Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1490/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA KHẨU BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN VIỆT NAM - CAM-PU-CHIA ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA KHẨU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia theo một quy hoạch thống nhất, hợp lý, đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế vùng, quy hoạch nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng của từng địa phương.

b) Phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Cam-pu-chia, nhất là giao lưu kinh tế - thương mại; đẩy mạnh việc thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới hai nước.

c) Đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào việc kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện xuất - nhập cảnh, hàng hóa xuất - nhập khẩu tại các cửa khẩu; tạo sự thuận lợi, thông thoáng cho việc thông quan, nhưng vẫn đảm bảo an ninh - quốc phòng và quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế, thương mại.

d) Chủ động hợp tác xây dựng, phát triển hệ thống cửa khẩu phù hợp với nhu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia theo mô hình chuẩn gồm: Nhà kiểm soát liên hợp, quốc môn, đường giao thông nội bộ, các khu chức năng... phù hợp với từng loại cửa khẩu, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

b) Đầu tư có định hướng về trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, đồng bộ để có thể kết nối hoạt động của tất cả các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia cũng như với hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính biên giới đất liền trên toàn quốc, nhằm mục tiêu thông quan nhanh chóng, hiệu quả.

c) Các cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực tại cửa khẩu được tổ chức và bố trí khoa học, hợp lý, bảo đảm vận hành và quản lý hiệu quả tại mỗi cửa khẩu.

d) Phân bổ hợp lý, có trọng điểm các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh hoặc vùng biên giới; bảo đảm tính hiệu quả và tiết kiệm ngân sách nhà nước.

đ) Tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại đối với những cửa khẩu hiện có; chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển hệ thống cửa khẩu.

e) Phát triển hệ thống cửa khẩu phải gắn với việc bảo vệ môi trường; phù hợp với địa hình và cảnh quan thiên nhiên của từng khu vực.

II. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA KHẨU

1. Định hướng quy hoạch mở, nâng cấp cửa khẩu

a) Đối với cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính

- Từ năm 2013 đến năm 2020, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách toàn diện, cân nhắc, chủ động hiệp thương với phía Cam-pu-chia; báo cáo Chính phủ hai nước xem xét việc ưu tiên mở và nâng cấp thêm 03 cửa khẩu quốc tế đường bộ, 01 cửa khẩu quốc tế đường sắt và 09 cửa khẩu chính đường bộ với dự kiến phân bố tại các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ (cụ thể xem tại Phụ lục I).

- Các cửa khẩu khác sẽ được lựa chọn đầu tư nâng cấp hạ tầng và hiện đại hóa trang thiết bị theo nguyên tắc sau (cụ thể xem tại Phụ lục II):

+ Ưu tiên vốn đầu tư cho những công trình xây dựng chuyển tiếp, sắp hoàn thành, những công trình có tính quyết định, để đưa một chuỗi các công trình đã đầu tư vào hoạt động một cách đồng bộ có hiệu quả;

+ Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính;

+ Xem xét, lựa chọn các dự án có hiệu quả kinh tế, xã hội và phát triển theo hướng hiện đại hóa; thể hiện được bản sắc dân tộc và thể diện quốc gia.

b) Đối với cửa khẩu phụ

Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới căn cứ các quy định về mở cửa khẩu phụ (nêu tại Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu đất liền); tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương để trao đổi với tỉnh đối diện phía Cam-pu-chia quyết định việc mở cửa khẩu phụ vào thời điểm thích hợp.

c) Đối với các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ hiện có

Danh mục cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ hiện có trên biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia tại Phụ lục III.

Căn cứ danh mục các cửa khẩu tại Phụ lục I, II cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng Đề án xin ý kiến các Bộ, ngành hữu quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa trang thiết bị đối với từng loại cửa khẩu liên quan.

2. Xây dựng hạ tầng cơ sở cho từng loại cửa khẩu

a) Đối với cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính

- Các khu chức năng chính trong khu vực cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính bao gồm:

+ Cột mốc biên giới;

+ Quốc môn (độc lập hoặc kết hợp với nhà kiểm soát liên hợp);

+ Nhà kiểm soát liên hợp: Bao gồm các phòng làm việc của trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu; chi cục hải quan cửa khẩu; trạm kiểm dịch y tế; trạm kiểm dịch động vật; trạm kiểm dịch thực vật;

+ Sân nghi lễ hoặc quảng trường nhỏ;

+ Khu thương mại, dịch vụ cửa khẩu (cửa hàng kinh doanh miễn thuế; trạm dịch vụ điện thoại, đổi tiền...);

+ Kho, bãi tập kết kiểm hóa hàng chờ xuất khẩu, nhập khẩu;

+ Bãi xe, bến đậu;

+ Nhà vệ sinh công cộng;

+ Sân, đường, vườn hoa, cây xanh.

- Tổ chức các khu chức năng trong phạm vi cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính cần phải bảo đảm các yêu cầu sau:

+ Quy hoạch các khu chức năng một cách hợp lý; khai thác tối đa địa hình tự nhiên, tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện và hàng hóa xuất, nhập cảnh;

+ Đủ diện tích để bố trí mặt bằng sử dụng của các công trình trong các hoạt động xuất, nhập cảnh, hội họp, tiếp đón và tiễn đưa các đoàn ngoại giao;

+ Phân luồng giao thông rõ ràng, tách biệt giữa chiều xuất cảnh và nhập cảnh theo dây chuyền một chiều, tách biệt giữa giao thông cơ giới và đi bộ tạo điều kiện thuận tiện cho việc thông quan, thoát hiểm cũng như những hoạt động liên quan khác;

+ Kiến trúc hài hòa với cảnh quan; bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực và bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ.

b) Đối với cửa khẩu phụ

- Các khu chức năng chính trong khu vực cửa khẩu phụ bao gồm:

+ Cột mốc biên giới;

+ Trạm kiểm soát hộ chiếu;

+ Trạm kiểm soát hải quan;

+ Trạm kiểm dịch;

+ Bãi xe, bãi tập kết kiểm hóa;

+ Nhà vệ sinh công cộng;

+ Sân, đường, vườn hoa, cây xanh.

- Tổ chức các khu chức năng trong khu vực cửa khẩu phụ cần phải bảo đảm các yêu cầu sau:

Quy hoạch các khu chức năng một cách hài hòa, hợp lý; khai thác tối đa địa hình tự nhiên; bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực; bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ; đồng thời, bảo đảm thuận lợi cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện và luồng hàng hóa xuất, nhập tại cửa khẩu.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Tổ chức bộ máy quản lý, điều hành hoạt động của hệ thống cửa khẩu và tại từng cửa khẩu thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu đất liền; Quy chế điều hành hoạt động tại các cửa khẩu biên giới đất liền ban hành kèm theo Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

1. Bộ Ngoại giao

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia tổ chức công bố, triển khai thực hiện “Quy hoạch phát triển cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia đến năm 2020”; định kỳ cập nhật, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển.

- Đàm phán với phía Cam-pu-chia ký kết Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch phát triển cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới; trên cơ sở đó, ban hành Thông tư hướng dẫn về trình tự, thủ tục mở và nâng cấp cửa khẩu để thống nhất triển khai thực hiện.

- Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ, nếu thật sự cần thiết, xây dựng Đề án thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về cửa khẩu (gồm các nội dung: Sự cần thiết thành lập; cơ cấu tổ chức; quy chế hoạt động...) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Bộ Xây dựng

- Nghiên cứu ban hành mẫu thiết kế điển hình các hạng mục công trình tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là công trình quốc môn và nhà kiểm soát liên hợp để làm cơ sở cho các địa phương áp dụng thực hiện khi lập dự án đầu tư xây dựng đối với từng cửa khẩu cụ thể.

- Hướng dẫn, phối hợp với các địa phương biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính.

3. Bộ Công Thương

- Hoạch định chính sách biên mậu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện.

- Thực hiện tốt quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia đến năm 2020; xây dựng đề án đầu tư phát triển các trung tâm phân phối lớn, trung tâm bán buôn theo nhóm hàng nông sản, các cửa hàng chuyên doanh, siêu thị và trung tâm mua sắm tại các cửa khẩu căn cứ tình hình, điều kiện cụ thể của từng tỉnh biên giới, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.

4. Bộ Giao thông vận tải

- Chỉ đạo xây dựng và triển khai chiến lược vận tải đường thủy, đường sắt và đường bộ đáp ứng nhu cầu giao lưu qua hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia.

- Đôn đốc thực hiện tốt "Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia đối với phương tiện phi thương mại" (Thông tư số 18/2010/TT-BGTVT ngày 07 tháng 7 năm 2010).

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn thực hiện các dự án đầu tư phát triển cửa khẩu theo quy định của pháp luật; ưu tiên các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính mới được nâng cấp hoặc các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính chưa được đầu tư từ ngân sách trung ương tính từ năm 2000 đến nay (danh mục các cửa khẩu này xem Phụ lục I, II).

6. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xây dựng và ban hành Thông tư liên Bộ về cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin nhằm bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới; đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, gian lận thương mại và các hoạt động xâm nhập trái phép khác.

7. Các Bộ, ngành liên quan, theo chức năng, quyền hạn của mình, nghiên cứu, đề xuất phương án cải tiến thủ tục xuất - nhập cảnh, quá cảnh; thủ tục hải quan; thủ tục kiểm dịch y tế, kiểm dịch động - thực vật để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giảm thời gian thông quan tại các cửa khẩu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

8. Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc tỉnh tiến hành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển cửa khẩu gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương, lập các dự án đầu tư và các chương trình hành động cụ thể để phát triển cửa khẩu phù hợp với tình hình thực tế.

- Ưu tiên quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng các chợ cửa khẩu, các khu bãi tập kết hàng hóa, kho ngoại quan, kho dự trữ và bảo quản hàng hóa... phù hợp với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực liên quan.

- Tuyên truyền giáo dục cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về biên giới quốc gia, nhất là trong công tác quản lý việc qua lại biên giới, nhằm giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới; củng cố quan hệ hữu nghị của nhân dân hai bên biên giới; thúc đẩy việc hợp tác phát triển kinh tế, thương mại vùng biên.

- Phối hợp với các tỉnh biên giới hữu quan phía Cam-pu-chia để thống nhất các quy định cho phép phương tiện xe máy, xe thô sơ của nhân dân các huyện biên giới hai bên qua lại biên giới thăm viếng lẫn nhau, cũng như trao đổi hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống hàng ngày trên tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, phù hợp với pháp luật hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÁC CỬA KHẨU ƯU TIÊN MỞ, NÂNG CẤP HẠ TẦNG VÀ HIỆN ĐẠI HÓA TRANG THIẾT BỊ GẮN THEO PHÂN KỲ ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên cửa khẩu

Loại cửa khẩu

Huyện

Tính chất

Giai đoạn

I

VÙNG TÂY NGUYÊN

1

Đắk Kôi

Phụ → Chính

Ngọc Hồi

Khai trương

Nâng cấp

2013 - 2020

2

Đắk Ruê

Chính

Ea Súp

Khai trương

Nâng cấp

2013 - 2015

2016 - 2020

3

Bu Prăng

Chính → Quốc tế

Tuy Đức

Nâng cấp

2016 - 2020

II

VÙNG ĐÔNG NAM BỘ

4

Lộc Thịnh

Chính

Lộc Ninh

Nâng cấp

2013 - 2015

5

Hoa Lư

Quốc tế (đường sắt)

Lộc Ninh

Xây mới

2016 - 2020

6

Tống Lê Chân

Phụ → Chính

Tân Châu

Nâng cấp

2016 - 2020

7

Kà Tum

Chính

Tân Châu

Khai trương

Nâng cấp

2013 - 2015

2016 - 2020

8

Chàng Riệc

Phụ → Chính

Tân Biên

Nâng cấp

2013 - 2015

9

Phước Tân

Phụ → Chính

Châu Thành

Nâng cấp

2016 - 2020

III

VÙNG TÂY NAM BỘ

10

Mỹ Quý Tây

Chính → Quốc tế

Đức Huệ

Nâng cấp

2016 - 2020

11

Mộc Rá

Phụ → Chính

Hồng Ngự

Nâng cấp

2013 - 2015

12

Vĩnh Xương (đường bộ)

Chính → Quốc tế

Tân Châu

Nâng cấp

2016 - 2020

13

Nha Sáp

Phụ → Chính

Giang Thành

Nâng cấp

2016 - 2020

 

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÁC CỬA KHẨU NÂNG CẤP HẠ TẦNG VÀ HIỆN ĐẠI HÓA TRANG THIẾT BỊ GẮN THEO PHÂN KỲ ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên cửa khẩu

Loại cửa khẩu

Huyện

Tính chất

Giai đoạn

I

TỈNH GIA LAI

1

Lệ Thanh

Quốc tế

Đức Cơ

Hiện đại hóa thiết bị

2013 - 2015

II

TỈNH ĐẮK NÔNG

2

Đắk Peur

Chính

Đắk Min

Nâng cấp hạ tầng

Hiện đại hóa thiết bị

2016 - 2020

III

TỈNH BÌNH PHƯỚC

3

Hoàng Diệu

Chính

Bù Đốp

Hiện đại hóa thiết bị

2013 - 2015

4

Hoa Lư

Quốc tế

Lộc Ninh

Hiện đại hóa thiết bị

2013 - 2020

IV

TỈNH TÂY NINH

5

Mộc Bài

Quốc tế

Bến Cầu

Hiện đại hóa thiết bị

2013 - 2020

6

Xa Mát

Quốc tế

Tân Biên

Hiện đại hóa thiết bị

2013 - 2020

V

TỈNH LONG AN

7

Bình Hiệp

Quốc tế

Mộc Hóa

Hiện đại hóa thiết bị

2016 - 2020

VI

TỈNH ĐỒNG THÁP

8

Dinh Bà

Quốc tế

Tân Hồng

Nâng cấp hạ tầng

Hiện đại hóa thiết bị

2016 - 2020

9

Thường Phước

Quốc tế

Hồng Ngự

Hiện đại hóa thiết bị

2016 - 2020

VII

TỈNH AN GIANG

10

Vĩnh Xương (đường sông)

Quốc tế

Tân Châu

Hiện đại hóa thiết bị

2016 - 2020

11

Khánh Bình

Chính

An Phú

Nâng cấp hạ tầng

Hiện đại hóa thiết bị

2016 - 2020

12

Vĩnh Hội Đông

Chính

An Phú

Nâng cấp hạ tầng

Hiện đại hóa thiết bị

2016 - 2020

13

Tịnh Biên

Quốc tế

Tịnh Biên

Nâng cấp hạ tầng

Hiện đại hóa thiết bị

2013 - 2015

VIII

TỈNH KIÊN GIANG

14

Giang Thành

Chính

Kiên Lương

Nâng cấp hạ tầng

Hiện đại hóa thiết bị

2016 - 2020

15

Hà Tiên

Quốc tế

TX Hà Tiên

Nâng cấp hạ tầng

Hiện đại hóa thiết bị

2013 - 2015

 

PHỤ LỤC III

DANH MỤC CỬA KHẨU TRÊN TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT NAM - CAM-PU-CHIA
(Ban hành kèm Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)

(Tính tới tháng 07 năm 2013, theo thống kê của phía Việt Nam)

I. CỬA KHẨU QUỐC TẾ

1. Lệ Thanh (Gia Lai) - O Za Dao (Ratanakiri).

2. Hoa Lư (Bình Phước) - Trapeang Sre (Kratié).

3. Xa Mát (Tây Ninh) - Trapeang Phlong (Kông Pông Chàm).

4. Mộc Bài (Tây Ninh) - Bà Vét (Svây Riêng).

5. Bình Hiệp (Long An) - Prây Vo (Svây Riêng).

6. Dinh Bà (Đồng Tháp) - Bon Tia Chắc Crây (Prây Veng).

7. Thường Phước (Đồng Tháp) - Côk Rô Ca (Prây Veng), đường sông.

8. Vĩnh Xương (An Giang) - Ca Om Sam No (Kần Đan), đường sông1.

9. Tịnh Biên (An Giang) - Phơ Nông Đơn (Ta Keo).

10. Hà Tiên (Kiên Giang) - Prek Chak (Kampốt).

II. CỬA KHẨU CHÍNH

1. Đắc Ruê (Đắk Lắk) - Chi Miết (Mondonkiry)2.

2. Bu Prăng (Đắk Nông) - Đắc Đam (Mondonkiry).

3. Đắk Peur (Đắk Nông) - Bu Sara (Mondonkiry).

4. Hoàng Diệu (Bình Phước) - Lapakhê (Mondolkiry).

5. Mỹ Quý Tây (Long An) - Xòm Rông (Svây Riêng).

6. Khánh Bình (An Giang) - Chrây Thum (Kần Đan).

7. Vĩnh Hội Đông (An Giang) - Kom Pung Kroxăng (Ta Keo), đường sông.

8. Giang Thành (Kiên Giang) - Ton Hon (Kampốt).

9. Lộc Thịnh (Bình Phước) - Tôn Lé Cham (Kông Pông Chàm).

III. CỬA KHẨU PHỤ

1. Tân Tiến (Bình Phước) - Chay Khleng (Kratié).

2. Vạc Sa (Tây Ninh) - Phum Soty (Kông Pông Chàm).

3. Cây Gõ (Tây Ninh) - Bos Chếk (Kông Pông Chàm)3.

4. Tân Phú (Tây Ninh) - Kọ (Kông Pông Chàm).

5. Kà Tum (Tây Ninh) - Chăn Mun (Kông Pông Chàm).

6. Tống Lê Chân (Tây Ninh) - Sa Tum (Kông Pông Chàm).

7. Chàng Riệc (Tây Ninh) - Đa (Kông Pông Chàm).

8. Vàm Trảng Trâu (Tây Ninh) - Đôn (Svây Riêng).

9. Tà Nông (Tây Ninh) - Kom Pông Th’Nuông (Svây Riêng).

10. Long Phước (Tây Ninh) - Tà Y (Svây Riêng).

11. Long Thuận (Tây Ninh) - Kompông S’Piên (Svây Riêng).

12. Phước Chỉ (Tây Ninh) - Brasát (Svây Riêng).

13. Tân Nam (Tây Ninh) - Mơn Chây (Prey Veng).

14. Cây Me (Tây Ninh) - Phum Thonoúk (Pvây Riêng)4.

15. Long Khốt (Long An) - Xòm Dông (Svây Riêng).

16. Vàm Đồn (Long An) - Chòm Loong (Svây Riêng).

17. Phước Tân (Tây Ninh) - Bố Môn (Svây Riêng).

18. Kênh 28 (Long An) - Cơ Rúa (Svây Riêng).

19. Bá Nguyên (Đồng Tháp) - Koos Xâm Pư (Prây Veng).

20. Mộc Rá (Đồng Tháp) - Koos Xâm Pư (Prây Veng).

21. Á Đôn (Đồng Tháp) - Gò Đồn (Prây Veng).

22. Bình Phú (Đồng Tháp) - Bon Tia Chăc Crây (Prây Veng).

23. Thông Bình (Đồng Tháp) - Pèm Tia (Prây Veng).

24. Bắc Đai (An Giang) - Bắc Đai (Ta Keo).

25. Sa Kỳ (Kiên Giang) - Cok Com Bô (Kam Pốt).

26. Vàm Hàng (Kiên Giang) - On Long Pring (Kam Pốt).

27. Rạch Gỗ (Kiên Giang) - Đơm Sơ Sngâu (Kam Pốt).

28. Đầm Chít (Kiên Giang) - Prêy Tun Lê (Kam Pốt).

29. Chợ Đình (Kiên Giang) - Thnốt Choong Srong (Kam Pốt).

30. Nha Sáp (Kiên Giang) - Rưs Xây Pi Cum (Tà Keo)5.



1 Tỉnh đang đề nghị nâng cấp cửa khẩu đường bộ (cùng tên) lên thành cửa khẩu quốc tế.

2 Đã có quyết định nâng cấp cửa khẩu chính nhưng chưa tổ chức khai trương.

3 BTLBP có QĐ giải thể trạm cửa khẩu phụ.

4 Tỉnh bổ sung 2012.

5 Tỉnh bổ sung 2012.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1490/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1490/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/08/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 521 đến số 522
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản