Hệ thống pháp luật

BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Số: 15-QĐ

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 1966

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP NĂM HỌC 1966 – 1967

BỘ TRƯỞNG BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 242-CP ngày 13 tháng 12 năm 1965 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 38-TTg ngày 15 tháng 4 năm 1965 của Phủ Thủ tướng về việc thành lập Ban tuyển sinh vào các trường chuyên nghiệp ở các tỉnh và thành phố;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Lưu học sinh và sinh viên, sau khi đã hiệp ý với các Bộ và cơ quan ngang Bộ có trường đại học và các trường trung học chuyên nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này quy chế tuyển sinh vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp năm học 1966 – 1967.

Điều 2. Các công Chánh Văn phòng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Vụ trưởng Vụ Lưu học sinh và sinh viên, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành, các ông Hiệu trưởng các trường đại học và trung học chuyên nghiệp có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP




Tạ Quang Bửu

 

QUY CHẾ

TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP NĂM HỌC 1966 – 1967
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15-QĐ ngày 14/01/1966 của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp)

Chương 1:

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Việc tuyển chọn người vào học ban ngày dài hạn; chuyên tu, tại chức, ban đêm và hàm thụ tại các trường đại học và trung học chuyên nghiệp năm 1966 là nhằm để xây dựng một đội ngũ đông đảo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có chất lượng tốt của Đảng và Nhà nước phục vụ kịp thời nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu, trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh chống Mỹ cứu nước, và chuẩn bị cho những bước phát triển mới của công tác khoa học kỹ thuật trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Do đó, việc tuyển chọn năm nay phải đạt được những yêu cầu dưới đây:

1. Đảm bảo thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của Đảng và Nhà nước;

2. Tuyển chọn vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tất cả các tầng lớp nhân dân có đủ ba tiêu chuẩn: chính trị đạo đức, văn hóa và sức khỏe, trước tiên là nhân dân lao động và con em của họ. Ưu tiên tuyển chọn những người đã được rèn luyện, có thành tích trong chiến đấu, lao động sản xuất và công tác;

3. Đảm bảo vừa đáp ứng được những yêu cầu của Nhà nước, vừa chiếu cố đến những nhu cầu hợp lý của từng vùng kinh tế khác nhau, từng địa phương đồng thời chú ý thích đáng đến nguyện vọng, năng khiếu của từng người.

Chương 2:

ĐỐI TƯỢNG VÀ HƯỚNG TUYỂN CHỌN

Điều 1. Những cán bộ, quân nhân chuyển ngành, phục viên, công nhân và nông dân tập thể còn trẻ và có điều kiện thoát ly công tác và sản xuất thì được tuyển vào các lớp ban ngày dài hạn; lớn tuổi thì được tuyển vào các lớp ban đêm, tại chức, các lớp hàm thụ và các lớp bổ túc tập trung ngắn hạn, nếu chưa đủ trình độ văn hóa cần thiết thì vào các lớp dự bị đại học.

Điều 2. Những học sinh tốt nghiệp cấp II, cấp III đã đi nghĩa vụ quân sự hoặc đã và đang lao động sản xuất, công tác cần được khuyến khích vào các ngành mà học sinh đó đang phục vụ.

Điều 3. Những học sinh tốt nghiệp cấp II, cấp III phổ thông và phổ thông  công, nông nghiệp hướng vào tất cả các ngành theo yêu cầu của Nhà nước.

Những học sinh miền Nam, miền núi sẽ được tuyển chọn vào các ngành theo yêu cầu của miền Nam, miền núi, những nữ sinh chủ yếu sẽ vào các ngành văn hóa, xã hội, giáo dục, nông nghiệp, kinh tế tài chính và công nghiệp nhẹ.

Chương 3:

TIÊU CHUẨN TUYỂN CHỌN

Những người xin dự tuyển vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp phải có đầy đủ ba tiêu chuẩn: chính trị đạo đức, văn hóa, sức khỏe.

Điều 4. Tiêu chuẩn chính trị đạo đức:

a) Bản thân:

- Có tư tưởng chính trị tốt, có lý tưởng cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ sản xuất, sẵn sàng nhận bất cứ việc gì và nơi nào khi Tổ quốc cần đến;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, học tập chăm chỉ, nhiệt tình lao động và công tác, có ý thức tập thể, tinh thần kỷ luật tốt, cần có giản dị, lành mạnh trong sinh hoạt.

b) Gia đình:

- Lý lịch rõ ràng;

- Thái độ chính trị tốt và có tinh thần chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Việc đánh giá mỗi người về mặt chính trị, phẩm chất đạo đức sẽ do tập thể lãnh đạo của các đơn vị cơ sở quản lý trực tiếp các đối tượng chịu trách nhiệm và sẽ được xác minh qua các cơ quan có liên quan và có thẩm quyền của các cấp.

Điều 5. Tiêu chuẩn văn hóa:

Nói chung vào đại học phải tốt nghiệp lớp 10 hoặc có trình độ tương đương; vào trung học chuyên nghiệp phải tốt nghiệp lớp 7 hoặc có trình độ tương đương, cụ thể là:

a) Vào đại học, phải tốt nghiệp cấp III phổ thông hoặc phổ thông công, nông nghiệp, cấp III bổ túc văn hóa công nông, cấp III bổ túc văn hóa, cấp III trường thanh niên xã hội chủ nghĩa (tốt nghiệp phổ thông hệ 9 năm từ 1956 trở về trước, trung học chuyên khoa, dự bị đại học cũ, trung học đệ nhị cấp, tú tài toàn phần, trung học chuyên nghiệp, trúng tuyển mãn khóa các lớp dự bị đại học của các trường đại học).

b) Vào trung học chuyên nghiệp, phải tốt nghiệp phổ thông cấp II, phổ thông công, nông nghiệp, cấp II phổ thông lao động, cấp II bổ túc văn hóa, cấp II thanh niên xã hội chủ nghĩa, tốt nghiệp trung học phổ thông, thành chung, trung học đệ nhất cấp, sơ cấp chuyên nghiệp, trúng tuyển mãn khóa lớp bổ túc văn hóa tập trung của các trường học chuyên nghiệp.

Đối với một số ngành học của các trường trung học chuyên nghiệp như hàng hải, sư phạm… có yêu cầu cao hơn có thể tuyển chọn một số người có trình độ lớp 10 nhưng chỉ được giải quyết sau khi đã tuyển đủ số vào các trường đại học.

c) Vào các lớp chuyên tu, tại chức, ban đêm, hàm thụ, dự bị đại học và trung học chuyên nghiệp, sẽ có quy định riêng về tiêu chuẩn văn hóa cho từng trường, lớp.

Trước khi được chính thức nhận vào học, tất cả các đối tượng đã được tuyển chọn đều phải qua một kỳ kiểm tra xác minh về trình độ văn hóa để sắp xếp vào ngành học và tổ chức tốt việc học.

Điều 6. Tiêu chuẩn sức khỏe và tuổi:

Có thể lực tốt, có đủ sức khỏe để học tập, lao động, chiến đấu trong thời gian ở trường và công tác khi ra phục vụ. Không mắc bệnh kinh niên, truyền nhiễm, mãn tính hoặc có tật có ảnh hưởng đến học tập và công tác.

Những bệnh sau đây không thể tuyển bất cứ vào trường đại học hay trung học chuyên nghiệp nào:

- Lao (phổi, hạch, xương) đang trong thời kỳ chữa bệnh hoặc khỏi chưa quá hai năm,

- Bệnh về mạch máu, thần kinh suy nhược, động kinh, đau tim, đau báng từ số 2 trở lên, bệnh hủi, bệnh da liễu chữa chưa khỏi,

- Điếc, câm, mắt quá kém,

- Mồm, mũi, họng phát âm không bình thường thì không tuyển chọn vào sư phạm và ngoại ngữ…

Liên Bộ Y tế - Đại học và trung học chuyên nghiệp sẽ có thông báo cụ thể về tiêu chuẩn sức khỏe.

Những người dự tuyển sẽ phải qua một kỳ kiểm tra sức khỏe theo kế hoạch của địa phương và trước khi được chính thức nhận vào trường sẽ phải qua một kỳ khám sức khỏe nữa theo yêu cầu của ngành học.

Tuổi tính đến 31 tháng 12 năm 1966:

- Nói chung vào đại học và trung học chuyên nghiệp thuộc hệ ban ngày, từ 17 đến 32 tuổi.

- Nếu có năng khiếu đặc biệt chủ yếu về văn, toán, có thể lấy vào đại học tổng hợp từ 16 tuổi.

- Vào các lớp chuyên tu đến 45 tuổi.

- Vào các lớp tại chức, ban đêm, hàm thụ không hạn tuổi.

Chương 4:

THỦ TỤC TUYỂN CHỌN

Điều 7. Tất cả các đối tượng trên nếu tự xét thấy có đầy đủ tiêu chuẩn đều có quyền xin dự tuyển vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp và nộp đơn xin tuyển tại các đơn vị cơ sở quản lý trực tiếp (cơ quan công tác, các xí nghiệp, công nông lâm trường; trường học, Ủy ban hành chính xã; huyện; thị xã, khu phố…). Các đơn vị này có trách nhiệm lập danh sách và chuyển tất cả các đơn xin học cho các Ban tuyển sinh tỉnh, thành, trung ương.

Việc tuyển chọn chính thức vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp sẽ tiến hành theo hai bước sau:

Bước 1: Căn cứ vào danh sách giới thiệu kèm theo đầy đủ các hồ sơ của các đơn vị cơ sở quản lý trực tiếp các đối tượng tuyển chọn, căn cứ vào tiêu chuẩn quy định và nguyện vọng của học sinh, các Ban tuyển sinh tỉnh, thành, các Bộ, Tổng cục, Ủy ban trung ương… và các đơn vị đặc biệt sẽ tiến hành việc xét chọn và lập danh sách giới thiệu với các trường đại học và trung học chuyên nghiệp. Danh sách này đồng thời sẽ được công bố lần thứ nhất ở các huyện, tỉnh.

Bước 2: Căn cứ vào danh sách giới thiệu chính thức của các Ban tuyển sinh tỉnh, thành, các Bộ, Tổng cục, Ủy ban trung ương… và các đơn vị đặc biệt, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp sẽ kiểm tra lại về tiêu chuẩn chính trị, văn hóa, sức khỏe, trên cơ sở đó và theo sự hướng dẫn của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp mà lập danh sách đề nghị Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và các Bộ, Tổng cục… có trường quyết định kết quả tuyển chọn chính thức vào trường mình (hoặc điều chỉnh qua trường khác nếu có). Sau đó, các trường sẽ phân bổ những người được tuyển chọn vào các ngành cụ thể. Danh sách được tuyển chính thức sẽ thông báo đến các Ban tuyển sinh tỉnh, thành để phổ biến lần cuối cùng cho đương sự.

Các Ban tuyển sinh tỉnh, thành, các Bộ, Tổng cục, Ủy ban trung ương… và các đơn vị đặc biệt; chỉ nhận xét chọn những người xin dự tuyển có đầy đủ hồ sơ như đã quy định vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.

Các trường đại học và trung học chuyên nghiệp không nhận, xét chọn những cá nhân gửi hồ sơ lẻ và những người không có tên trong danh sách giới thiệu chính thức của các Ban tuyển sinh tỉnh, thành, các ngành trung ương (Bộ, Tổng cục, Ủy ban…) và các đơn vị đặc biệt.

Chương 5:

THỦ TỤC LẬP VÀ NỘP HỒ SƠ

Điều 8. Những người xin dự tuyển vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp phải lập và nộp một bản hồ sơ cho các đơn vị cơ sở quản lý trực tiếp theo quy định sau đây:

- Đối với cán bộ, quân nhân chuyên ngành, công nhân viên, nộp tại đơn vị cơ sở trực tiếp quản lý;

- Đối với học sinh lao động, làm hợp đồng ở các cơ sở sản xuất, xí nghiệp, công nông lâm trường… nộp tại đơn vị cơ sở đang công tác;

- Đông với học sinh lao động sản xuất nông nghiệp, xã viên hợp tác xã, học sinh đi nghĩa vụ quân sự về, và các học sinh tự do khác nộp hồ sơ tại Ủy ban hành chính các xã, khu phố;

- Đối với học sinh phổ thông nộp tại trường học của mình.

Hồ sơ gồm có:

- một đơn xin học,

- hai bản lý lịch tự thuật,

Theo mẫu của Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp

- một bản sao giấy khai sinh,

- một bản sao văn bằng hoặc một giấy chứng nhận học lực, bản trích học bạ (theo mẫu của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp),

- một bản quyết định giới thiệu của tổ chức gửi đi học (theo mẫu của Bộ Nội vụ và do cấp có thẩm quyền ký),

- một bản nhận xét của đơn vị cơ sở trực tiếp quản lý (theo mẫu của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp),

- một giấy chứng nhận đảng viên, đoàn viên, anh hùng, chiến sĩ thi đua (nếu có) của tổ chức cơ sở,

- một giấy khám sức khỏe,

- một phong bì đề sẵn địa chỉ và hai con tem 12 xu.

Đối với học sinh phổ thông đi nghĩa vụ quân sự, đi lao động sản xuất và công tác… ngoài các giấy tờ quy định nói trên (trừ bản quyết định và bản nhận xét đối với cán bộ, công nhân viên chức) phải nộp thêm một giấy nhận xét về công tác, học tập hoặc lao động sản xuất của đơn vị cơ sở (theo mẫu của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp).

Tất cả hồ sơ nói trên phải để trong một phong bì bằng bìa cứng (cỡ 24 x 31cm), ngoài bì ghi họ, tên, địa chỉ và liệt kê các giấy tờ ở trong.

Trong đơn xin học, cần ghi nhiều nguyện vọng về trường học, ngành học theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3… Khi xét chọn các Ban tuyển sinh tỉnh, thành, các ngành trung ương (Bộ, Tổng cục, Ủy ban…) và các trường đại học và trung học chuyên nghiệp phải căn cứ chủ yếu vào yêu cầu đào tạo của Nhà nước, vào tiêu chuẩn của từng ngành học, đồng thời hết sức lưu ý đến nguyện vọng, khả năng của từng người phân bổ, sắp xếp ngành học, trường học cho thích hợp.

Điều 9. Thời gian nộp hồ sơ tại các đơn vị cơ sở quản lý trực tiếp từ ngày 15 tháng 2 năm 1966 đến hết ngày 30 tháng 4 năm 1966.

Điều 10. Để đảm bảo nộp kịp hồ sơ theo quy định ở điều 9, học sinh phổ thông hay bổ túc văn hóa có thể nộp trước bản trích điểm trong học bạ các năm trước và điểm số từng môn học của học kỳ I năm học này.

Các bản sao văn bằng, giấy chứng nhận học lực, các bản trích điểm tổng kết toàn năm học sẽ bổ sung vào hồ sơ sau khi thi tốt nghiệp hết cấp. Các Ban tuyển sinh sẽ chuyển đủ các hồ sơ ấy đến các trường đại học và trung học chuyên nghiệp để xét duyệt chính thức.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Bản quy chế này áp dụng chung cho các trường đại học và trung học chuyên nghiệp trong năm học 1966 – 1967. Đối với một số trường có yêu cầu đặc biệt về tuyển chọn như các trường nghệ thuật (Bộ Văn hóa) trường hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) trường thể dục thể thao (Ủy ban thể dục thể thao) v.v… thì các Bộ có trường sẽ cùng với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp ra Thông tư liên bộ để quy định việc tuyển chọn cho thích hợp.

Những văn bản trước đây về công tác tuyển sinh trái với bản quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 12. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp sẽ có văn bản bổ sung hướng dẫn cụ thể việc thi hành bản quy chế này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 15-QĐ về quy chế tuyển sinh vào các trường đại học và trung học chuyên nghiệp năm học 1966 – 1967 do Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 15-QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/01/1966
  • Nơi ban hành: Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp
  • Người ký: Tạ Quang Bửu
  • Ngày công báo: 28/02/1966
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 05/09/1966
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản