Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2018/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 05 tháng 3 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG CẦN TRỤC THÁP, MÁY VẬN THĂNG TẠI CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BXD-BNV ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 05/2012/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2012 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thiết bị nâng;

Căn cứ Thông tư số 40/2013/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với máy vận thăng;

Căn cứ Thông tư số 29/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Bộ Xây dựng ban hành quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và sàn treo nâng người sử dụng trong thi công xây dựng.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 2791/TTr-SXD ngày 22 tháng 12 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý sử dụng cần trục tháp, máy vận thăng tại các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2018.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế; chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ SỬ DỤNG CẦN TRỤC THÁP, MÁY VẬN THĂNG TẠI CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về các hoạt động quản lý sử dụng cần trục tháp, máy vận thăng phục vụ cho việc vận chuyển con người, vật tư, thiết bị trong quá trình thi công tại các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Ngoài nội dung tại Quy định này, các hoạt động quản lý, sử dụng, vận hành cần trục tháp, máy vận thăng được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý sử dụng cần trục tháp, máy vận thăng tại các công trình xây dựng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, những từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Cần trục tháp là loại cần trục có cần lắp với phần đỉnh tháp cố định hay di chuyển.

2. Các loại vận thăng sử dụng trong thi công xây dựng: Bao gồm 2 loại:

- Vận thăng chở hàng có người đi kèm: là thiết bị nâng chuyên dùng để vận chuyển người và hàng hóa theo phương thẳng đứng tại các công trường, cấu tạo gồm có cabin (lồng nâng) di chuyển theo dẫn hướng thẳng đứng là thân tháp qua bộ truyền bánh răng - thanh răng (có thể có hoặc không có đối trọng).

- Vận thăng chở hàng không có người đi kèm: là thiết bị dùng để nâng, di chuyển và hạ hàng hóa theo phương thẳng đứng hoặc phương lệch với phương thẳng đứng một góc tối đa 15°.

3. Vùng nguy hiểm vật rơi: là vùng nguy hiểm do vật có thể rơi tự do từ trên cao xuống phải được rào chắn, đặt biển báo, hoặc làm mái che bảo vệ với giới hạn được xác định theo Bảng 1 Mục 2.2.1.6 QCVN 18:2014/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong xây dựng.

Chương II

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ SỬ DỤNG CẦN TRỤC THÁP, MÁY VẬN THĂNG

Mục 1. QUẢN LÝ SỬ DỤNG CẦN TRỤC THÁP

Điều 4. Điều kiện sử dụng cần trục tháp

1. Khai báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại khoản 2, 7 Điều 16 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động và Thông tư số 16/2017/TT-LĐTBXH ngày 08/6/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số nội dung hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

2. Có lý lịch thiết bị, hồ sơ kỹ thuật của thiết bị (đánh giá theo 1.3.2 và 3.5.1.5 QCVN 07:2012/BLĐTBXH). Lý lịch thiết bị được lập theo mẫu Phụ lục 03 QTKĐ: 01-2016/BXD (Ban hành kèm theo Thông tư số 29/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2016).

3. Có hồ sơ chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy cần trục tháp theo quy định.

4. Có hồ sơ khảo sát vị trí lắp đặt, hồ sơ thiết kế lắp đặt cần trục tháp (phần móng, giằng, neo) được tổ chức đủ điều kiện năng lực thẩm tra đảm bảo khả năng chịu lực, ổn định và được phê duyệt theo quy định.

5. Có sơ đồ thể hiện phạm vi di chuyển của cần trục tháp; vùng nguy hiểm vật rơi khi cần trục hoạt động; vị trí các chướng ngại vật, công trình, đường giao thông bên dưới; vị trí cần trục tháp ở trạng thái nghỉ (không hoạt động).

6. Có quy trình lắp đặt và sử dụng an toàn cần trục tháp đã được phê duyệt theo quy định.

7. Có phương án đảm bảo an toàn cần trục tháp trong điều kiện mưa bão được tổ chức đủ điều kiện năng lực thẩm tra đảm bảo khả năng chịu lực và ổn định. Bao gồm:

- Trường hợp dự báo tốc độ gió bão trong giới hạn cho phép theo thiết kế của cần trục tháp: Biện pháp, tiến độ hạ cần trục xuống sát tầng thi công gần nhất, tháo dỡ đối trọng và tăng cường neo giằng thân tháp, tay cần cố định vào công trình đang thi công đảm bảo an toàn tuyệt đối;

- Trường hợp dự báo tốc độ gió bão lớn hơn tốc độ gió cho phép theo thiết kế của cần trục tháp: Biện pháp, tiến độ tháo dỡ đối trọng, tay cần của cần trục tháp, tăng cường neo giằng thân tháp cố định vào công trình đang thi công hoặc tháo dỡ thân tháp trong trường hợp không có khả năng neo giằng thân tháp vào công trình đảm bảo an toàn tuyệt đối.

8. Có hồ sơ bảo hiểm cần trục tháp theo quy định.

9. Trường hợp phạm vi hoạt động của cần trục tháp vượt khỏi mặt bằng công trường hoặc do điều kiện thi công phải đặt ở ngoài phạm vi công trường tạo ra vùng nguy hiểm có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng thì nhà thầu thi công xây dựng phải lập và trình chủ đầu tư phê duyệt biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn cho người, tài sản, công trình lân cận, báo cáo bằng Văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xây dựng công trình để biết, kiểm tra sự tuân thủ các quy định về an toàn. Ngoài ra, Chủ đầu tư phải đảm bảo tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan.

10. Có giấy phép sử dụng đất, công trình công cộng hoặc hợp đồng thuê đất đặt vị trí móng cần trục tháp trong trường hợp móng cần trục tháp được xây dựng ngoài phạm vi công trường.

Điều 5. Quy định về sử dụng an toàn cần trục tháp

1. Chỉ được lắp đặt cần trục tháp khi đảm bảo các yêu cầu quy định tại Điều 4 của quy định này.

2. Lắp đặt và sử dụng cần trục tháp đảm bảo an toàn theo đúng quy trình đã được phê duyệt.

3. Mỗi cần trục tháp phải có nội quy sử dụng an toàn.

4. Thực hiện kiểm định kỹ thuật toàn bộ trước khi đưa vào sử dụng lần đầu, kiểm định định kỳ và kiểm định bất thường theo quy định tại Quy trình kiểm định QTKĐ: 01-2016/BXD (Ban hành kèm theo Thông tư số 29/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2016).

5. Chỉ bố trí công nhân điều khiển cần trục tháp và công nhân buộc móc tải từ 18 tuổi trở lên, có giấy xác nhận đủ sức khỏe để thực hiện công việc, đã được đào tạo đúng với công việc được giao (có bằng hoặc giấy chứng nhận), được huấn luyện và cấp chứng chỉ an toàn theo đúng quy định.

6. Bất kỳ trường hợp nào cũng phải có người đánh tín hiệu theo quy định. Tín hiệu sử dụng phải được quy định cụ thể và không lẫn được với các hiện tượng khác xung quanh. Trong trường hợp sử dụng thiết bị vô tuyến điện để liên lạc, đánh tín hiệu thì phải đăng ký sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện với cơ quan chức năng có thẩm quyền; đồng thời sử dụng tần số riêng đối với bộ phận quản lý và vận hành cần trục tháp.

7. Trường hợp trong quá trình hoạt động các bộ phận của cần trục tháp như cần, đối trọng, tải,… có phạm vi vận hành phía trên đường giao thông thì không được phép vận hành cần trục trong giờ giao thông đông người (sáng từ 6h00 đến 8h00, trưa từ 11h00 đến 14h00, chiều từ 16h30 đến 18h30). Trường hợp cần thiết phải hoạt động trong khung giờ nêu trên và trường hợp đặc biệt khác, phải được cơ quan chức năng quản lý tuyến đường giao thông có liên quan hỗ trợ điều tiết giao thông đảm bảo an toàn.

8. Phải có sổ theo dõi vận hành cần trục tháp, sổ giao ca cho mỗi cần trục tháp được lưu tại công trường.

9. Bảo đảm sự sẵn sàng và hiệu quả của hệ thống điện dự phòng để đưa cần trục về trạng thái nghỉ trong trường hợp mất điện.

10. Các hành vi nghiêm cấm khi vận hành, sử dụng cần trục tháp:

a. Sử dụng cần trục tháp để nâng, hạ và di chuyển người, kim loại lỏng, vật liệu nổ, chất độc, bình đựng khí nén hoặc chất lỏng nén;

b. Nâng, hạ tải vượt quá tải trọng cho phép;

c. Để người lên, xuống cần trục khi cần trục đang hoạt động;

d. Nâng, hạ tải khi có người đứng trên tải;

đ. Nâng, hạ tải trong tình trạng chưa ổn định, tải bị vùi dưới đất, bị các vật khác đè lên, bị liên kết bằng bu lông hoặc bê tông với các vật khác;

e. Cẩu với, kéo lê tải, vừa dùng người đẩy vừa nâng hạ tải.

g. Treo pano, áp phích, khẩu hiệu hoặc che chắn làm tăng diện tích cản gió của cần trục;

h. Chuyển tải phía trên các công trình liền kề, công trình lân cận;

Mục 2. QUẢN LÝ SỬ DỤNG MÁY VẬN THĂNG

Điều 6. Điều kiện sử dụng máy vận thăng

1. Khai báo với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội theo quy định tại khoản 2, 7 Điều 16 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động và Thông tư số 16/2017/TT-LĐTBXH ngày 08/6/2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số nội dung hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

2. Có đầy đủ hồ sơ kỹ thuật của thiết bị theo quy định tại Mục 3.1 của Quy chuẩn QCVN 16: 2013/BLĐTBXH (Ban hành kèm theo Thông tư số 40-2013/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2013). Lý lịch thiết bị được lập theo mẫu Phụ lục 03 QTKĐ: 02-2016/BXD (Ban hành kèm theo Thông tư số 29/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2016).

3. Có quy trình lắp đặt và sử dụng an toàn máy vận thăng đã được phê duyệt theo quy định.

4. Có hồ sơ chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy định.

5. Có hồ sơ bảo hiểm máy vận thăng theo quy định.

6. Có hồ sơ khảo sát vị trí lắp đặt, hồ sơ thiết kế được tổ chức đủ điều kiện năng lực thẩm tra đảm bảo khả năng chịu lực và ổn định.

7. Có biện pháp lắp đặt và tháo dỡ, biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng vận thăng.

8. Các bộ phận chi tiết máy đi kèm phải đồng bộ hoặc chế tạo theo dạng liên kết của nhiều hãng, nhiều quốc gia thì phải đảm bảo các đặc tính kỹ thuật của hãng sản xuất máy vận thăng đứng tên.

9. Có phương án đảm bảo an toàn máy vận thăng trong điều kiện mưa bão được tổ chức đủ điều kiện năng lực thẩm tra đảm bảo khả năng chịu lực và ổn định.

Điều 7. Quy định về sử dụng an toàn máy vận thăng

1. Chỉ được lắp đặt máy vận thăng khi đảm bảo các yêu cầu quy định tại Điều 6 của quy định này.

2. Lắp đặt và sử dụng máy vận thăng đảm bảo an toàn theo đúng quy trình đã được phê duyệt. Sau khi lắp đặt xong phải có biên bản nghiệm thu máy vận thăng.

3. Thực hiện kiểm định kỹ thuật toàn bộ trước khi đưa vào sử dụng lần đầu, kiểm định định kỳ và kiểm định bất thường theo quy định tại Quy trình kiểm định QTKĐ: 02-2016/BXD (Ban hành kèm theo Thông tư số 29/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 12 năm 2016).

4. Mỗi máy vận thăng phải có nội quy sử dụng an toàn.

5. Người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp, vận hành máy vận thăng phải được huấn luyện cơ bản về nghiệp vụ mà mình đảm nhận; được huấn luyện an toàn lần đầu trước khi giao việc, huấn luyện an toàn định kỳ hàng năm và được cấp thẻ an toàn lao động theo quy định; hiểu được tính năng kỹ thuật của máy vận thăng mà mình phụ trách; biết các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn liên quan đến máy vận thăng; biết cách khắc phục các sự cố khẩn cấp theo hướng dẫn của đơn vị lắp đặt.

6. Đảm bảo các yêu cầu an toàn khi sử dụng máy vận thăng theo quy định tại Mục 3.7.4 Quy chuẩn QCVN 16: 2013/BLĐTBXH (Ban hành kèm theo Thông tư số 40-2013/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 12 năm 2013).

7. Nghiêm cấm sử dụng vận thăng chuyên chở vật liệu để chở người.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ LIÊN QUAN TRONG QUẢN LÝ SỬ DỤNG CẦN TRỤC THÁP, MÁY VẬN THĂNG

Điều 8. Chủ đầu tư xây dựng công trình

1. Khai báo với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong khoảng thời gian 30 ngày trước hoặc sau khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

2. Phê duyệt hồ sơ thiết kế lắp dựng; quy trình lắp đặt và sử dụng an toàn; phương án đảm bảo an toàn trong điều kiện mưa bão.

3. Quản lý chất lượng thi công xây dựng, lắp đặt theo đúng quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

4. Thường xuyên kiểm tra, yêu cầu đơn vị quản lý sử dụng tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật an toàn quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thiết bị nâng (QCVN 07: 2012/BLĐTBXH) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với máy vận thăng (QCVN 16: 2013/BLĐTBXH) trong quá trình lắp đặt, sử dụng cần trục tháp, máy vận thăng.

5. Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật của cần trục tháp, máy vận thăng; kiểm tra kết quả kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ phục vụ thi công xây dựng công trình do mình làm chủ đầu tư; kiểm tra hồ sơ năng lực của công nhân điều khiển, công nhân buộc móc tải, công nhân đánh tín hiệu và cán bộ kỹ thuật phục vụ vận hành cần trục tháp, hồ sơ năng lực của người quản lý trực tiếp, vận hành máy vận thăng trước khi cho phép lắp đặt, sử dụng.

6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sự cố xảy ra do cần trục tháp, máy vận thăng gây ra.

Điều 9. Đơn vị quản lý sử dụng

1. Triển khai lắp dựng, thực hiện quy trình lắp đặt, sử dụng an toàn cần trục tháp, máy vận thăng và đảm bảo an toàn trong điều kiện mưa bão đúng theo hồ sơ đã được phê duyệt.

2. Tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật an toàn quy định tại Quy chuẩn QCVN 07:2012/BLĐTBXH - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thiết bị nâng, Quy chuẩn QCVN 16:2013/BLĐTBXH - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với máy vận thăng, trong đó đặc biệt chú ý các nội dung nêu tại Điều 5, Điều 7 Quy định này.

3. Báo cáo về Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Sở Xây dựng kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu trước khi đưa vào sử dụng, kiểm định định kỳ và kiểm định bất thường trong quá trình sử dụng trong vòng 30 ngày sau khi có kết quả kiểm định.

4. Định kỳ hằng năm (trước ngày 10 tháng 12) báo cáo tình trạng sử dụng cần trục tháp, máy vận thăng do đơn vị mình quản lý sử dụng cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Xây dựng.

5. Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật nếu sự cố xảy ra do cần trục tháp, máy vận thăng gây ra.

Điều 10. Sở Xây dựng

1. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư công trình xây dựng, đơn vị quản lý sử dụng cần trục tháp, máy vận thăng trong việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng và an toàn trong lắp đặt, sử dụng cần trục tháp, máy vận thăng.

2. Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động các cần trục tháp, máy vận thăng trên địa bàn tỉnh; tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý theo quy định.

3. Tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động cần trục tháp, máy vận thăng trên địa bàn tỉnh, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trước ngày 15 tháng 12 hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 11. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

1. Phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư công trình xây dựng, đơn vị quản lý sử dụng cần trục tháp, máy vận thăng trong việc kiểm định kỹ thuật an toàn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, chất lượng thiết bị sử dụng thi công các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

2. Thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn, chứng nhận hợp quy, chất lượng thiết bị cần trục tháp, máy vận thăng theo thẩm quyền.

3. Phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, thanh tra hoạt động các cần trục tháp, máy vận thăng trong thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh.

4. Tổng hợp, báo cáo tình hình kiểm định cần trục tháp, máy vận thăng trên địa bàn tỉnh khi được yêu cầu. Đồng thời gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo theo quy định trước ngày 10 tháng 12 hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 12. Sở Giao thông vận tải, Cơ quan quản lý các tuyến đường theo phân cấp

1. Phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, thanh tra hoạt động các cần trục tháp, máy vận thăng trong thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh.

2. Hỗ trợ chủ đầu tư (khi nhận được yêu cầu) có biện pháp đảm bảo điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cộng đồng, tính toán các chi phí liên quan để chủ đầu tư công trình chi trả.

Điều 13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, thanh tra hoạt động các cần trục tháp, máy vận thăng trong thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh.

2. Tiếp nhận, xử lý theo quy định hồ sơ biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn cho người, tài sản, công trình lân cận trong trường hợp phạm vi hoạt động của cần trục tháp vượt khỏi mặt bằng công trường hoặc do điều kiện thi công phải đặt ở ngoài phạm vi công trường.

3. Thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động cần trục tháp trên địa bàn do mình quản lý, nếu phát hiện chủ đầu tư, đơn vị quản lý sử dụng cần trục tháp không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật an toàn trong lắp đặt, sử dụng cần báo cáo ngay về Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan để kịp thời xử lý.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Tổ chức thực hiện

Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và thủ trưởng các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan kịp thời phản ảnh về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 15/2018/QĐ-UBND về quy định quản lý sử dụng cần trục tháp, máy vận thăng tại công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 15/2018/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/03/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/03/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản