Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 146-HĐBT

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 1986

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 146-HĐBT NGÀY 26-11-1986 VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN KINH TẾ GIA ĐÌNH

Kinh tế gia đình có vị trí rất quan trọng, tồn tại lâu dài và là bộ phận hợp thành của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Cùng với kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, kinh tế gia đình góp phần khai thác mọi tiềm năng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V và Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 18-1-1984 của Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng quyết định:

I- NỘI DUNG CỦA KINH TẾ GIA ĐÌNH

Kinh tế gia đình là phần thu nhập của các xã viên hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng.. . và công nhân viên chức các cơ quan Nhà nước, các xí nghiệp quốc doanh, gọi tắt là xã viên và công nhân, viên chức sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, công tác đối với tập thể và Nhà nước; tận dụng thời gian còn lại, đầu tư thêm lao động, vật tư, tiền vốn, khai thác các tiềm năng của đất đai để mở rộng diện tích gieo trồng, thâm canh tăng năng suất cây trồng, phát triển chăn nuôi, khai thác và chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, sản xuất hàng tiểu, thủ công nghiệp, làm các nghề dịch vụ...

Uỷ ban nhân dân các cấp và các ngành các cơ sở quốc doanh, tập thể có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ kinh tế gia đình phát triển đúng hướng, và từng bước đưa kinh tế gia đình trở thành bộ phận trong kế hoạch phát triển kinh tế ngành, địa phương và cơ sở.

II- CÁC NGÀNH NGHỀ ĐƯỢC KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN TRONG KINH TẾ GIA ĐÌNH.

1. Về trồng trọt.

Tất cả các gia đình xã viên hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đều được giao một số diện tích đất (bao gồm đất canh tác hoặc đất hoang hoá, đất đồi, bãi, mặt nước...) để sản xuất làm kinh tế gia đình.

Diện tích đất để lại cho xã viên phát triển kinh tế gia đình khi tổ chức hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nay đã biến động bởi dân số phát triển, diện tích thực tế từng gia đình sử dụng không đồng đều cũng không đặt vấn đề chia lại.

Đối với những người chưa có đất hay có ít đất làm kinh tế gia đình thì hợp tác, tập đoàn sản xuất căn cứ vào khả năng lao động của từng gia đình và khả năng đất đai của cơ sở mà xem xét có thể giao cho gia đình một diện tích đất cần thiết phù hợp với tình hình chung trong hợp tác xã, tập đoàn, nhưng phải chú ý không được để ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất các cây trồng chủ yếu, nhất là sản xuất lương thực của cơ sở.

Những diện tích đất vườn, nhất là vườn chuyên canh các loại cây ăn quả của các gia đình đã có từ trước khi tổ chức hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, trước mắt giữ nguyên - canh để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và cần nghiên cứu hình thức cải tạo và tổ chức lại cho phù hợp.

Đối tượng để xét giao bổ sung đất làm kinh tế gia đình là nhân khẩu của các gia đình xã viên, công nhân, viên chức, sĩ quan về hưu hoặc nghỉ mất sức, các gia đình thương binh, liệt sĩ, quân nhân tại ngũ.

Ở các tỉnh miền núi, trung du do có điều kiện thuận lợi về đất đai, căn cứ theo các Quyết định số 95-CP ngày 27-3-1980 của Hội đồng Chính phủ và số 184-HĐBT ngày 6-11-1982 của Hội đồng Bộ trưởng, số đất giao cho kinh tế gia đình xã viên và công nhân, viên chức được quy định cao hơn ở đồng bằng.

Ở các thành phố, thị xã, khu công nghiệp, thị trấn nếu các cơ quan, công trường, xí nghiệp, đơn vị quân đội có nhu cầu đất đai phát triển sản xuất phụ thì tuỳ theo điều kiện về đất đai ở từng nơi, địa phương xem xét có thể giao cho một số diện tích cần thiết để sản xuất, nhưng không được lấy ruộng đất thuộc trong quy hoạch sản xuất của các nông trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất.

Những diện tích đất có khả năng tăng vụ, xen canh mà nông trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất chưa sử dụng hết thì có thể cho gia đình xã viên, công nhân viên chức mượn đất để sản xuất theo thời vụ, được ổn định trong một số năm; người sử dụng đất có trách nhiệm thâm canh, bảo vệ màu mỡ của đất, bảo vệ cây trồng chuyên canh của nông trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất theo quy định của cơ sở sản xuất.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh quy định cụ thể mức diện tích giao cho các gia đình xã viên hợp tác xã và tập đoàn sản xuất sử dụng để phát triển kinh tế gia đình thích hợp với điều kiện từng vùng trong địa phương và hướng dẫn các huyện, xã thực hiện nhất quán để phát huy tốt khả năng phát triển kinh tế gia đình, cũng như bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước.

Việc giao đất, cho mượn đất làm kinh tế gia đình, các địa phương, các cơ sở phải xác định quy mô diện tích cụ thể, quyền hạn và trách nhiệm của người sử dụng đất để khuyến khích đầu tư cải tạo đất, thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Mặt khác, hướng dẫn các gia đình sản xuất theo quy hoạch chung của từng vùng nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội và xuất khẩu.

Người được giao đất làm kinh tế gia đình phải sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả cao, cấm không được phát canh thu tô, bán nhượng, trao đổi... dưới bất cứ hình thức nào, không được xây dựng nhà ở trên đất dành cho kinh tế gia đình. Trường hợp gia đình không sử dụng thì phải trả lại đất đó cho địa phương và cơ sở. Gia đình nào sử dụng không đúng quy định thì bị thu hồi lại đất và tuỳ theo trường hợp vi phạm mà bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

Trong trường hợp cần thiết Nhà nước lấy đất để xây dựng các công trình (nhà máy, kho tàng, đường sá...), Nhà nước có thể thu hồi lại đất và địa phương có trách nhiệm giao cho diện tích khác làm kinh tế gia đình.

2. Về chăn nuôi.

Nhà nước khuyến khích các gia đình xã viên và công nhân, viên chức chăn nuôi gia súc, gia cầm (trâu, bò, lợn, gà, vịt, thỏ, ong, cá...) không hạn chế về số lượng, trên cơ sở người nuôi gia súc phải bảo đảm vệ sinh môi trường và không để gia súc phá hoại trồng trọt.

Các địa phương và cơ sở cố gắng trong điều kiện có thể giúp đỡ các gia đình phát triển chăn nuôi như cung cấp thức ăn hoặc các phụ phế phẩm công, nông nghiệp làm thức ăn cho chăn nuôi, cho gia đình được chăn dắt trâu bò trên các bãi chăn công cộng, tổ chức bảo vệ vật nuôi... ở các thành phố, thị xã, khu công nghiệp, chú trọng phát triển nuôi gà theo phương pháp công nghiệp. Các địa phương phối hợp với ngành nông nghiệp có kế hoạch cung ứng con giống, thức ăn tổng hợp, thuốc thú y... theo phương thức gia công hay bán thẳng cho các gia đình công nhân viên chức chăn nuôi. Về nuôi lợn, trước mắt, Uỷ ban nhân dân các thành phố cần ban hành những quy định, nội quy đối với các gia đình nuôi lợn trong thành phố để bảo đảm vệ sinh chung, bảo vệ công trình xây dựng.

Những nơi có diện tích mặt nước (ao, hồ, sông cụt, kênh, mương...), kể cả các diện tích đã tập thể hoá từ lâu, nếu các nông trường, hợp tác xã, tập đoàn không có kế hoạch sản xuất hoặc đang sử dụng nhưng hiệu quả kinh tế thấp thì cho xã viên, công nhân, viên chức mượn để nuôi cá, nuôi tôm và sản xuất các loại thuỷ sản khác; diện tích và thời gia cho mượn tuỳ từng địa phương, từng loại vật nuôi mà nông trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và người mượn bàn bạc nhất trí quy định, nhất thiết không được bỏ hoang. Các địa phương, các cơ sở phối hợp với ngành thuỷ sản có kế hoạch giúp đỡ về giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng và chế biến, bảo vệ sản xuất.

3. Về sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ.

Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ các gia đình mua sắm phương tiện, dụng cụ, máy móc nhỏ và vừa, tạo nguyên liệu để phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ phù hợp với điều kiện và nhu cầu tiêu dùng của từng địa phương và cơ sở; đặc biệt chú trọng tạo điều kiện cho những nơi có nghề sản xuất truyền thống và hàng thủ công tinh xảo, có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu như khảm, sơn mài, thêu ren, dệt thảm v.v...

Các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh có thể dành những công đoạn sản xuất thủ công, nửa cơ giới, kỹ thuật đơn giản để mở rộng hình thức gia công tại nhà cho công nhân, viên chức và xã viên. Các ngành, các địa phương và cơ sở gia công phải có kế hoạch tổ chức xản xuất hợp lý, quản lý chặt chẽ, có kế hoạch bồi dưỡng tay nghề, trang bị kỹ thuật để bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong công tác quản lý, phải loại trừ những tổ chức, cá nhân làm "cai đầu dài" làm trung gian không cần thiết để bảo đảm quản lý chặt chẽ nguyên liệu và sản phẩm, bảo đảm thu nhập cho người lao động.

III- CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT

1. Về thuế. Các gia đình xã viên và công nhân, viên chức làm kinh tế gia đình có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước theo chính sách thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp, thuế hàng hoá và thuế sát sinh hiện hành.

Được Nhà nước miễn thuế trong những trường hợp sau đây:

- Miễn thuế môn bài, thuế doanh nghiệp và thuế lợi tức doanh nghiệp đối với tất cả các nghề phụ mà gia đình xã viên và công nhân, viên chức tận dụng thời gian lao động của gia đình để làm, không mang tính chất kinh doanh chuyên nghiệp.

- Miễn thuế buôn chuyến đối với tất cả các sản phẩm của kinh tế gia đình bán trong thôn xóm, xã, phường hay tại chợ địa phương. Nếu đem làm quà cho người nhà ở địa phương khác, có giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi cư trú là sản phẩm của kinh tế gia đình thì cũng không phải nộp thuế buôn chuyến.

- Miễn thuế nông nghiệp đối với đất ở và đất vườn liền cạnh nhà theo mức diện tích đã quy định trong Quyết định số 63-HĐBT ngày 5-7-1983 của Hội đồng Bộ trưởng.

Đất do nông, lâm trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất cho xã viên, công nhân, viên chức mượn làm vụ đông, tăng vụ, xen canh thì xã viên, công nhân, viên chức không phải nộp thuế nông nghiệp.

- Các gia đình được giao đất trống, đất đồi trọc làm vườn rừng thì được miễn nộp tiền nuôi rừng.

2. Về đầu tư vốn.

Các gia đình tự giải quyết vốn là chính. Đối với trường hợp gia đình xã viên và công nhân viên chức ở nông thôn thiếu vốn sản xuất được vay vốn của hợp tác xã tín dụng; xã viên, công nhân, viên chức ở thành phố, thị xã, khu công nghiệp được vay vốn của quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa theo thể lệ vay vốn của Ngân hàng Nhà nước. ở những nơi quỹ tiết kiệm, hợp tác xã tín dụng chưa đảm nhận được việc cho vay, thì Ngân hàng Nhà nước tuỳ theo khả năng có thể cho các xã viên, công nhân, viên chức vay vốn, cơ quan Ngân hàng cùng với chính quyền địa phương và cơ sở theo dõi, giúp đỡ việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Thủ tục cho vay phải thuận tiện, tránh gây phiền hà, trở ngại cho người vay vốn.

3. Về cung ứng vật tư.

Hàng năm, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước khi cân đối vật tư, nguyên liệu cho các ngành, các địa phương và cơ sở căn cứ vào khả năng, có thể dành ra một phần vật tư; nguyên liệu, công cụ cần thiết để sản xuất, kể cả máy phát điện nhỏ, máy động lực nhỏ có máy công cụ kèm theo, các giống cây trồng, con giống, thức ăn cho chăn nuôi v.v... để gia công hay cung ứng cho các gia đình theo hợp đồng kinh tế hoặc bán cho nhân dân phát triển kinh tế gia đình.

4. Về tổ chức sản xuất.

Phải tổ chức việc hợp tác và phân công sản xuất giữa các đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể với kinh tế gia đình trên từng địa bàn đối với từng loại sản phẩm theo quy hoạch và kế hoạch thống nhất để phát huy hiệu quả cao của cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

5. Về chính sách tiêu thụ sản phẩm.

Người sản xuất được quyền sử dụng sản phẩm của kinh tế gia đình để tiêu thụ dùng, bán cho Nhà nước hoặc mua bán, trao đổi ở thị trường. Đối với những loại sản phẩm, mặt hàng quý hiếm thuộc danh mục hàng hoá Nhà nước thống nhất quản lý (sơn hồi, quế, cao-su, cà-phê, hồ-tiêu, thuốc lá, thuốc lào...) thì ngoài phần dành để người sản xuất tiêu dùng, cần tập trung bán cho Nhà nước theo hợp đồng kinh tế hai chiều hoặc theo giá thoả thuận. Đối với sản phẩm chăn nuôi, ngoài số gia súc hợp đồng bán cho Nhà nước và tập thể, người sản xuất được quyền sử dụng sản phẩm làm ra vào sinh hoạt của gia đình, kể cả việc giết mổ gia súc; trường hợp tiêu dùng không hết có thể bán cho hợp tác xã mua bán hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Khi mổ thịt gia súc phải nộp thuế sát sinh và thực hiện các quy định về thú ý.

Thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán phải có kế hoạch hợp đồng trực tiếp với xã viên, công nhân, viên chức; cố gắng cung ứng trước vật tư, nguyên liệu, con giống, cho vay vốn... trên cơ sở đó nắm sản phẩm của khu vực kinh tế gia đình. Phần sản phẩm ngoài hợp đồng, người làm kinh tế gia đình được bán cho Nhà nước, cho hợp tác xã mua bán hoặc cho người tiêu dùng theo giá thoả thuận, giá thoả thuận là giá thuận mua vừa bán không gò ép dưới bất cứ hình thức nào.

Người làm kinh tế gia đình có trách nhiệm bảo đảm thực hiện các hợp đồng giao sản phẩm với các tổ chức thu mua hoặc gia công đúng số lượng, quy cách, chất lượng, thời hạn. Nếu không thực hiện đúng hợp đồng phải bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp tổ chức thương nghiệp hay tổ chức gia công không bảo đảm kế hoạch thu mua sản phẩm theo hợp đồng đã ký, nhất là đối với những sản phẩm tươi sống, thì người sản xuất có quyền tiêu thụ cho các tổ chức khác hay bán thẳng cho người tiêu dùng. Tổ chức thương nghiệp hay gia công phải bồi thường thiệt hại cho người sản xuất, do việc không thực hiện đúng hợp đồng gây ra.

Các cơ quan thu mua phải tổ chức lực lượng thu gom, đặt các điểm thu mua thuận tiện, thanh toán kịp thời, sòng phẳng với người sản xuất, chống mọi biểu hiện cửa quyền ép cấp, ép giá, gây phiền hà cho người sản xuất. Trường hợp có khó khăn chính đáng không thanh toán được kịp thời thì tổ chức thương nghiệp phải trả lãi theo lãi suất của Ngân hàng quỹ tiết kiệm hoặc hợp tác xã tín dụng cho người làm kinh tế gia đình để họ vay vốn tiếp tục sản xuất.

Trong tình hình sản xuất của kinh tế gia đình phân tán, các địa phương, các cơ sở sản xuất có điều kiện cần tổ chức những cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản ở các cụm dân cư, các huyện, thị xã... để bảo đảm cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để kinh tế gia đình thực sự là bộ phận hợp thành của kinh tế xã hội chủ nghĩa, các ngành, các địa phương và các đơn vị kinh tế quốc doanh, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có trách nhiệm thường xuyên chỉ đạo, giúp đỡ kinh tế gia đình phát triển theo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, gắn liền với kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng địa phương và cơ sở. Uỷ ban nhân dân các cấp cần phân công một đồng chí Phó Chủ tịch, các cơ sở sản xuất kinh doanh quốc doanh, tập thể phân công một đồng chí Phó giám đốc hoặc Phó chủ nhiệm phụ trách lĩnh vực kinh tế gia đình để phối hợp kế hoạch giữa kinh tế quốc doanh, tập thể và gia đình.

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể như Hội đồng nông dân tập thể, Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hội làm vườn, Hội nuôi ong... phối hợp với các ngành, các địa phương, các cơ sở trong việc động viên, hướng dẫn quần chúng phát triển kinh tế gia đình mạnh mẽ, đúng hướng.

Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thuỷ sản, Bộ Công nghiệp nhẹ, Liên hiệp xã tiểu, thủ công nghiệp Trung ương cùng với Bộ Nội thương, Liên hiệp xã mua bán, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các ngành có liên quan ra thông tư hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này theo chức năng, quyền hạn của mình.

Các ngành, các địa phương, các cơ sở cần chú ý tổ chức sơ kết, tổng kết kinh nghiệm chỉ đạo phát triển kinh tế gia đình nhằm phát huy mạnh mẽ các tiềm năng kinh tế gia đình lên vị trí xứng đáng góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

 

 

Võ Chí Công

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 146-HĐBT năm 1986 về việc phát triển kinh tế gia đình do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 146-HĐBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/11/1986
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Chí Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: 11/12/1986
  • Ngày hết hiệu lực: 09/03/1988
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản