Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/2004/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng.

Cục Bảo vệ môi trường là tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bao gồm: quan trắc môi trường, phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, thống kê, thông tin báo cáo môi trường; giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn.

1. Tham gia xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường.

2. Trình Bộ trưởng quyết định kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường, kế hoạch quốc gia về đa dạng sinh học, các quy hoạch, kế hoạch nhà nước, các chương trình quốc gia, các quy trình, quy phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tổ chức thực hiện theo phân công của Bộ.

3. Phối hợp với Thanh tra Bộ thanh tra chuyên ngành về môi trường và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường; trả lời tổ chức và cá nhân về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường theo phân công của Bộ;

4. Trình Bộ trưởng quyết định quy hoạch hệ thống quan trắc về môi trường quốc gia; quy định việc lưu trữ, quản lý thống nhất số liệu điều tra, quan trắc về môi trường; quản lý và thực hiện quan trắc môi trường quốc gia; quản lý và thực hiện quan trắc môi trường quốc gia, xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu về môi trường theo phân công của Bộ; xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia hàng năm;

5. Điều tra, thống kê, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, bảo tồn và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

6. Điều tra, thống kê các nguồn thải, chất thải, kiểm soát chất thải nguy hại; đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp quản lý, xử lý, tiêu huỷ chất thải tại các lưu vực sông, khu công nghiệp, đô thị, làng nghề, khu vực bị ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng;

7. Trình Bộ trưởng quy định thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn và các giấy phép khác về môi trường theo quy định của pháp luật; hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo phân công của Bộ.

8. Trình Bộ trưởng quy định về trình tự, thủ tục thẩm định công nghệ, thiết bị xử lý chất thải được lắp ráp, sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam; các phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; tuyển chọn các công nghệ môi trường để phổ biến áp dụng;

9. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế; khảo sát, đánh giá ô nhiễm môi trường xuyên biên giới;

10. Thực hiện công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin về môi trường; phát triển các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường; tổ chức công tác khen thưởng đối với các tổ chức và cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động bảo vệ môi trường.

11. Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học; biên tập, xuất bản các ấn phẩm về môi trường được phép công bố theo quy định của pháp luật;

12. Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong quản lý, phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, cải thiện môi trường;

13. Tổ chức thực hiện và điều phối các điều ước quốc tế, hợp tác song phương, đa phương, chương trình, dự án quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo phân công của Bộ;

14. Tư vấn, hướng dẫn các ngành địa phương, các tổ chức và cá nhân về pháp luật, kỹ thuật, nghiệp vụ, công nghệ liên quan đến môi trường; tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

15. Làm đầu mối điều hành Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, vận động và tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường; hướng dẫn và quản lý việc thu và sử dụng phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

16. Làm đầu mối giúp việc ban chỉ đạo quốc gia, ban chỉ đạo liên ngành về những vấn đề có liên quan đến bảo vệ môi trường theo phân công của Bộ;

17. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính, tài sản được giao; quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ;

18. Xây dựng, trình Bộ trưởng quyết định các quy định quản lý hoạt động dịch vụ về bảo vệ môi trường; tổ chức thực hiện các quy định theo phân công của Bộ;

19. Quản lý tổ chức, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức thuộc Cục theo phân cấp của Bộ;

20. Thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao;

21. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

a) Lãnh đạo Cục có Cục trưởng và một số Phó Cục trưởng.

Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về các nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Cục; quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị thuộc Cục; xây dựng quy chế làm việc và điều hành mọi hoạt động của Cục.

Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về lĩnh vực công tác được phân công.

b) Bộ máy giúp việc Cục trưởng:

1. Văn phòng Cục;

2. Phòng Hợp tác quốc tế;

3. Phòng Kiểm soát ô nhiễm;

4. Phòng Bảo tồn thiên nhiên;

5. Phòng Bảo vệ môi trường lưu vực sông và đới bờ;

6. Phòng Công nghệ môi trường;

7. Phòng nâng cao nhận thức cộng đồng;

8. Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực miền Trung và Tây nguyên (tại thành phố Đà Nẵng);

9. Chi Cục Bảo vệ môi trường khu vực Đông Nam Bộ (tại thành phố Hồ Chí Minh);

10. Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ (tại thành phố Cần thơ).

c) Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục:

1. Tạp chí Bảo vệ môi trường.

2. Trung tâm tư vấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ môi trường;

3. Trung tâm Quan trắc và dữ liệu môi trường.

d) Cục Bảo vệ môi trường là đơn vị dự toán cấp II, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng.

Các Chi cục và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục có con dấu riêng, được mở tài khoản tiền gửi theo quy định hiện hành.

Điều 4. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 108/2002/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường.

Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN

VÀ MÔI TRƯỜNG




Mai Ái Trực

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 15/2004/QĐ-BTNMT về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 15/2004/QĐ-BTNMT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/07/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Mai Ái Trực
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 29 đến số 30
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản