Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2013/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 19 tháng 6 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VẬN ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ “ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 35/2007/PL-UBTVQH11 ngày 21 tháng 6 năm 2007 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Căn cứ Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ ban hành Điều lệ Quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế vận động, quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Cường

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2013 của UBND tỉnh Quảng Trị)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được thành lập trong toàn tỉnh, trên cơ sở vận động sự đóng góp và ủng hộ với tình cảm và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để cùng Nhà nước chăm sóc ngày càng tốt hơn người có công với cách mạng.

Điều 2. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được thành lập ở các cấp như sau

1. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh.

2. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện).

3. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa xã, phường, thị trấn (gọi chung là Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã).

Điều 3.

Quỹ Đền ơn đáp nghĩa không thuộc ngân sách nhà nước, Quỹ được hạch toán độc lập, thực hiện theo chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp hiện hành và báo cáo theo quy định của pháp luật về kế toán.

Điều 4.

Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để theo dõi toàn bộ các khoản thu, chi của Quỹ; không được dùng Quỹ để cho vay sinh lời; kết dư Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được luân chuyển sang năm tiếp theo.

Việc vận động đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được thực hiện mỗi năm một lần, vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7). Tổ chức, cá nhân có thể ủng hộ một lần hoặc nhiều lần trong một năm.

Điều 5.

Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở mỗi cấp có Ban quản lý và sử dụng (gọi chung là Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa); Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp chịu trách nhiệm trước UBND cùng cấp, trước pháp luật về tổ chức quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh, của huyện có con dấu riêng, Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã sử dụng con dấu của UBND cấp xã.

Chương II

ĐỐI TƯỢNG VẬN ĐỘNG VÀ MỨC HUY ĐỘNG ĐÓNG GÓP QUỸ ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

Điều 6.

1. Các đối tượng được vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, bao gồm:

a) Công dân Việt Nam đang làm việc tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp của Nhà nước; các cơ quan Đảng; tổ chức chính trị xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh.

b) Người Việt Nam làm việc, học tập ở nước ngoài.

c) Những người làm nghề tự do.

d) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện đóng góp.

đ) Một cá nhân thuộc nhiều đối tượng vận động khác nhau thì chỉ đóng góp ủng hộ Quỹ một lần ở mức vận động cao nhất.

2. Các đối tượng không thuộc diện vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa

a) Người dưới 18 tuổi, người trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam.

b) Các đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, phụ cấp theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến và người có công giúp đỡ cách mạng.

c) Người tàn tật theo quy định của pháp luật về người tàn tật.

d) Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp xã hội, hộ nghèo (đã được cấp giấy chứng nhận hộ nghèo trong năm).

đ) Học sinh, sinh viên đang học ở các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp, trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề.

e) Quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Điều 7.

Đối tượng vận động đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được quy định cho từng cấp như sau:

1. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã vận động đối với những người làm việc, lao động, công tác trên địa bàn do cấp xã trực tiếp quản lý.

2. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện vận động đối với những người đang làm việc tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp cấp huyện; các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trên địa bàn do cấp huyện trực tiếp quản lý; cơ quan quân sự, công an cấp huyện; các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế do cơ quan cấp huyện trực tiếp quản lý; các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cấp huyện.

3. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh vận động đối với những người đang làm việc tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp cấp tỉnh; các cơ quan Đảng; các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp trên địa bàn do cấp tỉnh trực tiếp quản lý; cơ quan quân sự, công an cấp tỉnh; các doanh nghiệp do cấp tỉnh trực tiếp quản lý, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh.

Điều 8. Mức vận động

1. Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước (kể cả cán bộ, công chức cấp xã), đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; công nhân, viên chức trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế mức vận động tối thiểu 01 ngày lương/người/năm (theo mức lương cơ bản tại thời điểm nộp không tính phụ cấp lương).

2. Đối với lao động hoạt động trong các ngành dịch vụ, buôn bán nhỏ, ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp mức vận động tối thiểu 20.000 đồng/người/năm.

3. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hoan nghênh những tổ chức, cá nhân đóng góp cao hơn mức quy định nói trên và tiếp nhận tinh thần tự nguyện ủng hộ của những đối tượng được quy định tại Khoản 2, Điều 6 Quy chế này.

Điều 9.

Nội dung sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thực hiện theo Điều 9, Chương III của Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ban hành kèm theo Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ; cụ thể là:

1. Tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm; xây dựng các nhà bia ghi tên liệt sỹ; hỗ trợ trong công tác quy tập, tìm kiếm mộ liệt sỹ.

2. Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ.

3. Thăm hỏi, hỗ trợ người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ khi ốm đau, khám, chữa bệnh và khi qua đời mà gia đình gặp khó khăn.

4. Giúp đỡ người có công với cách mạng hoặc thân nhân của họ khi gặp khó khăn trong đời sống.

5. Hỗ trợ địa phương có nhiều đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng mà nguồn vận động ủng hộ thấp.

6. Chi cho các hoạt động phục vụ công tác quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa (tập huấn nghiệp vụ, văn phòng phẩm, tài liệu, công tác phí ...) và các hoạt động tuyên truyền, khen thưởng, chỉ đạo vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa).

Các khoản chi Quy định tại Khoản 6 Điều này không được vượt quá 05% tổng số thu hàng năm của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở từng cấp.

Điều 10.

Việc sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cho từng nội dung quy định ở Điều 9 của Quy chế này phải dựa vào dự toán thu, chi hàng năm của Quỹ và được quy định cụ thể như sau:

1. Ở cấp tỉnh giao cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban quản lý Quỹ quyết định trên cơ sở đề nghị của cơ quan Thường trực Ban Quản lý Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh.

2. Ở cấp huyện giao cho Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban quản lý Quỹ quyết định trên cơ sở đề nghị của cơ quan Thường trực Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện.

3. Ở cấp xã, phường, thị trấn giao cho Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban quản lý Quỹ quyết định trên cơ sở đề xuất của Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã.

Chương III

TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH QUỸ ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

Điều 11. Thành lập Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp

1. Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập gồm: Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng Ban Thường trực; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh làm Phó Trưởng ban và đại diện lãnh đạo Hội Cựu Chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn lao động cùng cấp làm thành viên.

2. Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện do Chủ tịch UBND huyện quyết định thành lập gồm: Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội làm Phó Trưởng ban Thường trực; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện làm Phó Trưởng ban và đại diện lãnh đạo Hội Cựu Chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn lao động cùng cấp làm thành viên.

3. Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn quyết định thành lập gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, một cán bộ, công chức cấp xã phụ trách văn hóa xã hội hoặc Lao động - Thương binh và xã hội làm Phó Trưởng ban Thường trực; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã làm Phó Trưởng ban và đại diện lãnh đạo Hội Cựu Chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp làm thành viên.

4. Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh, cấp huyện có bộ phận giúp việc là Văn phòng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa do Trưởng ban quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cùng cấp quyết định thành lập. Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp xã có bộ phận giúp việc do Trưởng ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa xã quyết định thành lập.

Văn phòng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh đặt tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm một số cán bộ, công chức kiêm nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Văn phòng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện đặt tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm một số cán bộ, công chức kiêm nhiệm của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bộ phận giúp việc Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa xã đặt tại Văn phòng UBND xã, gồm một số cán bộ kiêm nhiệm của UBND xã.

Điều 12. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa

1. Chỉ đạo việc vận động xây dựng, quản lý, sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; kiểm tra các hoạt động của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thuộc cấp mình quản lý; đảm bảo thu, chi theo đúng chế độ quy định, chấp hành đúng chế độ kế toán tài chính hiện hành.

2. Lập dự toán thu, chi Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hàng năm gửi Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp trên, UBND và cơ quan tài chính cùng cấp.

3. Tổ chức kế toán và báo cáo quyết toán thu, chi của Quỹ đúng chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp theo quy định hiện hành.

4. Kiểm tra, duyệt quyết toán thu, chi của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp dưới.

5. Đề nghị khen thưởng các đơn vị và cá nhân có thành tích; kiến nghị xử lý những trường hợp vi phạm.

Điều 13. Nhiệm vụ của Thường trực Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa

1. Vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn được phân công theo đúng quy định tại Quy chế này.

2. Tổ chức điều hành và thực hiện nhiệm vụ của Ban quản lý theo Điều 12 của Quy chế này.

Điều 14. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa theo Quy chế này.

2. Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thu, chi Quỹ Đền ơn đáp nghĩa theo đúng quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thống kê.

3. Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp có trách nhiệm báo cáo số liệu quyết toán và hoạt động của Quỹ cấp mình về Ban Quản lý Quỹ đền ơn đáp nghĩa cấp trên.

Điều 15.

Các ngành và các cơ quan, đoàn thể phối hợp với Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; đồng thời tổ chức vận động cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị, thành viên của tổ chức mình tham gia ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức vận động các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo việc quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc ủng hộ, quản lý, sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa nếu vi phạm các quy định của Quy chế này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, nếu phát sinh vướng mắc cần phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, thống nhất ý kiến và báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 15/2013/QĐ-UBND ban hành Quy chế vận động, quản lý và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

  • Số hiệu: 15/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/06/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Nguyễn Đức Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản