Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1439/2006/QĐ-UBND

Huế, ngày 06 tháng 06 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

"VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ VẬN HÀNH, KHAI THÁC VÀ QUẢN LÝ CÁC THIẾT BỊ TIN HỌC TRÊN MẠNG TIN HỌC DIỆN RỘNG CỦA UBND TỈNH"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/09/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 112/2001/QĐ-TTg ngày 25/07/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2005;
Căn cứ Quyết định số 1656/2005/QĐ-UBND ngày 19/5/2005 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định địa chỉ IP, tên miền cho các cơ quan chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố Huế;
Căn cứ Chỉ thị số 42/CT-UBND ngày 29/9/2005 của UBND tỉnh về việc tập trung tăng cường thực hiện đề án Tin học hóa quản lý Nhà nước (đề án 112) trên địa bàn Tỉnh;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về vận hành, khai thác và quản lý các thiết bị tin học trên mạng tin học diện rộng (WAN) của UBND tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Tin học Hành chính, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- BĐH Đề án 112 Chính phủ (B/C);
- Cục Kiểm tra Văn bản – Bộ Tư pháp;
- TVTU; 
- TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- VP: LĐ và các CV: TH, CN, CNTT;
- Trung tâm Công báo; Trung tâm Lưu trữ;
- Trung tâm Tin học Hành chính (2 bản)
- Lưu VT, LT

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Lý

 

QUY CHẾ

"VỀ VIỆC VẬN HÀNH, KHAI THÁC VÀ QUẢN LÝ CÁC THIẾT BỊ TIN HỌC TRÊN MẠNG TIN HỌC DIỆN RỘNG CỦA UBND TỈNH”
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1439 /2006/QĐ-UBND ngày 06/6/2006 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng:

Quy chế này được áp dụng đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố Huế và các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi là đơn vị) tham gia kết nối vào mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh nhằm mục đích đảm bảo tính đồng bộ, an ninh, an toàn, khai thác có hiệu quả hệ thống mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh và phục vụ tốt cho việc tin học hóa quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn Tỉnh.

Điều 2. Các thiết bị tin học, thiết bị truyền thông, phần mềm ứng dụng, phần mềm dùng chung và các dịch vụ cơ bản.

a. Thiết bị tin học: Bao gồm:

- Máy chủ các loại (Server)

- Máy tính cá nhân các loại (PC, xách tay)

- Máy in các loại (Printer)

- Máy quét (Scan)

- Thiết bị mạng (Card mạng...)

- Thiết bị lưu giữ điện (UPS)

- Thiết bị lưu trữ số liệu (USB Disk, Flash Ram )

- Các thiết bị tin học khác ...

- v.v...

b. Thiết bị truyền thông:

- Thiết bị kết nối mạng diện rộng (SM, AP...)

- Thiết bị truyền tin (Router, Switch, Hub, Modem...)

- Thiết bị bảo mật chuyên dụng (Firewall)

- v.v...

c. Phần mềm ứng dụng, phần mềm dùng chung và các dịch vụ cơ bản:

Phần mềm ứng dụng là các phần mềm phục vụ cho công tác quản lý tại đơn vị như:

- Quản lý nhân sự

- Quản lý tiền lương

- Quản lý kế toán

- Quản lý chuyên ngành

-...

Phần mềm dùng chung:

- Phần mềm Hệ thống thông tin tổng hợp KTXH phục vụ điều hành

- Phần mềm Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc

- Phần mềm Trang Thông tin Điện tử phục vụ điều hành

- Phần mềm Hệ thống thông tin quản lý cấp giấy phép Kinh doanh

- …

Các dịch vụ cơ bản như:

- Dịch vụ chứng thực người dùng (LDAP)

- Dịch vụ phân giải tên miền (DNS);

- Dịch vụ dowload

- Dịch vụ quản lý trang chủ (Web Page, Web Hosting);

- Dịch vụ truy cập từ xa ...

- Dịch Vụ Truyền Tệp

- Dịch vụ Giám sát thông lượng mạng

- Và một số dịch vụ khác

Điều 3.

- Mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh là mạng tin học được thiết lập bằng cách kết nối giữa Trung tâm Tích hợp Dữ liệu tỉnh với các mạng LAN của các đơn vị hành chính thông qua mạng viễn thông và thiết bị công nghệ không dây Canopy; đồng thời kết nối với mạng tin học diện rộng (CPNet) của Chính phủ.

- Trung tâm quản lý điều hành mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh do Chánh Văn phòng UBND tỉnh thống nhất quản lý. Trung tâm Tích hợp Dữ liệu tỉnh đặt tại Văn phòng UBND tỉnh là Trung tâm điều phối mọi hoạt động và là nơi lưu trữ các hệ cơ sở dữ liệu, các phần mềm dùng chung, các dịch vụ cơ bản, hệ thống thư điện tử ...

- Mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh được kết nối thông qua các thiết bị chuyên dùng bao gồm: Thiết bị truyền thông, máy chủ ... để cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ và công tác quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Máy chủ và các thiết bị có liên quan kết nối mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh được UBND tỉnh trang cấp cho các đơn vị tham gia mạng tin học diện rộng là tài sản của Nhà nước được giao cho các đơn vị sử dụng là một thành phần quan trọng của hệ thống mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh được Văn phòng UBND tỉnh quản lý thống nhất.

- Mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh là mạng riêng, tuân theo chuẩn INTRANET, có địa chỉ IP, tên miền và các tham số mạng được cấp và quản lý thống nhất chung trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định của Ban Điều hành Đề án 112 Chính phủ và UBND tỉnh quy định tại Quyết định số 1656/2005/QĐ-UBND ngày 19/05/2005 về việc ban hành quy định địa chỉ IP, tên miền cho các cơ quan chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố Huế.

- Giao thức kết nối mạng giữa các mạng tin học là giao thức TCP/IP .

- Thông tin cập nhật vào mạng phải soạn thảo theo chuẩn TCVN 6909:2001 ; phông chữ UNICODE (Times New Roman, Arial, …).

Điều 4. Đối tượng tham gia mạng tin học diện rộng (WAN) của UBND tỉnh:

- Văn phòng UBND tỉnh

- Văn phòng HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh

- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh

- UBND các huyện, thành phố Huế

- Các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh

- Căn cứ khả năng thực tế phát triển mạng tin học diện rộng, UBND tỉnh sẽ chỉ định các đơn vị tham gia kết nối mạng cụ thể.

Chương II

QUẢN LÝ VÀ QUẢN TRỊ MẠNG TIN HỌC DIỆN RỘNG

Điều 5.

1. Trách nhiệm của Văn phòng UBND tỉnh:

Văn phòng UBND tỉnh là cơ quan đầu mối trực tiếp quản lý mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh và có các chức năng, nhiệm vụ như sau:

- Xây dựng hồ sơ, quy chế về quản lý, quản trị, khai thác các thiết bị mạng, máy chủ đặt tại Trung tâm THDL tỉnh.

- Quản lý, bảo trì cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các thiết bị kết nối mạng tin học diện rộng từ UBND tỉnh đến thiết bị đầu cuối của các đơn vị bao gồm: Máy chủ kết nối WAN; các thiết bị: SM, AP, hộp chống sét, Modem ADSL, ... do UBND tỉnh trang bị.

- Phối hợp với đơn vị tư vấn để cài đặt, cập nhật các phiên bản mới của các phần mềm dùng chung, các dịch vụ cơ bản,... trên cùng một máy chủ đã được UBND tỉnh trang bị cho các đơn vị để việc quản lý thống nhất, đồng bộ, đảm bảo an toàn an ninh mạng.

- Đảm bảo việc cung cấp và trao đổi thông tin các phần mềm dùng chung, hệ thống thư điện tử kịp thời, nhanh chóng, chính xác phục vụ cho việc quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thông qua mạng tin học diện rộng của tỉnh.

- Tham mưu UBND tỉnh về việc ban hành các văn bản về quy định thống nhất việc gửi - nhận văn bản trên mạng tin học diện rộng; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm dùng chung Hệ Quản lý Văn bản và Hồ sơ công việc đã được cài đặt cho các đơn vị trong việc xử lý văn bản và việc gửi - nhận văn bản trên mạng.

- Hướng dẫn thống nhất chuẩn công nghệ thông tin và thống nhất việc triển khai ứng dụng tin học trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh và có trách nhiệm lập kế hoạch hàng năm cho hoạt động vận hành toàn bộ hệ thống mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh và phát triển các ứng dụng trên mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh.

- Hàng tháng có kế hoạch phối hợp với các đơn vị tư vấn để họp giao ban với các đơn vị kết nối mạng về việc rà soát công tác vận hành mạng, phổ biến những thông tin mới về công tác vận hành, phối hợp triển khai các phần mềm ứng dụng trên mạng, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản trị mạng cho các cơ quan, đơn vị để cập nhật những kiến thức quản trị hệ thống trong việc sử dụng và khai thác có hiệu quả mạng tin học diện rộng của Tỉnh.

- Có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo về an toàn mạng và bảo mật cho cán bộ quản trị mạng tin học tại các đơn vị như: biết sử dụng các biện pháp bảo mật (cả phần cứng và phần mềm), sao lưu dữ liệu, phát hiện và chống sự truy cập bất hợp pháp từ bên ngoài và ngay bên trong nội bộ đơn vị.

- Văn phòng UBND tỉnh xây dựng tài liệu mô hình mạng LAN chuẩn và cung cấp các lớp địa chỉ IP, tên miền cho các đơn vị thuộc UBND tỉnh khi tham gia kết nối mạng tin học diện rộng của Tỉnh theo quy định của UBND tỉnh.

- Hàng tháng báo cáo UBND tỉnh và Ban Điều hành Đề án 112 Chính phủ về hoạt động của mạng tin học diện rộng của Tỉnh.

2. Nhiệm vụ của cán bộ quản trị mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh

- Phối hợp cùng với bộ phận tin học của các đơn vị để bảo đảm kỹ thuật hệ thống mạng tin học diện rộng của Tỉnh vận hành thông suốt các hệ thống thông tin điện tử trên mạng tin học diện rộng, phục vụ tốt cho việc truyền nhận thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh.

- Hướng dẫn về công tác chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản trị mạng tại đơn vị trong việc quản lý, vận hành, khai thác mạng tin học diện rộng của Tỉnh và mạng máy tính tại các đơn vị để khai thác có hiệu quả phục vụ tốt cho việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo.

- Thường xuyên kiểm tra định kỳ hoạt động của hệ thống mạng WAN của tỉnh và các thiết bị có liên quan đến việc lắp đặt các thiết bị kết nối WAN của tỉnh đã được lắp đặt tại đơn vị.

- Nghiên cứu, đề xuất về công tác quản lý và tổ chức thực hiện các biện pháp phát triển mạng WAN của UBND tỉnh, xác định chuẩn thông tin và công nghệ thông tin đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn trên mạng.

- Duy trì hoạt động thông suốt kết nối giữa mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh với mạng tin học diện rộng của Chính phủ và mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh đến các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố Huế.

- Nghiên cứu học tập nhằm nắm bắt kịp thời các thông tin mới để xử lý tốt các tình huống, sự cố xảy ra như: virus máy tính, hacker, hư hỏng thiết bị...

- Lập Sổ nhật ký theo dõi quá trình vận hành hệ thống mạng WAN của Tỉnh.

Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tham gia kết nối mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh.

1. Nhiệm vụ của các của cơ quan, đơn vị :

- Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm tổ chức, phân công trách nhiệm cụ thể cán bộ quản trị mạng và ban hành quy định, quy chế quản lý mạng cục bộ (LAN) tại đơn vị mình theo hướng dẫn của Văn phòng UBND tỉnh. Cán bộ, nhân viên tại các đơn vị có trách nhiệm bảo quản và khai thác có hiệu quả các thiết bị truyền thông, máy chủ được trang bị khi tham gia vào hệ thống mạng tin học diện rộng của Tỉnh.

- Thủ trưởng các đơn vị là người chịu trách nhiệm tiếp nhận, tổ chức thông tin và tính chính xác của thông tin khi cập nhật và truyền trên mạng WAN của tỉnh, cũng như chịu trách nhiệm về sự phân công chuyên viên tin học chuyên trách để quản trị tốt mạng máy tính tại đơn vị.

- Xây dựng hồ sơ, quy chế về quản lý, quản trị, khai thác mạng LAN, các thiết bị mạng, máy chủ tại cơ quan, đơn vị .

- Các đơn vị được phép khai thác và gửi các thông tin lên mạng tin học diện rộng do Thủ trưởng tại đơn vị cấp, nhằm phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học và các mục đích khác phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị hành chính theo nội dung Chương III của Quy chế này.

- Cử cán bộ quản trị mạng tham gia đầy đủ các buổi tập huấn về quản lý, quản trị mạng do Văn phòng UBND tỉnh tổ chức hoặc cử đi đào tạo nghiệp vụ quản trị mạng theo các chương trình phù hợp.

2. Nhiệm vụ của cán bộ quản trị mạng tại các cơ quan, đơn vị

- Tham gia đầy đủ về hội nghị, các buổi tập huấn, chương trình đào tạo do Văn phòng UBND tỉnh, Ban Điều hành Đề án 112 Chính phủ tổ chức.

- Thiết lập địa chỉ IP và quyền truy cập của máy trạm tham gia vào hệ thống mạng LAN theo quy định.

- Khi có sự cố về máy chủ và các thiết bị kết nối mạng WAN của tỉnh, người quản trị mạng có trách nhiệm thông báo lên bộ phận quản trị mạng tin học của UBND tỉnh để bộ phận này thực hiện việc sửa chữa, bảo trì.

- Không được tự ý thay đổi các thông số về mạng như: Điạ chỉ lớp mạng tin học diện rộng, các thông số kết nối mạng LAN và Internet để tránh sự xung đột địa chỉ.

- Không được truy cập vào trang Web và tải các thông tin không lành mạnh tránh tình trạng virus sẽ lây lan qua hệ thống mạng LAN và WAN.

- Máy chủ tại đơn vị không được nối với các mạng tin học khác không phù hợp với các chuẩn thông tin của mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh.

- Không được cho phép bất kỳ các công ty, đơn vị hoặc người không có trách nhiệm và không có chức năng bảo hành hệ thống mạng trực tiếp xử lý và khắc phục các sự cố của các thiết bị có liên quan đến mạng tin học diện rộng của Tỉnh.

- Người quản trị mạng của đơn vị mới được làm việc trực tiếp trên máy chủ kết nối mạng WAN của tỉnh và không tự ý cài đặt các phần mềm ứng dụng của đơn vị mình lên hệ thống máy chủ khi chưa có sự đồng ý của thủ trưởng đơn vị.

- Bảo quản tốt các thiết bị do Tỉnh trang bị để đảm bảo việc kết nối thông suốt đến Trung tâm Tích hợp Dữ liệu. Các thiết bị kết nối mạng WAN của tỉnh hoạt động liên tục 24/24 giờ trong ngày và 07 ngày trong tuần.

- Lập Sổ nhật ký để theo dõi quá trình họat động của máy chủ, các thiết bị kết nối mạng tại đơn vị tham gia kết nối mạng WAN của Tỉnh.

Chương III

KHAI THÁC THÔNG TIN TRÊN MẠNG TIN HỌC DIỆN RỘNG

Điều 7. Thông tin truyền nhận trên mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh nhằm phục vụ cho việc điều hành của lãnh đạo bao gồm các thể loại thông tin sau:

1. Công báo Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật của Tỉnh do Văn phòng UBND tỉnh đảm nhận và được cập nhật hàng ngày được đưa lên Trang thông tin điện tử phục vụ điều hành và Cổng Giao tiếp Điện tử của Tỉnh.

2. Kho dữ liệu hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội tổng hợp theo định kỳ (tháng, quý, 6 tháng, năm của các đơn vị được truyền nhận thông qua phần mềm dùng chung Hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế - xã hội phục vụ điều hành đã được UBND tỉnh quy định tại Quyết định số 229/2006/QĐ-UBND ngày 18/01/2006 về việc ban hành Quy chế vận hành Hệ thông tin tổng hợp kinh tế - xã hội phục vụ điều hành trên địa bàn tỉnh .

3. Các văn bản phục vụ công tác điều hành, giao dịch giữa UBND tỉnh với các cơ quan, đơn vị và giữa các cơ quan, đơn vị tham gia vào hệ thống được truyền nhận thông qua phần mềm dùng chung Hệ thống Quản lý Văn bản và hồ sơ công việc.

4. Thông tin chuyên đề về các lĩnh vực như: kinh tế, khoa học công nghệ, văn hoá - xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, du lịch…tình hình đầu tư của các dự án trong và ngoài nước, tiềm năng, triển vọng của tỉnh Thừa Thiên Huế... là những hệ thống cơ sở dữ liệu được phát triển và truyền trên mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh thông qua hình thức như gửi thư điện tử, hoặc đưa đưa lên phần mềm dùng chung Trang thông tin điện tử phục vụ điều hành tại đơn vị do các đơn vị cập nhật thông tin, trên cơ sở đó Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm cập nhật các thông tin chuyên đề để đưa lên Cổng Giao tiếp Điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế .

5. Hệ thống Thư điện tử của tỉnh được sử dụng theo tên miền thuathienhue.gov.vn để trao đổi thông tin về công tác chuyên môn, nghiệp vụ ban hành theo Quyết định số 5/2005/QĐ-UB ngày 05/01/2005 của UBND tỉnh về Quy định về sử dụng Hệ thống thư điện tử của tỉnh.

6. Các nội dung thông tin khác do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

Điều 8. Các thông tin mật

Các văn bản có nội dung mật được quản lý theo chế độ mật theo quy định, chỉ được truyền đi trên mạng tin học diện rộng khi có chương trình bảo mật thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Chương IV

QUY ĐỊNH VỀ MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC

Điều 9. Phòng đặt máy chủ kết nối WAN:

Phòng để máy chủ (Server), máy trạm và các thiết bị ngoại vi liên quan đến hệ thống mạng WAN phải luôn khô ráo sạch sẽ, thoáng mát, tránh những nơi có độ ẩm cao, được vệ sinh định kỳ máy chủ, hệ thống dây mạng và các thiết bị ngoại vi có liên quan đến việc kết nối mạng WAN. Tránh đặt máy chủ ở những nơi có nhiều từ trường lớn như: nam châm, máy phát diện, máy nổ và các động cơ khác.

Nhiệt độ trong phòng đặt máy chủ phải ổn định, thoáng mát.

Điều 10. Hệ thống lưới điện

Hệ thống điện của các đơn vị, phải luôn luôn giữ cho điện áp ổn định, tránh rò rỉ điện, các ổ cắm điện cho máy chủ, máy tính cũng như thiết bị ngoại vi phải chắc chắn, an toàn tránh hở mạch để hạn chế việc hư hại cho máy tính và các thiết bị ngoại vi. Đối với các máy chủ thì cần phải có thiết bị lưu điện để đảm bảo không bị ngắt đột ngột do mất điện. Có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, đề phòng cháy nổ do điện gây ra.

Điều 11. Hệ thống chống sét và tiếp đất

Hệ thống mạng LAN tại các đơn vị phải được trang bị hệ thống chống sét và chống sét lan truyền bao gồm:

- Hệ thống nối đất (tiếp địa)

- Thiết bị chống sét lan truyền: Thiết bị cắt sét trên đường nguồn; Thiết bị lọc sét trên đường nguồn và Thiết bị chống sét trên đường tín hiệu (cáp thoại, cáp đồng, cáp UTP).

Máy chủ kết nối mạng WAN phải có hệ thống chống sét lan truyền và tiếp đất theo quy định.

Chương V

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC THIẾT BỊ TIN HỌC THAM GIA VÀO HỆ THỐNG MẠNG TIN HỌC DIỆN RỘNG

Điều 12. Quy định về vận hành sử dụng, bảo trì máy chủ và thiết bị kết nối mạng WAN.

- Thiết bị kết nối mạng WAN của tỉnh được lắp đặt tại đơn vị là thiết bị từ SM đến máy chủ tham gia kết nối mạng WAN của Tỉnh. Máy chủ phải được lắp đặt trong phòng riêng biệt, thoáng mát và do cán bộ quản trị mạng có trách nhiệm quản lý, theo dõi quá trình hoạt động.

- Những người không có trách nhiệm không tự ý vào phòng máy chủ, không được tự ý khởi động cũng như tắt máy, thay đổi tên miền các phần mềm dùng chung, dịch vụ cơ bản và địa chỉ IP của máy chủ nếu không có sự đồng ý của cán bộ có trách nhiệm quản lý theo dõi.

- Không tự ý thay đổi vị trí thiết bị kết nối mạng diện rộng (SM) và các thông số địa chỉ IP của máy chủ và SM.

- Sử dụng thiết bị lưu trữ điện UPS thông minh để cấp điện cho máy chủ và thiết bị kết nối mạng diện rộng.

- Các thiết bị ngoại vi không được kết nối trực tiếp với máy chủ tham gia hệ thống mạng WAN của tỉnh, đặc biệt là không được kết nối thiết bị như: Modem để cung cấp dịch vụ Internet trên máy chủ WAN khi chưa có hệ thống chống sét cho thiết bị Modem đó và hệ thống bức tường lửa.

Điều 13. Quy định về sử dụng máy tính trạm có kết nối mạng LAN của đơn vị và chương trình cập nhật virus cho máy tính trạm:

Máy tính trạm là các máy được trang bị cho cán bộ, chuyên viên phục vụ công việc hàng ngày có tham gia vào hệ thống mạng LAN và WAN. Cán bộ, chuyên viên sử dụng máy tính trạm tham gia vào hệ thống mạng LAN phải tuân thủ các yêu cầu sau:

- Thiết lập địa chỉ IP theo quy định UBND tỉnh do quản trị mạng tại đơn vị thiết lập; không tự ý thay đổi địa chỉ IP khi chưa có ý kiến của người quản trị mạng tại đơn vị đó.

- Cán bộ quản trị mạng tại đơn vị có trách nhiệm thường xuyên cập nhật virus mới và cập nhật những phiên bản virus mới.

- Cài đặt chương trình diệt virus theo cơ chế tự động cập nhật virus từ máy chủ, nếu phát hiện thấy virus lạ không diệt được kịp thời thông báo cho cán bộ quản trị mạng biết khắc phục, tránh tình trạng để virus lây lan trên toàn bộ hệ thống mạng LAN và WAN.

Điều 14. Quy định về các thiết bị mạng (SM, Switch, Hub, Firewall, dây cáp mạng) kết nối mạng LAN và WAN.

Các thiết bị mạng như: SM, Switch, Hub, Firewall… là các thiết bị chuyên dùng để kết nối các máy tính lại với nhau tạo thành mạng LAN, WAN..., các thiết bị này lắp đặt trong phòng hoặc trong tủ mạng và duy trì nhiệt độ ổn định tránh để thiết bị quá nóng sẽ gây cháy và có hệ thống chống sét bảo vệ.

Các đường dây cáp nối các thiết bị mạng phải được đặt trong các vỏ bọc, đường ống, không được chạy dây cáp đi song song với dây điện lưới; Không để các vật nặng đè hoặc dẫm đạp lên các dây cáp nối các thiết bị mạng.

Không tự ý tráo đổi dây cáp mạng của ổ cắm này vào các cổng khác của các thiết bị mạng để tránh tình trạng không truy cập LAN, WAN và trùng địa chỉ IP của lớp mạng.

Người quản trị mạng tại đơn vị phải có sơ đồ thiết kế hệ thống dây mạng, địa chỉ IP và các thiết bị mạng có liên quan của đơn vị mình và không để cho người ngoài cơ quan, hoặc những người không có nhiệm vụ được xem.

Để đảm bảo hệ thống mạng LAN, WAN duy trì sự hoạt động ổn định, nếu các thiết bị có sự cố hoặc hỏng hóc phải thông báo cho mọi người trong đơn vị biết, đồng thời làm giấy đề xuất với lãnh đạo đơn vị để có kế hoạch đem bảo hành, sửa chữa hoặc thay thế nếu cần thiết.

Chương VI

QUY ĐỊNH BẢO MẬT HỆ THỐNG MẠNG TIN HỌC DIỆN RỘNG

Điều 15.

1. Bảo mật trên mạng và đường truyền:

- Các thiết bị đầu cuối của mạng WAN của Tỉnh, địa chỉ IP của mạng WAN do Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm quản lý và giữ mật khẩu.

- Địa chỉ IP của máy trạm, máy chủ kết nối mạng WAN của tỉnh để chia sẻ thông tin trên mạng do các đơn vị có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ.

2. Bảo mật mức hệ thống của máy:

Bảo mật mức hệ thống của máy do cán bộ thuộc Bộ phận Tin học thực hiện việc thiết lập, người sử dụng không được phép tự ý sửa đổi hoặc tự ý thiết lập mức bảo mật này.

Máy tính trạm của lãnh đạo đơn vị và máy tính của các cán bộ công chức phải được cấp mật khẩu, quyền truy xuất, tránh tình trạng máy tính của cán bộ trong cơ quan thâm nhập được vùng dữ liệu để đọc các thông tin của lãnh đạo đơn vị.

3. Bảo mật mức khởi động máy:

Người sử dụng máy tính trạm đều phải thực hiện nhiệm vụ cài đặt bảo mật ở mức khởi động máy (mật khẩu để khởi động máy). Trường hợp người sử dụng không thể tự cài đặt được mức bảo mật này phải liên hệ với Bộ phận Tin học để được hỗ trợ cài đặt.

4. Mức hệ điều hành:

Người được giao nhiệm vụ quản lý giữ quyền và mật khẩu của Administrator có trách nhiệm tạo mã người sử dụng và mật khẩu, cho quyền sử dụng các tài nguyên trên máy. Mỗi người sử dụng phải có trách nhiệm giữ bí mật mã người sử dụng và mật khẩu đã được cấp.

5. Mức các chương trình ứng dụng:

Trong trường hợp người sử dụng tạm thời nghỉ làm việc không được giao lại mã người sử dụng và mật khẩu cho người khác sử dụng khi chưa được sự đồng ý của người sử dụng máy đó.

Trường hợp người sử dụng không còn làm việc tại bộ phận nghiệp vụ phải bàn giao toàn bộ quyền quản lý, bao gồm mật khẩu sử dụng trên máy và tất cả các tài liệu, thiết bị, thông tin trên máy, bao gồm các bản sao lưu đi kèm cho người thay thế. Người thay thế phải thay mã sử dụng và mật khẩu mới khác với mã và mật khẩu được tiếp nhận.

Điều 16. Bảo mật hệ thống mạng WAN của Tỉnh.

Để đảm bảo an ninh cho toàn hệ thống cần sử dụng các thiết bị chuyển mạch, thiết bị định tuyến có cơ chế bảo mật và phần mềm làm firewall, nhất là những nơi có kết nối với Internet.

Tài khoản quản trị mạng tại đơn vị không được tiết lộ cho người khác để tránh tình trạng người quản trị mạng đơn vị này biết tài khoản quản trị của người quản trị mạng đơn vị khác và ngược lại. Khi có vấn đề trục trặc trên đường truyền, người quản trị mạng có trách nhiệm thông báo cho Văn phòng UBND tỉnh để phối hợp cùng đơn vị tư vấn, bộ phận quản trị mạng kiểm tra và sửa chữa.

Hệ thống mạng WAN của UBND tỉnh sử dụng công nghệ không dây nên khi phát tín hiệu truyền là sóng vô tuyến nên việc truyền nhận tín hiệu luôn luôn được mã hóa trước khi truyền nhận nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập từ bên ngoài.

Việc đăng ký kết nối mạng WAN của Tỉnh đối với các thiết bị SM sẽ được đăng ký với hệ thống do Văn phòng UBND tỉnh quản lý, các thiết bị chưa được đăng ký thì không thể truy cập vào hệ thống.

Điều 17. Bảo mật dữ liệu lưu trên các phương tiện lưu trữ

1. Đối với người được giao quản lý và sử dụng máy tính:

Người sử dụng tự quản lý và bảo mật các thông tin được lưu trên máy tính thông qua việc đặt các quyền truy cập vào từng danh mục dữ liệu trên máy đó khi nối mạng.

- Không được tự ý xóa các thông tin từ các máy khác trên mạng.

2. Đối với bộ phận Tin học:

Các dữ liệu quan trọng như các tài liệu, các cơ sở dữ liệu, phần mềm dùng chung, … định kỳ phải được sao lưu ra các phương tiện lưu trữ ngoài.

Sử dụng các biện pháp bảo mật để ngăn chặn sự truy cập bất hợp pháp từ bên ngoài cũng như bên trong cơ quan vào hệ thống thông tin của cơ quan.

Các phương tiện lưu trữ ngoài phải được cất vào nơi an toàn, tránh xa những nơi gần lửa, những nơi dễ bị mưa hoặc ngập nước, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về môi trường như nhiệt độ, độ ẩm., không bị bụi.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18.

Các đơn vị, cán bộ, viên chức khi tham gia vào hệ thống mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh có trách nhiệm chấp hành nghiêm túc quy định này. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tham gia vào hệ thống có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định này và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về những vi phạm quy định của cán bộ, công nhân viên chức của cơ quan trong quá trình tham gia điều hành hệ thống mạng. Tùy theo mức độ vi phạm cán bộ vi phạm chịu kỷ luật, xử lý hành chính hoặc trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại phải xử lý bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 19.

Trong quá trình quản lý và khai thác thông tin trên mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh, nếu có vấn đề nảy sinh mà chưa được quy định rõ trong Qui chế này thì Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế đề xuất để Văn phòng UBND tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh phù hợp./.

UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1439/2006/QĐ-UBND Quy chế về vận hành, khai thác và quản lý các thiết bị tin học trên mạng tin học diện rộng (WAN) của UBND tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 1439/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/06/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Xuân Lý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản