Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1416/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 08 tháng 5 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỚI HỘI NÔNG DÂN CÁC CẤP VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA NÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân;

Căn cứ Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; Công văn số 1502/TTg-V.II ngày 15/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Hội Nông dân tỉnh - Cơ quan Thường trực BCĐ thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg của tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp liên ngành với Hội Nông dân các cấp để giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 của tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quốc Dũng

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỚI HỘI NÔNG DÂN CÁC CẤP VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA NÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1416/QĐ-UBND ngày 08/5/2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định chung

Quy chế này quy định cơ chế phối hợp giữa Hội Nông dân với các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Định; phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến các mặt đời sống của nông dân.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Các ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Tài chính, Hội Nông dân các cấp đảm bảo phối hợp kịp thời, đúng pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của nông dân.

2. Xây dựng chương trình phối hợp thống nhất hành động giữa các cơ quan tạo nên sức mạnh tổng hợp tuyên truyền sâu rộng pháp luật đến từng hộ dân, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, tạo nếp sống tự quản theo pháp luật trong từng cộng đồng dân cư; hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người vượt cấp tại các cơ quan Đảng và Nhà nước.

3. Tập trung giải quyết nhanh các nội dung khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân; giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp phát sinh có liên quan đến nông dân.

Điều 3. Trách nhiệm chung của các ngành, các cấp chính quyền

1. Ủy ban nhân dân các cấp khi giải quyết các vấn đề trên địa bàn và trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân, đến nhiệm vụ của Hội Nông dân phải thông báo và tạo điều kiện để Hội Nông dân cùng cấp tham gia ngay từ đầu.

2. Các ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Tài chính phải phối hợp với Hội nông dân cùng cấp trong quá trình tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là về nhà, đất, bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư có liên quan đến nông dân.

Chương II

CÁC NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 4. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở các cấp chính quyền địa phương.

Ban Thường vụ Hội Nông dân phối hợp với Thanh tra các cấp đề xuất với Ủy ban nhân dân cùng cấp củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg. Thành phần Ban Chỉ đạo có các ngành: Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Tài chính và Hội Nông dân; Trưởng Ban Chỉ đạo do chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban hoặc phân công đồng chí Phó Chủ tịch UBND.

Điều 5. Phối hợp chặt chẽ trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.

1. Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp cơ sở chủ động phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp, xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, khu phố văn hóa, để mọi mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân được hòa giải hoặc giải quyết ngay tại cơ sở, không để khiếu kiện vượt cấp lên trên, không để xảy ra các điểm nóng.

2. Ủy ban nhân dân các cấp, tại nơi tiếp công dân của cấp đó khi có nông dân khiếu kiện thì phải mời Hội Nông dân cùng cấp để tiếp nông dân, nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị của nông dân trên cơ sở đó đề ra biện pháp hòa giải hoặc giải quyết.

3. Khi giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến nông dân, các cấp chính quyền phải tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân tham gia giải quyết ngay từ đầu.

4. Khi phát sinh các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp mà người khiếu nại, tố cáo là nông dân, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Thủ trưởng cơ quan nơi có đông người tụ tập hoặc chuẩn bị tụ tập đông người, thông báo nhanh cho Hội Nông dân cùng cấp, kịp thời phối hợp với Tổ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để giải thích, động viên, thuyết phục hoặc xử lý vụ việc.

Điều 6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL, trợ giúp pháp lý

1. Ủy ban nhân dân các cấp hàng năm có kế hoạch đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân nhằm góp phần giữ vững, ổn định chính trị xã hội, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp; nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

2. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú; qua các hoạt động tại Chi, Tổ hội, Câu lạc bộ, tổ chức nghề nghiệp của Hội Nông dân; thông qua việc vận động nông dân chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, …

3. Các trung tâm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức các đợt tư vấn, trợ giúp pháp luật miễn phí định kỳ cho hội viên nông dân ở cơ sở; ưu tiên người nghèo, đối tượng chính sách; tập trung vào những nội dung pháp luật gắn trực tiếp đến cuộc sống của nông dân, vấn đề vướng mắc, nổi cộm tại địa bàn dân cư.

4. Từng ngành, tổ chức hướng dẫn nội dung, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… để cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật. Lấy cơ sở chi, tổ Hội nông dân và tổ nhân dân tự quản làm địa bàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường xuyên, lâu dài.

Điều 7. Phối hợp hòa giải, đề xuất giải quyết các vấn đề mâu thuẫn phát sinh tranh chấp trong nội bộ nông dân

1. Các cấp chính quyền, ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân tham gia ngay từ đầu, chủ động thu thập thông tin, chứng cứ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người đang tranh chấp, các nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dân để có hướng hòa giải, đề xuất giải quyết tại cơ sở đúng pháp luật.

2. Lấy công tác hòa giải cơ sở làm biện pháp để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhằm ngăn chặn và hạn chế phát sinh khiếu kiện hành chính, khiếu kiện tràn lan vượt cấp và phát sinh điểm nóng.

3. Phối hợp tốt giữa các chi, tổ Hội nông dân, tổ nhân dân tự quản, các tổ chức thành viên Mặt trận tham gia hòa giải, giải quyết các tranh chấp phát sinh. Xem đây là một trong những cơ sở để đánh giá kết quả hoạt động của cán bộ, hội viên và chất lượng của tổ chức cơ sở Hội nông dân hàng năm.

Điều 8. Phối hợp giải quyết và kiến nghị biện pháp giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân

1. Khi nông dân có phát sinh khiếu kiện hành chính thì Thanh tra, các ngành liên quan phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp tiến hành kiểm tra, thu thập thông tin, xác minh chứng cứ… kết luận, kiến nghị biện pháp giải quyết, tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của nông dân.

2. Những việc khiếu nại phức tạp kéo dài có liên quan đến nông dân, khi tiến hành xem xét kết luận giải quyết thì ngành Thanh tra, đơn vị liên quan mời Hội Nông dân cùng cấp tham khảo ý kiến về quan điểm, biện pháp giải quyết… trước khi kiến nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

3. Trong quá trình giải quyết khiếu nại mà nội dung khiếu nại có liên quan đến nông dân hoặc người khiếu nại là nông dân thì người giải quyết khiếu nại mời đại diện Hội Nông dân cùng cấp tham dự, gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại.

Việc gặp gỡ, đối thoại phải được lập thành biên bản, kết quả này là một trong các căn cứ làm cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại.

4. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp vụ việc là của nông dân thì các cơ quan chức năng phối hợp với Hội Nông dân vận động, thuyết phục hội viên, nông dân các bên thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung của quyết định.

Điều 9. Phối hợp xử lý, giải quyết khiếu nại đông người phức tạp

1. Khi có phát sinh khiếu nại, tố cáo của nông dân đông người phức tạp thì người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp huyện phải có mặt tại địa điểm đông người tụ tập để điều động các lực lượng phối hợp, trong đó có Hội nông dân, tiến hành hội ý nhanh và thống nhất cách tiếp xúc, động viên, thuyết phục đoàn đông người đến đúng địa điểm tiếp công dân để được tiếp xúc và hướng dẫn họ thực hiện việc khiếu nại, tố cáo đúng theo quy định của pháp luật.

2. Khiếu nại của nông dân có liên quan đến quá trình thực hiện các dự án như thu hồi đất, giá cả bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư…mà việc giải quyết của các cấp chính quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền đúng chính sách pháp luật, thì cần phối hợp với Hội Nông dân để đối thoại trực tiếp, giải thích, thuyết phục, động viên người khiếu nại, tố cáo chấp hành, chấm dứt khiếu nại, tố cáo.

Trường hợp người khiếu nại, tố cáo vẫn không chấp nhận, khi được yêu cầu thì Hội Nông dân cùng cấp tiến hành giáo dục phân tích cho hội viên nông dân thấy rõ khuyết điểm, sai phạm của việc không chấp hành pháp luật, sai trái không phù hợp với đạo lý; có ý kiến bằng văn bản kiến nghị với chính quyền cùng cấp hoặc cơ quan hữu quan trong việc giải quyết khiếu kiện nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nông dân và công bố cho người khiếu nại, tố cáo biết.

3. Tập trung giải quyết nhanh các nội dung khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp có phát sinh, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo cần áp dụng biện pháp giáo dục, thuyết phục là chính; nhưng kiên quyết xử lý đối với những trường hợp người khiếu nại, tố cáo cố ý vi phạm pháp luật.

Điều 10. Phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp.

Với chức năng nhiệm vụ của từng ngành, hàng năm phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên là cán bộ Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở, chi tổ Hội Nông dân (trách nhiệm cụ thể của từng ngành tại Điều 13, 14, 15, 16, 17, 18 của Quy chế này).

Chương III

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM - CHẾ ĐỘ BÁO CÁO KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Điều 11. Ủy ban nhân dân các cấp

1. Thường xuyên cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước cho tổ chức Hội Nông dân. Khi xây dựng chính sách, pháp luật, kế hoạch của địa phương, hoặc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân, đến nhiệm vụ của Hội Nông dân phải tạo điều kiện để Hội Nông dân tham gia ngay từ đầu; kịp thời thay đổi, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn của cuộc sống để huy động mọi tiềm năng của nông dân vào sự nghiệp phát triển của địa phương.

2. Khi thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật và việc thực hiện các chính sách chế độ có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân, các cấp chính quyền phải mời đại diện Hội Nông dân cùng cấp tham gia.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chủ động và tăng cường phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tiến hành các biện pháp hòa giải các mâu thuẫn, giải quyết các tranh chấp tại cơ sở, không để khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài, vượt cấp.

Đối với các dự án thu hồi nhiều diện tích đất nông nghiệp, Ủy ban nhân dân các cấp phải mời Hội Nông dân cùng cấp tham gia ý kiến ngay từ đầu và tham gia giám sát quá trình thực hiện dự án, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nông dân, hạn chế đến mức thấp nhất việc phát sinh khiếu nại, tố cáo ở các địa phương.

4. Tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho hội viên nông dân về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn như: Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013, Luật Phổ biến GDPL, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Dân sự, Luật HTX, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Thi đua khen thưởng, các chính sách về xóa đói giảm nghèo, chính sách về thu hồi đất, bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư...

5. Có kế hoạch làm việc định kỳ 6 tháng một lần với Hội Nông dân cùng cấp để bàn chương trình phối hợp hoạt động và giải quyết những vấn đề bức xúc của nông dân. Khi có việc đột xuất, chính quyền và Hội Nông dân cùng cấp kịp thời phối hợp để xử lý.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp lãnh đạo các cơ quan Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Tài chính phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân ngay từ đầu khi tham gia công tác hòa giải tại cơ sở. Đặc biệt là công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án có liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nông dân.

7. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế phối hợp, kinh phí hoạt động, phương tiện làm việc cho các cấp Hội nông dân theo các chế độ hiện hành để Hội Nông dân tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Điều 12. Thanh tra

1. Phối hợp với Hội Nông dân tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách, hội viên Hội nông dân các cấp về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, hội viên Hội Nông dân.

2. Căn cứ chương trình kế hoạch hàng năm, Thanh tra các cấp khi tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm Thủ trưởng của các cơ quan chức năng thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và các luật có liên quan đến nông dân, thì mời đại diện Hội Nông dân cùng cấp tham gia.

3. Thanh tra các cấp thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp để giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện của nông dân; có trách nhiệm mời Hội Nông dân cùng cấp tham gia các hội nghị sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình phối hợp, những vướng mắc tồn tại và bàn biện pháp khắc phục nhằm thúc đẩy công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân có hiệu quả.

Điều 13. Tư pháp

1. Phối hợp với Hội Nông dân xây dựng kế hoạch phổ biến GDPL, trợ giúp pháp lý cho nông dân, tổ chức các đợt tư vấn, trợ giúp pháp luật miễn phí cho nông dân, người nghèo và đối tượng chính sách. Thông qua công tác tư pháp cấp xã nắm bắt nhu cầu tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý của nông dân trên địa bàn để xác định nội dung tuyên truyền pháp luật gắn liền với quyền, lợi ích và nghĩa vụ của nông dân, những vấn đề vướng mắc pháp luật ở cơ sở.

2. Gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác trợ giúp pháp lý, cung cấp thông tin pháp luật thông qua Trung tâm tư vấn pháp luật, Câu lạc bộ pháp luật, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý… hướng dẫn, giải thích cho cán bộ, hội viên nông dân hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dân phù hợp quy định pháp luật.

3. Phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng báo cáo viên, tuyên truyền viên phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ Hội Nông dân các cấp, Câu lạc bộ pháp luật của nông dân.

Điều 14. Tài nguyên và Môi trường

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền miệng, tờ rơi … đến hội viên, nông dân về Luật Đất đai, các chính sách liên quan đất đai như giao đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thống kê, đo đạc, đăng ký quyền sử dụng; đất thu hồi, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án... có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ trực tiếp của nông dân.

2. Khi có phát sinh các vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo mà nội dung có liên quan đến nông dân hoặc người khiếu nại là nông dân thuộc thẩm quyền thì mời đại diện Hội Nông dân tham gia ngay từ đầu để tiến hành kiểm tra, xác minh và có ý kiến đề xuất biện pháp giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo đó của nông dân.

3. Cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp và tổ hòa giải cơ sở để tiến hành xác minh, đưa vụ việc tranh chấp đất đai của nông dân ra hòa giải tại cơ sở.

4. Cung cấp các tài liệu có liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án liên quan đến nông dân cho Hội Nông dân cùng cấp để làm cơ sở, chứng cứ cho việc hòa giải các tranh chấp, thực hiện chức năng giám sát; tuyên truyền, vận động, giải thích các chế độ chính sách, pháp luật nhà nước liên quan để hội viên, nông dân thông suốt, cùng thực hiện.

5. Phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp và các cơ quan hữu quan để xử lý, giải quyết tình hình khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp của nông dân; xác định tình trạng pháp lý của các chủ thể sử dụng đất về giá trị pháp lý của các quyết định thu hồi đất đang được áp dụng tại các dự án có khiếu nại, tố cáo.

Điều 15. Công an

1. Phối hợp với Hội Nông dân xây dựng kế hoạch tuyên truyền PBGDPL liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm; ma túy, buôn bán người,…; luật, nghị định về ATGT đường sắt, đường bộ, đường thủy.

2. Phối hợp với Hội Nông dân, Thanh tra tỉnh chọn huyện, xã điểm thực hiện Chỉ thị 26/2001/TTg không có nông dân vi phạm pháp luật, không có nông dân khiếu kiện đông người, vượt cấp.

3. Chủ động phối hợp với Hội Nông dân phát hiện, nắm tình hình để kịp thời xử lý khi có đông người tập trung đi khiếu kiện, nhất là khi nông dân tập trung về các cơ quan cấp tỉnh.

Điều 16. Tài chính

1. Phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp đề xuất dự toán kinh phí đảm bảo hoàn thành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 26/2001/TTg hàng năm; đúng theo Thông tư số 44/2008/TT-BTC , ngày 30/5/2008 của Bộ Tài chính Hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg ngày 09/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tạo điều kiện để các cấp Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân” .

2. Giao Sở Tài chính phối hợp với Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn các huyện, thị, thành phố, các xã phường, thị trấn triển khai thực hiện Thông tư số 44/2008/TT-BTC , ngày 30/5/2008 của Bộ Tài chính đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo Chỉ thị 26/2001/CT-TTg ngày 09/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ ở mỗi cấp.

3. Phân công cán bộ nắm vững chính sách pháp luật tham gia tiếp dân, kịp thời giải thích, động viên, thuyết phục khi có thắc mắc hoặc tìm hiểu các vấn đề liên quan đến các chủ trương, chính sách về tài chính.

Điều 17. Hội Nông dân

1. Tiếp tục tổ chức quán triệt trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, tạo ra sự thống nhất về nhận thức và hành động ở các cấp Hội để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục quán triệt Chỉ thị 26/2001/CT-TTg và Công văn số 1502/TTg-V.II của Thủ tướng Chính phủ đến chi, tổ Hội để cán bộ, hội viên, nông dân hiểu quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo phải tuân thủ pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của nông dân. Mọi mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân phải được giải quyết tại cơ sở có lý, có tình, đúng pháp luật.

2. Xây dựng chương trình phối hợp với các cấp, ngành liên quan thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg và Công văn số 1502/TTg-V.II của Thủ tướng Chính phủ với nội dung cụ thể, thiết thực, trách nhiệm rõ ràng, tổ chức thực hiện có hiệu quả.

3. Tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân về những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước có liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

Hướng dẫn cấp xã xây dựng quy chế phối hợp giữa Hội Nông dân với chính quyền cùng cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, hội viên nông dân.

4. Hàng năm, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Nội dung tập trung vào công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải và các kỹ năng khác liên quan.

5. Khi có mâu thuẫn phát sinh, chi, tổ Hội chủ động nắm tình hình, tìm hiểu nguyên nhân, tiếp xúc trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu của các bên. Từ đó chủ động phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tiến hành vận động hội viên, nông dân tự hòa giải ngay tại chi, tổ hội đúng pháp luật.

6. Các cấp Hội phân công cán bộ có phẩm chất, đạo đức, tư cách tốt và nắm vững chính sách pháp luật của Nhà nước phối hợp với Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an... và bộ phận tiếp công dân cùng cấp để tiếp nông dân hoặc xác minh, đề xuất ý kiến giải quyết đúng quy định pháp luật.

Hội Nông dân thực hiện chức năng giám sát chính quyền cùng cấp và cơ quan chức năng giải quyết khiếu kiện của nông dân theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; giám sát việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại của cấp có thẩm quyền. Sau khi có quyết định giải quyết của cấp có thẩm quyền thì Hội Nông dân vận động các bên thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung của quyết định giải quyết.

7. Hội Nông dân các cấp thường xuyên nắm chắc tình hình những vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp, kéo dài, vượt cấp của nông dân trong quá trình thực hiện các dự án có liên quan đến việc thu hồi nhiều diện tích đất nông nghiệp, thực hiện chính sách bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư...

Phối hợp với chính quyền và các cơ quan hữu quan cùng cấp để xử lý, giải quyết tình hình khiếu kiện đông người, mà người khiếu kiện là hội viên nông dân; tuyên truyền, giải thích để nông dân trở về địa phương, để các cấp giải quyết theo thẩm quyền; vận động nông dân ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước; có chính kiến và tham gia vào việc giải quyết vấn đề, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nông dân.

Điều 18. Chế độ thông tin báo cáo

Sáu tháng, năm các ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Tài chính và Hội Nông dân tổng hợp số liệu báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện Quy chế phối hợp này gửi về Ban Chỉ đạo cùng cấp, qua Hội Nông dân - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg , đối với cấp tỉnh, trước ngày 10 tháng 7, và ngày 10 tháng 1 năm sau.

Điều 19. Tổng kết rút kinh nghiệm

Hàng năm Hội Nông dân tỉnh có trách nhiệm tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá công tác phối hợp giữa các ngành về công tác phổ biến GDPL, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm sau.

Điều 20. Kinh phí hoạt động

Hàng năm, Hội Nông dân phối hợp với Tài chính cùng cấp thống nhất xây dựng kế hoạch kinh phí đảm bảo cho thực hiện nhiệm vụ theo Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg và Công văn số 1502/TTg-V.II ngày 15/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ tiết kiệm, hiệu quả, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân phê duyệt.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Tổ chức thực hiện

1. Các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.

2. Căn cứ Quy chế này Hội Nông dân các các huyện, thị xã, thành phố đề xuất UBND cùng cấp xây dựng quy chế thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg cấp mình phù hợp tình hình thực tế địa phương, đảm bảo thực hiện đạt kết quả cao.

3. Trong quá trình thực hiện Quy chế phối hợp này nếu có vướng mắc, phát sinh, Hội Nông dân tỉnh tổng hợp, đề nghị Ban Chỉ đạo báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1416/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế phối hợp liên ngành với Hội Nông dân các cấp để giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 1416/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/05/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Hồ Quốc Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản