Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 15 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA TỈNH ĐỒNG NAI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 và Quyết định số 28/2006/QĐ-TTg ngày 28/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án chi tiết thuộc Chương trình hành động Quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 - 2010;

Xét Tờ trình số 29/TTr-STP ngày 27/10/2006 của Sở Tư pháp; Tờ trình số 1766/TTr-SNV ngày 01/12/2006 của Sở Nội vụ về việc đề nghị ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình hành động Quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh Đồng Nai; Văn bản số 10/SNV-TCBC ngày 03/01/2007 của Sở Nội vụ về việc bổ sung thành viên tham gia Ban Chỉ đạo 212,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình hành động Quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các thành viên trong Ban Chỉ đạo có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Văn Một

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNGTRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 151/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo chương trình 212

1. Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình hành động Quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh Đồng Nai là tổ chức tư vấn giúp Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và thực hiện các Đề án đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 và Quyết định số 28/2006/QĐ- TTg ngày 28/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án chi tiết thuộc Chương trình hành động Quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân xã, phường, thị trấn từ năm 2005-2010 (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Chương trình 212).

2. Trên cơ sở bốn Đề án chi tiết của Trung ương, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ đề ra kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm; chỉ đạo, hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Sở, ngành được giao thực hiện từng Đề án và UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa trong việc phối hợp tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; sơ kết, tổng kết và tổ chức thi đua khen thưởng về việc thực hiện Chương trình.

Điều 2. Nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo chương trình 212

1. Ban Chỉ đạo chương trình 212 làm việc tập thể, quyết định các vấn đề theo đa số.

2. Thành viên của Ban Chỉ đạo là người được cơ quan, ban, ngành, tổ chức nơi người đó đang công tác cử làm đại diện và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Điều 3. Phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo chương trình 212

Ban Chỉ đạo chương trình 212 hoạt động theo chương trình, kế hoạch chi tiết thực hiện 4 Đề án của Chính phủ (Theo Quyết định số 28/2006/QĐ-TTg) được cụ thể hóa hàng năm phù hợp với kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật chung của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Ban Chỉ đạo chương trình 212

Cơ cấu tổ chức Ban Chỉ đạo chương trình 212:

1. Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các thành viên.

2. Cơ quan Thường trực và tổ thư ký.

Điều 5. Trưởng Ban, phó Trưởng ban và các thành viên của Ban Chỉ đạo chương trình 212

1. Trưởng ban: Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh;

2. Các Phó Trưởng ban gồm lãnh đạo các cơ quan sau: Lãnh đạo Sở Tư pháp, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin, lãnh đạo Thanh tra tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

3. Thành viên Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo các cơ quan sau: Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh, Sở Tài chính, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ.

4. Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo là một số chuyên viên giúp việc được chọn từ những công chức có năng lực, đạo đức tốt, am hiểu pháp luật, có khả năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật do Trưởng ban quyết định thành lập.

Chương III

NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN CỦA BAN CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH 212

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo chương trình 212

1. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Chương trình hành động Quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh, hàng năm báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chương trình về Ban Chỉ đạo Trung ương.

2. Xây dựng kế hoạch kinh phí thực hiện các Đề án hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình thực hiện Chương trình và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích suất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo đề nghị của các Sở, ban, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo.

Điều 7. Nhiệm vụ quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 212

1. Tham dự các phiên họp của Ban Chỉ đạo Chương trình 212. Nếu vắng mặt phải báo cáo Trưởng ban đồng thời cử người tham dự phiên họp, gửi ý kiến của mình bằng văn bản về các vấn đề được thảo luận tại phiên họp để cơ quan Thường trực tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình 212;

2. Đề xuất với Ban Chỉ đạo Chương trình 212 các biện pháp phối hợp và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật;

3. Được cung cấp các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật;

Điều 8. Nhiệm vụ của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 212

1. Cơ quan Thường trực có nhiệm vụ:

a) Chủ trì việc chuẩn bị các dự thảo chương trình, kế hoạch hoạt động và các văn bản khác của Ban Chỉ đạo Chương trình 212; dự toán kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo;

b) Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức là thành viên của Ban Chỉ đạo để tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quyết định của Ban Chỉ đạo;

c) Theo dõi, tổng hợp tình hình phối hợp thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện các Đề án của các cơ quan được giao chủ trì báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh;

d) Chuẩn bị nội dung, tổ chức các phiên họp và các hoạt động khác của Ban Chỉ đạo; theo dõi việc thực hiện các kết luận của Ban Chỉ đạo và định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo;

2. Giúp việc trực tiếp cho cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo là phòng Phổ biến giáo dục pháp luật trực thuộc Sở Tư pháp.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình triển khai thực hiện, Quy chế có thể được sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế phải được đa số thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí tán thành và trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 151/QĐ-UBND năm 2007 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động Quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu: 151/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/01/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Võ Văn Một
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản