Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1512/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 8 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA TỈNH ỦY VỀ XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ XỨNG TẦM LÀ TRUNG TÂM VĂN HÓA, DU LỊCH ĐẶC SẮC CỦA CẢ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 06-NQ/TU NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2011 CỦA TỈNH ỦY VỀ XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ XỨNG TẦM LÀ TRUNG TÂM VĂN HÓA, DU LỊCH ĐẶC SẮC CỦA CẢ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1512/QĐ-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban Nhân dân tỉnh)

A. MỤC TIÊU

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Phát huy truyền thống của vùng đất có bề dày lịch sử, giàu bản sắc văn hóa, khai thác lợi thế tiềm năng về di sản, văn hóa, du lịch, thiên nhiên đặc sắc của Thừa Thiên Huế để xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch. Giải quyết tốt bài toán bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, khẳng định thương hiệu du lịch Thừa Thiên Huế là điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện của du lịch Việt Nam, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tỷ lệ ngày càng cao trong GDP của tỉnh. Trên cơ sở phát triển văn hóa, du lịch, xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Đến năm 2015, hoàn thành cơ bản trùng tu khu vực Đại Nội và một số di tích quan trọng, trong đó ưu tiên các di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Tiếp tục điều tra, khảo sát và có phương án bảo tồn, chống xuống cấp những di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn. Đến năm 2020, hệ thống các di tích trên địa bàn tỉnh cơ bản được đầu tư trùng tu, hoàn thiện.

2. Đến năm 2015, tập trung đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống các thiết chế văn hoá, trọng tâm là: Trung tâm tổ chức Hội nghị, Quảng trường, Trung tâm Bảo quản quốc gia, Bảo tàng thiên nhiên các tỉnh Duyên hải miền Trung, Bảo tàng Lịch sử - Cách mạng, Bảo tàng văn hóa Huế, Trung tâm Điện ảnh, Quảng trường - Công viên văn hóa Bắc Ngự Bình, Công viên vườn tượng quốc tế, Địa đạo Khu ủy Trị - Thiên. Đồng thời triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đầu tư xây dựng các tượng đài trong danh mục được Chính phủ phê duyệt. Phấn đấu 55% làng, thôn, bản, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, riêng hai huyện điểm văn hóa Quảng Điền và Nam Đông phấn đấu đạt 65 - 70%.

3. Đến năm 2015, xây dựng, nâng cấp Trường Trung học Văn hoá - Nghệ thuật thành Trường Cao đẳng Văn hoá - Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Huế thành Trường Đại học Du lịch; hỗ trợ xúc tiến Dự án xây dựng cơ sở vật chất Học viện Âm nhạc Huế. Đến năm 2020, hệ thống các cơ sở đào tạo văn hóa, du lịch và nghệ thuật nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước và là trung tâm đào tạo nguồn lực văn hóa, nghệ thuật chuẩn quốc gia theo chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lực lượng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành, lực lượng lao động được qua đào tạo chính quy, bài bản trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và du lịch vào năm 2015 tăng lên 1,5 lần và năm 2020 tăng 2 lần so với năm 2012.

4. Xác định rõ văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động văn hóa phải tập trung vào xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2015, phấn đấu 100% làng, thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng đơn vị văn hoá, trong đó có 95% đạt chuẩn; 100% cơ quan đăng ký xây dựng đơn vị văn hoá, trong đó có 98% đạt chuẩn; 100% gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, trong đó có 90% gia đình đạt chuẩn.

5. Đến năm 2015 phấn đấu đạt 2,5 - 3 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế đạt 1,2 triệu lượt. Thời gian lưu trú bình quân mỗi du khách đạt 2,5 - 3 ngày; doanh thu du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng; du lịch, dịch vụ chiếm 48% trong GDP. Trong đó, chú trọng phát triển văn hóa, du lịch Thừa Thiên Huế trong mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển du lịch các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, miền Trung - Tây Nguyên và các trung tâm du lịch lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... các nước trong khu vực ASEAN, hành lang kinh tế Đông - Tây, khai thác lợi thế, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Gắn khai thác các sản phẩm du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ tài nguyên văn hóa, du lịch và nhân văn; góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đảm bảo về an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

B. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ XỨNG TẦM LÀ TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐẶC SẮC CỦA CẢ NƯỚC

1. Nghiên cứu, sưu tầm, hoàn thiện các tiêu chí đặc trưng về bản sắc văn hóa Huế trong các lĩnh vực của đời sống xã hội

Liên kết, phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành của địa phương với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện, viện, phân viện nghiên cứu văn hoá nghệ thuật trong nước, khu vực miền Trung để tổ chức hội thảo, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học xác định “bản sắc văn hóa Huế”, những giá trị đặc trưng văn hóa Huế trong văn học, nghệ thuật, kiến trúc, ẩm thực, ngôn ngữ, âm nhạc, trang phục, phong cách ứng xử, trong nếp sống, phong tục tập quán của người dân… nhằm đề ra những giải pháp bảo tồn và phát huy trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

2. Tập trung bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch phát triển đô thị

a) Thực hiện tốt công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích văn hóa, lịch sử và cách mạng trên địa bàn:

- Nghiên cứu, thống kê lập hồ sơ các công trình di tích, danh lam thắng cảnh chưa được công nhận xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó tiến hành lập danh mục đề nghị bảo vệ và xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Lập danh mục và số hóa các dữ liệu về hệ thống di sản văn hóa Huế, bao gồm các di tích đã được xếp hạng, di tích, danh lam thắng cảnh chưa được công nhận xếp hạng nhưng có giá trị. Xây dựng hồ sơ tái đề cử di sản thế giới cho quần thể di tích Cố đô Huế, hồ sơ công nhận cho Sông Hương và cảnh quan; xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể hệ thống di tích cố đô Huế. Gìn giữ và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh, đặc biệt là Vịnh đẹp Lăng Cô, Vườn quốc gia Bạch Mã, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, cảnh quan hai bờ sông Hương, các khu di tích quan trọng, các chùa cổ (Thánh Duyên, Thiên Mụ, Diệu Đế, Từ Hiếu, Bảo Quốc…).

- Hoàn chỉnh Quy hoạch khảo cổ trên địa bàn. Tiến hành khảo sát, điều tra đánh giá hiện trạng và lập kế hoạch tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp các công trình di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng và kiến trúc tôn giáo đã được công nhận xếp hạng trên địa bàn.

- Hoàn thiện việc cắm mốc khoanh vùng bảo vệ các di tích trên địa bàn. Điều chỉnh một số nội dung khoanh vùng bảo vệ di tích phù hợp với Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để đầu tư hoàn thành một số di tích trọng điểm trong Quần thể di tích Cố đô Huế. Triển khai quyết liệt Quyết định 818/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020; trong đó, ưu tiên tập trung dự án di dời, giải toả, tái định cư dân vùng Thượng Thành, Eo Bầu để tiến tới hoàn thành cơ bản trùng tu khu vực Đại Nội và các di tích tiêu biểu trong Kinh thành Huế. Bổ sung cơ chế, chính sách khai thác và bảo tồn phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ Phước Tích, cầu ngói Thanh Toàn....

- Đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH); xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn hóa ở khu dân cư, văn hóa công sở. Đẩy mạnh phát triển số lượng, chú trọng nâng cao chất lượng “Làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hoá”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá”, “Gia đình văn hóa”. Chú trọng phát triển phong trào đều ở khắp các địa phương, vùng miền. Lồng ghép nhiều nội dung, nhiều phong trào ở cơ sở vào phong trào “TDĐKXDĐSVH”. Xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trong giai đoạn mới. Xây dựng các công trình văn hóa, các điểm hoạt động văn hóa giải trí công cộng hiện đại, văn minh, lịch sự.

- Tiếp tục thực hiện 5 nội dung chủ yếu của Phong trào TDĐKXDĐSVH: Phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng, xoá đói giảm nghèo; xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh; xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội; sống và làm việc theo pháp luật; xây dựng môi trường văn hoá - sạch - đẹp - an toàn và xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - thể thao cơ sở.

- Triển khai có hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tập trung bảo tồn và phát huy giá trị thuần phong mỹ tục, từng bước khắc phục tệ nạn mê tín, dị đoan và các biểu hiện khác.

b) Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể:

- Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt là Nhã nhạc Cung đình Huế và các lễ hội mang bản sắc văn hoá Huế. Khai thác giá trị các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian gắn với nghiên cứu, phát triển các loại hình nghệ thuật hiện đại. Lập hồ sơ thống kê các giá trị văn hóa đặc trưng và có giải pháp để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

+ Tiếp tục nâng cao chất lượng Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời thực hiện xã hội hóa, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong việc tổ chức Festival.

+ Nghiên cứu, hoàn thiện các lễ hội cung đình: Lễ Tế Giao, Lễ tế Xã Tắc, Lễ Truyền Lô, Đêm Hoàng Cung… có kế hoạch lập hồ sơ đề nghị công nhận Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu đại diện của nhân loại đối với một số Lễ hội tiêu biểu. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lễ hội trên địa bàn

+ Tiếp tục nâng cấp, phát huy hiệu quả các lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch như: Lễ hội văn hóa Huyền Trân, Lễ hội Lăng Cô - Vịnh đẹp thế giới, Thuận An biển gọi, Sóng nước Tam Giang, Hương xưa Làng cổ, Chợ quê ngày hội, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế. Phát huy giá trị đặc trưng của các lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng gắn với lịch sử truyền thống văn hóa Huế như Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Điện Huệ Nam...

+ Sưu tầm và phát triển ca Huế, ca kịch Huế và âm nhạc truyền thống Huế. Hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, tiến tới lập hồ sơ đề nghị công nhận kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

3. Phát huy lợi thế văn hóa Huế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hóa nghệ thuật

a) Phát huy lợi thế văn hóa Huế, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa và lễ hội văn hóa có chất lượng và quy mô, thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - du lịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn diện:

- Tăng cường các hoạt động giao lưu đối ngoại, hợp tác quốc tế về các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch, tranh thủ các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và du lịch. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế; từng bước xây dựng thương hiệu văn hóa Huế, tăng cường các hoạt động đối ngoại để quảng bá các giá trị văn hóa Huế đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng thành phố Huế là thành phố Festival theo Quyết định số 143/2007/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng thành phố Huế thành phố Festival của Việt Nam.

- Gắn kết các hoạt động văn hóa, lễ hội với phát triển du lịch nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế văn hóa Huế để phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

b) Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hóa nghệ thuật:

- Tiếp tục phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, bồi dưỡng các tài năng, khuyến khích sáng tạo các công trình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu; duy trì và nâng cao chất lượng các trại sáng tác; soát xét, bổ sung, hoàn chỉnh quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô; xây dựng Quy chế tặng thưởng cho văn nghệ sĩ trong và ngoài nước có cống hiến cho nền văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Thực hiện chính sách đầu tư sáng tác, khuyến khích, tôn vinh các tài năng văn học nghệ thuật, Nghệ sỹ ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân; tạo điều kiện thúc đẩy khả năng sáng tạo của văn nghệ sĩ. Chú trọng đào tạo lớp văn nghệ sĩ trẻ, đào tạo các chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

c) Tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn ca Huế, đặc biệt là ca Huế trên sông Hương nhằm phục vụ du lịch; hình thành tổ chức biểu diễn ca Huế phục vụ du lịch theo phương thức xã hội hóa. Sớm hoàn thiện thuyền mẫu (cả hình thức mỹ thuật và kỹ thuật phương tiện) để phục vụ du lịch trên sông Hương.

4. Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa

a) Hoàn chỉnh, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

b) Xây dựng Trung tâm tổ chức Hội nghị đủ điều kiện đăng cai tổ chức các Hội nghị, Hội thảo mang tầm quốc gia và quốc tế.

c) Nâng cấp Thư viện tổng hợp tỉnh thành Thư viện Khoa học Tổng hợp, là một trong ba Trung tâm lưu trữ Quốc gia (về thư viện), đầu tư xây dựng Trung tâm bảo quản quốc gia. Phấn đấu trong giai đoạn 2012 - 2015, Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh tham gia vào hệ thống thư viện điện tử, có các phòng đọc đa chức năng, đa phương tiện.

d) Xây dựng Trung tâm Điện ảnh Huế với trang thiết bị hiện đại, đảm bảo công năng phục vụ có hiệu quả nhu cầu giải trí điện ảnh của nhân dân và các liên hoan phim trong nước và quốc tế.

đ) Xây dựng Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng, Bảo tàng thiên nhiên các tỉnh duyên hải miền Trung, nâng cấp Bảo tàng Văn hóa Huế và các bảo tàng hiện có; đồng thời, khuyến khích phát triển hệ thống bảo tàng tư nhân.

e) Xây dựng Trung tâm giao lưu, biểu diễn nghệ thuật vừa hiện đại vừa mang bản sắc văn hóa Huế, có quy mô phù hợp với loại hình nghệ thuật truyền thống, đáp ứng biểu diễn ca múa nhạc truyền thống và giao lưu nghệ thuật.

ê) Nâng cấp Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế trở thành một địa chỉ thưởng thức nghệ thuật cung đình hấp dẫn phục vụ khách nghiên cứu và du lịch. Xây dựng một số nhà hát mới như Nhà hát thực nghiệm Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân xây dựng các nhà hát tư nhân theo phương thức xã hội hóa như Nhà hát Múa rối Cố đô Huế, Nhà hát Bến Xuân….

g) Nâng cấp các nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng.

h) Triển khai xây dựng các tượng đài trong danh mục đã trình Chính phủ phê duyệt; hoàn thiện tượng đài Phan Bội Châu theo dự án đã được phê duyệt; xây dựng tượng đài 11 cô gái sông Hương, Công viên vườn tượng quốc tế Bắc Ngự Bình.

i) Đẩy mạnh phát triển hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở theo Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Huy động nguồn đầu tư, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở như Trung tâm triển lãm mỹ thuật, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; các trung tâm thể thao, sân vận động, sân bóng đá, bể bơi, các khu vui chơi giải trí, các khu dịch vụ…

II. PHÁT HUY LỢI THẾ SO SÁNH ĐỂ XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ XỨNG TẦM LÀ TRUNG TÂM DU LỊCH CỦA CẢ NƯỚC

1. Phát triển nguồn nhân lực du lịch

a) Khảo sát thực trạng và dự báo nhu cầu nhân lực du lịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.

b) Xây dựng, triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh đến năm 2020.

- Đến năm 2015, xây dựng, nâng cấp Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Huế thành Trường Đại học Du lịch. Đến năm 2020, hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước và là trung tâm của khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

- Đến năm 2015, lực lượng lao động được qua đào tạo chính quy, bài bản trong lĩnh vực du lịch tăng 1,5 lần và năm 2020 tăng 2 lần so với năm 2012. Trong đó, ưu tiên lực lượng lao động có trình độ cao và thành tích học tập xuất sắc, lao động là con em của địa phương.

- Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút lực lượng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực du lịch đến làm việc và cống hiến cho sự nghiệp phát triển du lịch tỉnh nhà.

2. Khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phục vụ phát triển du lịch

a) Phát huy vai trò là trung tâm du lịch lớn của vùng trọng điểm miền Trung, xác định du lịch văn hoá là loại hình du lịch chủ đạo của tỉnh, tập trung vào việc khai thác các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của di sản văn hóa cố đô Huế để xây dựng, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Quy hoạch tổng thể du lịch Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu du lịch trọng điểm, khu du lịch tổng hợp, sinh thái khu vực thành phố và phụ cận, khu Bạch Mã - Cảnh Dương - Lăng Cô, Cảnh Dương - Hải Vân - đảo Sơn Chà, Tam Giang - Cầu Hai... các điểm du lịch tiềm năng ở vùng sâu, vùng xa tại Nam Đông, A Lưới.

b) Phát triển các dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… đẩy mạnh việc hình thành các khách sạn, nhà hàng, các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí chất lượng cao và các dịch vụ bổ trợ khác... Phấn đấu đến năm 2015, có trên 400 khách sạn với hơn 12.000 phòng.

c) Xây dựng các cụm điểm dừng chân dọc quốc lộ 1A và điểm đến với các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây. Nâng cấp Sân bay quốc tế Phú Bài đáp ứng nhu cầu nối Huế với các trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế. Tập trung xây dựng các cầu cảng phục vụ du lịch đường biển tại Chân Mây, Thuận An...

3. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Huế

a) Tập trung phối hợp nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đã phát huy thế mạnh trước đó và hình thành sản phẩm du lịch mới tại Huế theo hướng kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách như chợ đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực, bar, khu vui chơi giải trí về đêm,... Phấn đấu đến năm 2015, thời gian lưu trú bình quân của mỗi du khách đạt 2,5 - 3 ngày.

b) Tiếp tục triển khai các quyết định, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biển và đầm phá. Hoàn thiện, nâng cấp tour du lịch trải nghiệm trên đầm phá, phối hợp tour tắm biển, leo núi, du lịch mạo hiểm nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.

c) Tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng tour du lịch đồng quê, làng nghề truyền thống, tour ẩm thực, chùa Huế, nhà vườn Huế,... Khuyến khích phát triển loại hình lưu trú trong dân, đặc biệt là tại các nhà vườn, nhà rường, làng cổ, làng dân tộc ít người...

d) Tăng cường quảng bá, đăng cai tổ chức các hội nghị, hội thảo, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quy mô quốc gia và quốc tế nhằm phát huy thế mạnh về du lịch MICE.

đ) Nghiên cứu, phối hợp triển khai thí điểm du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, nâng cao sức khoẻ tại Mỹ An, Thanh Tân, A Roàng... Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển và đầm phá, các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm trên biển tại Chân Mây - Lăng Cô.

4. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch

a) Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Huế và cả miền Trung gắn với những đặc trưng về di sản văn hoá, lịch sử, con người thân thiện, điểm đến an toàn... nhằm thu hút các hoạt động văn hoá, du lịch của quốc gia, quốc tế. Tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá Huế. Tham gia và tổ chức các hội chợ triển lãm về văn hóa, du lịch, mở các hội nghị xúc tiến, tổ chức các đoàn FAMTRIP, các hội nghị, hội thảo chuyên đề trong nước và quốc tế để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, điểm đến, sản phẩm du lịch.

b) Đầu tư sản xuất những bộ phim hay về Huế, các ký sự dài tập, thực hiện các phóng sự, phim tài liệu về văn hóa, du lịch để chuyển tải những giá trị về vùng đất, con người, nét đẹp văn hóa, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch, dịch vụ trên các kênh truyền thông.

c) Chú trọng đến vấn đề xúc tiến, quảng bá tại các thị trường mục tiêu với những phương pháp thích hợp cho từng thị trường trong từng thời điểm khác nhau; hình thành các văn phòng tiếp thị du lịch tại các thị trường lớn như Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á... Đối với thị trường du lịch trong nước, sử dụng kênh truyền thống như hệ thống đại lý du lịch, các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, các báo, tạp chí trung ương và địa phương, các website, cổng thông tin điện tử du lịch, các hãng lữ hành...

d) Xác định nhu cầu của các thị trường tiềm năng, ưu tiên các thị trường trọng điểm, liên kết với các địa phương để xây dựng, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc thù trên tuyến du lịch “Hành trình qua các kinh đô cổ”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường di sản miền Trung”. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khối ASEAN và các quốc gia Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc..., cùng hợp tác thực hiện các chương trình “Ba quốc gia một điểm đến” với các nước trên Tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

5. Huy động, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch

a) Triển khai các giải pháp nhằm thu hút và khuyến khích các nguồn đầu tư trực tiếp ở trong nước và nước ngoài nhằm phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ. Nghiên cứu, điều chỉnh chính sách và thủ tục kêu gọi đầu tư nhằm thu hút được các nhà đầu tư có thương hiệu về du lịch trong nước và quốc tế đến Thừa Thiên Huế.

b) Tiếp tục triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến 2015, định hướng 2025, trong đó tập trung triển khai các giải pháp để đến năm 2015 xây dựng được ít nhất 1 dự án có chất lượng trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch do tập đoàn Akitek Tenggara - Singapore làm tư vấn.

c) Tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích du lịch phát triển. Ưu tiên các dự án tạo ra sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, dự án xây dựng điểm dừng xe trên quốc lộ phục vụ khách đường bộ nhất là khi phát triển tuyến hành lang kinh tế Đông Tây; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư, tôn tạo, di tích, thắng cảnh, hoạt động văn hóa dân gian, làng nghề.

d) Đẩy mạnh trùng tu các di tích triều Nguyễn, các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng; đồng thời thúc đẩy nhanh các dự án trọng điểm du lịch như Laguna resort, một số dự án tại các vị trí ở trong thành phố, khu vui chơi giải trí cao cấp, các làng nghề...

đ) Tập trung huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng cho 3 cụm du lịch trọng điểm:

- Huế và phụ cận: ưu tiên đầu tư đường, bãi đậu xe tại các điểm tham quan và khu du lịch mới; hạ tầng bến thuyền du lịch; đặc biệt là nâng cấp hạ tầng sân bay quốc tế Phú Bài (xây thêm đường băng hạ cất cánh, mở rộng ga hàng không, nâng cấp chất lượng trang thiết bị phục vụ khách,…)

- Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng Chân Mây (cầu cảng chuyên phục vụ du lịch, khu vực dịch vụ đón khách tàu biển), VQG Bạch Mã, biển Cảnh Dương, Lăng Cô, núi Túy Vân; đường hầm qua đèo Phước Tượng và Phú Gia. Triển khai quy hoạch các bãi biển, xây dựng đường dân sinh ra các bãi biển; xây dựng hạ tầng để khai thác đảo sơn Chà và các bãi biển khác (bãi Chuối, bãi Cả,…).

- A Lưới - Nam Đông: hình thành, phát triển khu đô thị phía Tây của tỉnh gắn với khai thác đường Hồ Chí Minh và hành lang kinh tế Đông Tây. Nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng cơ sở đường lên A Lưới, chỉnh trang đô thị; phát triển các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, thông tin, khách sạn, nhà hàng… của các địa phương. Hoàn thành xây dựng khu thương mại cửa khẩu A Đớt, Hồng Vân.

6. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch

a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch cả về nhân lực, trang thiết bị, nguồn kinh phí theo hướng thay đổi nội dung hoạt động quản lý nhà nước phù hợp với điều kiện mới.

b) Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch ở cấp huyện, thị xã thông qua việc kiện toàn bộ máy quản lý về nhân lực, trang thiết bị và kinh phí. Tăng cường cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ về du lịch để đáp ứng nhu cầu thực tế.

c) Tổ chức phổ biến, cung cấp các thông tin pháp luật liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn; hướng dẫn, hỗ trợ thông tin khi doanh nghiệp yêu cầu. Hệ thống hoá, cập nhật các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động du lịch.

d) Tăng cường công tác quản lý giám sát, nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện đang khai thác phục vụ khách tham quan. Xây dựng phương án đảm bảo trật tự trị an, vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan du lịch, nơi công cộng trên địa bàn thành phố và các khu vực có điểm di tích, khu dịch vụ công cộng.

đ) Đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, triển khai các phương án tác chiến và ứng phó trong thời gian diễn ra các kỳ Festival, các lễ hội lớn, các mùa du lịch cao điểm.

III. GẮN KẾT CHẶT CHẼ GIỮA VĂN HÓA VỚI DU LỊCH, DU LỊCH VỚI VĂN HÓA

1. Đẩy mạnh trùng tu các di tích triều Nguyễn, các di tích lịch sử, văn hoá và cách mạng; đồng thời, thúc đẩy nhanh các dự án trọng điểm về du lịch như Dự án Laguna, các khách sạn và khu vui chơi giải trí cao cấp, các làng nghề, phố cổ, nhà rường, nhà vườn để phát triển du lịch.

2. Phát huy thế mạnh văn hóa Huế, đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, miền, khu vực và quốc tế, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng nhằm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, ưu tiên triển khai Bản cam kết Liên kết phát triển 07 tỉnh duyên hải miền Trung, các văn bản cam kết hợp tác phát triển du lịch giữa 10 tỉnh có du lịch phát triển. Trước mắt tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu có tính khả thi cao: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng và sản phẩm du lịch; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

3. Tiếp tục phát triển hợp tác quốc tế khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây, tổ chức các đoàn Famtrip cho các hãng lữ hành quốc tế của Thái Lan, Lào, Myanma, Campuchia đến Việt Nam, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế.

4. Nâng cao hiệu quả kinh tế và tính chuyên nghiệp trong các hoạt động văn hoá, nhất là các kỳ Festival, các lễ hội văn hoá truyền thống; đưa các sản phẩm vào khai thác thường xuyên, phục vụ du lịch.

5. Tổ chức các hoạt động văn hoá, du lịch với các nước có thị trường khách đến Thừa Thiên Huế lớn; tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các giá trị văn hoá Việt Nam, văn hóa Huế đến với bạn bè quốc tế để thu hút khách quốc tế tới Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng.

IV. XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC VĂN HÓA, DU LỊCH

1. Xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực văn hóa, thể thao, du lịch giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến 2030. Ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao; có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ các nghệ sĩ, nghệ nhân… trong việc sáng tác và truyền nghề.

2. Nâng cấp Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật thành trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật. Liên kết đào tạo với các trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Sân khấu Điện ảnh (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) để chuẩn bị điều kiện hình thành các Phân hiệu của các trường Đại học Văn hóa, Đại học Sân khấu Điện ảnh tại thành phố Huế. Xúc tiến xây dựng cơ sở vật chất Học viện Âm nhạc Huế.

3. Nâng cấp trường Cao đẳng Nghề du lịch Huế thành trường Đại học Du lịch. Xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực lâu dài cho du lịch Thừa Thiên Huế, nòng cốt là đào tạo tại chỗ và tận dụng thế mạnh của Trường Cao đẳng Nghề du lịch (sắp tới là Đại học Du lịch), Khoa Du lịch - Đại học Huế, Khoa Văn hóa Du lịch của Trường Văn hóa Nghệ thuật, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của du lịch trong thời kỳ mới.

4. Thường xuyên mở lớp đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại cho cán bộ, nhân viên trong các doanh ngiệp du lịch, các lớp nâng cao nhận thức và bồi dưỡng kỹ năng bán hàng cho người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phục vụ du lịch. Tạo cơ hội cho cán bộ quản lý, người lao động được học tập kinh nghiệm quản lý và nâng cao tay nghề ở các khách sạn lớn trong nước hoặc tại một số nước có trình độ phát triển du lịch tốt trong khu vực.

5. Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, liên kết với các trường quốc tế để đào tạo cả chuyên môn và ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên làm việc trong lĩnh vực văn hóa du lịch. Trong các dự án đầu tư nước ngoài, cần chú trọng đến chương trình chuyển giao công nghệ quản lý, đào tạo cho cán bộ và nhân viên Việt Nam để tiếp cận trình độ quốc tế.

C. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

I. Thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020, trong đó tiếp tục tập trung triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếp tục thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nâng cao chất lượng toàn diện của việc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa văn minh, hiện đại, lành mạnh thông qua đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

II. Phát huy những lợi thế của vùng đất văn hóa, khai thác các giá trị của lễ hội để xây dựng thành sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao. Tăng cường giáo dục truyền thống, tiếp tục kế thừa và phát huy những đặc trưng văn hóa Huế. Tiếp tục nghiên cứu và tiến hành phân cấp trong quản lý lễ hội, di sản, hoạt động văn hóa; xây dựng cơ chế quản lý và phối hợp của các cơ quan, địa phương trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa.

III. Mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa, gắn kết chặt chẽ văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên văn hóa, thiên nhiên và nhân văn một cách hợp lý để phát triển du lịch dịch vụ.

IV. Xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút nhân tài, có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng để

thu hút nguồn nhân lực tài năng trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ những người làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch.

V. Chú trọng xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm mang tầm quốc gia và khu vực, đáp ứng các yêu cầu trong giai đoạn mới. Đặc biệt, cần quan tâm đầu tư xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới và ven biển, đầm phá, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, ở các khu công nghiệp nơi tập trung đông công nhân.

VI. Tăng cường liên kết với các địa phương trong khu vực, các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, thực hiện quảng bá điểm đến du lịch, xác định nhu cầu của các loại thị trường, ưu tiên các thị trường khách du lịch trọng điểm, có khả năng chi trả cao, thị hiếu gắn với giá trị của tài nguyên di sản văn hóa, lễ hội, tài nguyên biển đầm phá, môi trường sinh thái đa dạng.

VII. Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển văn hóa, du lịch, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch dưới các hình thức khác nhau; thực hiện xã hội hóa đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh; tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hoá dân gian, các làng nghề phục vụ đời sống và phát triển du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách chế tài ổn định phù hợp với yêu cầu quản lý văn hóa trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch, góp phần tuyên truyền, quảng bá và tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc.

VIII. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp nghiên cứu phát triển nhiều mô hình đào tạo du lịch đa dạng để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho du lịch Thừa Thiên Huế. Thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục đào tạo đối với du lịch. Tạo cơ hội cho cán bộ quản lý, người lao động học tập kinh nghiệm quản lý và kinh doanh du lịch ở một số nước phát triển mạnh về du lịch thông qua các quan hệ tại một số nước có trình độ.

IX. Xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch bảo tồn di tích, quy hoạch khảo cổ, phân công phân cấp quản lý di tích, quản lý lễ hội, quy hoạch quảng cáo, quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, quy hoạch tượng đài... bổ sung các quy chế quản lý văn hóa nghệ thuật ở địa phương; hoàn thiện quy chế quản lý và tổ chức biểu diễn ca Huế. Tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, dịch vụ văn hóa, quản lý hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa đảm bảo lành mạnh, đúng quy định của pháp luật.

X. Nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - du lịch. Mặt trận và các tổ chức Đoàn thể, tổ chức xã hội phát huy vai trò trong vận động cán bộ, nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa thanh lịch, tham gia bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch.

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. NGUỒN LỰC

1. Nguồn vốn ngân sách từ Trung ương, từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác theo kế hoạch.

2. Tranh thủ ngân sách Trung ương cho các dự án lớn, khai thác triệt để nguồn tín dụng ưu đãi; trái phiếu Chính phủ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và vốn tài trợ, vốn vay ưu đãi song phương, đa phương...

3. Tạo cơ chế chính sách phù hợp để huy động mọi nguồn lực xã hội hóa trong xã hội từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

4. Sử dụng nguồn vốn huy động từ quỹ đất, chuyển nhượng cơ sở cũ và các nguồn khác của tỉnh; vốn từ nguồn thu dịch vụ với tỷ lệ thích hợp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

II. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Các thành viên UBND tỉnh theo chức năng và nhiệm vụ được phân công tập trung chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ, chương trình, đề án thuộc lĩnh vực được phân công nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể và các địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch và định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành tham mưu bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa du lịch. Kêu gọi đầu tư để thực hiện có hiệu quả kế hoạch.

4. Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện kế hoạch trong khả năng ngân sách địa phương.

5. Sở Xây dựng nghiên cứu đề xuất quy hoạch các công trình, thiết chế văn hóa, các phương án kiến trúc tiêu biểu, phù hợp điều kiện và hoàn cảnh của mỗi vùng, miền, địa phương.

6. Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp đề xuất triển khai các dự án xây dựng các điểm dừng chân dọc Quốc lộ 1A, đường dẫn vào các địa điểm tham quan di tích, du lịch; dự án nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cầu cảng tại Cảng Chân Mây và Thuận An…

7. Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì đề xuất các phương án bố trí sử dụng đất, địa điểm xây dựng các thiết chế như Trung tâm tổ chức Hội nghị, Quảng trường… Thực hiện tốt Quy hoạch sử dụng đất phục vụ yêu cầu xây dựng, phát triển hệ thống các thiết chế theo yêu cầu của Kế hoạch.

8. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp đề xuất chính sách thu hút, đãi ngộ đối với các chuyên gia đầu ngành, các chuyên gia giỏi, lực lượng lao động có trình độ cao về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, du lịch… trong và ngoài nước về làm việc tại tỉnh nhà. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực văn hóa, thể thao, du lịch giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến 2030 khi được phê duyệt.

9. Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các ngành tham mưu thực hiện hiệu quả việc kêu gọi, vận động các tổ chức quốc tế tài trợ và tham gia xây dựng, đầu tư, triển khai các chương trình, dự án liên quan đến phát triển văn hóa, du lịch tại địa phương thông qua các mối quan hệ hợp tác quốc tế.

10. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm Festival Huế nghiên cứu để nâng cao chất lượng việc tổ chức các kỳ Festival Huế, đảm bảo mục đích, quy mô đề ra.

11. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện kế hoạch.

12. Các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thành phố Huế căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công chịu trách nhiệm cụ thể hóa các nội dung trong kế hoạch này./.

 

PHỤ LỤC

CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA TỈNH ỦY VỀ XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ XỨNG TẦM LÀ TRUNG TÂM VĂN HÓA, DU LỊCH ĐẶC SẮC CỦA CẢ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ TẦM NHÌN 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1512/QĐ-UBND ngày 20/8/2012 của UBND tỉnh)

STT

Nội dung công việc

Cơ quan thực hiện

Tiến độ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

 

I

Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước

1

Xây dựng các đề tài nghiên cứu, sưu tầm các giá trị đặc trưng về bản sắc văn hóa Huế trong các lĩnh vực của đời sống xã hội

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các sở, ban, ngành liên quan

Quý IV/2012

2

Lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích văn hóa, lịch sử cách mạng và tôn giáo trên địa bàn

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

TTBTDTCĐ Huế, UBND các huyện, thị xã và TP Huế

Quý I/2013

3

Dự án trùng tu khu vực Đại Nội và các di tích quan trọng thuộc quần thể di tích Cố đô Huế

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế

Các sở, ban, ngành liên quan

Quý IV/2013

4

Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thừa Thiên Huế

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các sở, ban, ngành liên quan

Quý IV/2012

5

Đề án nâng cao chất lượng Festival Huế và Festival Nghề Truyền thống Huế

Trung tâm Festival Huế, UBND thành phố Huế

Các sở, ban, ngành liên quan

Quý I-IV hàng năm

6

Hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, tiến tới lập hồ sơ đề nghị công nhận kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật

Quý II/2013

7

Nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động văn hóa nghệ thuật

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật

Quý I-IV hàng năm

8

Đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn hóa ở khu dân cư, văn hóa công sở

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ủy ban MTTQVN tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế

Quý I-IV

9

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hóa nghệ thuật

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Thông tin Truyền thông, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật

Quý I-IV hàng năm

II

Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa

1

Hoàn chỉnh, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các ngành liên quan

Quý III/2012

2

Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Hội nghị

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các ngành liên quan

Quý II/2013

3

Dự án đầu tư xây dựng Quảng trường

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các ngành liên quan

Quý I/2014

4

Lập và triển khai xây dựng Trung tâm Điện ảnh Huế

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các ngành liên quan

Quý II/2013

5

Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các ngành liên quan

Quý II/2015

6

Dự án đầu tư Bảo tàng Văn hóa Huế

UBND thành phố Huế

Các ngành liên quan

Quý IV/2012

7

Dự án đầu tư nâng cấp Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế

Các ngành liên quan

Quý III/2013

8

Dự án đầu tư nâng cấp Thư viện Tổng hợp tỉnh thành Thư viện Khoa học Tổng hợp

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các ngành liên quan

Quý I/2015

9

Dự án đầu tư, xây dựng Trường Cảo đẳng Văn hóa Nghệ thuật giai đoạn II

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các ngành liên quan

Quý I/2013

10

Dự án đầu tư, nâng cấp Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật thành trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các ngành liên quan

Quý I - IV/2012- 2014

11

Xây dựng dự án Trung tâm bảo quản quốc gia

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các ngành liên quan

Quý I/2016

12

Dự án đầu tư, nâng cấp Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các ngành liên quan

Quý IV/2012

13

Dự án đầu tư, nâng cấp nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các ngành liên quan

Quý IV/2012

14

Triển khai xây dựng các tượng đài trong danh mục đã trình Chính phủ phê duyệt (tượng đài Huyền Trân Công chúa, tượng đài Nguyễn Phúc Nguyên, tượng đài Nguyễn Tri Phương)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các ngành liên quan

Quý I- IV/2012- 2015

15

Dự án đầu tư xây dựng tượng đài 11 cô gái sông Hương

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Các ngành liên quan

Quý IV/2012

16

Dự án đầu tư xây dựng Công viên vườn tượng quốc tế Bắc Ngự Bình

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các ngành liên quan

Quý II/2013

17

Dự án hỗ trợ xúc tiến xây dựng cơ sở vật chất Học viện Âm nhạc Huế

Học viện Âm nhạc Huế

Các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Quý I/2013

18

Khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động của các dự án được đầu tư xã hội hóa (Bảo tàng gốm sứ Cung đình Nguyễn, Nhà hát Múa rối Cố đô Huế, Nhà hát Bến Xuân…)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các ngành liên quan

Quý I - IV/2012- 2015

III

Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm du lịch của cả nước

1

Dự án xây dựng, nâng cấp Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Huế thành Trường Đại học Du lịch

Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Huế

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ngành liên quan và các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Quý II/2013

2

Hoàn chỉnh, trình phê duyệt và triển khai thực hiện dự án Quy hoạch tổng thể du lịch Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các ngành liên quan

Quý IV/2012

3

Triển khai thực hiện dự án du lịch nông thị

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Nông nghiệp&PTNT

Quý I/2013

4

Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu du lịch trọng điểm, khu du lịch tổng hợp, sinh thái (Bạch Mã - Cảnh Dương - Lăng Cô, Cảnh Dương - Hải Vân - đảo Sơn Chà, Tam Giang - Cầu Hai...)

Sở Kế hoạch và Đầu tư

BQL Chân Mây - Lăng Cô, BQL Rừng QG Bạch Mã, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế

Quý I - IV/2012- 2014

5

Dự án xây dựng đường dân sinh ra biển tại các bãi biển trên địa bàn

Sở Kế hoạch và Đầu tư

UBND các huyện, thị xã

Quý I/2013

6

Dự án đầu tư du lịch tại các huyện A Lưới, Nam Đông

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND huyện Nam Đông, A Lưới

Quý IV/2012

7

Dự án phát triển các cụm điểm dừng chân dọc Quốc lộ 1A và điểm đến với các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây

Sở Giao thông Vận tải

Các ngành, địa phương liên quan

Quý I/2013

8

Dự án đầu tư, nâng cấp Sân bay quốc tế Phú Bài

Sở Giao thông Vận tải

Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Cảng hàng không quốc tế Phú Bài

Quý II/2013

9

Dự án đầu tư các bãi đỗ phương tiện, hệ thống giao thông dẫn vào các điểm du lịch, danh thắng

Sở Giao thông Vận tải

Các ngành, địa phương liên quan

Quý IV/2013

10

Dự án đầu tư hệ thống vệ sinh công cộng tại các điểm tham quan du lịch

Sở Giao thông Vận tải

Các ngành, địa phương liên quan

Quý IV/2013

11

Dự án đầu tư, xây dựng các cầu cảng phục vụ du lịch đường biển tại Chân Mây và Thuận An

Sở Giao thông Vận tải

Công ty TNHH MTV Cảng Chân Mây,BQL Chân Mây - Lăng Cô, UBND huyện Phú Vang

Quý I/2013

12

Xây dựng dự án phát triển phố đi bộ và phố ẩm thực

UBND thành phố Huế

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Quý IV/2012

13

Xây dựng kế hoạch tổ chức các hội chợ, hội nghị xúc tiến về du lịch tầm quốc gia và quốc tế tại Huế

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Khách sạn Thừa Thiên Huế

Quý I - IV/2012- 2015

14

Dự án đầu tư sản xuất một số bộ phim hay về Huế

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Quý II/2013

15

Xây dựng kế hoạch mở các văn phòng tiếp thị du lịch Thừa Thiên Huế tại một số nước có thị trường du lịch lớn

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Khách sạn Thừa Thiên Huế

Quý IV/2012

16

Tiếp tục triển khai thực hiện dự án các làng Nghề truyền thống kết hợp phục vụ du lịch

Sở Công thương

Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Thừa Thiên Huế

Quý I/2013

17

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các sở, ban ngành liên quan

Quý I-IV hàng năm

IV

Xây dựng và hoàn thiện các chính sách khuyến khích hoạt động văn hóa du lịch

1

Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, du lịch

Sở Tài chính

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Quý I/2013

2

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động, sáng tác của văn nghệ sĩ

Sở Nội vụ

Liên hiệp các Hội VHNT và các sở, ban ngành liên quan

Quý II/2013

3

Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, lao động chất lượng cao về công tác tại Thừa Thiên Huế

Sở Nội vụ

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban ngành liên quan

Quý I/2013

V

Gắn kết chặt chẽ, hài hòa và đồng bộ giữa phát triển văn hóa và du lịch

1

Khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch gắn với công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các sở, ban ngành liên quan

Quý I-IV hàng năm

2

Giám sát, thúc đẩy tiến độ trùng tu các di tích và các dự án trọng điểm về du lịch trên địa bàn

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các sở, ban ngành liên quan

Quý I-IV hàng năm

3

Triển khai thực hiện Bản cam kết Liên kết phát triển 07 tỉnh duyên hải miền Trung

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các sở, ban ngành liên quan

Quý I-IV hàng năm

4

Tổ chức các đoàn Famtrip cho các hãng lữ hành quốc tế đến Việt Nam

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Khách sạn Thừa Thiên Huế

Quý I-IV hàng năm

VI

Mở rộng liên kết và tăng cường hợp tác về văn hóa, du lịch

1

Xây dựng đề án hợp tác quốc tế về văn hóa, du lịch

Sở Ngoại vụ

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban ngành liên quan

Quý I/2013

2

Tổ chức các đoàn công tác đi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm tại các quốc gia có văn hóa, du lịch phát triển

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Ngoại vụ và các sở, ban ngành liên quan

Quý I-IV hàng năm

VII

Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực văn hóa, du lịch

1

Xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực văn hóa, thể thao, du lịch giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn 2030

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Nội vụ và các sở, ban ngành liên quan

Quý II/2013

2

Nghiên cứu bổ sung một số mã ngành đào tạo gắn với văn hóa nghệ thuật Huế, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh tại trường Văn hóa Nghệ thuật sau khi nâng cấp lên Cao đẳng

Sở Giáo dục và Đào tạo

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Quý IV/2013

3

Tổ chức liên kết đào tạo với các trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Sân khấu Điện ảnh để chuẩn bị điều kiện hình thành các Phân hiệu của các trường Đại học Văn hóa, Đại học Sân khấu Điện ảnh tại thành phố Huế

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Giáo dục và Đào tạo

Quý I-IV hàng năm

4

Mở lớp đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại cho cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Huế, Đại học Huế

Quý I-IV hàng năm

5

Mở các lớp nâng cao nhận thức và bồi dưỡng kỹ năng bán hàng cho người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phục vụ du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Huế, Đại học Huế

Quý I-IV hàng năm

6

Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Mời Đại học Huế chủ trì

Các sở, ban ngành liên quan

Quý I-IV hàng năm

7

Liên kết với các trường quốc tế để đào tạo chuyên môn và ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên làm việc trong lĩnh vực văn hóa du lịch

Mời Đại học Huế chủ trì

Các sở, ban ngành liên quan

Quý I-IV hàng năm

8

Phát hiện, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh nhà

Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh

Các sở, ban ngành liên quan

Quý I-IV hàng năm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1512/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020

  • Số hiệu: 1512/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/08/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Ngô Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản