Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 15/2010/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 03 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ BẾN BÃI VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;
Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 06/TTr-SGTVT ngày 18 tháng 01 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về khuyến khích đầu tư bến bãi vận tải đường bộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười (10) ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 83/2006/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về khuyến khích đầu tư bến bãi vận tải đường bộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; bãi bỏ các quy định khác của Ủy ban nhân dân thành phố trái với Quyết định này. Các dự án đầu tư bến bãi đường bộ đã có chủ trương đầu tư trước ngày ban hành Quyết định này cũng được hỗ trợ theo quy định ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Thành Tài

 

QUY ĐỊNH

VỀ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ BẾN BÃI VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Quy định khuyến khích đầu tư bến bãi vận tải đường bộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và quản lý tốt quá trình đầu tư hệ thống bến bãi vận tải trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh bằng các chính sách khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng, cung ứng dịch vụ bến bãi vận tải.

Điều 2. Đối tượng, phạm vi áp dụng

1. Quy định này áp dụng cho các doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật (sau đây gọi là nhà đầu tư) có đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực bến bãi vận tải đường bộ khi tiến hành đầu tư các bến, bãi vận tải đường bộ được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

2. Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư các bến bãi vận tải đường bộ tham gia đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh, Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, Hợp đồng xây dựng - chuyển giao theo danh sách các bến bãi vận tải đường bộ được công bố kêu gọi đầu tư hàng năm, kể cả các bãi đậu xe ngầm dưới mặt đất.

3. Các trường hợp đầu tư, khai thác sau đây không thuộc diện đối tượng áp dụng của Quy định này:

a) Các bãi đậu xe thuộc các ngành công an, quốc phòng sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng;

b) Các bãi đậu xe chỉ phục vụ nội bộ trong khuôn viên các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp.

Điều 3. Chức năng và vị trí bến bãi vận tải đường bộ

1. Bến xe khách liên tỉnh là địa điểm có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách đi và đến trên các tuyến cố định, từ thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương khác trên cả nước; được bố trí trên các trục cửa ngõ chính ra vào thành phố.

2. Bến xe khách nội tỉnh là đầu mối trung chuyển khách đi xe buýt, nơi đón, trả khách, tiếp chuyển khách của các tuyến xe buýt và các phương thức vận tải khác.

3. Bến xe tải và trung chuyển hàng hóa là địa điểm lưu đậu xe tải và cung ứng dịch vụ kho bãi, trung chuyển hàng hóa đường bộ; được bố trí bên ngoài hoặc trên tuyến đường vành đai thành phố.

4. Bãi đậu xe nội đô thành phố là địa điểm làm dịch vụ cung ứng chỗ đậu và giữ hộ xe ô tô (có thể dành một phần diện tích nhỏ để giữ hộ mô tô, xe gắn máy hoặc thương mại dịch vụ khác), gồm các loại như nhà đậu xe cao tầng, bãi đậu xe trên mặt đất; trên địa bàn các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú.

5. Bãi đậu xe tại cửa ngõ thành phố là địa điểm làm dịch vụ cung ứng chỗ đậu và giữ hộ xe ô tô, mô tô, xe gắn máy tại các cửa ngõ để khách chuyển sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng vào thành phố, hạn chế lưu lượng xe vào nội đô; được bố trí nằm trên các trục đường chính (quốc lộ, tỉnh lộ) tại địa bàn các quận 12, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh.

6. Bãi kỹ thuật cho các phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa để lưu đậu, sửa chữa, bảo dưỡng xe; được bố trí ở khu vực ngoại thành, gần đầu, cuối hành trình hoặc gần các đầu mối giao thông thuộc các đường vành đai của thành phố.

Điều 4. Quản lý nhà nước

Các nhà đầu tư tham gia đầu tư và khai thác bến bãi vận tải đường bộ phải tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về đầu tư, khuyến khích đầu tư trong nước và các quy định chuyên ngành.

Chương II.

QUY HOẠCH BẾN BÃI VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐIỀU KIỆN THAM GIA ĐẦU TƯ

Điều 5. Quy hoạch bến bãi vận tải đường bộ

1. Quy hoạch sử dụng đất dành riêng cho bến bãi vận tải đường bộ phải gắn liền với các quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được duyệt, đảm bảo quỹ đất để khuyến khích đầu tư.

2. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng của thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện lập quy hoạch chi tiết (ngắn hạn và dài hạn) về bến bãi vận tải đường bộ trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và công bố để các nhà đầu tư biết, tham gia đầu tư, khai thác.

3. Đối với các bãi đậu xe ở nội đô và các cửa ngõ thành phố, ngoài các điểm được quy hoạch, nhà đầu tư có thể đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét chấp thuận cho đầu tư tại các vị trí khác nếu xét thấy phù hợp với cảnh quan khu vực, không gây ách tắc giao thông, không làm ảnh hưởng đến việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khác. Nhà đầu tư tự thu xếp để sử dụng đất hợp pháp cho bến bãi vận tải đường bộ theo quy hoạch công bố hoặc sử dụng đất thuộc sở hữu của mình.

Điều 6. Điều kiện tham gia đầu tư

Để tham gia đầu tư, nhà đầu tư phải:

1. Có đăng ký kinh doanh ngành nghề theo đúng nội dung đầu tư.

2. Địa điểm đầu tư đã được Ủy ban nhân dân thành phố hoặc ủy quyền Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận bằng văn bản; nếu cùng một địa điểm đầu tư là đất do Nhà nước quản lý và có từ 02 (hai) nhà đầu tư trở lên đăng ký tham gia thì phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

3. Có ít nhất 30% vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án và thu xếp đủ số vốn đầu tư còn lại.

4. Đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng bến bãi, trong đó tỷ lệ diện tích sử dụng làm bãi đậu xe đạt tối thiểu 70% quy mô bến bãi và tổ chức giao thông của bến bãi phải kết nối phù hợp với hệ thống giao thông khu vực; riêng đối với bến xe khách liên tỉnh, tùy theo quy mô diện tích, phải bố trí một diện tích đất phù hợp để làm bến đầu mối trung chuyển khách đi xe buýt, tối thiểu từ 1.000m2 đến 2.000m2.

5. Hoạt động đầu tư, kinh doanh theo đúng mục tiêu mục đích đầu tư; sử dụng đất theo đúng các quy định chuyên ngành bến bãi vận tải đường bộ.

Điều 7. Thủ tục đầu tư

Thủ tục đầu tư được tiến hành theo ba bước:

Bước 1: Nhà đầu tư phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận địa điểm đầu tư hoặc cho phép đầu tư bằng văn bản theo quy định hiện hành và theo đúng thời gian được quy định, nhưng không được quá 30 (ba mươi) ngày làm việc; đồng thời thực hiện việc đăng ký ngành nghề kinh doanh bến bãi vận tải đường bộ theo đúng mục tiêu đầu tư.

Bước 2: Sau khi có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư hoặc cho phép đầu tư theo quy định, nhà đầu tư phải tiến hành lập Dự án đầu tư xây dựng công trình trong vòng 180 (một trăm tám mươi) ngày; nếu quá thời gian này, nhà đầu tư phải có văn bản báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư gia hạn thêm 90 (chín mươi) ngày nữa; trường hợp quá thời gian gia hạn thì văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư hoặc cho phép đầu tư sẽ hết hiệu lực thực hiện.

Bước 3: Nhà đầu tư nộp hồ sơ đầu tư theo quy định tại Điều 8 Quy định này cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án thuộc phạm vi được phân công, ủy quyền thực hiện hoặc trình Ủy ban nhân dân thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư để Nhà đầu tư có cơ sở triển khai thực hiện đầu tư.

Điều 8. Hồ sơ đầu tư

1. Trường hợp sử dụng nguồn vốn nhà nước: Thực hiện quản lý dự án đầu tư và xây dựng theo các quy định hiện hành;

2. Trường hợp sử dụng các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: Hồ sơ gồm có:

a) Văn bản đề nghị của nhà đầu tư tham gia dự án bến bãi vận tải đường bộ;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh bến bãi vận tải đường bộ;

c) Dự án đầu tư xây dựng công trình kèm theo:

- Văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư hoặc cho phép đầu tư theo quy định;

- Văn bản thỏa thuận của Sở Giao thông vận tải về phương án tổ chức giao thông phù hợp với hệ thống giao thông khu vực;

- Văn bản thẩm định Thiết kế cơ sở dự án đầu tư của Sở Giao thông vận tải;

d) Năng lực tài chính: Nhà đầu tư chứng minh nguồn tài chính thực hiện dự án thông qua văn bản:

- Báo cáo tài chính của chủ đầu tư có xác nhận của tổ chức kiểm toán trong 02 (hai) năm gần nhất (đối với doanh nghiệp đang hoạt động trên 02 năm);

- Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập thì phải có báo cáo thực hiện góp vốn hoặc biên bản cam kết góp vốn của các thành viên trong công ty kèm theo chứng từ chứng minh vốn góp và chịu trách nhiệm về nội dung các báo cáo này;

- Văn bản của tổ chức tín dụng thỏa thuận cho vay vốn để thực hiện dự án đầu tư.

Chương III.

CÁC HÌNH THỨC ĐẦU TƯ VÀ NGHĨA VỤ, QUYỀN LỢI CỦA NHÀ ĐẦU TƯ

Điều 9. Nghĩa vụ của nhà đầu tư

1. Đảm bảo thời gian đầu tư theo tiến độ đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Dự án đầu tư phải được khởi công xây dựng trong vòng 12 (mười hai) tháng, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư dự án theo quy định tại Điều 7 Quy định này thông qua Giấy chứng nhận đầu tư; quá thời hạn trên, nếu không được cơ quan có thẩm quyền cho phép gia hạn bằng văn bản, dự án đương nhiên không còn giá trị thực hiện.

2. Chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ được quy định theo pháp luật đầu tư hiện hành tại Việt Nam, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong và sau đầu tư.

3. Không sử dụng các bến bãi đường bộ đã đầu tư theo bản Quy định này vào mục đích khác, trái với mục đích của dự án.

Điều 10. Quyền lợi của nhà đầu tư

1. Được hưởng chế độ ưu đãi đầu tư theo pháp luật đầu tư hiện hành tại Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Được cấp giấy chứng nhận đầu tư có ghi số vốn vay được hỗ trợ, lãi vay hỗ trợ và thời gian hưởng hỗ trợ của nhà đầu tư được ưu đãi theo khoản 6 Điều này.

3. Được khai thác bến bãi vận tải đường bộ theo thời hạn quy định, thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với các địa điểm được quy hoạch làm bãi đậu xe là đất do nhà nước quản lý, nhà đầu tư có thể thuê đất để xây dựng bến bãi vận tải đường bộ theo đơn giá hiện hành của thành phố và không được hỗ trợ lãi vay.

4. Được miễn nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng bến bãi vận tải đường bộ trong thời hạn được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận đầu tư.

5. Trong trường hợp vị trí bến bãi chưa có đường giao thông ra vào, sau khi nhà đầu tư thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng cho dự án và bàn giao phần diện tích đất để xây dựng đường, nhà nước sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và hoàn trả chi phí bồi thường giải tỏa phần diện tích đất làm đường cho nhà đầu tư.

6. Chính sách hỗ trợ lãi vay của thành phố:

Các dự án hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác trước năm 2016, nhà đầu tư được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay trong thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 10 (mười) năm như sau:

a) Hỗ trợ 10%/năm đối với các dự án đầu tư xây dựng bãi kỹ thuật hậu cần cho xe buýt, bến đầu mối trung chuyển khách đi xe buýt có quy mô:

- Bãi kỹ thuật cho các phương tiện vận tải hành khách bằng xe buýt có diện tích đất tối thiểu là 10.000m2 tại các quận 2, quận 7, quận 8, quận 9, quận 12, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Bình Chánh và 2.000m2 đối với các quận còn lại. Các trường hợp bãi có diện tích nhỏ hơn Quy định này phải được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố bằng văn bản.

- Bến xe khách nội tỉnh có diện tích đất tối thiểu là 1.000m2.

b) Hỗ trợ 9%/năm đối với các dự án đầu tư bến xe tải và trung chuyển hàng hóa, bãi kỹ thuật cho các phương tiện vận tải hàng hóa có quy mô diện tích đất tối thiểu là 20.000m2.

c) Hỗ trợ 8%/năm đối với các dự án đầu tư bến xe khách liên tỉnh, bãi đậu xe cao tầng hoặc trên mặt đất trong nội đô thành phố, bãi đậu xe tại cửa ngõ thành phố, có quy mô:

- Bến xe khách liên tỉnh có diện tích đất tối thiểu là 10.000m2.

- Bãi đậu xe cao tầng hoặc trên mặt đất ở nội đô thành phố có diện tích đất tối thiểu là 1.000m2 trên địa bàn các quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 10, quận 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh và có diện tích đất tối thiểu là 2.000m2 trên địa bàn các quận 2, quận 7, quận 8, quận 9, quận Gò Vấp, quận Tân Bình và quận Tân Phú.

- Bãi đậu xe tại cửa ngõ thành phố có diện tích đất tối thiểu là 3.000m2.

d) Số vốn vay được hỗ trợ là phần chênh lệch chi phí đầu tư với phần vốn đầu tư thuộc sở hữu của nhà đầu tư, gồm các hạng mục:

- Chi phí đầu tư đối với diện tích sử dụng làm bãi đậu xe từ 70% trở lên kể cả phần diện tích cao tầng; diện tích này tính trên diện tích đất bến bãi đường bộ đầu tư thực tế.

- Chi phí các hạng mục xây dựng đường, hạ tầng kỹ thuật (bao gồm hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, cây xanh, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh, vỉa hè).

- Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng trong trường hợp địa điểm đầu tư là địa điểm thuộc quy hoạch được công bố và không thuộc sở hữu của nhà đầu tư.

Điều 11. Về thủ tục ghi kế hoạch và giải ngân tiền hỗ trợ

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm ghi kế hoạch hàng năm số vốn hỗ trợ cho nhà đầu tư đã được Ủy ban nhân dân thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo khoản 2 và khoản 6 Điều 10 Quy định này, sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

2. Sở Tài chính thành phố, Kho bạc Nhà nước thành phố thực hiện việc thanh toán tiền hỗ trợ một phần lãi vay cho nhà đầu tư, có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn, tiếp nhận các thủ tục đăng ký, nhận tiền hỗ trợ; thẩm tra hồ sơ và thanh toán tiền hỗ trợ.

b) Thu hồi tiền hỗ trợ trong trường hợp nhà đầu tư được hưởng hỗ trợ không thực hiện đúng chức năng kinh doanh bến bãi vận tải đường bộ.

Chương IV.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư bến bãi vận tải đường bộ cho các nhà đầu tư đúng thời gian quy định.

Điều 13. Giao Sở Giao thông vận tải theo dõi tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất biện pháp giải quyết các vướng mắc và những nội dung cần điều chỉnh (nếu có) trong quá trình thực hiện Quy định này, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 15/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định về khuyến khích đầu tư bến bãi vận tải đường bộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 15/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/03/2010
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thành Tài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 25
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản