Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 147/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 147/2002/QĐ-TTg NGÀY 25 THÁNG 10 NĂM 2002VỀ CƠ CHẾ ĐIỀU HÀNH QUẢN LÝ XUẤT NHẬP KHẨU, SẢN XUẤT, LẮP RÁP XE HAI BÁNH GẮN MÁY VÀ PHỤ TÙNG GIAI ĐOẠN 2003-2005 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Nhằm quản lý sản xuất xe máy, phụ tùng xe máy bảo đảm chất lượng, khuyến khích xuất khẩu và hạn chế tình trạng xe máy tăng quá nhanh, gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;
Theo đề nghị của các Bộ: Công nghiệp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định cơ chế điều hành quản lý xuất nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy (sau đây gọi tắt là xe máy) và phụ tùng xe máy giai đoạn 2003 - 2005 như sau :

1. Việc nhập khẩu xe máy và phụ tùng xe máy thực hiện theo Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2001 - 2005.

2. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo đúng các quy định tại giấy phép đầu tư đã được cấp.

3. Các doanh nghiệp sản xuất xe máy và phụ tùng xe máy để xuất khẩu được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành.

4. Xe máy sản xuất, lắp ráp trong nước phải được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và đăng kiểm chất lượng theo quy định của pháp luật.

Các sản phẩm xe máy sản xuất tại Việt Nam không có đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và đăng kiểm chất lượng theo quy định của pháp luật thì không được phép đăng ký lưu hành.

Các loại phụ tùng để lắp ráp xe máy, bao gồm phụ tùng nhập khẩu và sản xuất trong nước phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp pháp và đăng ký chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đến ngày 01 tháng 01 năm 2004, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy và động cơ xe máy phải có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 (phiên bản 2000) cho hệ thống sản xuất, lắp ráp xe máy và động cơ xe máy.

5. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2003, thực hiện chính sách thuế đối với xe máy và phụ tùng xe máy như sau:

a) Mức thuế suất thuế nhập khẩu xe máy nguyên chiếc và động cơ nguyên chiếc tối thiểu là 100%;

b) Giữ nguyên mức thuế suất thuế nhập khẩu hiện hành đối với phụ tùng xe máy và linh kiện động cơ xe máy.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Bộ Công nghiệp chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện Quyết định này; từ nay đến trước ngày 31 tháng 12 năm 2002, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra lại tất cả các doanh nghiệp đang sản xuất, lắp ráp xe máy hiện có, chỉ những doanh nghiệp nào bảo đảm đủ các điều kiện theo Quyết định số 24/2002/QĐ-BCN ngày 07 tháng 6 năm 2002 của Bộ Công nghiệp và các quy định tại khoản 4 Điều 1 của Quyết định này thì mới được phép tiếp tục sản xuất, lắp ráp xe máy.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện giấy phép đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy có vốn đầu tư nước ngoài. Rút giấy phép đầu tư đối với các doanh nghiệp không thực hiện đúng giấy phép đầu tư đã cấp.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế quy định tại khoản 5 Điều 1 của Quyết định này; thực hiện đàm phán với ASEAN theo hướng không đưa xe máy vào danh mục cắt giảm thuế và chỉ cắt giảm thuế đối với phụ tùng xe máy kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp và chất lượng đối với sản phẩm xe máy, phụ tùng xe máy của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy, phụ tùng xe máy.

5. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc đăng kiểm xe máy và động cơ xe máy; khẩn trương xây dựng và ban hành trước ngày 31 tháng 12 năm 2002 hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật xe máy và phụ tùng xe máy phù hợp quy định của pháp luật hiện hành.

6. Bộ Thương mại chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Hải quan tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông sản phẩm xe máy và phụ tùng xe máy.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2003.

Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Quyết định này, kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2002, các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không cấp phép đầu tư các dự án mới về sản xuất, lắp ráp xe máy.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 147/2002/QĐ-TTg về cơ chế điều hành quản lý xuất nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp xe hai bánh gắn máy và phụ tùng giai đoạn 2003-2005 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 147/2002/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/10/2002
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 58
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản