- 1Quyết định 290/2003/QĐ-UB ban hành Quy định công bố công khai các Dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 85/2002/QĐ-UB về việc tăng cường công tác kiểm tra tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình sử dụng vốn Nhà nước do thành phố quản lý do Ủy ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Quyết định 80/2001/QĐ-TTg về việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 4Nghị định 10/2002/NĐ-CP về Chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2005/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 01 năm 2005 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Chỉ thị số 18/2004/CT-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2005 ;
Căn cứ Nghị quyết Hội nghị Thành ủy lần thứ 19 ngày 30 tháng 11 năm 2004 và Nghị quyết số 20/2004/NQ-HĐ ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2005 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức thực hiện “Năm 2005 – Năm chống lãng phí và thực hành tiết kiệm”.
Điều 2. Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, Giám đốc các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc thành phố căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ và nội dung Kế hoạch này để xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể, nhằm thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
TỔ CHỨC THỰC HIỆN “NĂM 2005-NĂM CHỐNG LÃNG PHÍ VÀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15 /2005/QĐ-UB ngày 25 tháng 01 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Thực hiện Nghị quyết số 20/2004/NQ-HĐ ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp thứ 3 về nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2005, Ủy ban nhân dân thành phố đề ra Kế hoạch thực hiện “Năm 2005 - Năm chống lãng phí và thực hành tiết kiệm”, như sau :
1. Tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức trong các cấp Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế-xã hội và trong toàn thể nhân dân thành phố đối với việc chống lãng phí và thực hành tiết kiệm.
2. Phát động, triển khai thực hiện chống lãng phí và thực hành tiết kiệm trên toàn thành phố bao gồm tất cả các đơn vị có sử dụng ngân sách ; doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân thành phố đều tích cực tham gia thực hiện chống lãng phí và thực hành tiết kiệm ; đặc biệt, tập trung những lĩnh vực trọng yếu như đầu tư xây dựng cơ bản ; quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công ; sử dụng thời gian lao động ; quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội.
3. Triển khai cuộc vận động chống lãng phí và thực hành tiết kiệm ngay từ đầu năm 2005, trọng tâm là dịp Tết Nguyên đán và các ngày Lễ lớn, kỷ niệm ngày thành lập ngành, đơn vị, tổng kết mừng công, đón nhận các danh hiệu cao quý của Nhà nước, trong việc cưới, việc tang, lễ hội... và thực hiện xuyên suốt.
A. nội dung thực hiện (gồm 4 chương trình).
Chương trình 1 : Chống lãng phí và chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Tăng cường quản lý đầu tư và xây dựng bằng vốn ngân sách và các nguồn vốn có tính chất ngân sách, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư theo hướng thực hiện đúng tiến độ và chất lượng công trình ; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm ; chống thất thoát, lãng phí và tham nhũng trong xây dựng cơ bản.
1.1- Giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở-ngành, quận-huyện thực hiện tốt công tác lập và triển khai điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch chi tiết 1/2000 các khu đô thị hóa ở 24 quận-huyện, quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm để làm cơ sở, định hướng cho việc thực hiện các dự án đầu tư đúng theo quy hoạch.
1.2- Khi dự án có chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền, các chủ đầu tư cần làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ; sau khi thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng mới triển khai đầu tư xây dựng công trình. Giao Sở Xây dựng chủ trì thực hiện nhanh chương trình đầu tư xây dựng 30.000 căn hộ chung cư, tạo quỹ nhà tái định cư để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án. Giao Sở Tài chính trong tháng 02 trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành chính sách khung về bồi thường, giải phóng mặt bằng.
1.3- Ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư và thiết kế cơ sở, các đơn vị tư vấn phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ công tác khảo sát xây dựng, khảo sát nhu cầu thị trường, nhu cầu xã hội, đánh giá thời điểm đầu tư và quy định chặt chẽ thời gian hoàn thành dự án ; bảo đảm dự án đầu tư hoàn thành đúng tiến độ và đạt hiệu quả kinh tế-xã hội theo mục tiêu đề ra. Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải theo dõi, kiểm tra chặt chẽ và liên đới chịu tránh nhiệm cùng đơn vị tư vấn trong việc triển khai thực hiện dự án, đáp ứng các yêu cầu.
1.4- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng phối hợp với các sở-ngành chức năng và các quận-huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư, quản lý đấu thầu,… nhằm chấm dứt tình trạng đầu tư xây dựng kém chất lượng ; kiên quyết xử phạt với mức độ thật nặng các vi phạm về chất lượng và tiến độ thi công công trình. Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh sách các đơn vị tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, chủ đầu tư và đơn vị trúng thầu thi công có vi phạm về chất lượng xây dựng và tiến độ thi công để có biện pháp chế tài thật nghiêm.
1.5- Khuyến khích chủ đầu tư sử dụng các chuyên gia, các đơn vị tư vấn giỏi trong nước, nước ngoài để khảo sát, thiết kế tư vấn xây dựng các công trình có giá trị đầu tư lớn, các công trình trọng điểm ; khuyến khích chủ đầu tư sử dụng tư vấn phản biện, giám định xã hội của các tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp để thẩm định dự án, thiết kế cơ sở và các bước thiết kế tiếp theo, tổng dự toán của các công trình trọng điểm theo quy định pháp luật ; khuyến khích chủ đầu tư sử dụng các đơn vị tư vấn giám sát giỏi, có uy tín, kinh nghiệm trong nước, ngoài nước để giám sát các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhằm đảm bảo thực hiện đúng thiết kế được duyệt, đảm bảo tiến độ quy định và chất lượng công trình.
1.6- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở quản lý chuyên ngành nghiên cứu, đề xuất các quy định, tiêu chí xét thầu để đánh giá đúng thực chất, năng lực nhà thầu, khuyến khích nhà thầu đề xuất giải pháp thi công hợp lý để rút ngắn tiến độ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng kỹ thuật (trong quý II) ; hướng dẫn các chủ đầu tư xét chọn nhà thầu và thương thảo, ký kết hợp đồng thực hiện đảm bảo có các cam kết chặt chẽ về tiến độ, chất lượng công trình và các điều khoản chế tài nghiêm khắc nếu vi phạm ; khắc phục ngay tình trạng nhà thầu nhận thầu cùng lúc nhiều công trình nên dàn trải xe máy, thiết bị, nhân lực làm kéo dài tiến độ thi công, hoặc sau khi trúng thầu lại nhường công trình cho đơn vị khác kém năng lực, hoặc bỏ giá thấp để trúng thầu nhưng sau đó tìm cách phát sinh, nâng giá hợp đồng.
1.7- Giao Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố các biện pháp củng cố tổ chức, nhân sự của các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, nhất là các Ban Quản lý dự án kiêm nhiệm chủ đầu tư, Ban quản lý các dự án ODA ; phối hợp với các Sở chuyên ngành về quản lý đầu tư và xây dựng có kế hoạch tập huấn, đào tạo cán bộ quản lý dự án. Các sở-ngành, quận-huyện phải thực hiện nghiêm việc tăng cường năng lực cho Ban Quản lý dự án đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định.
1.8- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành nghiên cứu quy định về nâng cao trách nhiệm và tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý đầu tư và xây dựng, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành trong quý I để làm cơ sở xử lý nghiêm minh, áp dụng biện pháp chế tài thực sự có tác dụng răn đe đối với các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng nếu có vi phạm. Thực hiện Quyết định số 290/2003/QĐ-UB ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về quy định công bố công khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải nghiêm túc thực hiện việc công bố công khai dự án tại phường-xã, thị trấn nhằm đẩy mạnh sự tham gia giám sát của cộng đồng dân cư và các đoàn thể xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.
1.9- Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở quản lý chuyên ngành căn cứ Luật Xây dựng, quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu để trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành (thay thế Quyết định số 85/2002/QĐ-UB ngày 25 tháng 7 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố) quy định về tăng cường công tác kiểm tra tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình do thành phố quản lý, có biện pháp chấn chỉnh và xử lý ngay từ đầu 100% các vi phạm về đầu tư xây dựng (quý II).
1.10- Chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án phải thực hiện tốt công tác báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra xây dựng cơ bản chuyên ngành ; kiên quyết chấm dứt đầu tư những dự án kém hiệu quả hoặc thiếu tính khả thi, kéo dài thời gian thực hiện quá quy định được ghi trong dự án.
2.1- Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công :
2.1.1- Đến cuối năm 2005, cơ bản hoàn thành việc tổng hợp phân tích thực trạng tình hình quản lý, sử dụng trụ sở, mặt bằng, nhà xưởng thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố. Qua đó, tiến hành kiểm tra việc sử dụng nhà đất không đúng mục đích, lãng phí để có biện pháp xử lý thích hợp.
2.1.2- Tiếp tục sắp xếp trụ sở làm việc, nhà xưởng thuộc tài sản Nhà nước theo Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ ; kiên quyết thu hồi 100% những trường hợp nhà đất do thành phố quản lý sử dụng không đúng mục đích để bán tạo vốn phục vụ đầu tư phát triển hoặc sử dụng theo yêu cầu thành phố.
2.1.3- Việc xây dựng trụ sở, mua sắm tài sản phải tuân thủ nghiêm tiêu chuẩn, định mức và đúng thủ tục quy định. Cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước phải kiên quyết không cấp phát, giải ngân đối với các trường hợp xây dựng trụ sở, mua sắm tài sản, chi trả cước điện thoại công vụ vượt tiêu chuẩn, định mức cho phép.
2.1.4- Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức gây lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
2.2- Trong lĩnh vực quản lý chi ngân sách :
2.2.1- Chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về công tác lập dự toán, quyết toán và điều hành các nguồn ngân sách được giao, đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và theo đúng các quy định về chi ngân sách ; hạn chế tối đa việc giải quyết kinh phí phát sinh tăng thêm so với dự toán được duyệt.
2.2.2- Tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các đơn vị hành chính để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách ; hoàn thành việc áp dụng chế độ tài chánh theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ đối với các đơn vị sự nghiệp có thu, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp để tạo động lực phát triển đối với khu vực này.
2.2.3- Thực hiện cơ chế khoán chi, đấu thầu đối với từng công đoạn hay toàn bộ quy trình xử lý các dịch vụ công ích (như thu gom, xử lý rác ; cấp nước sạch ; thoát nước ; chăm sóc cây xanh, công viên ; giữ xe,…) nhằm đảm bảo vừa thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động được nguồn lực xã hội, vừa sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách.
2.2.4- Tiết kiệm chi trong đi công tác, khảo sát, học tập kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài ; nội dung đi nước ngoài phải thiết thực, không trùng lắp, đúng thành phần. Tiết kiệm trong tổ chức mít tinh, lễ hội, lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu khen thưởng cấp cao theo đúng quy định của Chính phủ ; không phô trương, hình thức ; không tổ chức chiêu đãi, tặng quà, tặng lẵng hoa, cài hoa trên áo,… trong hội nghị, lễ kỷ niệm, đón nhận huân chương, huy chương, v.v…
2.2.5- Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách để cho, tặng quà ngoài chế độ quy định. Cán bộ, công chức Nhà nước không được nhận quà biếu, quà tặng không được pháp luật cho phép.
2.2.6- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi ngân sách, thực hiện công khai tài chính đối với ngân sách các cấp, với từng đơn vị sử dụng ngân sách ; xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về những vi phạm trong quản lý và điều hành ngân sách.
3.1- Trong các cơ quan hành chính sự nghiệp :
3.1.1- Thủ trưởng các sở-ngành có trách nhiệm thực hiện việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị để xây dựng phương án sắp xếp bộ máy khoa học, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức dựa trên Bảng tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức, công chức trong bộ máy quản lý Nhà nước.
3.1.2- Thủ trưởng các sở-ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị ; thực hiện bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức và người lao động đảm bảo đúng người, đúng việc ; tiến hành đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, rà soát từng vị trí công tác và kiên quyết điều chuyển những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.
3.1.3- Từng cơ quan, đơn vị rà soát bổ sung chế độ, nội quy làm việc 40 giờ/tuần, 44 giờ/tuần ; nghiên cứu việc thực hiện ngày công, giờ công đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc được giao, đúng tiến độ quy định ; đánh giá, phân tích các nguyên nhân dẫn đến lãng phí thời gian lao động do việc phân công, bố trí không đúng người, đúng việc (hoàn thành trong quý I).
3.1.4- Triển khai áp dụng mạnh mẽ tin học trong công tác quản lý Nhà nước ; cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức nhằm nâng cao năng suất lao động.
3.2- Trong doanh nghiệp Nhà nước :
3.2.1- Tổng Giám đốc các Tổng Công ty, Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước, các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước trên 50% vốn điều lệ tiến hành củng cố tổ chức, sắp xếp bộ máy, bố trí nhân sự phù hợp, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước ; xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ, chuyên môn thừa hành nghiệp vụ trong doanh nghiệp để bố trí đúng người, đúng việc, đảm bảo hiệu quả sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.
3.2.2- Xây dựng và công khai quy chế trả lương, trả thưởng trong doanh nghiệp, tổ chức khoán quỹ tiền lương đến từng bộ phận sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp ; gắn tiền lương với hiệu quả công việc, kích thích người lao động tăng năng suất lao động, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời sử dụng hết quỹ thời gian làm việc ; tổ chức công khai tài chánh theo đúng chế độ quy định.
Chương trình 4 : Chống lãng phí và thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
4.1- Sở Văn hóa và Thông tin xây dựng mô hình mẫu về tổ chức lễ hội, đám cưới, đám tang và các hoạt động văn hóa khác, bảo đảm triệt để tiết kiệm, lành mạnh, văn minh và giữ gìn thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc để vận động nhân dân thực hiện, tạo dư luận xã hội hưởng ứng các mô hình mẫu ; phê phán các hiện tượng xa hoa, lãng phí, trái thuần phong mỹ tục ; hướng dẫn quận-huyện vận động nhân dân thực hiện các quy chế, quy ước về tổ chức lễ hội, đám cưới, đám tang và các hoạt động văn hóa khác ; theo dõi và chỉ đạo thực hiện thông qua hệ thống Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở các cấp.
4.2- Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước phải gương mẫu thực hiện theo những mô hình mẫu, quy chế, quy ước về tổ chức lễ hội, đám cưới, đám tang và các hoạt động văn hóa khác đã hướng dẫn và vận động nhân dân cùng thực hiện, tạo thành phong trào sâu rộng toàn thành phố.
Các sở-ngành, các quận-huyện xây dựng Chương trình hành động “Năm 2005 - Năm chống lãng phí và thực hành tiết kiệm” với các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện.
1. Đề nghị ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các Đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động chống lãng phí, thực hành tiết kiệm với những hình thức thiết thực, cụ thể ; đồng thời, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, vận động nhân dân cùng thực hiện, trước tiên là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước phải gương mẫu thực hiện.
2. Phân công tổ chức thực hiện :
2.1- Sở Tài chính là cơ quan thường trực thực hiện Kế hoạch “Năm 2005 - Năm chống lãng phí và thực hành tiết kiệm” theo nội dung chỉ đạo thống nhất xuyên suốt của Ủy ban nhân dân thành phố và trực tiếp triển khai thực hiện chương trình 2.
2.2- Sở Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp triển khai thực hiện chương trình 1.
2.3- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trực tiếp triển khai thực hiện chương trình 3.
2.4- Sở Văn hóa và Thông tin trực tiếp triển khai thực hiện chương trình 4.
2.5- Các cơ quan Báo, Đài tập trung và thường xuyên tuyên truyền, vận động về Kế hoạch “Năm 2005 – Năm Chống lãng phí và thực hành tiết kiệm” ; giới thiệu các điển hình tiên tiến, đề cao các gương sáng của tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động ; đồng thời, phê phán kịp thời và mạnh mẽ các sai trái, tiêu cực.
3. Tiến độ tổ chức thực hiện :
+ Tháng 01/2005 :
- Hoàn chỉnh Kế hoạch thông qua Ủy ban nhân dân thành phố.
- Triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Các sở-ngành, quận-huyện xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể.
+ Tháng 2/2005 : Tổ chức đợt 1 cao điểm cuộc vận động chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, để chào mừng 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm ngày thành lập Đảng, Tết Nguyên đán, 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
+ Tháng 5/2005 : Các đơn vị báo cáo sơ kết.
+ Tháng 6/2005 : Tổ chức Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm.
+ Tháng 7/2005 : Tổ chức đợt cao điểm đợt 2 chào mừng Đại hội Đảng các cấp và 60 năm Ngày thành lập Nước.
+ Tháng 11/2005 : Các đơn vị báo cáo tổng kết.
+ Tháng 12/2005 : Tổ chức Hội nghị tổng kết năm vận động.
Các sở-ngành, các quận-huyện báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, sơ kết, tổng kết cho Sở Tài chính - Cơ quan thường trực thực hiện Kế hoạch và Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1Quyết định 290/2003/QĐ-UB ban hành Quy định công bố công khai các Dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 85/2002/QĐ-UB về việc tăng cường công tác kiểm tra tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình sử dụng vốn Nhà nước do thành phố quản lý do Ủy ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Quyết định 80/2001/QĐ-TTg về việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 4Nghị định 10/2002/NĐ-CP về Chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu
- 5Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 6Chỉ thị 18/2004/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2005 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 15/2005/QĐ-UB về Kế hoạch tổ chức thực hiện "Năm 2005 -Năm chống lãng phí và thực hành tiết kiệm" do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 15/2005/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/01/2005
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Thanh Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/02/2005
- Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực