Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 157-CT

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ VÀ NGOẠI TỆ CỦA VIỆT KIỀU MANG THEO KHI VỀ NƯỚC THĂM GIA ĐÌNH VÀ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI GỬI VỀ NƯỚC GIÚP ĐỠ NGƯỜI THÂN 

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Để việc mang theo hàng hoá và ngoại tệ của Việt kiều khi về nước thăm gia đình và của những người Việt Nam định cư ở nước ngoài gửi về nước giúp người thân phù hợp với nhu cầu của đất nước và cơ chế quản lý mới,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Đối với hàng hoá của Việt kiều mang theo hoặc gửi chậm khi về nước thăm gia đình, ngoài hành lý và đồ dùng cá nhân (như quy định của Tổng cục Hải quan theo tập quán quốc tế), nay quy định như sau:

a/ Những mặt hàng mà Nhà nước đã cấm nhập khẩu thì tuyệt đối không được mang theo hoặc gửi chậm về nước.

b/ Những mặt hàng mà Nhà nước đã có Chỉ thị tạm ngừng nhập khẩu thì tạm ngừng mang theo hoặc gửi chậm về nước (như ô-tô du lịch từ 15 chỗ ngồi trở xuống và xe hai bánh gắn máy...). Nếu mang theo hoặc gửi về nước những mặt hàng đó đến cửa khẩu trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày ký Quyết định này trở đi thì chủ hàng hoặc người nhận hàng phải nộp thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch; quá thời hạn đó thì bị coi là hàng nhập trái phép và bị xử lý theo các quy định hiện hành.

c/ Những hàng hoá thuộc diện Nhà nước quản lý nhập khẩu bằng hạn ngạch nếu mang theo hoặc gửi chậm về nước đến của khẩu trong thời gian hai tháng kể từ ngày ký Quyết định này trở đi thì chủ hàng hoặc người nhận hàng phải nộp thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch; quá thời hạn đó thì bị coi là hàng nhập khẩu trái phép và bị xử lý theo các quy định hiện hành.

d/ Những mặt hàng khác, nếu có mặt hàng thuộc diện chịu thuế thì chủ hàng hoặc người nhận hàng phải nộp thuế hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch.

Điều 2. Bộ Thương nghiệp căn cứ vào chủ trương của chủ trương của Nhà nước về nhập khẩu, công bố các danh mục hàng hoá nói trong điều 1 Quyết định này. Bộ Tài chính công bố ngay việc việc thu thuế đối với hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch, thể hiện chủ trương khuyến khích việc mang theo hoặc gửi chậm những thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ sản xuất.

Điều 3.  Việt kiều khi về nước thăm gia đình mang theo ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý... thì không hạn chế số lượng và khi sử dụng thì theo chế độ quản lý ngoại hối và chế độ quản lý vàng, bạc, đá quý... hiện hành.

Điều 4. Hàng hoá và ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý... của Việt kiều mang theo hoặc gửi về nước đều phải khai báo và thực hiện đúng chế độ kiểm tra hải quan. Tổng cục Hải quan chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát hải quan, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm chế độ kiểm tra, giám sát hải quan cũng như các hành vi cửa quyền, gây phiền hà, tiêu cực.

Điều 5. Đối với hàng hoá và ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý... của người Việt Nam định cư ở nước ngoài gửi về giúp đỡ người thân ở trong nước từ nay cũng thống nhất áp dụng Quyết định này.

Điều 6.Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 5 năm 1991. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 7. Các Bộ Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thương nghiệp, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Hải quan và Ban Việt kiều Trung ương theo chức năng của mình, hướng dẫn ngay việc thi hành, công bố để mọi người hiểu và chấp hành đứng quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 157-CT năm 1991 về chế độ đối với hàng hoá và ngoại tệ của Việt kiều mang theo khi về nước thăm gia đình và của người Việt nam định cư ở nước ngoài gửi về nước giúp đỡ người thân do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 157-CT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/05/1991
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản