Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1447/1999/QĐ-BTM

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 1447/1999/QĐ-BTM NGÀY 10 THÁNG 12 NĂM 1999 BAN HÀNH QUI CHẾ VỀ THUÊ MÁY MÓC THIẾT BỊ CỦA NƯỚC NGOÀI

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Luật Thương mại ngày 10/5/1997;
Căn cứ Nghị định số 95/CP ngày 04/12/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Ban hành kèm theo Quyết định này Qui chế về thuê máy móc, thiết bị của nước ngoài.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3.- Các tổ chức, cá nhân thuê máy móc, thiết bị của nước ngoài và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Qui chế này.

 

Mai Văn Dâu

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

VỀ THUÊ MÁY MÓC, THIẾT BỊ CỦA NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1447/1999/QĐ-BTM ngày 10/12/1999 Của Bộ trưởng Bộ Thương mại).

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Phạm vi điều chỉnh

Qui chế này điều chỉnh việc thuê máy móc, thiết bị của nước ngoài để phục vụ sản xuất, gia công hàng hoá cho nước ngoài, thi công xây dựng các công trình đầu tư trong nước.

Việc thuê máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dưới hình thức tạm nhập, tái xuất để phục vụ thi công xây dựng được thực hiện theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2.- Giải thích từ ngữ

- Thuê máy móc, thiết bị của nước ngoài là việc bên nước ngoài cho bên Việt Nam thuê máy móc, thiết bị trên cơ sở hợp đồng thuê máy móc, thiết bị để sử dụng vào mục đích nhất định, trong một thời hạn nhất định.

- Bên cho thuê máy móc, thiết bị là bên nước ngoài, gồm các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

- Bên thuê máy móc, thiết bị là bên Việt Nam, gồm các tổ chức, cá nhân Việt Nam:

+ Thuê máy móc, thiết bị để sản xuất và thi công xây dựng: gồm các doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

+ Thuê máy móc, thiết bị để gia công: gồm thương nhân Việt Nam theo quy định của Luật Thương mại.

- Máy móc, thiết bị thuê: là máy móc, thiết bị lẻ hoặc đồng bộ, dây chuyền sản xuất, máy thi công, xe chuyên dụng và dụng cụ chuyên dùng.

Điều 3.- Điều kiện thuê máy móc, thiết bị

1. Đối với máy móc, thiết bị thuê

- Phải không thuộc danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

- Phải phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về nhập khẩu máy móc, thiết bị đã sử dụng (nếu là máy móc, thiết bị đã qua sử dụng), về an toàn lao động, bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan.

2. Đối với bên thuê máy móc, thiết bị

- Phải có dự án đầu tư hoặc phương án đầu tư sản xuất (luận chứng kinh tế kỹ thuật) được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc có hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài.

Điều 4.- Các vấn đề tài chính

1. Bên thuê nộp thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị thuê theo quy định tại Thông tư số 172/1998/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 94/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

2. Bên thuê nộp thay bên cho thuê thuế thu nhập doanh nghiệp và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính số 169/1998/TT-BTC ngày 22/12/1998 về chế độ thuế áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không thuộc các hình thức đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và số 95/1999/TT-BTC ngày 6/8/1999 sửa đổi bổ sung Thông tư số 169/1998/TT-BTC ngày 22/12/1998.

Điều 5.- Hợp đồng thuê máy móc, thiết bị

Hợp đồng thuê máy móc, thiết bị phải có các nội dung sau:

- Tên, địa chỉ của bên thuê và cho thuê máy móc, thiết bị;

- Tên máy móc, thiết bị, số lượng, quy cách, chất lượng;

- Mục đích thuê máy móc, thiết bị;

- Giá thuê máy móc, thiết bị;

- Thời gian thuê máy móc, thiết bị;

- Phương thức thanh toán;

- Phương thức giao nhận;

- Thời gian giao nhận;

- Quyền và nghĩa vụ của các bên;

- Chế tài;

- Giải quyết tranh chấp;

- Cơ quan xét xử và luật áp dụng;

- Thanh lý hợp đồng;

Chương 2

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN THUÊ VÀ CHO THUÊ MÁY MÓC, THIẾT BỊ

Điều 6.- Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê

1. Có quyền yêu cầu bên thuê bồi thường các thiệt hại phát sinh do không thực hiện đầy đủ các quy định về sử dụng máy móc, thiết bị, trách nhiệm về bảo quản, sửa chữa, thanh toán tiền thuê quy định trong hợp đồng thuê máy móc, thiết bị.

2. Có quyền thu hồi lại máy móc, thiết bị cho thuê, nếu bên đang thuê vi phạm các điều khoản hợp đồng mà hai bên đã cam kết dẫn đến huỷ hợp đồng.

3. Được nhận tiền cho thuê bằng ngoại tệ do chuyển đổi.

4. Có nghĩa vụ bảo hiểm đối với tài sản cho thuê.

5. Có nghĩa vụ hướng dẫn lắp đặt, vận hành chạy thử máy móc, thiết bị, cung cấp phụ tùng thay thế và có nghĩa vụ bảo hành máy móc, thiết bị.

6. Có nghĩa vụ bồi thường cho bên thuê các thiệt hại phát sinh do máy móc, thiết bị cho thuê không phù hợp với các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm không đạt được công suất theo thoả thuận trong hợp đồng, hoặc vi phạm các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng.

Điều 7.- Quyền và nghĩa vụ của bên thuê

1. Được mua lại máy móc, thiết bị thuê phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về nhập khẩu máy móc, thiết bị.

2. Phải sử dụng đúng mục đích máy móc, thiết bị thuê theo thoả thuận trong hợp đồng.

3. Chịu mọi rủi ro về mất mát, hư hỏng máy móc, thiết bị thuê, trừ những rủi ro thuộc về các trường hợp bất khả kháng.

4. Chịu trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị trong thời gian thuê.

5. Không được chuyển nhượng hoặc cho thuê lại máy móc, thiết bị, nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản của bên cho thuê.

6. Không được dùng máy móc, thiết bị thuê làm tài sản cầm cố, thế chấp.

7. Có nghĩa vụ trả tiền thuê theo thoả thuận trong hợp đồng.

8. Phải tái xuất máy móc, thiết bị thuê khi hợp đồng thuê máy móc, thiết bị hết hiệu lực.

Điều 8.- Chấm dứt hợp đồng trước thời hạn

1. Bên cho thuê có thể chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong các trường hợp mà bên thuê:

a - Không trả tiền thuê theo quy định trong hợp đồng;

b - Vi phạm các cam kết trong hợp đồng về bảo quản, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, tự ý chuyển nhượng hoặc cho thuê lại máy móc, thiết bị.

c - Không có khả năng thanh toán, phá sản, giải thể.

d - Không có người bảo lãnh khác thay thế trong trường hợp bên thuê có người bảo lãnh mà người bảo lãnh mất khả năng thanh toán, phá sản hoặc giải thể.

2. Bên thuê có thể chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong các trường hợp sau;

a - Máy móc, thiết bị cho thuê không được giao đúng thời gian quy định trong hợp đồng;

b - Bên cho thuê vi phạm các cam kết hợp đồng về chất lượng máy móc, thiết bị, đặc tính kỹ thuật, công suất theo thiết kế kỹ thuật, bảo hành, chạy thử, nghiệm thu.

Điều 9

1. Trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định tại Điều 8, bên thuê phải thanh toán ngay tiền thuê (tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng) và tái xuất trả lại máy móc, thiết bị cho bên thuê. Quyền sở hữu của bên cho thuê đối với máy móc, thiết bị không bị ảnh hưởng khi bên thuê bị phá sản, giải thể hay mất khả năng thanh toán. Máy móc, thiết bị thuê không được coi là tài sản của bên thuê khi tiến hành các thủ tục phá sản hay giải thể.

2. Trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường mọi thiệt hại gây ra cho bên kia.

Điều 10.- Thủ tục nhập khẩu và tái xuất máy móc, thiết bị thuê

Căn cứ quy định tại Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan đến thuê máy móc, thiết bị của nước ngoài, Bên thuê máy móc, thiết bị làm thủ tục nhập khẩu, tái xuất máy móc, thiết bị tại cơ quan Hải quan cửa khẩu.

Điều 11.- Thanh lý hợp đồng

Bên thuê và bên cho thuê máy móc, thiết bị phải tiến hành thanh lý hợp đồng khi hợp đồng hết hiệu lực hoặc hợp đồng thuê chấm dứt trước thời hạn.

Máy móc, thiết bị thuê có thể được tái xuất trả cho bên cho thuê, chuyển sang thực hiện hợp đồng thuê khác, nhượng bán hoặc tiêu huỷ.

Việc tái xuất máy móc, thiết bị thuê, việc chuyển máy móc, thiết bị thuê sang thực hiện hợp đồng thuê khác hoặc tiêu huỷ tại Việt Nam do cơ quan Hải quan giải quyết.

Việc nhượng bản máy móc, thiết bị thuê tại Việt Nam do Bộ Thương mại giải quyết theo các quy định của pháp luật hiện hành về nhập khẩu máy móc, thiết bị.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1447/1999/QĐ-BTM ban hành Quy chế thuê máy móc, thiết bị của nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành

  • Số hiệu: 1447/1999/QĐ-BTM
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/12/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Thương mại
  • Người ký: Mai Văn Dâu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 25/12/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 04/02/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản