Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1519/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 25 tháng 07 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN NÂNG CAO NHẬN THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VỀ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG SỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2014 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 14 tháng 06 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2013 - 2015 định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về chất độc hóa học (CĐHH) đối với môi trường sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014 - 2015, định hướng đến năm 2020 với một số nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân về CĐHH đối với môi trường sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Đối tượng và phạm vi thực hiện

Đề án được triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cho các đối tượng là: các cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân (bao gồm cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp).

3. Nội dung tuyên truyền, phổ biến

a) Tuyên truyền nhằm giải quyết cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với con người trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đồng thời phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội với việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học; các mô hình chăm sóc nạn nhân tại cộng đồng, gắn với trung tâm Bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe nạn nhân ở địa phương; vận động các tổ chức trong nước và quốc tế, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nước ngoài, các cá nhân tham gia đóng góp ủng hộ cho nạn nhân chất độc hóa học về vật chất và tinh thần để cải thiện đời sống và chữa bệnh

b) Tuyên truyền rộng rãi các văn bản pháp luật về: chính sách và chế độ trợ giúp nạn nhân CĐHH là những người tham gia kháng chiến và con cháu của người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi người có công; Các chế độ trợ cấp và chế độ bảo hiểm y tế cho các gia đình nạn nhân CĐHH có hoàn cảnh khó khăn và có nhiều người bị bệnh/tật nặng....Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

4. Hình thức, biện pháp tuyên truyền

a) Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng;

b) Tuyên truyền trên hệ thống cổ động trực quan.

5. Các giải pháp

a) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc từng bước khắc phục cơ bản những hậu quả của CĐHH chiến tranh tác động đến môi trường và con người của tỉnh Thừa Thiên Huế.

b) Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc chăm sóc nạn nhân CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam tại cộng đồng; Vận động các tổ chức, gia đình và cá nhân nhận chăm sóc thay thế nạn nhân CĐHH đặc biệt khó khăn.

c) Tăng cường sự giám sát, đánh giá của các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong việc thực hiện chính sách trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi giáo dục, Y tế, thăm và tặng quà vào các dịp lễ tết... đối với người nhiễm CĐHH da cam/Dioxin theo Pháp lệnh ưu đãi người có công.

d) Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, bao gồm các tổ chức đa phương, song phương và các tổ chức phi Chính phủ trên cả ba lĩnh vực kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính để tham gia nghiên cứu và khắc phục hậu quả CĐHH chiến tranh tại địa phương.

6. Kinh phí thực hiện

a) Kinh phí thực hiện được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các sở, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.

b) Nguồn hỗ trợ thực hiện của Trung ương.

c) Huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

7. Phân công trách nhiệm

a) Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan trên địa bàn xây dựng kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân về chất độc hóa học đối với môi trường sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Phối hợp và chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức về chất độc hóa học đối với môi trường sống theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh; thực hiện công tác giám sát, đánh giá những kết quả đạt được trên lĩnh vực thông tin và truyền thông.

b) Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy:

- Quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước về nội dung tuyên truyền về chất độc hóa học đối với môi trường sống đến các các cấp, các ngành. Định hướng công tác tuyên truyền về chính sách và chế độ trợ giúp nạn nhân chất độc hóa học là những người tham gia kháng chiến và con cháu của người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi người có công; Các chế độ trợ cấp và chế độ bảo hiểm y tế cho các gia đình nạn nhân CĐHH có hoàn cảnh khó khăn và có nhiều người bị bệnh/tật nặng...

- Phối hợp xây dựng và cung cấp tài liệu tuyên truyền về chất độc hóa học đối với môi trường sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cho lãnh đạo và đội ngũ báo cáo viên thuộc hệ thống tuyên giáo các cấp.

c) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Phối hợp, phổ biến hệ thống tài liệu tuyên truyền và chủ trương, chính sách của Việt Nam trong hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 cho các cơ quan ban ngành, các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền về CĐHH đối với môi trường sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Chỉ đạo và giám sát các đơn vị của ngành phối hợp tuyên truyền về CĐHH đối với môi trường sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

d) Các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng:

- Chủ động xây dựng chương trình tuyên truyền, dưới nhiều hình thức, tổ chức các chiến dịch truyền thông rộng khắp trong toàn tỉnh, đặc biệt là ở các huyện chịu hậu quả nghiêm trọng của chất độc hóa học như A Lưới, Phong Điền....

- Không ngừng đổi mới nội dung tuyên truyền, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với mọi lứa tuổi, vùng, miền...nhằm kịp thời phổ biến các quan điểm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần làm chuyển đổi về nhận thức, nâng cao ý thức tự giác của toàn dân trong bảo vệ môi trường về CĐHH đối với môi trường sống trên địa bàn tỉnh.

- Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh có kế hoạch cụ thể xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền khắc phục hậu quả CĐHH trên địa bàn tỉnh.

e) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

- Chỉ đạo Đài Phát thanh Truyền hình, Đài Truyền thanh có kế hoạch tuyên truyền về công tác khắc phục hậu quả CĐHH tại địa phương...; chú trọng truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn để thông tin đến với đông đảo quần chúng nhân dân.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các văn bản pháp luật về: chính sách và chế độ trợ giúp nạn nhân CĐHH là những người tham gia kháng chiến và con cháu của người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi người có công; các chế độ trợ cấp và chế độ bảo hiểm y tế cho các gia đình nạn nhân CĐHH có hoàn cảnh khó khăn và có nhiều người bị bệnh/tật nặng....

g) Các cơ quan ban ngành khác trên địa bàn tỉnh: căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các đơn vị, cán bộ công nhân viên về chất độc hóa học đối với môi trường sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có trách nhiệm đối với các hoạt động liên quan đến việc khắc phục hậu quả của chất độc hóa học

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể căn cứ các nhiệm vụ được phê duyệt để xây dựng kế hoạch, kinh phí triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

2. Các đơn vị được giao nhiệm vụ báo cáo công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân về CĐHH đối với môi trường sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế về Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 20/11 hàng năm để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế; Thủ trưởng các cơ quan báo chí địa phương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT.HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- VP: các PCVP và CV: TN, TC;
- Lưu: VT, VH.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1519/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về chất độc hóa học đối với môi trường sống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014 - 2015, định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 1519/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Cao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản