Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 153/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2018

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU CÔNG NGHỆ THÔNG TIN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020 bao gồm các nội dung chính sau:

1. Tên Chương trình và cơ quan quản lý Chương trình:

a) Tên Chương trình: Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020.

b) Cơ quan quản lý Chương trình: Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Mục tiêu của Chương trình:

a) Mục tiêu tổng quát:

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thống nhất từ trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin quốc gia và xác thực điện tử; phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) thông qua việc phát triển các Khu công nghệ thông tin trọng điểm và các sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm.

b) Mục tiêu cụ thể đến 2020:

- 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung.

- Đáp ứng kết nối trên 50% các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

- 30% hồ sơ thủ tục hành chính của các địa phương được xử lý trực tuyến tại mức độ 4.

- Trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính cần trao đổi giữa các bộ phận một cửa liên thông được trao đổi qua môi trường mạng.

- Hoàn thành xây dựng hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương để kết nối các hệ thống dịch vụ của các bộ, ngành, địa phương đã sẵn sàng.

- Trên 80% hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên của các địa phương được áp dụng phương án bảo đảm an toàn thông tin phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

- Đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại cao nhất trên thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế.

- 100% dịch vụ công cấp độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung.

- Tối thiểu 50% cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giám sát an toàn thông tin mạng, trong đó ưu tiên cho các tỉnh ở địa bàn khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách.

- Hỗ trợ xây dựng 07 khu công nghệ thông tin tập trung thuộc Quyết định số 392/2015/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

- Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển tối thiểu 03 sản phẩm phần cứng điện tử thuộc lĩnh vực vi mạch, chíp bán dẫn; 06 sản phẩm nền tảng dùng trong cơ quan nhà nước và xã hội; 01 sản phẩm nội dung số phục vụ cơ quan nhà nước.

3. Thời gian, phạm vi và đối tượng của Chương trình:

a) Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2016 - 2020

b) Phạm vi Chương trình:

Các bộ, ngành trung ương, các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có các dự án thuộc đối tượng hỗ trợ đầu tư của Chương trình.

c) Đối tượng thụ hưởng của Chương trình:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tham gia Chương trình;

- Các doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi từ Chương trình khi đơn giản hóa thủ tục hành chính và được ưu tiên đầu tư trong các Khu công nghệ thông tin tập trung.

4. Quy mô của Chương trình:

a) Đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tuân thủ khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc Chính phủ điện tử cấp tỉnh, đảm bảo an toàn, bảo mật và kết nối liên thông giữa các địa phương và trung ương và với các hệ thống thông tin dùng chung cấp quốc gia.

b) Xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng kỹ thuật hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương tạo cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ, phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

c) Triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao tại các bộ, ngành và địa phương.

d) Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng, hệ thống xử lý các mối nguy hại thường trực trên mạng, hệ thống giám sát an toàn thông tin các trang, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức; đầu tư xây dựng hệ thống xác thực điện tử quốc gia.

đ) Hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho 05 khu công nghệ thông tin tập trung tại các địa phương lợi thế và vùng kinh tế trọng điểm; hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm.

e) Hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình (sử dụng vốn sự nghiệp theo kế hoạch hằng năm):

- Thuê dịch vụ công nghệ thông tin cho các dự án phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình;

- Chuyển đổi, chuẩn hóa, tạo lập dữ liệu; chuẩn hóa quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

5. Nội dung ưu tiên đầu tư các dự án thành phần:

a) Nhóm dự án thành phần đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin:

Yêu cầu thứ tự ưu tiên đầu tư như sau:

(1) Xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp bộ (đối với các bộ, ngành trung ương); nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp tỉnh (đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).

(2) Xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử: Đối với cấp bộ (các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan ở trung ương), cấp tỉnh (các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) thực hiện theo quy định tại Công văn số 2384/BTTTT-THH ngày 28 tháng 7 năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn mẫu Đề cương Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, mẫu Đề cương Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh.

(3) Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu: Cần thực hiện đúng theo các quy định, hướng dẫn về nguyên tắc xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ, duy trì cơ sở dữ liệu tại Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; tiêu chuẩn kỹ thuật tại Thông tư số 22/2013/TT-BTTTT ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, Công văn số 3788/BTTTT-THH ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn liên thông, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong cơ quan nhà nước.

b) Nhóm dự án thành phần về an toàn thông tin:

Đối với nội dung đầu tư về an toàn thông tin tại các bộ, ngành trung ương, có thể đề xuất bố trí vốn để lập dự án riêng về an toàn thông tin hoặc hình thành một hạng mục trong dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin của Chương trình; đối với nội dung đầu tư về an toàn thông tin tại địa phương, có thể được lồng ghép như một hạng mục đầu tư trong dự án ứng dụng CNTT. Trong trường hợp nội dung an toàn thông tin có phạm vi, quy mô đầu tư lớn, cần phải thành lập dự án riêng thì địa phương cần thuyết minh cụ thể.

c) Nhóm dự án thành phần về công nghiệp công nghệ thông tin:

Dự án đầu tư xây dựng khu CNTT tập trung phải thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung đã được phê duyệt hoặc được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép triển khai thực hiện; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng các khu công nghệ thông tin tập trung đã được công nhận theo quy định của pháp luật. Địa phương được thực hiện dự án phải có điều kiện về nhân lực CNTT, vị trí địa lý, kinh tế - xã hội phát triển, đáp ứng các điều kiện về thành lập khu công nghệ thông tin tập trung được quy định tại Điều 9 Nghị định số 154/2013/NĐ-CP của Chính phủ; xác định rõ nguồn vốn và cơ cấu vốn đầu tư; được cơ quan quản lý Chương trình đề xuất.

Việc đề xuất đầu tư dự án phát triển sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm phải phù hợp với quy định tại Quyết định số 392/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

6. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình:

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là: 1.520 tỷ đồng (trường hợp có bổ sung từ ngân sách trung ương, tổng số vốn thực hiện Chương trình được điều chỉnh tăng nhưng không vượt quá tổng mức đầu tư của Chương trình đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 là 7.920 tỷ đồng). Trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương: 844 tỷ đồng;

- Vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương: 273 tỷ đồng;

- Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương: 403 tỷ đồng.

7. Nguyên tắc phân bổ vốn nguồn ngân sách nhà nước của Chương trình:

- Đối với vốn đầu tư phát triển: Thực hiện theo Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên bố trí vốn tập trung sớm hoàn thành dự án công nghệ thông tin để phát huy hiệu quả khai thác.

- Đối với vốn sự nghiệp: Thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan cho 02 nội dung, nhiệm vụ sau: (1) Thuê dịch vụ CNTT cho phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình; (2) Chuyển đổi, chuẩn hóa, tạo lập dữ liệu và chuẩn hóa quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

8. Các giải pháp thực hiện Chương trình:

a) Về huy động vốn:

Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình, tăng cường vốn của ngân sách địa phương và các nguồn vốn của doanh nghiệp, nhất là vốn đầu tư vào các khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung, xây dựng hạ tầng kỹ thuật; vốn của các đơn vị sự nghiệp và kêu gọi tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Thực hiện việc phân bổ, quản lý và giám sát nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình theo các quy định hiện hành của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cơ quan đơn vị thực hiện Chương trình: Các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có dự án thuộc đối tượng đầu tư của chương trình.

b) Về nguồn nhân lực thực hiện Chương trình:

Chương trình chủ yếu huy động và sử dụng nhân lực hiện có của ngành Thông tin và Truyền thông và nguồn nhân lực công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương tham gia quản lý, thực hiện Chương trình và tăng cường công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực này để đáp ứng yêu cầu của Chương trình.

c) Điều hành, quản lý, giám sát và đánh giá thực hiện Chương trình:

Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý Chương trình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá thực hiện Chương trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

9. Tổ chức thực hiện:

a) Bộ Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn các cơ quan bộ, ngành và địa phương thực hiện Chương trình.

- Tổng hợp và xây dựng kế hoạch trung hạn và hàng năm đối với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan.

- Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phân bổ vốn sự nghiệp của Chương trình.

- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.

- Chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách, bảo đảm cho việc thực hiện các mục tiêu đề ra của Chương trình.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ ngành và địa phương cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn và hàng năm để thực hiện Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành và địa phương thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thuộc Chương trình.

- Phối hợp với chủ Chương trình kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình.

c) Bộ Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chủ Chương trình phân bổ, bố trí vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình.

d) Các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình tại bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương.

- Rà soát, đề xuất xây dựng và triển khai các dự án để thực hiện Chương trình.

- Xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch trung hạn và hằng năm của bộ, ngành và địa phương; gửi Chủ chương trình và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan.

- Quản lý, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình do bộ, ngành, địa phương quản lý; định kỳ báo cáo Chủ chương trình tiến độ thực hiện Chương trình tại bộ, ngành và địa phương theo quy định.

- Chịu trách nhiệm cân đối, bố trí phần vốn từ ngân sách địa phương cho các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2b).KN

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 153/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 153/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/01/2018
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 367 đến số 368
  • Ngày hiệu lực: 30/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản