Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1505/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 06 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14/6/2005;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử;

Căn cứ Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 46/TTr-SCT ngày 02/8/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch. Định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả với UBND tỉnh và Bộ Công Thương theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương;
- Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Cục TMĐT và CNTT (Bộ CT);
- Đài PT&TH tỉnh, Báo Lạng Sơn;
- C, PVP; các Phòng CV; TT TH-CB;
- Lưu: VT, KT (LC).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Xuân Huyên

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1505/QĐ-UBND ngày 06/8/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; thu hẹp khoảng cách giữa thành phố và các huyện về mức độ phát triển thương mại điện tử; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa thông qua ứng dụng thương mại điện tử; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể (cần đạt được vào năm 2025)

a) Về quy mô thị trường thương mại điện tử

- 50% người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và 20% người tiêu dùng trên địa bàn các huyện tham gia mua sắm trực tuyến.

- Doanh số thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh.

b) Về hạ tầng các dịch vụ phụ trợ cho thương mại điện tử

- Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50% trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%.

- 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử.

c) Về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp

- 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến.

- 50% doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử.

- 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.

- 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng; 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử.

- 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

d) Về phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử: Đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử qua đó nâng cao năng lực và kỹ năng cho nguồn nhân lực thực hiện thương mại điện tử tại doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, cũng như cộng đồng dân cư. Khoảng 1.500 lượt cán bộ doanh nghiệp, cán bộ quản lý nhà nước được tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn về thương mại điện tử.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng, phạm vi thực hiện

- Các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thương mại, thương mại điện tử và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến các hàng hóa, sản phẩm thuộc phạm vi phát triển thương mại điện tử.

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh; các chi nhánh ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên địa bàn tỉnh; các sàn giao dịch thương mại trong nước và quốc tế.

- Các hệ thống hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh có liên quan đến nội dung phát triển thương mại điện tử.

2. Thời gian thực hiện: giai đoạn 2021 - 2025.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách; xây dựng, phát triển các hệ thống hạ tầng thương mại điện tử

- Thường xuyên rà soát khung pháp lý, chính sách về thương mại điện tử để kịp thời đề xuất hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận hành nền tảng công nghệ phát triển các mô hình, giải pháp và dịch vụ thương mại điện tử dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo đối xử bình đẳng giữa mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ.

- Triển khai các giải pháp toàn diện nhằm tăng tỷ lệ thanh toán điện tử, thanh toán trên nền tảng di động trong giao dịch trực tuyến và giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt, phương thức giao hàng nhận tiền (COD) trong thương mại điện tử.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

2. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho cộng đồng

a) Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho cộng đồng thông qua các hoạt động truyền thông trên báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm, mạng xã hội và các hình thức khác.

b) Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về thương mại điện tử cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử, đội ngũ thực thi pháp luật về thương điện tử (thanh tra, quản lý thị trường, công an, viện kiểm sát, tòa án): phổ biến kiến thức về thương mại điện tử, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước và giải quyết các tranh chấp, xử lý vi phạm các hoạt động thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến,...

c) Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho doanh nghiệp về thương mại điện tử theo các chủ đề chuyên sâu, giới thiệu tư vấn cho doanh nghiệp triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo các mô hình B2B (doanh nghiệp - doanh nghiệp) và B2C, cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá, marketing hiệu quả cho website,…

3. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử

a) Duy trì và nâng cấp sàn giao dịch thương mại điện tử theo từng thời kỳ phù hợp với các yếu tố kỹ thuật đảm bảo áp dụng tốt hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng.

b) Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến (công nghệ mã vạch, công nghệ blockchain,...) để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm nông nghiệp.

c) Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, vận hành website thương mại điện tử bán hàng.

d) Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong nước và thế giới trong đó chọn lọc các doanh nghiệp uy tín, có thương hiệu để hỗ trợ và quảng bá.

e) Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử thông qua các công cụ kinh doanh điện tử (e-business), tối ưu hóa hoạt động quản lý nội bộ thông qua các công cụ e-business như quản lý quan hệ khách hàng (CRM), hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP),…

f) Xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của từng cán bộ kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyển đổi số.

g) Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng mô hình doanh nghiệp số, mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0); đẩy mạnh ứng dụng bán hàng thông minh hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn.

h) Khuyến khích doanh nghiệp phát triển và ứng dụng các tiện ích thanh toán điện tử, chuyển phát (logistics) đầu cuối để hỗ trợ nhà cung cấp và người mua hàng trực tuyến.

4. Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử

a) Xây dựng Kế hoạch và hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp bằng các mô hình kinh doanh thương mại điện tử mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong đó chú trọng phát triển và chuyển giao các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 nhằm cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

b) Tiếp tục phát triển các sản phẩm, giải pháp để hỗ trợ các tổ chức/cá nhân triển khai ứng dụng phần mềm tư vấn khách hàng tự động (AI) tích hợp trên các website thương mại điện tử.

c) Phát triển hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu có quy mô lớn, kết hợp công nghệ hiện đại, liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu khác có khả năng phân tích và tích hợp.

d) Phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ số và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ứng dụng trong từng công đoạn của chu trình kinh doanh.

e) Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR code, chip NFC, công nghệ blockchain,...) để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử.

5. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử

a) Nâng cao năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật về thương mại điện tử thông qua việc thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thương mại điện tử, trang bị các phương tiện hiện đại để hỗ trợ việc theo dõi, giám sát, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm các hoạt động thương mại điện tử.

b) Tổ chức các đợt học tập kinh nghiệp quản lý nhà nước về thương mại điện tử, tham gia các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực quản lý và phát triển thương mại điện tử.

c) Xây dựng, kiện toàn bộ máy chuyên trách quản lý nhà nước về thương mại điện tử trực thuộc Sở Công Thương.

d) Đẩy mạnh thực hiện các nội dung phối hợp theo Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đầu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ban hành kèm theo Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 28/3/2017 của UBND tỉnh. Trong đó tập trung phối hợp liên ngành để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để cạnh tranh không lành mạnh, buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

đ) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến thương mại điện tử.

g) Tổ chức các hoạt động đối thoại thường niên giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt những vấn đề cần tháo gỡ.

h) Tăng cường năng lực thống kê về thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

i) Đẩy mạnh cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025 là 6.828.300.000 đồng. Trong đó:

1. Ngân sách địa phương: 3.198.300.000 đồng (bao gồm kinh phí đối ứng tham gia Đề án thương mại điện tử quốc gia và triển khai các hoạt động khác tại địa phương hàng năm).

2. Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 3.630.000.000 đồng (thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia).

(Có phụ lục dự kiến kinh phí chi tiết kèm theo).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Phối kết hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử, quảng bá thông tin lên mạng Internet.

- Huy động các nguồn tài trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương, các tổ chức thương mại trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đóng góp kinh phí thực hiện Kế hoạch.

- Hằng năm chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch, dự toán chi tiết các nội dung hoạt động triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; chủ động đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử.

- Kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương.

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch và định kỳ hằng năm tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Công Thương theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp cân đối, lồng ghép các nguồn lực, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh với kế hoạch phát triển thương mại điện tử hằng năm. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, trình UBND tỉnh bổ sung, thay đổi chính sách, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử. Thẩm định, trình UBND tỉnh về các dự án, chương trình phục vụ phát triển thương mại điện tử của tỉnh theo quy định. Phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan có liên quan căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu trình UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán theo đúng các quy định hiện hành.

4. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu học tập mô hình tổ chức các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, báo cáo UBND tỉnh thành lập đơn vị hoặc bộ phận chuyên trách hỗ trợ phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Lồng ghép Kế hoạch này với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến người dân và doanh nghiệp góp phần thực hiện tốt và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo quy định của nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thương mại điện tử.

- Phối hợp với Sở Công Thương phổ biến, tuyên truyền về thương mại điện tử, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử, đào tạo các kỹ năng và tư vấn cho doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến công nghệ thông tin, thương mại điện tử.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phục vụ thương mại điện tử thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các giao dịch điện tử.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở ngành liên quan ứng dụng thương mại điện tử trong quảng bá và xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Công Thương, các sở, ngành liên quan triển khai đồng bộ Kế hoạch này với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, gắn kết sự phát triển thương mại điện tử với Chính phủ điện tử.

8. Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành chức năng đẩy mạnh ứng dụng phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn, an ninh trong thương mại điện tử.

9. Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát thị trường thương mại điện tử; đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm khác trong thị trường thương mại điện tử.

10. Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thương mại điện tử, các nội dung văn bản pháp luật, chủ trương chính sách của nhà nước về thương mại điện tử.

11. Các sở, ngành khác có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Công Thương xây dựng chương trình triển khai thực hiện Kế hoạch. Định kỳ hằng năm sơ kết, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương.

12. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia triển khai thực hiện Kế hoạch này.

13. UBND các huyện, thành phố Lạng Sơn căn cứ nội dung Kế hoạch này, phối hợp với Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, phối hợp đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

14. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh chỉ đạo, định hướng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia, cộng tác với các cơ quan chức năng thực hiện Kế hoạch; chủ động triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Các cơ quan, đơn vị được phân công nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn và định kỳ báo cáo kế hoạch thực hiện hàng năm về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo, đề xuất với Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1505/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 1505/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/08/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Dương Xuân Huyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/08/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản