Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1570/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 2021 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ Nghị quyết Phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19;
Căn cứ Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV;
Căn cứ Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ thị số 15/CT- TTg ngày 27/3/2020, tuân thủ các chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; Căn cứ Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới;
Căn cứ văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19;
Căn cứ Quyết định số 2553/QĐ-BYT ngày 18/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời công tác kiểm dịch y tế phòng chống lây nhiễm COVID-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không; Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 5/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp; văn bản số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021 của Bộ Y tế xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hoá; văn bản số 5886/BYT-MT ngày 22/7/2021 của Bộ Y tế vận chuyển hàng hoá; văn bản số 4349/BCT-TTTN ngày 21/7/2021 của Bộ Công thương về hàng hoá, dịch vụ thiết yếu;
Căn cứ tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn các địa phương trong toàn quốc, ý kiến của một số Sở Giao thông vận tải, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Logistic Việt Nam đề xuất có quy định chung để thống nhất trong chỉ đạo triển khai thực hiện;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và được thực hiện trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô địa phương, Đơn vị vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
VỀ TỔ CHỨC GIAO THÔNG, KIỂM SOÁT DỊCH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ TRONG THỜI GIAN PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT ngày 24/08/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, đồng thời đảm bảo hoạt động vận chuyển người và hàng hoá được thông suốt, an toàn để bảo vệ sức khoẻ, phục vụ đời sống nhân dân và đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo giảm ùn tắc giao thông tại các địa phương khi áp dụng các cấp độ phòng, chống dịch khác nhau theo quy định của pháp luật về phòng, chống dịch và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 (sau đây gọi là Chỉ thị số 16/CT-TTg), các văn bản chỉ đạo khác của cấp có thẩm quyền.
1. Đảm bảo tính chủ động, thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp về phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương khi áp dụng các cấp độ phòng, chống dịch khác nhau theo quy định của pháp luật và Chỉ thị số 16/CT-TTg, các văn bản chỉ đạo khác của cấp có thẩm quyền.
2. Phân công nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải hàng hoá bằng xe ô tô, vận chuyển công nhân, chuyên gia, người về từ vùng có dịch trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.
III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Phạm vi áp dụng
Hướng dẫn tạm thời này áp dụng đối với hoạt động vận tải hàng hoá, vận chuyển công nhân, chuyên gia, người đi ra, vào hoặc đi qua các vùng có dịch. Đối với hoạt động vận chuyển thi hài trong vùng có dịch hoặc từ vùng có dịch ra các địa phương khác và ngược lại để hỏa táng hoặc an táng đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng kiểm soát dịch, đơn vị vận tải vận chuyển hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia, người về từ vùng có dịch và tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô.
1. Luồng xanh vận tải là việc tổ chức các tuyến đường bộ để ưu tiên, tạo thuận lợi lưu thông cho phương tiện vận tải hàng hoá hoạt động trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Luồng xanh vận tải bao gồm các tuyến đường phương tiện vận tải hàng hóa được phép lưu thông theo tổ chức giao thông trên hệ thống đường bộ.
2. Làn xanh là làn đường dành riêng cho các phương tiện có quyền ưu tiên theo quy định (xe cứu thương, xe công vụ…), phương tiện có Giấy nhận diện khi di chuyển qua các chốt kiểm soát dịch.
3. Giấy nhận diện phương tiện có mã QR (sau đây gọi là Giấy nhận diện) được sử dụng để nhận diện phương tiện được ưu tiên, tạo thuận lợi lưu thông trong quá trình tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông và phòng, chống dịch Covid-19 khi phương tiện vận chuyển hàng hoá di chuyển đi ra, đi vào hoặc đi qua vùng có dịch.
4. Đơn vị vận tải bao gồm: Đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải), đơn vị vận tải nội bộ, chủ phương tiện.
5. Người trên phương tiện bao gồm: Lái xe; người phục vụ trên xe; nhân viên xếp, dỡ hàng hóa đi theo xe, công nhân, chuyên gia và người về từ vùng có dịch.
6. Giấy xét nghiệm là Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xét nghiệm cấp và có giá trị trong vòng 03 ngày (72 giờ) kể từ khi có kết quả xét nghiệm hoặc theo thời hạn khác do Bộ Y tế quy định.
1. Các cơ quan quản lý ngành Giao thông vận tải (các cấp trên địa bàn địa phương) phải kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền công tác tổ chức giao thông, kế hoạch vận tải, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường bộ trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.
2. Đơn vị vận tải:
a) Chủ động xây dựng kế hoạch vận tải, phương án huy động phương tiện vận chuyển, người lái xe, nguyên vật liệu, vật tư phụ tùng của đơn vị mình, nắm bắt thông tin về luồng tuyến, hành trình, các chốt kiểm soát dịch, các quy định về kiểm soát dịch đối với phương tiện và người trên phương tiện tại các chốt kiểm soát dịch; các cơ sở y tế, các chốt kiểm soát dịch có xét nghiệm SARS-CoV-2 trên hành trình; nơi xếp dỡ hàng hóa; phổ biến đầy đủ kế hoạch vận tải cho người trên phương tiện để đảm bảo đáp ứng khi có yêu cầu tham gia phòng, chống dịch;
b) Thực hiện nghiêm các nội dung có liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Văn bản số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021, Văn bản số 5886/BYT-MT ngày 22/7/2021, các văn bản khác có liên quan và các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch; tuân thủ các quy định về tổ chức giao thông và kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải trong thời gian phòng, chống dịch theo Hướng dẫn tạm thời này.
3. Địa điểm lưu trú tạm thời, địa điểm giao nhận, xếp dỡ hàng hoá phải đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt quá trình người trên phương tiện lưu trú, giao nhận hàng hoá.
4. Người trên phương tiện phải:
a) Thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K”, khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế và phải có bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực trong suốt quá trình vận chuyển; đồng thời khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn;
b) Thực hiện nghiêm các nội dung có liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Văn bản số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021, Văn bản số 5886/BYT-MT ngày 22/7/2021, các văn bản khác có liên quan và các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch; tuân thủ các quy định về tổ chức giao thông và kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải trong thời kỳ phòng, chống dịch theo Hướng dẫn tạm thời này.
I. XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC GIAO THÔNG
1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai (sau đây gọi là Sở GTVT), các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, lựa chọn các tuyến cao tốc, quốc lộ để tổ chức giao thông, phân luồng, phân tuyến phương tiện đi vòng tránh qua các địa phương, khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội; thiết lập hệ thống biển chỉ dẫn thuận tiện, dễ nhận biết để người điều khiển phương tiện, đơn vị vận tải biết và thực hiện khi các địa phương liền kề hoặc nhiều địa phương trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc các cấp độ phòng chống dịch bệnh khác, đáp ứng yêu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
2. Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành địa phương, các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, lựa chọn các tuyến đường, vị trí bố trí chốt kiểm soát dịch để tổ chức giao thông, phân luồng phương tiện lưu thông vòng, tránh qua khu vực có dịch phù hợp với phương án tổ chức giao thông, phân luồng, phân tuyến đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam và địa phương liên quan công bố; thiết lập hệ thống biển chỉ dẫn thuận tiện, dễ nhận biết để người điều khiển phương tiện, đơn vị vận tải biết và thực hiện; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là UBND cấp tỉnh) xem xét, quyết định.
3. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT công bố, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương án tổ chức giao thông, phân luồng, phân tuyến phương tiện đi vòng tránh qua các địa phương, các khu vực có dịch để người tham gia giao thông, đơn vị vận tải biết và thực hiện.
II. LỰA CHỌN VỊ TRÍ, TỔ CHỨC GIAO THÔNG TẠI CHỐT KIỂM SOÁT DỊCH
1. Lựa chọn vị trí chốt kiểm soát dịch
Vị trí chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên các tuyến giao thông phải có mặt bằng rộng, thông thoáng, an toàn, thuận lợi cho việc kiểm tra phương tiện và phòng, chống dịch.
2. Tổ chức giao thông tại chốt kiểm soát dịch
a) Tuỳ theo lưu lượng giao thông trên từng tuyến đường, tại một chốt kiểm soát dịch có thể bố trí thành nhiều điểm kiểm soát, khuyến khích bố trí từ 02 điểm kiểm soát/01 chốt kiểm soát dịch; mỗi điểm kiểm soát một số loại phương tiện cụ thể để không bị chồng chéo, gây ùn tắc giao thông; giữa các điểm có khoảng cách phù hợp để lực lượng chức năng phân loại phương tiện vào kiểm tra; không để phương tiện dừng đỗ trên đường để tránh gây ùn tắc giao thông;
b) Chốt kiểm soát dịch (đặc biệt trên tuyến có lưu lượng phương tiện lớn) phải tổ chức phân luồng giao thông, điều tiết phương tiện từ xa; bố trí nhiều điểm tập kết đối với các phương tiện chưa đủ điều kiện lưu thông để tránh ùn tắc giao thông tại khu vực chốt kiểm soát dịch;
c) Đối với các tuyến đường có từ 03 làn đường/01 chiều trở lên, tùy theo lưu lượng giao thông qua chốt kiểm soát dịch để tổ chức Làn xanh;
d) Trên đoạn tuyến bố trí chốt kiểm soát dịch phải đặt hệ thống báo hiệu và chỉ dẫn thuận tiện, dễ nhận biết cho từng loại phương tiện di chuyển vào vị trí kiểm tra được thuận lợi, an toàn.
3. Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về vị trí, phương án tổ chức giao thông, nội dung kiểm tra, điều kiện được lưu thông qua chốt kiểm soát dịch để lái xe chủ động lựa chọn lộ trình và các điều kiện cần thiết đảm bảo lưu thông hàng hoá nhanh chóng, thuận tiện.
III. TỔ CHỨC GIAO THÔNG ĐỐI VỚI KHU VỰC PHONG TỎA
Sở GTVT có trách nhiệm:
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương xây dựng phương án tổ chức giao thông kết nối từ ngoài khu vực phong toả đến địa điểm giao nhận, trung chuyển hàng hoá bên trong khu vực phong toả.
2. Phối hợp với các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương bố trí vị trí trung chuyển hàng hoá thiết yếu giáp ranh (phía bên ngoài khu vực phong tỏa) để phục vụ khu vực đang bị phong toả.
3. Tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp phối hợp với các đơn vị có liên quan bố trí chốt kiểm soát dịch trên các tuyến đường bộ để đảm bảo các phương tiện chỉ được đi ra, đi vào địa điểm giao nhận, trung chuyển hàng hoá thuận lợi:
a) Trường hợp điểm giao nhận, trung chuyển hàng hoá là cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất trong khu vực phong toả nhưng được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động để duy trì sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hoá;
b) Trường hợp điểm giao nhận, trung chuyển hàng hoá là cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất ngoài khu vực phong toả nhưng phương tiện bắt buộc phải đi ra, vào hoặc đi qua khu vực đang bị phong toả mới đến được các địa điểm giao nhận, trung chuyển hàng hoá này.
4. Phối hợp với Sở Công Thương, các Sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương để tổ chức vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong khu vực đang phong tỏa.
MỤC 2. CÔNG TÁC KIỂM SOÁT DỊCH
I. KIỂM SOÁT PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA TẠI CHỐT KIỂM SOÁT DỊCH
1. Đối với phương tiện có Giấy nhận diện
Lực lượng kiểm soát sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị chuyên dụng quét mã QR trên Giấy nhận diện để kiểm tra nhanh các thông tin về phương tiện, người trên phương tiện, hiệu lực của Giấy xét nghiệm, hành trình vận chuyển và thực hiện như sau:
a) Trường hợp sau khi quét mã QR thể hiện đầy đủ thông tin theo yêu cầu thì cho phương tiện lưu thông ngay qua chốt kiểm soát dịch;
b) Trường hợp sau khi quét mã QR phát hiện có thông tin không đầy đủ, chính xác, nếu người trên phương tiện xuất trình bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực, Giấy phép lái xe (đối với người điều khiển phương tiện), Căn cước công dân hoặc Chứng minh thư còn hiệu lực (đối với người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hoá đi theo xe), khai báo y tế đầy đủ thì cho phương tiện lưu thông ngay qua chốt kiểm soát dịch và yêu cầu người trên phương tiện tiếp tục phải tự cập nhật lại các thông tin trên phần mềm tại địa chỉ www.luongxanh.drvn.gov.vn hoặc ứng dụng Luồng xanh;
c) Trường hợp sau khi quét mã QR phát hiện có thông tin không đầy đủ, chính xác, nếu người trên phương tiện không xuất trình được bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực hoặc chưa khai báo y tế thì hướng dẫn xe di chuyển vào khu vực kiểm tra phương tiện tại chốt kiểm soát dịch (không để xe dừng đỗ trên đường) để kiểm tra và xử lý theo quy định về phòng, chống dịch. Nếu phát hiện người trên phương tiện dương tính với SARS-CoV-2 thì tổ chức cách ly theo quy định.
2. Đối với phương tiện không có Giấy nhận diện hoặc có Giấy nhận diện nhưng đã hết hiệu lực
Lực lượng kiểm soát yêu cầu, hướng dẫn xe di chuyển vào khu vực kiểm tra phương tiện tại chốt kiểm soát dịch (không để xe dừng đỗ trên đường) để kiểm tra các thông tin và thực hiện như sau:
a) Trường hợp người trên phương tiện xuất trình được bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực, Giấy phép lái xe (đối với người điều khiển phương tiện), Căn cước công dân hoặc Chứng minh thư còn hiệu lực (đối với người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hoá đi theo xe) và đã khai báo y tế thì cho phương tiện lưu thông ngay qua chốt kiểm soát dịch;
b) Trường hợp người trên phương tiện không xuất trình được bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực hoặc chưa khai báo y tế thì tiếp tục hướng dẫn và xử lý theo quy định về phòng, chống dịch. Nếu phát hiện người trên phương tiện dương tính với SARS-CoV-2 thì tổ chức cách ly theo quy định.
II. KIỂM SOÁT DỊCH TẠI ĐIỂM TẬP KẾT, TRUNG CHUYỂN, GIAO NHẬN, XẾP DỠ HÀNG HÓA
1. Cơ quan chức năng của ngành Giao thông vận tải phối hợp với cơ quan chức năng của ngành Y tế, Công an, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra tại các địa điểm tập kết phương tiện, trung chuyển, giao nhận hàng hóa (cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất…), kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
2. Đơn vị trực tiếp quản lý tại các địa điểm tập kết phương tiện, trung chuyển, giao nhận hàng hóa (cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất…) chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong phạm vi quản lý.
3. Cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, giám sát bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật và địa phương tại địa điểm lưu trú tạm thời cho người trên phương tiện (địa điểm do đơn vị vận tải tự bố trí hoặc do địa phương tổ chức).
4. Cơ quan y tế tại địa phương hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với các địa điểm lưu trú tạm thời cho lái xe và người đi theo xe của đơn vị vận tải.
5. Đơn vị vận tải yêu cầu người trên phương tiện hạn chế rời khỏi cabin của xe; trường hợp rời khỏi cabin của xe phải thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K”; giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2m khi tiếp xúc với người khác; thực hiện sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn hoặc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trong ít nhất 30 giây.
HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNG HOÁ BẰNG XE Ô TÔ TRONG THỜI GIAN PHÒNG, CHỐNG DỊCH
I. TRƯỚC KHI THỰC HIỆN VẬN CHUYỂN
1. Đơn vị vận tải thực hiện các yêu cầu chung và nội dung cụ thể dưới đây:
a) Kiểm tra, bảo đảm an toàn kỹ thuật của phương tiện; kiểm tra giấy phép lái xe; các giấy tờ khác theo yêu cầu quản lý của đơn vị và giao nhiệm vụ vận chuyển cho lái xe;
b) Trang bị quần áo bảo hộ, khẩu trang, kính, mũ, găng tay, bao giầy cho người trên phương tiện;
c) Kiểm tra, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đảm bảo toàn bộ người trên phương tiện phải có bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực và kê khai y tế trước chuyến đi;
d) Đối với xe có Giấy nhận diện, thực hiện kê khai lại hoặc giao người trên phương tiện kê khai lại khi có thay đổi thông tin so với kê khai ban đầu.
2. Người trên phương tiện thực hiện các yêu cầu chung và nội dung cụ thể dưới đây:
a) Có bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực, Giấy phép lái xe (đối với người điều khiển phương tiện), Căn cước công dân hoặc Chứng minh thư còn hiệu lực (đối với người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hoá đi theo xe) và khai báo y tế theo quy định;
b) Lái xe nhận nhiệm vụ và tiếp nhận thông tin về chuyến đi: số người đi theo xe, thời gian thực hiện, hành trình vận chuyển, địa điểm giao nhận hàng hoá, địa điểm nghỉ ngơi, địa điểm dự kiến lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên hành trình, thực hiện kiểm tra đảm bảo tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện;
c) Mang theo quần áo bảo hộ, khẩu trang, kính, mũ, găng tay, bao giầy;
d) Đối với xe có Giấy nhận diện, sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị chuyên dụng để quét mã QR trên phương tiện, cập nhật thông tin của Giấy xét nghiệm còn hiệu lực theo hướng dẫn trên phần mềm.
II. KHI XE HOẠT ĐỘNG TRÊN ĐƯỜNG
1. Đơn vị vận tải
a) Theo dõi, giám sát, đôn đốc nhắc nhở người trên phương tiện thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển;
b) Theo dõi, yêu cầu người trên phương tiện đến cơ sở y tế hoặc đến chốt kiểm soát dịch (có tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2) gần nhất trên hành trình để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 khi Giấy xét nghiệm sắp hết hạn;
c) Có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng kiểm soát người và các phương tiện lưu thông trên đường khi có yêu cầu.
2. Người trên phương tiện
Khi hoạt động trên đường phải thực hiện các nội dung sau:
a) Tuân thủ đúng hành trình đã kê khai, giao nhận hàng hoá, nghỉ ngơi, tập kết phương tiện tại các điểm đã được xác định trong phương án tổ chức vận tải của đơn vị. Khi chuẩn bị hết thời hạn của Giấy xét nghiệm, người trên phương tiện đến cơ sở y tế hoặc đến chốt kiểm soát dịch (có tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2) gần nhất trên hành trình để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 theo đúng quy định trước khi tiếp tục hành trình;
b) Trường hợp phương tiện có Giấy nhận diện nhưng có nội dung thực hiện không đúng với thông tin đã kê khai hoặc đã hết hiệu lực, thì phải gỡ bỏ Giấy nhận diện khỏi phương tiện;
c) Chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng về phòng, chống dịch Covid-19;
d) Đối với phương tiện có Giấy nhận diện: Lái xe phải thực hiện vận chuyển hàng hoá theo đúng các thông tin, hành trình vận tải đã lựa chọn; thực hiện vận chuyển, giao nhận hàng hoá đúng địa điểm;
đ) Đối với phương tiện không có Giấy nhận diện: Lái xe phải thực hiện theo hướng dẫn của lực lượng chức năng kiểm soát dịch tại địa phương phương tiện đang hoạt động; thực hiện vận chuyển, giao nhận hàng hoá đúng địa điểm.
III. GIAO NHẬN, XẾP DỠ HÀNG HÓA
1. Đối với phương tiện có hành trình đi ra, đi vào hoặc đi qua vùng có dịch
a) Người trên phương tiện hạn chế rời khỏi cabin của xe; trường hợp rời khỏi cabin của xe phải thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K”; giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2m khi tiếp xúc với người khác; thực hiện sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn hoặc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trong ít nhất 30 giây; sử dụng các phương tiện thông tin để liên lạc, hạn chế tiếp xúc trực tiếp;
b) Đơn vị (người) giao nhận hàng hoá chịu trách nhiệm về xếp dỡ hàng hoá, không tiếp xúc với người trên phương tiện; chủ động bố trí địa điểm, nơi nghỉ ngơi, lưu trú tạm thời cho người trên phương tiện trong thời gian chờ xếp, dỡ hàng hóa đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định.
2. Đối với phương tiện có hành trình không đi ra, đi vào hoặc đi qua vùng có dịch
a) Người trên phương tiện hạn chế rời khỏi cabin; sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, hạn chế tiếp xúc trực tiếp;
b) Trường hợp rời khỏi cabin của xe phải thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K”; giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2m khi tiếp xúc với người khác; thực hiện sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn hoặc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trong ít nhất 30 giây.
IV. KẾT THÚC NHIỆM VỤ VẬN CHUYỂN HOẶC KẾT THÚC CA LÀM VIỆC
1. Đơn vị vận tải
Có phương án quản lý người trên phương tiện sau khi kết thúc chuyến xe, yêu cầu hạn chế tiếp xúc, thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K”, đảm bảo nơi lưu trú tạm thời cho người trên phương tiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế và các cơ quan có liên quan tại địa phương.
2. Người trên phương tiện
a) Trường hợp thực hiện giao nhận hàng hoá hoặc có nơi đi, nơi đến trong vùng có dịch
- Thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K”, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2m khi tiếp xúc với người khác; thực hiện sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn hoặc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trong ít nhất 30 giây. Trường hợp không nghỉ ngơi trên xe thì phải di chuyển ngay đến nơi lưu trú và thực hiện phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật và địa phương nơi lưu trú;
- Trường hợp đơn vị vận tải có tổ chức địa điểm lưu trú tạm thời, người trên phương tiện phải tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan chức năng tại địa điểm lưu trú tạm thời. Không được rời khỏi địa điểm lưu trú tạm thời trong thời gian lưu trú; tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác tại khu vực lưu trú;
- Trường hợp về nhà, phải ở phòng riêng biệt đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không tiếp xúc trực tiếp với mọi người xung quanh;
- Trường hợp không tiếp tục tham gia vận chuyển, phải thực hiện theo quy định về phòng, chống dịch của địa phương nơi đang lưu trú;
- Đối với các phương tiện vận chuyển có đủ các điều kiện cho người lưu trú tạm thời thì được phép lưu trú ở ngay trên phương tiện.
b) Trường hợp phương tiện đi qua, không dừng đỗ và không tiếp xúc với người tại khu vực có dịch trong suốt hành trình đi qua phải thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K” và các khuyến cáo về phòng, chống dịch của ngành Y tế;
c) Tự theo dõi nhiệt độ và sức khoẻ hàng ngày, nếu có sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi thì thông báo cho đơn vị quản lý và cơ quan y tế để xử lý kịp thời.
HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN CÔNG NHÂN, CHUYÊN GIA KHI LƯU THÔNG RA, VÀO HOẶC ĐI QUA VÙNG CÓ DỊCH
1. Đơn vị có tổ chức hoạt động vận chuyển công nhân, chuyên gia khi lưu thông ra, vào hoặc đi qua vùng có dịch phải:
a) Thực hiện theo hướng dẫn của UBND cấp tỉnh và Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19;
b) Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe; cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bảo đảm phương tiện, lái xe hoạt động theo đúng hành trình, đối tượng vận chuyển và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định;
c) Thông báo danh sách phương tiện, thời gian, hành trình vận chuyển kèm theo danh sách lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) và nhận diện phương tiện cho các Sở GTVT, các chốt kiểm soát dịch (nếu có) trên hành trình của phương tiện đi qua để phối hợp kiểm tra, giám sát.
2. Lái xe, nhân viên phục vụ, công nhân, chuyên gia trên xe
a) Thực hiện khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế và theo yêu cầu về phòng, chống dịch của địa phương nơi đi, nơi đến; thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K” trong suốt hành trình; mang theo bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực; chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và đồ dùng cá nhân cho chuyến đi; tự theo dõi nhiệt độ và sức khoẻ hàng ngày, nếu có sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi thì thông báo cho đơn vị quản lý và cơ quan y tế để xử lý kịp thời;
b) Lái xe khi điều khiển phương tiện di chuyển trên đường thực hiện nghiêm nguyên tắc “một cung đường, hai điểm đến”; không được dừng, đỗ (trừ trường hợp khẩn cấp); mang theo danh sách và kiểm soát chặt chẽ người đi xe.
3. Sở GTVT tham mưu UBND cấp tỉnh nơi công nhân, chuyên gia đến làm việc giao một cơ quan tại địa phương làm đầu mối để chủ trì chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung sau:
a) Cơ sở sản xuất, điểm giao nhận hàng hóa, đơn vị thi công các công trình trọng điểm,… chịu trách nhiệm trước pháp luật về bảo đảm toàn bộ công nhân, chuyên gia khi lưu thông phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; lập danh sách công nhân, chuyên gia; danh sách phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ (nếu có) tham gia vận chuyển;
b) Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch đối với đơn vị vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; đơn vị có tổ chức đưa, đón công nhân, chuyên gia và tổ chức, cá nhân có liên quan.
HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN NGƯỜI VỀ TỪ VÙNG CÓ DỊCH
1. Hoạt động vận chuyển người về từ vùng có dịch được thực hiện khi UBND cấp tỉnh nơi đón người về có văn bản gửi UBND cấp tỉnh nơi đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg thống nhất với phương án vận chuyển người về từ vùng có dịch, trong phương án cần lưu ý một số nội dung về công tác tổ chức vận tải trong suốt hành trình như: danh sách người được vận chuyển, vị trí dừng, đỗ, điểm dừng nghỉ; bố trí phương tiện đi theo đoàn hay đi riêng lẻ; số người được phép chở/mỗi chuyến xe; phương án bố trí cán bộ y tế đi cùng, người phục vụ (nếu có),… Đồng thời, giao một cơ quan tại địa phương làm đầu mối để chủ trì tổ chức triển khai, thực hiện.
Phương án vận chuyển người từ vùng có dịch về phải có sự tham gia và thống nhất của các cơ quan: y tế, công an, giao thông vận tải, chính quyền địa phương nơi tiếp nhận công dân,…và có cam kết thực hiện của đơn vị vận tải để đảm bảo an toàn giao thông và thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch của pháp luật, các yêu cầu của Bộ Y tế và chính quyền địa phương.
2. Sở GTVT tham mưu UBND cấp tỉnh nơi đi, nơi đến giao một cơ quan tại địa phương làm đầu mối để chủ trì chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện các nội dung sau:
a) Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch đối với đơn vị vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, người từ vùng có dịch về,…;
b) Có phương án tổ chức thực hiện cách ly y tế theo quy định của Bộ Y tế và của địa phương; cử người tham gia quá trình vận chuyển để hướng dẫn, giám sát việc phòng, chống dịch trong suốt quá trình vận chuyển;
c) Hướng dẫn về nhận diện đối với phương tiện tham gia vận chuyển, hành trình vận chuyển và giám sát quá trình vận chuyển đối với đơn vị vận tải và lái xe;
d) Thông báo danh sách phương tiện, thời gian, hành trình vận chuyển kèm theo danh sách lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) và nhận diện phương tiện cho các Sở GTVT, các chốt kiểm soát dịch (nếu có) trên hành trình của phương tiện đi qua để phối hợp kiểm tra, giám sát;
đ) Theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hành trình của phương tiện tham gia vận chuyển trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (đối với xe kinh doanh vận tải).
3. Đơn vị vận tải
a) Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe trong suốt quá trình vận chuyển;
b) Cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bảo đảm phương tiện, lái xe hoạt động theo đúng hành trình, đối tượng vận chuyển và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định;
c) Thực hiện khử khuẩn phương tiện trước và ngay sau khi kết thúc hành trình theo hướng dẫn của Sở Y tế địa phương.
4. Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, người từ vùng có dịch về:
a) Thực hiện khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế và theo yêu cầu về phòng, chống dịch của địa phương nơi đi, nơi đến; thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K” và mang theo bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực trong suốt hành trình; chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và đồ dùng cá nhân cho chuyến đi;
b) Lái xe phải mang theo danh sách người từ vùng có dịch về có xác nhận của cơ quan y tế tại địa phương nơi đi, văn bản của UBND cấp tỉnh nơi đến.
- Tuân thủ nghiêm và điều khiển phương tiện theo đúng thời gian, hành trình vận chuyển, dừng đỗ đúng điểm theo phương án vận chuyển đã được phê duyệt; khi điều khiển phương tiện di chuyển trên đường tuyệt đối không được dừng, đỗ không đúng phương án vận chuyển (trừ trường hợp khẩn cấp);
- Có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ toàn bộ người đi xe; thực hiện khử khuẩn toàn bộ phương tiện trước và ngay sau khi kết thúc hành trình theo hướng dẫn của Sở Y tế địa phương;
- Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và của địa phương nơi đến.
GIẤY NHẬN DIỆN PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI HÀNG HOÁ
1. Đơn vị vận tải có nhu cầu sử dụng Giấy nhận diện thì thực hiện kê khai thông tin để có Giấy nhận diện cho phương tiện vận chuyển hàng hóa của đơn vị theo hướng dẫn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin kê khai.
2. Việc kê khai thông tin để có Giấy nhận diện thực hiện như sau:
a) Truy cập vào và thực hiện theo các bước trên phần mềm tại địa chỉ www.luongxanh.drvn.gov.vn hoặc ứng dụng Luồng xanh;
b) Thực hiện kê khai lại hoặc giao người trên phương tiện kê khai lại khi có thay đổi thông tin so với kê khai ban đầu;
c) In Giấy nhận diện và dán tại vị trí dễ nhận biết trên phương tiện đã kê khai (cầm theo 01 bản dự phòng trường hợp Giấy nhận diện dán trên xe bị hư hỏng).
3. Giấy nhận diện hết giá trị sử dụng khi:
a) Một trong những người trên phương tiện có Giấy xét nghiệm hết hiệu lực;
b) Hết thời hạn áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg tại địa phương.
4. Việc kiểm tra, đối soát các thông tin của Giấy nhận diện được lực lượng chức năng hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện thông qua:
a) Quét mã QR trên Giấy nhận diện bằng điện thoại thông minh hoặc thiết bị chuyên dụng;
b) Tra cứu thông tin trên Phần mềm www.luongxanh.drvn.gov.vn.
5. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở GTVT duy trì, cập nhật phần mềm www.luongxanh.drvn.gov.vn và ứng dụng Luồng xanh hoạt động thông suốt, công khai, minh bạch; đảm bảo nguyên tắc việc kê khai, tiếp nhận và trả Giấy nhận diện được thực hiện tự động trên phần mềm.
1. Đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan quan tâm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND cấp tỉnh
a) Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn về công tác tổ chức giao thông, kiểm soát dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô theo lĩnh vực quản lý;
b) Đề nghị Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, kết nối dữ liệu về khai báo y tế, dữ liệu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 và dữ liệu về tiêm chủng vắc xin phòng dịch Covid-19 của đội ngũ lái xe; quy định về cấp độ phòng, chống dịch tại các khu vực để phục vụ công tác tổ chức vận tải an toàn đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19;
c) Đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về biện pháp phòng, chống dịch đối với hoạt động vận chuyển thi hài trong vùng có dịch hoặc từ vùng có dịch ra các địa phương khác và ngược lại để hỏa táng hoặc an táng.
2. Đề nghị UBND cấp tỉnh
a) Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để chỉ đạo Sở GTVT và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung theo Hướng dẫn tạm thời này;
b) Căn cứ diễn biến, tình hình dịch Covid-19 tại địa phương để chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung thêm các yêu cầu khác so với nội dung tại Hướng dẫn tạm thời này trong trường hợp địa phương áp dụng các biện pháp mạnh hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg và thông báo kịp thời cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước khi thực hiện;
c) Chỉ đạo cơ quan y tế tại địa phương hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với các địa điểm lưu trú tạm thời, khử khuẩn phương tiện trước và sau khi kết thúc vận chuyển; ưu tiên tiêm phòng, xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với đội ngũ lái xe vận tải hàng hoá;
d) Chỉ đạo các chốt kiểm soát liên ngành thực hiện các nội dung tại Phần 2 và khoản 4 Phần 6 của Hướng dẫn tạm thời này;
đ) Chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp, Ban quản lý các khu công nghiệp thực hiện kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa khi ra, vào các địa điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hóa (cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất ...) đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, không gây ùn tắc giao thông.
3. Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Theo chức năng nhiệm vụ được phân công thực hiện các nội dung nêu trên của Hướng dẫn tạm thời này và các nhiệm vụ sau:
a) Đôn đốc, hướng dẫn Sở GTVT, đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện và tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nội dung của Hướng dẫn tạm thời này;
b) Chủ trì xây dựng, hướng dẫn sử dụng phần mềm kê khai thông tin Giấy nhận diện phương tiện; cấp tài khoản truy cập vào phần mềm cho các Sở GTVT;
c) Chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ khu vực bố trí lực lượng phối hợp với lực lượng chức năng của địa phương trong việc thiết lập các chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ và tổ chức phân luồng giao thông phục vụ công tác phòng, chống dịch, đảm bảo không xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông;
d) Tạo lập nhóm thông tin (trên Zalo, Viber, Facebook…) giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục Quản lý đường bộ khu vực, các Sở GTVT, các cơ quan chức năng của địa phương, các đơn vị vận tải, hiệp hội vận tải để kịp thời phổ biến, trao đổi chính sách, quy định mới và nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về công tác phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô để kịp thời hướng dẫn thực hiện hoặc tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải giải quyết theo thẩm quyền;
đ) Chủ động nắm bắt, tiếp nhận thông tin liên quan đến những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Hướng dẫn tạm thời này, báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
4. Cục Y tế Giao thông vận tải
a) Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Vận tải, Sở GTVT để tham mưu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn đơn vị vận tải, người trên phương tiện triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở GTVT chỉ đạo Bệnh viện Giao thông vận tải khu vực phối hợp cùng Hiệp hội vận tải hàng hóa địa phương, đơn vị vận tải hỗ trợ địa phương tổ chức xét nghiệm lưu động cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa. Trong quá trình tổ chức thực hiện phải đảm bảo các quy định của Bộ Y tế về thực hiện lấy mẫu, cấp Giấy xét nghiệm, đồng thời thực hiện một số nội dung sau:
- Có phương án xử lý đối với trường hợp khi xét nghiệm phát hiện kết quả dương tính của người điều khiển phương tiện;
- Thông báo công khai cho người điều khiển phương tiện, đơn vị vận tải biết về: Đối tượng được ưu tiên miễn phí bộ Kít xét nghiệm nhanh theo quy định, đối tượng không được ưu tiên; chi phí xét nghiệm đối với từng đối tượng, bảo đảm phù hợp với các quy định của Bộ Y tế và các quy định khác có liên quan;
- Sẵn sàng tổ chức tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe, lao động của ngành Giao thông vận tải khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
5. Sở GTVT
Theo chức năng nhiệm vụ được phân công thực hiện các yêu cầu chung, các nội dung nêu trên của Hướng dẫn tạm thời này và các nhiệm vụ sau:
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và cơ quan, đơn vị liên quan để tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai các nội dung theo Hướng dẫn tạm thời này;
b) Xây dựng kế hoạch về vận tải đảm bảo huy động kịp thời đơn vị vận tải, phương tiện phục vụ cho hoạt động phòng, chống dịch (bao gồm vận chuyển người, hàng hóa, trang thiết bị) theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch;
c) Bố trí nhân sự, trang thiết bị cần thiết để thực hiện kiểm tra thông tin trên phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đảm bảo liên tục theo chế độ 24/7;
d) Đăng công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở GTVT và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về các quy định hoạt động vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19; số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ email, zalo để đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện biết và thực hiện, đồng thời tiếp nhận phản ánh và xử lý tình huống phát sinh;
đ) Phối hợp với Cục Y tế Giao thông vận tải, Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Giao thông vận tải khu vực phối hợp cùng Hiệp hội vận tải hàng hóa địa phương, đơn vị vận tải hỗ trợ địa phương tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 lưu động cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa; căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, xây dựng phương án quản lý lái xe và người đi theo xe sau khi kết thúc chuyến xe đảm bảo phòng, chống dịch.
6. Đơn vị quản lý đường bộ (trừ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT)
a) Phối hợp với các đơn vị chức năng của địa phương thực hiện các phương án tổ chức, phân luồng giao thông đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt;
b) Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì đường bộ, bảo đảm công trình đường bộ được quản lý, khai thác thông suốt, an toàn;
c) Phối hợp với các đơn vị chức năng để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại chốt kiểm soát dịch, các đầu mối hàng hóa, trạm dừng nghỉ, bến xe.
7. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội vận tải ô tô địa phương
a) Tuyên truyền, phổ biến đến đơn vị vận tải tại địa phương biết và thực hiện theo Hướng dẫn tạm thời này, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan và địa phương về hoạt động vận tải bằng xe ô tô và phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo hoạt động vận tải được thông suốt, an toàn và phòng, chống dịch theo quy định;
b) Phối hợp với Bệnh viện Giao thông vận tải khu vực, đơn vị vận tải trong việc tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 lưu động cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
8. Đơn vị vận tải, người trên phương tiện, người từ vùng có dịch về thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 tại mục V Phần 1, Phần 3, Phần 4 và Phần 5 của Hướng dẫn tạm thời này; quy định của Bộ Y tế và các quy định của pháp luật khác có liên quan./.
- 1Công văn 951/BGTVT-CYT năm 2021 về tăng cường biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động vận tải trước, trong và sau Tết Nguyên đán do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Công văn 8242/BGTVT-VT năm 2021 về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Công văn 8585/BGTVT-VT năm 2021 về đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4Quyết định 1588/QĐ-BGTVT năm 2021 Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường thủy nội địa trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5Quyết định 1589/QĐ-BGTVT năm 2021 Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng hải trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 6Quyết định 1596/QĐ-BGTVT năm 2021 hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng phương tiện giao thông đường sắt trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 7Công văn 9842/BGTVT-VT năm 2021 về xin ý kiến Dự thảo Kế hoạch Tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 8Quyết định 1812/QĐ-BGTVT năm 2021 hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực
- 1Nghị định 12/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải
- 2Chỉ thị 15/CT-TTg năm 2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2020 về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 19/CT-TTg năm 2020 về tiếp tục thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 2553/QĐ-BYT năm 2020 về "Hướng dẫn tạm thời công tác kiểm dịch y tế phòng chống lây nhiễm COVID-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không" do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 6Công văn 951/BGTVT-CYT năm 2021 về tăng cường biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động vận tải trước, trong và sau Tết Nguyên đán do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 7Quyết định 2787/QĐ-BYT năm 2021 về "Hướng dẫn phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp" do Bộ Y tế ban hành
- 8Công văn 5753/BYT-MT năm 2021 về xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa do Bộ Y tế ban hành
- 9Nghị quyết 78/NQ-CP năm 2021 phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19
- 10Công văn 5886/BYT-MT năm 2021 về vận chuyển hàng hóa do Bộ Y tế ban hành
- 11Công văn 1015/TTg-CN năm 2021 về vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Công văn 4349/BCT-TTTN năm 2021 về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Bộ Công Thương ban hành
- 13Công văn 5187/VPCP-CN năm 2021 về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 14Nghị quyết 86/NQ-CP năm 2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 do Chính phủ ban hành
- 15Công văn 8242/BGTVT-VT năm 2021 về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 16Công văn 8585/BGTVT-VT năm 2021 về đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 17Quyết định 1588/QĐ-BGTVT năm 2021 Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường thủy nội địa trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 18Quyết định 1589/QĐ-BGTVT năm 2021 Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng hải trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 19Quyết định 1596/QĐ-BGTVT năm 2021 hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng phương tiện giao thông đường sắt trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 20Công văn 9842/BGTVT-VT năm 2021 về xin ý kiến Dự thảo Kế hoạch Tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Quyết định 1570/QĐ-BGTVT năm 2021 Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 1570/QĐ-BGTVT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/08/2021
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Lê Đình Thọ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/08/2021
- Ngày hết hiệu lực: 16/10/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra