Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 15/2014/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 06 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN XÉT, CÔNG NHẬN “PHƯỜNG ĐẠT CHUẨN VĂN MINH ĐÔ THỊ”, “THỊ TRẤN ĐẠT CHUẨN VĂN MINH ĐÔ THỊ” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Thông tư số 02/2013/TT-BVHTTDL ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 78/TTr-SVHTTDL ngày 16 tháng 4 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chuẩn xét, công nhận “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau; Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Cục KTVB - Bộ Tư pháp;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Trung tâm Công báo - Tin học;
- Lưu: VT, Mi22/6.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Hải

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHUẨN XÉT, CÔNG NHẬN “PHƯỜNG ĐẠT CHUẨN VĂN MINH ĐÔ THỊ”, “THỊ TRẤN ĐẠT CHUẨN VĂN MINH ĐÔ THỊ” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND ngày 06/6/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy định này Quy định tiêu chuẩn xét, công nhận “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” (sau đây gọi chung là “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”).

2. Đối tượng áp dụng:

a) Các phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Cà Mau (sau đây gọi chung là cấp huyện);

b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến trình tự, thủ tục xét, công nhận “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Điều 2. Thẩm quyền, thời hạn công nhận

1. “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận và công nhận lại.

2. Thời hạn công nhận:

a) Công nhận lần đầu, sau 02 (hai) năm kể từ ngày đăng ký xây dựng;

b) Công nhận lại, sau 05 (năm) năm kể từ ngày được quyết định công nhận lần trước.

3. Hình thức công nhận: Quyết định công nhận, kèm theo Giấy công nhận “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” (Mẫu giấy công nhận: “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”; “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” theo phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 02/2013/TT-BVHTTDL ngày 24 tháng 01 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Điều 3. Nguyên tắc xét và công nhận

1. Việc xét và công nhận “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” phải đảm bảo công khai, dân chủ và đúng quy định.

2. “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” là phường, thị trấn đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4 của Quy định này.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Tiêu chuẩn “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”

1. Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương;

a) 95% trở lên hộ gia đình trên địa bàn chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, hoạt động văn hóa, thể thao do địa phương và cấp trên tổ chức phát động;

b) Đảng bộ hàng năm đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; không có chi bộ yếu kém;

c) Giữ gìn tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội; không có cán bộ, đảng viên vi phạm các tệ nạn xã hội; thực hiện tốt văn hóa trong giao tiếp, ứng xử; nội bộ cán bộ phường, thị trấn và nhân dân đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau thi đua lao động sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ của địa phương; chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội được công nhận vững mạnh, hoạt động có hiệu quả đạt các danh hiệu thi đua hàng năm, không có tổ chức yếu kém;

d) 100% ấp, khóm xây dựng quy ước cộng đồng; Ban vận động xây dựng ấp, khóm văn hóa hoạt động hiệu quả; nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng thường xuyên duy trì hội họp, sinh hoạt và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao;

đ) Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức các hoạt động để nhân dân giám sát chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; đấu tranh phòng chống tham nhũng; không khiếu kiện đông người, vượt cấp; không có điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không có các tệ nạn xã hội; không có trọng án xảy ra;

e) Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa. Cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; không gây phiền hà, sách nhiễu với tổ chức, cá nhân đến giao dịch công tác.

2. Về phát triển kinh tế, quản lý kiến trúc, xây dựng đô thị theo quy hoạch:

a) Đời sống kinh tế của nhân dân ổn định và từng bước phát triển, không có hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%;

b) Quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố công khai tại địa bàn;

c) 100% công trình công cộng xây dựng mới (kể từ khi quy hoạch được phê duyệt) đúng quy hoạch, có kiến trúc hài hòa, đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành;

d) 95% trở lên các công trình công cộng về hành chính, văn hóa - xã hội và hạ tầng cơ sở đô thị được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn quy định để phục vụ nhân dân;

đ) 100% ấp, khóm vận động nhân dân thường xuyên tham gia bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị và giữ gìn vệ sinh môi trường;

e) 100% hộ có điện sử dụng và có điện kế riêng, sử dụng điện an toàn;

g) Thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về quy hoạch và trật tự xây dựng; xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm pháp luật về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng đô thị; không có công trình xây dựng vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức phải cưỡng chế, tháo dỡ;

h) Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình công cộng trên địa bàn, phục vụ lợi ích công cộng; không lấn chiếm, sử dụng diện tích đất công và công trình công cộng vào mục đích thương mại, nhà ở;

i) 65% hộ gia đình quan tâm đầu tư cải tạo xây dựng, nâng cấp nhà cửa, chỉnh trang, làm đẹp kiến trúc đô thị;

k) Có 100% hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn và trên 70% hộ có sử dụng dịch vụ điện thoại.

3. Về Văn hóa - Xã hội:

a) Nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khóm văn hóa:

- Có từ 100% hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa hàng năm, trong đó:

+ 90% số hộ gia đình trở lên đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm;

+ 85% trở lên số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa 03 năm liên tục;

- 100% ấp, khóm xây dựng quy ước, đăng ký và tổ chức phát động xây dựng ấp, khóm văn hóa, trong đó:

+ 90% ấp, khóm trở lên đạt danh hiệu văn hóa;

+ 85% ấp, khóm trở lên đạt danh hiệu văn hóa 06 (sáu) năm liên tục;

- 85% trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa liên tục từ 05 (năm) trở lên.

b) Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở:

- Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường, thị trấn có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm, ổn định về tổ chức, hoạt động thường xuyên hiệu quả;

- 85% trở lên ấp, khóm có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên; thu hút trên 60% hộ dân tham gia;

- Có các đội văn nghệ, thể thao quần chúng từ phường, thị trấn đến các ấp, khóm. Duy trì thường xuyên các hoạt động văn nghệ quần chúng, hoạt động câu lạc bộ; hoạt động thể dục thể thao; bảo tồn di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống ở địa phương;

- Tỷ lệ hộ đạt chuẩn “Gia đình thể thao” hàng năm cao hơn mức bình quân của tỉnh;

- Có điểm Bưu điện văn hóa phường, thị trấn và hoạt động hiệu quả; có thư viện hoặc phòng đọc sách, có tủ sách pháp luật đảm bảo các đầu sách; có các cụm thông tin cổ động (hoặc bản tin);

- Trạm truyền thanh và hệ thống loa truyền thanh tới các khu dân cư hoạt động hiệu quả.

c) Về giáo dục:

- Có hệ thống trường học đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có ít nhất 50% trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia;

- Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở trở lên;

- 100% trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường, chăm ngoan, hiếu học; có biện pháp giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyến khích học sinh giỏi...;

- Có kế hoạch tuyên truyền giáo dục con em không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường dưới mọi hình thức. Tích cực tham gia xây dựng và phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài, tạo điều kiện cho con em phát huy hơn nữa những thành tích trong học tập cũng như các sở trường, năng khiếu của bản thân.

d) Y tế - Dân số kế hoạch hóa gia đình:

- Đạt chuẩn quốc gia y tế theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế do Bộ Y tế ban hành;

- Hàng năm giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh; 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng, phòng dịch theo quy định;

- Thực hiện tốt công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khám và tiêm phòng theo quy định; không có trường hợp sinh con thứ 03 trở lên (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số).

- Đạt tiêu chí phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.

4. Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị:

a) 85% hộ gia đình trở lên thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo các quy định của Trung ương, địa phương và quy ước cộng đồng khu dân cư;

b) Bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng nguồn nước hiệu quả. 100% cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, hộ kinh doanh phát triển kinh tế phải đạt các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường theo quy định của Nhà nước. Chất thải, nước thải, rác thải phải được thu gom xử lý theo quy định;

c) Thường xuyên tổ chức, tuyên truyền, phổ biến các quy định Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, các chuẩn mực đạo đức xã hội để nâng cao ý thức, hành vi ứng xử của mỗi người trên địa bàn khi tham gia giao thông; không lấn chiếm lòng đường, hè phố gây cản trở giao thông, không cơi nới, làm mái che, đặt biển quảng cáo sai quy định gây mất mỹ quan đô thị;

d) Có trồng cây xanh công cộng, đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước, thoát nước và chiếu sáng đô thị đạt tiêu chuẩn theo quy định; khuyến khích các hộ gia đình trồng hoa, cây xanh trong khuôn viên gia đình, trên địa bàn khu dân cư;

đ) Xây dựng mối quan hệ cộng đồng ở khu dân cư thân thiện, cùng hợp tác phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng;

e) Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ văn hóa được xây dựng theo quy hoạch, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; không có cơ sở sản xuất, tàng trữ và lưu hành sản phẩm văn hóa có nội dung độc hại, cấm lưu hành.

Điều 5. Trình tự xét công nhận và công nhận lại

1. Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phường, thị trấn, thực hiện:

a) Đăng ký xây dựng “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” với Ủy ban nhân dân cấp huyện;

b) Tổ chức Lễ phát động xây dựng “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” (phổ biến tiêu chuẩn, đồng thời thông qua kế hoạch xây dựng hoặc giữ vững “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”);

c) Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện;

d) Xây dựng báo cáo thành tích gửi Ủy ban nhân dân phường, thị trấn phê duyệt.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường, thị trấn có công văn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét để công nhận hoặc công nhận lại.

3. Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp huyện tổ chức kiểm tra, thẩm định kết quả thực hiện tiêu chuẩn công nhận “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” (bằng văn bản).

4. Phòng Văn hóa và Thông tin - Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp huyện phối hợp với Phòng Nội vụ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định công nhận, công nhận lại và cấp Giấy công nhận “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Điều 6. Thủ tục xét và công nhận

1. Điều kiện công nhận:

a) Phường, thị trấn được công nhận “Phường, Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” phải đạt tiêu chuẩn được quy định tại Điều 4 Quy định này.

b) Thời gian đăng ký:

- 02 (hai) năm, đối với công nhận lần đầu;

- 05 (năm) năm, đối với công nhận lại;

2. Hồ sơ đề nghị:

a) Báo cáo thành tích có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn:

- Báo cáo 02 (hai) năm, đối với công nhận lần đầu;

- Báo cáo 05 (năm) năm, đối với công nhận lại;

b) Công văn đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn;

Hồ sơ cần nộp là 01 (một) bộ, nộp trực tiếp Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c) Thời hạn giải quyết là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ;

3. Căn cứ hồ sơ đề nghị và biên bản kiểm tra của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định công nhận, kèm theo Giấy công nhận “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.

4. Trường hợp không công nhận, Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản nêu rõ lý do chưa công nhận, gửi về Ủy ban nhân dân phường, thị trấn.

Điều 7. Khen thưởng

1. “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố xem xét, khen thưởng; mức khen thưởng do địa phương quyết định căn cứ vào khả năng ngân sách và các nguồn lực xã hội hóa.

2. Kinh phí khen thưởng chi từ nguồn kinh phí khen thưởng các cấp.

3. “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” được công nhận lại (05 năm) nếu đạt thành tích xuất sắc, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện, thành phố đề nghị Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

1. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

2. Căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá của Ban Chỉ đạo cấp huyện, các phường, thị trấn vi phạm Quy định này sẽ không được công nhận, công nhận lại. Những trường hợp có vi phạm nghiêm trọng sẽ đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thu hồi danh hiệu.

3. Việc bình xét, công nhận, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” được tổ chức vào quý IV hàng năm.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 15/2014/QĐ-UBND Quy định tiêu chuẩn xét, công nhận “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” trên địa bàn tỉnh Cà Mau

  • Số hiệu: 15/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/06/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Nguyễn Tiến Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/06/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản