Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1560/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 09 tháng 05 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH SẢN PHẨM RƯỢU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh rượu;

Căn cứ Thông tư số 60/2014/TT-BCT ngày 27/12/2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11 2012 của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh rượu;

Căn cứ ý kiến thống nhất của Lãnh đạo UBND tỉnh tại Hội nghị thông qua 03 dự án quy hoạch: Khí dầu mỏ hóa lỏng, thuốc lá và sản xuất rượu trên địa bàn tỉnh ngày 15/3/2016;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 132/TTr-SCT ngày 14 tháng 4 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

a. Quan điểm phát triển mạng lưới cơ sở sản xuất rượu

Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở sản xuất rượu phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành thương mại của tỉnh Vĩnh Phúc và quy hoạch phát triển ngành bia - rượu - nước giải khát Việt Nam đến 2010, tầm nhìn đến năm 2025.

Quy hoạch phát triển các cơ sở sản xuất rượu theo hướng bền vững, không phát triển tràn lan, chú trọng bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Quy hoạch phát triển các cơ sở sản xuất rượu trên cơ sở áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, không ngừng đổi mới và cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm, tập trung xây dựng một số thương hiệu mạnh.

Với mạng lưới cơ sở sản xuất rượu thủ công, phát triển trên quan điểm khuyến khích các cơ sở có đủ điều kiện đăng k‎ý giấy phép sản xuất, hạn chế, tiến tới dừng hoàn toàn hoạt động sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh không có giấy phép.

b. Quan điểm phát triển mạng lưới cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu

Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu phải phù hợp với quy hoạch phát triển thương mại của tỉnh Vĩnh Phúc và quy hoạch phát triển ngành Bia - rượu - nước giải khát của cả nước.

Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu theo hướng thuận lợi hóa cho việc quản lý sản xuất, phân phối và quản lý thị trường rượu.

Quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu đảm bảo cho hoạt động kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh mang tính hệ thống, đồng bộ từ khâu sản xuất đến kinh doanh.

Phát triển lực lượng thương nhân bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh phải đáp ứng và tuân thủ các điều kiện, quy định của Nhà nước về kinh doanh sản phẩm rượu. Trong đó, chú trọng phát triển các thương nhân có năng lực và kinh nghiệm tham gia thị trường.

Số lượng, mật độ các cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu trong quy hoạch phải phù hợp với đặc điểm, đặc thù và điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, của từng huyện trong tỉnh, đảm bảo tính hiệu quả trong đầu tư phát triển và quản l‎ý.

Quy hoạch phát triển các cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu cần tính toán tới yếu tố đặc thù của địa phương như thu hút lao động nhập cư trên cơ sở sự phát triển của các khu công nghiệp; sự phân tán trong phân bố dân cư rất khác biệt theo khu vực địa l‎ý; tập quán tiêu dùng, văn hóa; thu hút khách du lịch; thu hút sinh viên trên cơ sở phát triển các trường trung cấp, dạy nghề, cao đẳng, đại học.

Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu được xây dựng trên nguyên tắc không khuyến khích kinh doanh, tiêu dùng, đảm bảo thu ngân sách nhà nước và lợi ích của người tiêu dùng, cộng đồng.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu được tiến hành trên nguyên tắc xác định rượu là hàng hóa hạn chế kinh doanh, không khuyến khích tiêu dùng. Nhà nước kiểm soát chặt chẽ sự phát triển và phân bố của mạng lưới kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tập quán văn hóa truyền thống để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu phát triển

a. Mục tiêu phát triển sản xuất sản phẩm rượu

Giai đoạn 2016-2020, sản lượng sản xuất rượu tăng bình quân 6,5 %/năm, Trong đó, sản lượng rượu sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 4,8 %/năm, sản lượng rượu sản xuất thủ công mục đích kinh doanh (được cấp phép) đạt 4.000 nghìn lít vào năm 2020.

Tỷ trọng rượu sản xuất thủ công (được cấp phép) trong tổng sản lượng sản xuất rượu toàn tỉnh đạt 24,92 % vào năm 2020. Giảm dần tỷ trọng rượu sản xuất thủ công dân nấu, đến năm 2020 còn khoảng 74,46% tổng sản lượng rượu sản xuất (tương ứng với tỷ trọng của cả nước hiện nay). Mục tiêu đến năm 2030 không còn rượu sản xuất thủ công mà không được cấp phép.

b. Mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu

- Mục tiêu tổng quát:

Từng bước xây dựng, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu một cách hợp lý nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đảm bảo thu ngân sách và lợi ích của toàn xã hội, phù hợp và đồng bộ với các quy hoạch có liên quan. Trên cơ sở đó, định hướng sản xuất và tiêu dùng trong tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, hình thành một hệ thống các thương nhân kinh doanh sản phẩm rượu chuyên nghiệp, có năng lực; hạn chế kinh doanh tự phát, kinh doanh không có giấy phép; kiểm soát được chất lượng sản phẩm, giá cả hàng hoá; kiểm soát và hạn chế việc kinh doanh rượu nhập lậu; kiểm soát việc sử dụng rượu để tạo dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, giảm thiểu và phòng ngừa tác hại của lạm dụng rượuvà bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2020:

- 100% cơ sở kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn phải có giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu.

- Số giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu tối đa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là 1.415 giấy phép vào năm 2020. Số giấy phép kinh doanh bán buôn sản phẩm rượu tối đa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là 11 giấy phép vào năm 2020.

- Tăng khả năng người tiêu dùng được tiếp cận những cơ sở bán lẻ rượu được cấp phép, nhằm đảm bảo người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm rượu có đủ nhãn mác, an toàn cho sức khỏe, an toàn VSTP. Tính chung toàn tỉnh, diện tích phục vụ bình quân của 1 cơ sở bán lẻ rượu là 0,874 km2, bán kính phục vụ bình quân của 1 cơ sở bán lẻ rượu là 0,528 km, dân số phục vụ bình quân là 928 người/cửa hàng. Hạn chế tốc độ tăng trưởng bình quân sản lượng rượu tiêu thụ.

Đến năm 2030:

Tiếp tục sắp xếp lại số thương nhân đã tham gia bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu trong giai đoạn trước phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý đặt ra trong thời kỳ này. Khuyến khích và hỗ trợ các thương nhân đầu tư nâng cấp cơ sở kinh doanh theo hướng hiện đại. Chỉ cấp thêm Giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu ở những nơi thực sự cần thiết và trong giới hạn tối đa đã được quy hoạch. Toàn tỉnh có hệ thống bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu đầy đủ về số lượng, quy mô và trình độ phát triển so với nhu cầu của thị trường. Trên từng địa bàn cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được số lượng và chất lượng sản phẩm rượu bán ra.

3. Nội dung quy hoạch

a. Định hướng phát triển

- Định hướng phát triển mạng lưới cơ sở sản xuất sản phẩm rượu

Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp sản xuất rượu quy mô công nghiệp chất lượng cao. Giảm dần tiến tới xóa bỏ rượu nấu thủ công quy mô gia đình nhằm mục đích kinh doanh. Cải tiến công nghệ nấu rượu thủ công và hướng tới hình thành các hợp tác xã, làng nghề nấu rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp chế biến lại. Rượu sản xuất thủ công được thu gom xử lý theo quy mô công nghiệp ở các công ty, để sản xuất rượu mang màu sắc truyền thống, không độc hại, giá cả phù hợp, phục vụ cho nhu cầu tại địa phương.

- Định hướng phát triển mạng lưới cơ sở kinh doanh sản phẩm rượu

Đối với thương nhân bán buôn sản phẩm rượu: Trong ba năm đầu của thời kỳ quy hoạch, tiếp tục cấp phép hoặc thu hồi giấy phép nhằm tạo điều kiện tiếp tục cấp giấy phép cho thương nhân bán buôn đảm bảo đủ điều kiện theo quy định hiện hành. Giai đoạn sau năm 2020, xem xét sự phát triển tương thích với mạng lưới thương nhân bán lẻ và hiệu quả hoạt động của các thương nhân bán buôn để điều chỉnh theo hướng giảm dần đầu mối nhưng tập trung về số lượng và chất lượng hàng hoá cung ứng cho giai đoạn sau. Cùng với đó, cơ cấu lại hệ thống thương nhân bán buôn sản phẩm rượu đã được cấp phép để điều chỉnh cho phù hợp, trên nguyên tắc ưu tiên cấp tiếp giấy phép cho các doanh nghiệp bán buôn đang kinh doanh có đủ điều kiện theo pháp luật quy định, không tăng thêm nhiều thương nhân bán buôn mới; sắp xếp lại thương nhân bán buôn hợp lý theo đề nghị của nhà cung cấp, nhu cầu của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.

Đối với thương nhân bán lẻ sản phẩm rượu: Trong ba năm đầu của thời kỳ quy hoạch, cần tiếp tục cấp phép cho các thương nhân đang kinh doanh sản phẩm rượu đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Trong giai đoạn tiếp theo, hạn chế cấp mới giấy phép cho các thương nhân mới kinh doanh sản phẩm rượu, xem xét hiệu quả hoạt động của các thương nhân để điều chỉnh theo hướng không tăng nhanh về số lượng thương nhân mà tập trung về số lượng và chất lượng hàng hoá. Giai đoạn sau năm 2020 rà soát lại số thương nhân bán lẻ đã được cấp phép điều chỉnh cho phù hợp trên nguyên tắc xem xét, điều chỉnh có thể thay thế thương nhân bán lẻ vi phạm các điều kiện kinh doanh; sắp xếp lại thương nhân bán lẻ hợp lý theo nhu cầu của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng; quản lý được hệ thống các điểm bán lẻ chặt chẽ hơn theo quy hoạch của địa phương, phân cấp quản lý xuống cấp xã, phường.

b. Quy hoạchphát triển mạng lưới cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

- Quy hoạch cơ sở sản xuất sản phẩm rượu

Đến năm 2020, tổng sản lượng sản xuất rượu của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đạt khoảng 15.800 nghìn lít. Trong đó, sản lượng rượu sản xuất công nghiệp sẽ đạt khoảng 100 nghìn lít, chiếm tỷ trọng 0,63%; sản lượng rượu sản xuất thủ công sẽ đạt khoảng 2.000 nghìn lít, chiếm tỷ trọng 12,66% và sản lượng rượu dân nấu sẽ là 13.700 lít, còn chiếm khoảng 86,71%.

Đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công: Đầu tư nâng cấp các cơ sở hiện hữu. Phân bổ các cơ sở sản xuất rượu thủ công theo hướng tập trung vào các khu sản xuất tập trung và các cụm công nghiệp đã quy hoạch. Đến năm 2020, tùy theo quy mô sản xuất, có thể phân bố các địa điểm tại gia đình đáp ứng được nhu cầu theo quy định. Số lượng cơ sở sản xuất rượu thủ công được cấp phép đạt 650-700 cơ sở.

Duy trì số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có. Ưu tiên phát triển cơ sở sản xuất công nghiệp mới, có đủ điều kiện để cấp phép đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp. Tập trung các cơ sở sản xuất rượu quy mô nhỏ thành hợp tác xã để phân bố tại các khu sản xuất tập trung hoặc vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Dự kiến trong giai đoạn 2016-2020, phát triển thêm 01 doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Định hướng đến năm 2020, phát triển thêm 01 cơ sở sản xuất rượu công nghiệp.

- Quy hoạch mạng lưới cơ sở kinh doanh sản phẩm rượu:

Số lượng doanh nghiệp bán buôn tối đa được cấp giấy phép đến năm 2020 là 11.

Số lượng cơ sở bán lẻ rượu tối đa được cấp giấy phép trên toàn tỉnh đến năm 2020 là 1.415.Trong đó, quy hoạch tới năm 2020, thành phố Vĩnh Yên sẽ cấp phép tối đa cho 162 doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ rượu; thị xã Phúc Yên có tối đa 185 doanh nghiệp, cơ sở; huyện Tam Đảo có tối đa 110 doanh nghiệp, cơ sở; huyện Lập Thạch có tối đa 135 doanh nghiệp, cơ sở; huyện Tam Dương có tối đa186 doanh nghiệp, cơ sở; huyện Bình Xuyên có tối đa 163 doanh nghiệp, cơ sở; huyện Yên Lạc sẽ có tối đa 161 doanh nghiệp, cơ sở; huyện Vĩnh Tường sẽ có 214 doanh nghiệp, cơ sở; huyện Sông Lô sẽ có tối đa 101 doanh nghiệp, cơ sở.

Số lượng cơ sở bán lẻ sản phẩm rượu tối đa được cấp phép trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020

STT

Chỉ tiêu

 

Huyện, thị xã, TP

Số lượng cơ sở đã được cấp phép (còn hạn) đến hết năm 2014

Số lượng cơ sở tối đa được cấp phép đến năm 2020

1

TP.Vĩnh Yên

66

162

2

TX. Phúc Yên

50

185

3

H. Lập Thạch

12

133

4

H.Tam Dương

9

186

5

H.Bình Xuyên

12

163

6

H. Yên Lạc

0

161

7

H.Vĩnh Tường

5

214

8

H. Tam Đảo

50

110

9

H. Sông Lô

0

101

Toàn tỉnh

204

1.415

c. Nhu cầu sử dụng vốn và đất

Nhu cầu sử dụng vốn: Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư sản xuất rượu công nghiệp là khoảng 41,2 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư sản xuất rượu thủ công là khoảng 30 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cho các cơ sở bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu là khoảng 12 tỷ đồng. Trong đó, 100% nguồn vốn xây dựng hệ thống cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là vốn doanh nghiệp tư nhân, vốn trong dân.

Nhu cầu sử dụng đất: Dự kiến đến năm 2020, tổng diện tích chiếm đất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ khoảng từ 42.500 đến 45.000 m2. Trong đó, diện tích sản xuất rượu công nghiệp sẽ đạt khoảng 10.000 m2, diện tích sản xuất rượu thủ công (được cấp phép) sẽ tăng mạnh đạt 32.500-35.000 m2.

Nhu cầu sử dụng đất tối thiểu với doanh nghiệp bán buôn sản phẩm rượu đến năm 2020 của tỉnh Vĩnh Phúc là 1.400 đến 1.700 m2, đối với các doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ rượu sẽ khoảng 7.000 đến 9.000 m2.

4. Các chính sách, giải pháp chủ yếu

a. Chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư

Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường trong sản xuất, kinh doanh rượu như UBND tỉnh tạo điều kiện cho các dự án đầu tư xử lý môi trường của các doanh nghiệp được vay vốn tín dụng của nhà nước, vốn ODA và vốn của quỹ môi trường.Các tổ chức tín dụng quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp có dự án khả thitiếp cận nguồn vốn.

b. Chính sách hỗ trợ các cơ sở kinh doanh đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo đúng quy định hiện hành

Hướng dẫn cụ thể cho các thương nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu trong việc đảm bảo thực hiện các yêu cầu về điều kiện sản xuất, kinh doanh, về thực hiện đầy đủ các chế báo cáo hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Có cơ chế hỗ trợ đối với các thương nhân sản xuất, bán buôn lâu năm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

c. Giải pháp nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với các đơn vị sản xuất và kinh doanh sản phẩm rượu

Tăng cường biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, tác hại của việc lạm dụng rượu và sử dụng rượu với hàm lượng thành phần độc tố cao, thay thế dần bằng cách sử dụng sản phẩm đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Tổ chức hoạt động tuyên truyền phổ biến các quy định hiện hành của pháp luật về sản xuất kinh doanh sản phẩm rượu tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật hiện hành về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu tới các cơ quan, tổ chức kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, triển khai chặt chẽ và quyết liệt công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Quản lý chặt chẽ quảng cáo, khuyến mại và các hình thức tài trợ, chế độ báo cáo định kỳ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước

d. Giải pháp về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường

Các cơ quan chức năng, các nhà sản xuất và cả người tiêu dùng cần phối hợp đồng bộ nhằm chống lại các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với doanh nghiệp, (1) Thường xuyên phổ biến cho tất cả cán bộ, công nhân viên nội dung của Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản liên quan; (2) Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho công nhân trực tiếp sản xuất do các đơn vị có thẩm quyền huấn luyện và cấp giấy chứng nhận; (3) tổ chức khám sức khỏe cho công nhân trực tiếp sản xuất định kỳ ít nhất 1 năm/lần; rà soát các điều kiện vệ sinh nhằm đảm bảo yêu cầu trong “Quy định về các điều kiện vệ sinh chung đối với cơ sở sản xuất thực phẩm”. (4) Việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong quy trình sản xuất các sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu

Đối với cơ quan quản l‎ý nhà nước: (1) Tăng cường công tác tuyên truyền; (2) Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm hạn chế các loại rượu giả, rượu nhập lậu, rượu không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường.

Đối với người tiêu dùng:Chỉ sử dụng rượu có nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ rõ ràng.

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi cá nhân, doanh nghiệp.Các doanh nghiệp cần (1) Tăng cường quản lý nội vi; (2) Kiểm soát quá trình tốt hơn để đảm bảo các điều kiện sản xuất được tối ưu hóa; (3) Thay thế các nguyên liệu đang sử dụng bằng các nguyên liệu khác thân thiện với môi trường hơn; (4) Thay đổi thiết bị đã có để nguyên liệu tổn thất ít hơn; (5) lắp đặt các thiết bị hiện đại và có hiệu quả hơn.

Với các cơ quan quản lý liên quan: Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch thường xuyên kiểm tra và có chế tài xử phạt nếu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp gây ô nhiễm; Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh triển khai chương trình sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp, áp dụng tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn sản phẩm, tạo môi trường lao động tốt với người lao động theo tiêu chuẩn SA 8000, ISO 14000, 118; Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ cho các ngành theo hướng tiết kiệm nguyên liệu và thân thiện với môi trường;

e. Chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ

Các doanh nghiệp có thể chuyển giao công nghệ và kỹ thuật hiện đại ở những khâu quyết định đến chất lượng và giá thành sản phẩm, phần thiết bị còn lại có thể đặt hàng trong nước, tự cải tiến nhằm tự động hóa quy trình sản xuất với chi phí thấp. Các doanh nghiệp phải bố trí phối hợp tốt nhất giữa con người và trang thiết bị máy móc, nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật và công nhân.

Quy định trong sản xuất rượu cần sử dụng công nghệ khử độc tố trong rượu, đặc biệt là tại các hộ, cơ sở/hợp tác xã sản xuất rượu thủ công.

Tỉnh xem xét hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo và vốn đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho các cơ quan nghiên cứu và các cơ sở đào tạo.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Sở Công Thương:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, tham mưu, giám sát công bố công khai và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo đúng quy định.

Xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện quy hoạch; tham mưu các giải pháp kiểm soát mạng lưới sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh.

Theo dõi, quản lý và tham gia ý kiến đối với thiết kế xây dựng hệ thống kho, điểm sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu, đảm bảo phát triển hệ thống sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu phù hợp theo quy hoạch chung và các quy hoạch phát triển thương mại, đô thị... trên địa bàn.

Thực hiện việc xem xét, thẩm định các điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho thương nhân sản xuất và kinh doanh sản phẩm rượu theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt và các quy định hiện hành của pháp luật.

Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, chủ trì tham mưu kế hoạch lộ trình phải đầu tư nâng cấp, di dời, giải tỏa các kho, các điểm sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu không phù hợp với quy hoạch, không đủ điều kiện về địa điểm kinh doanh, không được cấp phép, làm mất trật tự cảnh quan, vi phạm an toàn giao thông, xây dựng trái phép.

Trong kỳ quy hoạch, nếu có sự thay đổi số lượng cơ sở bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu trên địa bàn do thương nhân bỏ kinh doanh, do có sự biến động mạnh về dân số, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện Quy hoạch, báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn thẩm định các thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh của thương nhân sản xuất, bán buôn, bán lẻ cho các đơn vị kinh doanh sản phẩm rượu dựa trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt và các quy định của pháp luật.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá các sản phẩm rượu và tình hình niêm yết của các thương nhân kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn; hướng dẫn các thương nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu thực hiện các chính sách, chế độ quản lý tài chính của doanh nghiệp; phối hợp với các Sở, ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tài chính, kế toán của doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Đảm bảo nguồn kinh phí cho các Sở, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ trong quy hoạch này

4. Sở Xây dựng: Xem xét, góp ý địa điểm đầu tư, thẩm tra hồ sơ thiết kế và cấp giấy phép xây dựng công trình (kho, điểm kinh doanh) sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về quảng cáo sản phẩm rượu; phối hợp với các đơn vị chức năng trong kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định về cấm bán rượu trong các cơ sở vui chơi giải trí, nơi biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao; hướng dẫn các địa phương, cộng đồng dân cư cam kết không lạm dụng rượu trong đám ma, lễ hội, đám cưới vào hương ước, quy chế nội bộ.

6. Sở Giao thông vận tải: Kiểm tra, giám sát các thương nhân kinh doanh có phương tiện vận chuyển sản phẩm rượu trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về phương tiện vận chuyển.

7. Công an tỉnh: Quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các cơ sở sản xuất, bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu; chỉ đạo lực lượng Công an trong tỉnh chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về an ninh, trật tự tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật, đồng thời phòng ngừa, phát hiện đấu tranh ngăn chặn các hành vi nhập lậu và kinh doanh, sản xuất rượu giả, trái pháp luật hiện hành.

8. Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy:

- Thẩm duyệt thiết kế về PCCC và nghiệm thu về mặt PCCC các nhà kho, điểm kinh doanh sau khi thi công xong đưa vào hoạt động.

- Tổ chức hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC đối với thương nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu trong quá trình hoạt động.

- Chủ trì phối hợp các đơn vị lập kế hoạch ứng cứu sự cố tại các kho chứa, điểm sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu.

9. Sở Y tế: Tăng cường năng lực cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, đào tạo kiến thức, kỹ năng cho cán bộ y tế và cán bộ công tác xã hội để kịp thời phát hiện, thực hiện có hiệu quả các biện pháp giảm thiểu tác hại của rượu; Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các tổ chức và cá nhân kinh doanh sản phẩm rượu.

10. Sở Thông tin và truyền thông, các cơ quan truyền thông (Báo Vĩnh Phúc, Đài phát thanh và truyền hình): Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu trong cộng đồng và việc tuân thủ các quy định của pháp luật đối với việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm rượu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

11. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị, thành phố:

- Triển khai Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn mình nhằm đảm bảo được việc cấp phép kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu không vượt quá số lượng quy hoạch đã quy định.

- Tăng cường phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc xử lý hoặc đề xuất với UBND tỉnh biện pháp xử lý đối với các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện quy hoạch và quản lý mạng lưới sản xuất, kinh doanh các sản phẩm rượu trên địa bàn quản lý.

- Quản lý kiểm tra chặt chẽ việc đầu tư xây dựng kho, điểm sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn và chỉ được cấp phép xây dựng cho thương nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu đúng theo quy hoạch. Hàng năm báo cáo về UBND tỉnh (thông qua Sở Công Thương) về việc thực hiện quy hoạch mạng lưới kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn mình quản lý; xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.

- Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước của thương nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn.

12. Trách nhiệm của các thương nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu:

- Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu và thực hiện “Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của UNND tỉnh ban hành.

- Thương nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Chấp hành các yêu cầu hướng dẫn của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu. Đặc biệt, thương nhân bán buôn sản phẩm rượu phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hỏa hoạn, huấn luyện về kỹ thuật an toàn cháy nổ với cán bộ nhân viên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Duy Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1560/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến 2020, định hướng 2030

  • Số hiệu: 1560/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/05/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Lê Duy Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản