Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1531/QĐ-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 11 năm 1977

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CẢI TẠO CÁC ĐỐI TƯỢNG HÌNH SỰ VÀ TỆ NẠN XÃ HỘI TRONG THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27-10-1962 ;
- Căn cứ nghị quyết số 49/NQ-TVQH ngày 20-6-1961 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tập trung giáo dục cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội ;
- Căn cứ chỉ thị số 15/CT-UB ngày 5-4-77 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phương hướng kế hoạch giải quyết vấn đề tệ nạn xã hội trong thành phố ;
- Để đảm bảo thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 8-9-1977 về chủ trương giải quyết căn bản vấn đề trật tự xã hội, chống tội phạm hình sự và bài trừ tệ nạn xã hội,
- Theo đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Công an Thành phố,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. - Nay ban hành “Bản quy định về việc cải tạo các đối tượng hình sự và tệ nạn xã hội trong thành phố”.

Điều 2. - Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Điều 3. - Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và phường, xã có nhiệm vụ thi hành quyết định này.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC CẢI TẠO CÁC ĐỐI TƯỢNG HÌNH SỰ VÀ TỆ NẠN XÃ HỘI TRONG THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo quyết định số 1531/QĐ-UB ngày 25-11-1977)

Trong đấu tranh chống tội phạm hình sự và bài trừ tệ nạn xã hội nhằm ổn định về căn bản tình hình an ninh trật tự trong thành phố theo tinh thần nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố ngày 8-9-1977, việc cương quyết tiến hành cảI tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội, đã được giáo dục nhiều lần mà không chịu sửa chữa, là một yêu cầu bức thiết hiện nay, đồng thời cũng là trách nhiệm chung của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể và của mọi công dân thành phố.

Để cho cơ quan chánh quyền các cấp và các đoàn thể có thể xác định đúng đắn những đối tượng cần cải tạo và có biện pháp xử lý thích đáng, Ủy ban nhân dân Thành phố quy định tiêu chuẩn các loại đối tượng, hình thức cải tạo và thủ tục tiến hành như sau :

I- VỀ ĐỐI TƯỢNG VÀ HÌNH THỨC CẢI TẠO

Điều 1.- Những đối tượng tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội cần phải giáo dục cải tạo gồm 4 loại sau đây :

Loại 1 : Những tên cầm đầu các tổ chức, băng ổ, nhóm lưu manh thuộc các loại cướp giựt, trộm cắp, bắt cóc, tống tiền, lừa đảo, giả mạo, đầu cơ, buôn lậu, chứa chấp tiêu thụ của gian, đâm thuê, chém mướn, và bọn chủ chứa các loại gái mãi dâm, cờ bạc, chế biến tiêm hút xì ke ma túy.

Loại 2 :

1- Những tên lưu manh chuyên nghiệp, không có nghề nghiệp, hoặc chỉ có “nghề nghiệp” ngụy trang, đã bị xử phạt nhiều lần về các tội cướp giựt, trộm cắp, móc túi, lừa đảo, giả mạo, buôn lậu, tiêu thụ của gian, bắt cóc, tống tiền, đâm thuê chém mướn, v.v… nhưng không chịu sửa chữa và vẫn có biểu hiện hoạt động phi pháp.

2- Những tên tội phạm hình sự đã bị chế độ Mỹ-Ngụy kết án tù giam nhưng đã trốn ra sau ngày giải phóng, không chịu sửa chữa, nay có nhiều biểu hiện hoạt động phi pháp.

3- Những tên tội phạm đã hết hạn tù nhưng chưa chịu cải tạo, mà còn tái phạm ; những tên phạm pháp hiện hành nhưng xét không cần truy tố ra toà án; những tên đã được đưa vào các trường trại “tập trung cải tạo hoặc lao động” như gái mãi dâm, phần tử nghiện xì ke ma túy, cao bồi du đãng, nhưng nhiều lần bỏ trốn ra ngoài, tiếp tục hoạt động phi pháp.

4- Những phần tử có sức lao động, nhưng không chịu lao động, thường tụ tập ăn chơi hoặc có hành động trộm cắp vặt, đã bị đưa ra tập trung lao động nhiều lần nhưng không chịu cải tạo, bỏ trốn ra ngoài làm ăn phi pháp.

5- Những tên có đủ điều kiện để đưa đi tập trung cải tạo nhưng đã được chiếu cố để lại cải tạo tại địa phương, vẫn không chịu cải tạo, không tuân thủ pháp luật, tiếp tục có hành động phi pháp.

Loại 3 :

1- Những gái mãi dâm chuyên nghiệp, kể cả những người có nghề nghiệp nhưng chỉ để ngụy trang.

2- Những tên nghiện xì ke ma túy (hút hoặc chích) hiện chưa cai nghiện, từ bỏ.

3- Những người có sức lao động, đã được sắp xếp lao động, nhưng không chịu lao động, tụ tập ăn chơi.

4- Những tên có hành động côn đồ ngang ngược, không tôn trọng pháp luật Nhà nước, quy tắc trị an thành phố, luôn luôn phá rối trật tự trị an, được giáo dục nhiều lần vẫn không chịu sửa chữa.

Loại 4 :

1- Những phần tử mới phạm pháp một hai lần do hoàn cảnh đời sống hoặc một nguyên nhân xã hội nào đó, xét chưa cần truy tố trước pháp luật hoặc tập trung cải tạo.

2- Những đối tượng thuộc loại 3 nói trên nhưng có hoàn cảnh khách quan đáng được chiếu cố (phải nuôi gia đình đông con, già yếu, bệnh tật kinh niên) và xét có khả năng cải tạo tại địa phương.

Điều 2.- Căn cứ vào tính chất nguy hại đối với xã hội và khả năng cải tạo, tiến bộ nhiều hay ít của chúng, các đối tượng kể trên sẽ được cải tạo theo hình thức như sau :

- Tập trung cải tạo dài hạn đối với những đối tượng loại 1 và 2.

- Cưỡng bức lao động tại những trường trại dùng vào việc này đối với những đối tượng loại 3.

- Tổ chức cải tạo tại chỗ đối với những đối tượng loại 4.

Điều 3.- Thời hạn cải tạo tập trung do Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định đối với từng trường hợp.

Thời hạn cưỡng bức lao động và cải tạo tại chỗ do Ủy ban nhân dân quận và huyện quyết định.

Thời gian cải tạo hoặc cưỡng bức lao động có thể được giảm bớt hoặc gia hạn thêm tùy theo kết quả cải tạo đã đạt được của từng đối tượng.

Điều 4.- Những người ăn xin, ăn mày ở đầu đường xó chợ, những người mắc bệnh hủi, bệnh điên vì có tác hại đến trật tự xã hội, cũng phải tập trung đưa đến cơ sở bảo dưỡng của Sở Thương binh và xã hội hoặc cơ sở y tế để được điều trị.

Điều 5.- Đối với những trẻ em hư hỏng, biện pháp xử lý quy định như sau, tùy theo từng loại :

a) Tập trung cải tạo tại các trường phổ thông công nông nghiệp, những trẻ em dưới 16 tuổi có những hành động phạm pháp như cướp của, giết người, hiếp dâm, trộm cắp, giựt đồ nhiều lần.

b) Đưa vào các trường trại nuôi dạy của Sở Thương binh và xã hội những trẻ em không nơi nương tựa, sống lang thang, bụi đời hoặc những trẻ em có gia đình, nhưng gặp hoàn cảnh bất hạnh lìa bỏ gia đình nhiều lần, có hành động trộm cắp vặt, gia đình không quản lý và giáo dục được.

c) Giao cho gia đình hoặc người thân chịu trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục những trẻ em hư hỏng, bỏ học đi lang thang, xin ăn, hoặc trộm cắp vặt. Nếu nhiều lần không sửa chữa và tiếp tục có hiện tượng hư hỏng như cũ, thì tùy theo mức độ sai phạm mà đưa đi tập trung cải tạo ở trường phổ thông công nông nghiệp hoặc trường nuôi dạy trẻ em bụi đời của Sở Thương binh và xã hội; gia đình có nhiệm vụ đóng góp vào phí tổn nuôi dạy.

II. THỦ TỤC XỬ LÝ CÁC ĐỐI TƯỢNG

Điều 6.- Căn cứ vào tiêu chuẩn nêu ở điều 1 và 5 trên đây, cơ quan công an phường, xã dựa vào nhân dân và các đoàn thể thu thập tài liệu, lập hồ sơ các loại đối tượng theo từng loại.

Điều 7.- Hồ sơ đối tượng phải được Hội đồng xét duyệt phường, xã thông qua.

Hội đồng xét duyệt phường, xã gồm có :

- Đại diện Ủy ban nhân dân phường (xã),

- Đại diện công an phường (xã),

- Đại diện của các đoàn thể thanh niên, phụ nữ nông hội (nếu ở ngoại thành) do Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ định.

Hội đồng xét duyệt từng trường hợp. Quyết định của Hội đồng phải được ghi vào biên bản cuộc họp xét duyệt có chữ ký của các thành viên của Hội đồng.

Điều 8.- Thẩm quyền xử lý :

Theo đề nghị của Hội đồng xét duyệt phường, xã, công an quận, huyện tập hợp, nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân quận, huyện xét duyệt hồ sơ các loại đối tượng :

- Ra quyết định đối với những tường hợp cưỡng bức lao động, cải tạo tại chỗ (loại 3, 4) và các biện pháp xử lý đối với trẻ em hư hỏng (điều 5).

- Lập danh sách đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố (qua Sở Công an Thành phố) xét duyệt, quyết định đối với những trường hợp tập trung cải tạo dài hạn.

Tất cả các quyết định xử lý đều phải được thông báo cho gia đình đối tượng (cha mẹ hoặc vợ con) và chánh quyền cơ sở biết khi thi hành.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9.- Ủy ban nhân dân quận, huyện và phường, xã có trách nhiệm phối hợp với các đại biểu Hội đồng nhân dân, với Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền phổ biến trong nhân dân và cơ quan Nhà nước nội dung quy định này, đồng thời thi hành những biện pháp cần thiết để thực hiện, kịp thời thành lập Hội đồng xét duyệt phường, xã và bảo đảm điều kiện cho Hội đồng hoạt động.

Điều 10.- Sở Công an Thành phố có trách nhiệm hướng dẫn công an quận, huyện, phường, xã làm tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện quy định này, góp phần tích cực vào công tác giữ gìn trật tự trị an thành phố.

Điều 11.- Những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân lao động phát huy quyền làm chủ tập thể của mình giúp đỡ cơ quan có trách nhiệm và đoàn thể thi hành tốt các điểm quy định trên đây, có nhiều thành tích góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội, chống tội phạm hình sự sẽ được biểu dương khen thưởng xứng đáng.

Điều 12.- Những người cố tình bao che đối tượng cần được cải tạo hoặc cản trở việc thi hành quy định này sẽ bị xử phạt theo pháp luật hiện hành.

Đối với những trường hợp có hành động kháng cự lại việc thi hành những biện pháp cải tạo trên đây, hoặc trốn tránh luật pháp, các cơ quan thẩm quyền có thể áp dụng những hình thức cưỡng chế cần thiết.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1531/QĐ-UB năm 1977 về cải tạo các đối tượng hình sự và tệ nạn xã hội trong thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 1531/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/11/1977
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Đình Nhơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản