn bản.

2. Tổ chức họp.

3. Thẩm định, thẩm tra, kiểm tra.

4. Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan chủ trì hoặc cơ quan phối hợp và thông tin cho cơ quan phối hợp về những vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị đó.

Điều 4. Nội dung công tác phối hợp

1. Tiếp nhận hồ sơ.

2. Tổ chức thẩm định, thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

3. Tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan góp ý kiến dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình. Tổ chức kiểm tra hiện trường công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

4. Thông báo kết quả.

Điều 5. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan chủ trì (Phòng Quản lý Xây dựng và Hạ tầng kỹ thuật đô thị)

1. Trong quá trình thẩm định dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, trường hợp Phòng Quản lý Xây dựng và Hạ tầng kỹ thuật đô thị (sau đây gọi tt là Phòng QLXD&HTKTĐT) không đủ điều kiện để thực hiện toàn bộ công việc thẩm định, kiểm tra do: Dự án, công trình xây dựng có khối lượng công việc phải thẩm định, kiểm tra lớn, có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, áp dụng công nghệ mới, có yêu cầu gấp rút về thời gian thẩm định, kiểm tra hoặc việc thẩm định, kiểm tra đòi hỏi phải sử dụng các phần mềm chuyên dụng,... thì căn cứ yêu cầu, nội dung và thời gian thực hiện thẩm định, kiểm tra, Phòng QLXD&HTKTĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Trung tâm TN&KĐ, Phòng Quản lý Quy hoạch và Phát triển đô thị (sau đây gọi tắt là Phòng QLQH&PTĐT) để thực hiện thẩm tra, kiểm tra một số nội dung cần thiết phục vụ công tác thẩm định dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo do mình thực hiện.

2. Yêu cầu cơ quan, đơn vị phối hợp cử cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu tham gia công tác phối hợp; thông báo cho cơ quan phối hợp về tình hình tham gia của cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia phối hợp; duy trì mối liên hệ với các cơ quan phối hợp và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ phối hợp đã được phân công của các cơ quan, đơn vị đó.

3. Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết theo đề nghị của cơ quan, đơn vị phối hợp và các điều kiện bảo đảm khác cho công tác phối hợp.

4. Tập hợp đầy đủ và tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị phối hợp.

5. Báo cáo Giám đốc Sở Xây dựng về kết quả thực hiện; đề xuất phương án cuối cùng đối với vấn đề còn có ý kiến khác nhau và giải thích lý do không tiếp thu ý kiến của cơ quan, đơn vị phối hợp.

Điều 6. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan, đơn vị phối hợp

1. Bộ phận một cửa:

- Tiếp nhận hồ sơ.

- Thu phí.

- Chuyển trả các tài liệu hồ sơ.

2. Trung tâm TN&KĐ:

- Tham gia các hoạt động phối hợp; từ chối phối hợp nếu nội dung phối hợp không liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan phối hợp.

- Cử cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu tham gia công tác phối hợp; tạo điều kiện về thời gian cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia phối hợp.

- Cho ý kiến kịp thời về vấn đề mà cán bộ, công chức, viên chức được cử phối hợp báo cáo; được quyền bảo lưu ý kiến.

- Tuân thủ thời hạn góp ý kiến về những vấn đề theo yêu cầu của cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm về chất lượng và tính nhất quán của các ý kiến trong các hoạt động phối hợp của cơ quan, đơn vị mình.

- Cung cấp và chịu trách nhiệm về sự chính xác của thông tin, số liệu đã cung cấp.

- Yêu cầu cơ quan chủ trì cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết phục vụ cho công tác phối hợp.

- Đề nghị cơ quan chủ trì điều chỉnh thời gian phối hợp để đảm bảo chất lượng công tác phối hợp; nếu cơ quan chủ trì không chấp thuận vì lý do bảo đảm tiến độ thì phải tuân thủ.

3. Phòng QLQH&PTĐT:

- Tham gia phối hợp kiểm tra về sự phù hợp của quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.

- Cho ý kiến về sự phù hợp của các thông số quy hoạch khu đất so với quy chuẩn quy hoạch xây dựng.

Điều 7. Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia phối hợp

1. Thực hiện nhiệm vụ được phân công; chấp hành quy định, kế hoạch công tác phối hợp của cơ quan chủ trì.

2. Thường xuyên báo cáo Thủ trưởng cơ quan về công tác phối hợp; chủ động tham gia đề xuất ý kiến, xin ý kiến Thủ trưởng cơ quan khi cần thiết; tuân thủ chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan trong việc phát biểu ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị.

3. Bảo lưu quan điểm khi ý kiến của mình khác với ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

4. Được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tạo điều kiện về thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ phối hợp.

5. Được khen thưởng khi hoàn thành tốt nhiệm vụ phối hợp và chịu trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ phối hợp.

Chương II

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỤ THỂ

Điều 8. Bộ phận một cửa

1. Thẩm định, thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình:

a) Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ trình thẩm định.

b) Thu phí thẩm định.

c) Chuyển trả các tài liệu của hồ sơ thẩm định cho chủ đầu tư để lưu trữ.

2. Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng:

a) Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ trình kiểm tra.

b) Thu chi phí kiểm tra.

c) Chuyển trả các tài liệu của hồ sơ kiểm tra cho chủ đầu tư để lưu trữ.

Điều 9. Phòng Quản lý Xây dựng và Hạ tầng kỹ thuật đô thị

1. Thẩm định, thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình:

a) Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ trình thẩm định từ Bộ phận một cửa.

b) Gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan về các nội dung của dự án (nếu cần).

c) Yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp đơn vị phối hợp để thực hiện thẩm tra một số nội dung cần thiết phục vụ thẩm định theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 10 Quy chế này.

d) Gửi hồ sơ thẩm tra đến Trung tâm TN&KĐ để thẩm tra.

đ) Thực hiện thẩm định:

- Thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở được thực hiện theo nội dung quy định tại Điều 58 (trừ Đim c, d, đ Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4) của Luật Xây dựng và khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan;

- Thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công thực hiện theo nội dung quy định tại Điều 83 (trừ Khon 2, 3, 4, 5, 6, 7) của Luật Xây dựng;

- Thẩm định dự toán xây dựng công trình thực hiện theo nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

e) Trong quá trình thực hiện thẩm định, có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp các tài liệu cần thiết phục vụ công tác thẩm định; yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn lập dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình giải trình, làm rõ các nội dung, tài liệu sử dụng liên quan đến thẩm định dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình.

f) Trường hợp phát hiện nội dung hồ sơ trình thẩm định có những thiếu sót như: Thiếu các căn cứ pháp lý, mô tả, tính toán, bản vẽ, sơ đồ... dẫn đến không thể đưa ra kết luận thẩm định thì Sở xây dựng sẽ thông báo ngay cho chủ đầu tư về những thiếu sót và quy định thời hạn để khắc phục. Khi các thiếu sót về nội dung hồ sơ trình thẩm định không được khắc phục được trong thời hạn thẩm định thì Sở Xây dựng dừng việc thẩm định và yêu cầu chủ đầu tư trình thẩm định lại.

g) Tổng hợp kết quả thẩm định và thông báo kết quả thẩm định gửi về Bộ phận một cửa.

h) Khi kết thúc công việc thẩm định, có trách nhiệm: Ghi chép các kết luận thẩm định; lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật về lưu trữ đối với các tài liệu của hồ sơ thẩm định.

2. Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng:

a) Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng trong quá trình thi công xây dựng:

- Tiếp nhận báo cáo của chủ đầu tư từ Bộ phận một cửa (về một số thông tin như sau: Tên và địa chỉ liên lạc của chủ đầu tư, tên công trình, địa điểm xây dựng, quy mô và tiến độ thi công dự kiến của công trình).

- Thông báo cho chủ đầu tư kế hoạch kiểm tra; nội dung kiểm tra một số giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng của công trình.

- Tổ chức thực hiện kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng công trình.

b) Kiểm tra công tác nghiệm thu khi hoàn thành công trình, hạng mục công trình:

- Tiếp nhận văn bản đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu và báo cáo kết quả nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng của chủ đầu tư từ Bộ phận một cửa (kèm theo các tài liệu kỹ thuật, hồ sơ thiết kế, tiến độ thi công, hồ sơ nghiệm thu công trình theo yêu cầu).

- Yêu cầu chủ đầu tư ký hợp đồng với Trung tâm TN&KĐ tham gia phối hợp thực hiện việc kiểm tra hồ sơ, đánh giá sự phù hợp theo yêu cầu của thiết kế.

- Thông báo cho chủ đầu tư kế hoạch và nội dung kiểm tra công trình lần cuối.

- Tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư.

- Thông báo về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu gửi về Bộ phận một cửa.

c) Trong quá trình kiểm tra, Sở Xây dựng được quyền yêu cầu chủ đầu tư và các bên có liên quan giải trình, khắc phục các tồn tại (nếu có) và thực hiện thí nghiệm đối chứng, thử tải, kiểm định chất lượng bộ phận, hạng mục hoặc toàn bộ công trình theo quy định.

d) Lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật về lưu trữ đối với các tài liệu của hồ sơ kiểm tra.

Điều 10. Trung tâm Thí nghiệm và Kiểm định chất lượng công trình xây dựng

1. Thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình:

a) Tiếp nhận hồ sơ thẩm tra từ Phòng QLXD&HTKTĐT để đàm phán, ký kết hợp đồng thẩm tra với chủ đầu tư.

b) Thực hiện thẩm tra:

- Đối với thẩm định dự án, thiết kế cơ sở: Thẩm tra một hoặc một số nội dung quy định tại các Điểm c, d, đ Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 58 của Luật Xây dựng;

- Đối với thẩm định thiết kế và dự toán xây dựng: Thẩm tra một hoặc một số nội dung quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 83 của Luật Xây dựng. Thẩm tra dự toán xây dựng công trình thực hiện theo nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

c) Trong quá trình thực hiện thẩm tra, có quyền yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn bổ sung các tài liệu cần thiết phục vụ công tác thẩm tra.

d) Tổng hợp kết quả thẩm tra và xuất kết quả tham tra gửi về QLXD&HTKTĐT.

đ) Thu chi phí thẩm tra.

e) Lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật về lưu trữ đối với các tài liệu của hồ sơ thẩm tra.

2. Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng:

a) Tiếp nhận hồ sơ kiểm tra từ QLXD&HTKTĐT để đàm phán, ký kết hợp đồng kiểm tra với chủ đầu tư.

b) Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện kiểm tra các nội dung sau:

- Kiểm tra hiện trạng các bộ phận công trình bằng trực quan và kiểm tra, đối chiếu các số liệu quan trắc, đo đạc so với yêu cầu của thiết kế.

- Kiểm tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và đánh giá sự phù hợp theo yêu cầu của thiết kế dựa trên hồ sơ hoàn thành công trình.

c) Trong quá trình thực hiện kiểm tra, có quyền yêu cầu chủ đầu tư bổ sung các tài liệu cần thiết phục vụ công tác kiểm tra.

d) Tổng hợp kết quả kiểm tra và xuất kết quả kiểm tra gửi về QLXD&HTKTĐT.

đ) Thu chi phí kiểm tra.

e) Lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật về lưu trữ đối với các tài liệu của hồ sơ kiểm tra.

Điều 11. Phòng Quản lý Quy hoạch và Phát triển đô thị: Góp ý thẩm định dự án, thiết kế cơ sở về một số nội dung như sau:

1. Sự phù hợp của thiết kế cơ sở với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, tổng mặt bằng hoặc với phương án tuyến (đối với công trình xây dựng theo tuyến) được cấp có thẩm quyền chấp thuận;

2. Đánh giá yếu tố bảo đảm tính khả thi của dự án gồm sự phù hợp về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Chương III

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN VÀ THỜI HẠN THẨM ĐỊNH, THẨM TRA, KIỂM TRA

Điều 12. Các cơ quan, tổ chức có liên quan

1. Chủ đầu tư:

a) Thẩm định, thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình:

- Trình hồ sơ thẩm định đáp ứng yêu cầu theo quy định đến Bộ phận một cửa của Sở Xây dựng để thẩm định dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình.

- Đàm phán, ký kết hợp đồng với Trung tâm TN&KĐ trên cơ sở yêu cầu thẩm tra của Sở Xây dựng.

- Nộp phí thẩm định và chi phí thẩm tra trước thời điểm Sở Xây dựng phát hành văn bản thông báo kết quả thẩm tra.

- Có trách nhiệm lấy ý kiến thẩm định về phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật có liên quan. Các ý kiến thẩm định cần được tổng hợp, gửi Bộ phận một cửa Sở Xây dựng trước khi có thông báo kết quả thẩm định.

- Có trách nhiệm cung cấp các tài liệu cần thiết phục vụ công tác thẩm định và giải trình, làm rõ các nội dung, tài liệu sử dụng liên quan đến thẩm định dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình;

- Chủ đầu tư có trách nhiệm xác nhận kết quả thẩm tra của Trung tâm TN&KĐ và gửi báo cáo kết quả thẩm tra đến Bộ phận một cửa của Sở Xây dựng trong thời hạn thẩm tra theo quy định. Kết quả thẩm tra được Sở Xây dựng chấp nhận sử dụng là cơ sở để chủ đầu tư nghiệm thu kết quả của công việc tư vấn thẩm tra với Trung tâm TN&KĐ.

- Trường hợp Trung tâm TN&KĐ không đủ điều kiện để thực hiện toàn bộ công việc thẩm tra do: Dự án, công trình xây dựng có khối lượng công việc phải thẩm định lớn, có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, áp dụng công nghệ mới, có yêu cầu gấp rút về thời gian thẩm định hoặc việc thẩm định đòi hỏi phải sử dụng các phần mềm chuyên dụng,... thì căn cứ yêu cầu, nội dung và thời gian thực hiện thẩm định, chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp trên cơ sở yêu cầu thẩm tra của Sở Xây dựng hoặc có văn bản đề nghị Sở Xây dựng lựa chọn đơn vị thẩm tra khác đáp ứng các yêu cầu về điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện thẩm tra.

- Tiếp nhận hồ sơ thẩm định tại Bộ phận một cửa của Sở Xây dựng. Lưu trữ, bảo quản các tài liệu của hồ sơ thẩm định theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 59/2015/NĐ-CP và quy định của pháp luật về lưu trữ.

b) Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng:

- Sau khi khởi công công trình chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo gửi Sở Xây dựng một số thông tin như sau: Tên và địa chỉ liên lạc của chủ đầu tư, tên công trình, địa điểm xây dựng, quy mô và tiến độ thi công dự kiến của công trình.

- Gửi văn bản đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng tới Sở Xây dựng.

- Đàm phán, ký kết hợp đồng với Trung tâm TN&KĐ trên cơ sở yêu cầu kiểm tra của Sở Xây dựng.

- Cung cấp các tài liệu kỹ thuật, hồ sơ thiết kế, tiến độ thi công, hồ sơ nghiệm thu công trình theo yêu cầu.

- Báo cáo Sở Xây dựng về tiến độ thi công xây dựng và tình hình chất lượng công trình trước mỗi đợt kiểm tra. Báo cáo trung thực, kịp thời và đầy đủ về các sự cố hoặc phát sinh liên quan đến chất lượng công trình.

- Tạo điều kiện thuận lợi để Sở Xây dựng và Trung tâm TN&KĐ triển khai các công việc được giao.

- Nộp chi phí kiểm tra trước thời điểm Sở Xây dựng phát hành văn bản thông báo kết quả kiểm tra.

- Tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tại Bộ phận một cửa của Sở Xây dựng. Lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật về lưu trữ đối với các tài liệu của hồ sơ kiểm tra.

2. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm góp ý kiến bằng văn bản trong thời hạn quy định về các nội dung của thiết kế cơ sở; thiết kế công nghệ; phòng chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường; sử dụng đất đai, tài nguyên, kết nối hạ tầng kỹ thuật và các nội dung cần thiết khác.

Điều 13. Thời hạn thẩm định, thẩm tra và kiểm tra

1. Thẩm định, thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình:

a) Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, Sở Xây dựng có trách nhiệm xem xét, có văn bản thông báo một lần đến chủ đầu tư để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định (nếu cần) hoặc có văn bản từ chối tiếp nhận, không xem xét hồ sơ trình thẩm định đối với các trường hợp hồ sơ trình không đúng quy định.

b) Thời hạn thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế và dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 4, Điều 11 và Khoản 8, Điều 30 Nghị định 59/2015/NĐ-CP .

c) Trong thời gian ba (03) ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu thực hiện thẩm định, Sở Xây dựng có trách nhiệm gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Thời hạn có ý kiến tham gia của cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định tại Khoản 3, Điều 11 và Khoản 4, Điều 30 Nghị định 59/2015/NĐ-CP .

d) Thời gian thực hiện thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng theo quy định tại Khoản 5, Điều 11 và Khoản 4, Điều 30 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP. Trường hợp xét thấy vượt quá thời gian thẩm tra theo quy định, Trung tâm TN&KĐ phải có văn bản gửi đến chủ đầu tư và Sở Xây dựng giải trình nguyên nhân không đáp ứng được thời gian thẩm tra theo quy định và đề xuất gia hạn thời gian thực hiện.

2. Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng:

a) Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng trong quá trình thi công xây dựng:

- Tổ chức thực hiện kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng công trình chậm nhất sau 7 ngày, kể từ ngày kết thúc đợt kiểm tra.

- Kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra giai đoạn cho chủ đầu tư bằng văn bản về các nội dung kiểm tra trong thời hạn 10 ngày làm việc đối với công trình cấp II trở xuống.

b) Kiểm tra công tác nghiệm thu khi hoàn thành công trình, hạng mục công trình:

- Tối thiểu trước 10 ngày làm việc đối với công trình cấp II trở xuống so với ngày chủ đầu tư dự kiến tổ chức nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng, chủ đầu tư phải gửi văn bản đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu tới Sở Xây dựng.

- Thực hiện kiểm tra lần cuối công tác nghiệm thu của chủ đầu tư và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư trong thời hạn 10 ngày làm việc đối với công trình cấp II trở xuống kể từ khi kết thúc kiểm tra. Trường hợp chủ đầu tư phải thực hiện các yêu cầu quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 9 Quy chế này thì thời hạn nêu trên được tính từ khi chủ đầu tư hoàn thành các yêu cầu này.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thẩm định, thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng có những hành vi vi phạm các quy định của Quy chế này và các quy định của pháp luật khác có liên quan tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở các tổ chức, cá nhân hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực thẩm định, thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng hoặc trục lợi cá nhân sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Khen thưởng

Đối với tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phối hợp, hoàn thành nhiệm vụ được giao thì được đề nghị xem xét khen thưởng, đánh giá thi đua cuối năm.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

Các phòng chuyên môn, Trung tâm trực thuộc Sở Xây dựng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm tổ chức, thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các phòng, Trung tâm trực thuộc Sở Xây dựng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh bằng văn bản về Sở Xây dựng để tổng hợp, xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 157a/QĐ-SXD năm 2015 về Quy chế phối hợp trong công tác thẩm định, thẩm tra dự án, thiết kế cơ sở và thiết kế, dự toán xây dựng công trình; kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng do Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu ban hành

  • Số hiệu: 157a/QĐ-SXD
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/11/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
  • Người ký: Dương Ngọc Ẩn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/11/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản