Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 141/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SẮP XẾP, ỔN ĐỊNH DÂN DI CƯ TỰ DO HUYỆN MƯỜNG NHÉ, TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2008 - 2012
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên tại tờ trình số 901/TTr-UBND ngày 02 tháng 10 năm 2007, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 27/BKH-TĐ&GSĐT ngày 02 tháng 01 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Đề án Sắp xếp, ổn định dân di cư tự do huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên giai đoạn 2008 - 2012 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên Đề án: Đề án Sắp xếp, ổn định dân di cư tự do huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên giai đoạn 2008 - 2012.
2. Phạm vi vùng Đề án: Đề án được thực hiện trên địa bàn 10 xã của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, bao gồm: Nà Bủng, Nà Hỳ, Nà Khoa, Chà Cang, Pa Tần, Quảng Lâm, Nậm Kè, Mường Toong, Mường Nhé, Chung Chải.
3. Quan điểm xây dựng Đề án:
- Việc sắp xếp, ổn định dân di cư tự do phải đồng thời với việc ổn định đời sống nhân dân sở tại.
- Bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự do phải quán triệt nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa bố trí, sắp xếp ổn định dân cư gắn với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Quy hoạch dân cư đi đôi với quy hoạch phát triển sản xuất, trên cơ sở xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
- Việc sắp xếp, ổn định dân di cư tự do các xã huyện Mương Nhé phải đảm bảo tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, phù hợp với phong tục tập quán và giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc.
- Đề án ổn định dân di cư tự do phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2010, đặc biệt là quy hoạch sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Từng bước chuyển đổi tập quán sản xuất tự cung tự cấp sản phẩm độc canh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm tiến dần đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
- Tập trung xây dựng một số hạng mục công trình thiết yếu, quan trọng để ổn định dân cư ở một số địa điểm có điều kiện, không thực hiện tràn lan, dàn trải.
- Thực hiện đồng bộ, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn.
4. Mục tiêu của Đề án:
a) Mục tiêu tổng quát: tập trung giải quyết về cơ bản tình trạng dân di cư tự do hiện đang sinh sống tại Mường Nhé. Thực hiện tuyên truyền giáo dục, vận động để nhân dân đến nơi ở mới thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tập trung xây dựng một số hạng mục công trình thiết yếu, quan trọng ở một số địa điểm có điều kiện bố trí, ổn định dân cư để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng thời ổn định đời sống lâu dài cho nhân dân.
Kết hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn để củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững chắc, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống cơ sở từ thôn, bản tạo nên thế trận an ninh, quốc phòng toàn dân.
b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2012
Về phát triển kinh tế:
- Sắp xếp ổn định dân cư cho 17 bản mới, 694 hộ, 3.688 nhân khẩu.
- ổn định tại chỗ 114 bản, 5.509 hộ, 33.331 nhân khẩu.
- Khai hoang xây dựng đồng ruộng, bảo đảm đủ diện tích đất để sản xuất lương thực tại chỗ với mức bình quân mỗi hộ từ 2,5 ha trở lên.
- Thực hiện giao đất, giao rừng cho các hộ với mức bình quân từ 3 - 5 ha/hộ để trồng rừng hoặc khoanh nuôi, bảo vệ nhằm tăng thêm nguồn thu nhập của người dân; không để người dân bị đói giáp hạt, phá rừng, du canh, du cư và góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng vùng Đề án đến năm 2012 lên trên 55%.
- Giá trị thu nhập bình quân đầu người trên 250.000 đồng/người/tháng.
- Giảm tỷ lệ đói nghèo từ 69,03% năm 2006 xuống còn 45% năm 2012.
Về phát triển văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng:
- Đảm bảo 80% hộ nghèo vùng Đề án được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, ngân hàng.
- Đảm bảo 90% số hộ vùng Đề án được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
- Phấn đấu 100% số bản có nhà văn hoá cộng đồng; từng bước phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; giảm thiểu đối tượng nghiện hút, buôn bán ma túy, tuyên truyền đạo trái phép và di cư tự do.
- Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ xã, bản vùng Đề án trong 3 năm là 150 người.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong công tác an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng: phấn đấu đến năm 2012 cơ bản hoàn thành việc xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu cho các bản mới thành lập và các bản ổn định tại chỗ, theo thứ tự ưu tiên là: giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, điện, nhà văn hóa bản và các công trình phúc lợi công cộng.
5. Các hạng mục đầu tư chủ yếu và chính sách hỗ trợ:
a) Quy hoạch bố trí dân cư:
- Thành lập 17 bản mới để bố trí, sắp xếp, ổn định 694 hộ, 3.688 nhân khẩu. Địa điểm thành lập bản mới phải đảm bảo các tiêu chí: gần đường giao thông, có đủ đất sản xuất, nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất; được sự đồng tình của người dân, và thống nhất của Thường trực Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện và xã, phù hợp với quy hoạch bố trí dân cư và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mức hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân di chuyển đến các bản mới thành lập và hộ dân ổn định tại chỗ thực hiện theo quy định tại Quyết định số 160/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.
- ổn định tại chỗ cho 114 bản, 6.060 hộ, 36.072 nhân khẩu.
b) Hỗ trợ đời sống và phát triển sản xuất:
- Khai hoang, xây dựng đồng ruộng.
- Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp:
Trồng trọt: hỗ trợ giống cây, con, dụng cụ sản xuất, phân bón cho 694 hộ di chuyển thành lập bản mới, mức hỗ trợ là 30% nhu cầu trong 3 năm.
Chăn nuôi: hỗ trợ lãi suất tiền vay trong 3 năm để phát triển đàn trâu, bò theo mô hình trang trại. Hỗ trợ giá cỏ giống; phân bón hóa học, vắc xin phòng bệnh cho mô hình phát triển trang trại trong 3 năm đầu. Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò.
Thuỷ sản: phát triển thủy sản theo hướng mô hình nuôi cá trong ruộng lúa nước. Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 70% thức ăn, 40% thuốc phòng bệnh.
- Phát triển lâm nghiệp: đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; thực hiện trồng rừng kinh tế, rừng phòng hộ và khoanh nuôi bảo vệ rừng theo các Quyết định: số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015.
Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên: 2.100 ha.
Hỗ trợ trồng rừng sản xuất: 1.400 ha
- Hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm: hỗ trợ mỗi bản trong vùng xây dựng 01 mô hình khuyến nông, khuyến lâm trong thời gian 3 năm. Trợ cấp cán bộ làm công tác khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật, thú y.
- Phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ nông thôn: đẩy mạnh phát triển ngành nghề truyền thống sẵn có như rèn, đúc, dệt thổ cẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển dịch vụ tại các cửa khẩu.
c) Xây dựng kết cấu hạ tầng
- Xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu và cấp bách, gồm:
Giao thông: tập trung đầu tư nâng cấp, mở mới những tuyến đường giao thông liên bản thiết yếu phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, khắc phục tình trạng chưa có đường giao thông đến các bản hoặc đường đi lại được một mùa. Mở mới 10 tuyến đường với tổng chiều dài 130 km; nâng cấp cải tạo 1 tuyến đường đã có với chiều dài 10 km; xây dựng 4 công trình cầu treo với tổng chiều dài là 250 m.
Thuỷ lợi: ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp 16 công trình thủy lợi phục vụ tưới cho diện tích đất sản xuất khai hoang tại những bản thành lập mới; xây dựng 15 công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ, cung cấp nước tưới cho 804 ha và nâng cấp 01 công trình thủy lợi, năng lực tưới trên 5 ha.
Nước sinh hoạt: ưu tiên đầu tư xây dựng trước 17 công trình nước sinh hoạt tập trung để cấp nước sinh hoạt cho 17 bản mới với 3.688 nhân khẩu, sau đó lựa chọn để đầu tư xây dựng tiếp các công trình còn lại (tổng số là 114 công trình).
Nhà lớp học tại bản: tập trung đầu tư kiên cố hóa 17 nhà lớp học tại bản của 17 bản mới thành lập với quy mô nhà cấp IV, tổng diện tích xây dựng là 2.550 m2.
- Lồng ghép các chương trình, dự án khác: ngoài việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, cấp bách nêu trên, Tỉnh chủ động lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho hộ dân trong vùng Đề án.
d) Đào tạo nguồn nhân lực:
Xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ xã, bản để tiếp cận được với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tạo cơ sở vững chắc về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Hỗ trợ đào tạo cán bộ xã mỗi năm 05 người/xã, thời gian hỗ trợ đào tạo 3 năm. Yêu cầu trình độ cán bộ được đào tạo là trung cấp về các lĩnh vực hoặc ngành: lý luận chính trị, nông nghiệp, lâm nghiệp, tư pháp, văn phòng, tài chính, địa chính và đào tạo bổ túc văn hoá.
6. Tổng mức đầu tư: tổng mức đầu tư khoảng 447 tỷ đồng, trong đó:
- Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu để thực hiện Đề án là 378 tỷ đồng.
- Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 69 tỷ đồng.
7. Các giải pháp thực hiện Đề án
a) Giải pháp tuyên truyền:
- Các ngành, các cấp trong tỉnh phải có nhận thức đầy đủ về việc ổn định dân di cư tự do là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng đối với một huyện biên giới đặc biệt khó khăn.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hiểu được mục tiêu, nội dung Đề án, quyền và nghĩa vụ của mỗi người trong quá trình tham gia thực hiện Đề án.
- Nâng cao chất lượng chương trình truyền hình, truyền thanh bằng tiếng dân tộc, đặc biệt là tiếng dân tộc Mông. Sử dụng nhiều phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc thù của từng dân tộc và từng địa bàn, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc Mông theo đạo Tin lành.
b) Giải pháp về đất đai: thực hiện giao đất, giao rừng đến từng hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đồng bào yên tâm sản xuất; tổ chức tốt việc khai hoang ruộng nước ở những nơi có điều kiện, đảm bảo mỗi hộ có 2,5 ha đất sản xuất nông nghiệp.
c) Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở và đào tạo cán bộ cơ sở.
- Rà soát, phân loại cán bộ để có kế hoạch bồi dưỡng và thực hiện quy hoạch cán bộ lâu dài cho các xã, bản.
- Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cơ sở, củng cố những nơi hoạt động yếu kém, nhanh chóng xóa bản trắng không có chi bộ Đảng và hoạt động của các tổ chức quần chúng.
- Xây dựng chính sách đặc thù cho việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn và tại chức cho cán bộ bản.
- Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ về quản lý, khuyến nông, khuyến lâm, công tác vận động quần chúng để giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
- Khuyến khích những người có uy tín trong cộng đồng tham gia vận động gia đình, dòng họ, người dân trong bản thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
d) Huy động nguồn nhân lực
- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín, các cá nhân tiêu biểu trong việc bố trí ổn định dân cư.
- Tăng cường cán bộ của các cấp, các ngành của tỉnh, huyện, các đội công tác của lực lượng vũ trang giúp đỡ cơ sở xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến xã.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở địa phương để thực hiện Đề án có hiệu quả.
đ) Huy động và quản lý vốn đầu tư
- Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Trung ương, bố trí hợp lý nguồn vốn của địa phương và nguồn lực trong nhân dân.
- Lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn để bảo đảm thực hiện Đề án có hiệu quả.
- Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn được đầu tư, ưu tiên đầu tư cho các bản đặc biệt khó khăn và các bản mới thành lập.
- Tăng cường phân cấp quản lý, đi đôi với việc nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ các cấp, các ngành của tỉnh, huyện, xã trong việc bố trí ổn định dân cư.
8. Hiệu quả của Đề án:
- Về xã hội: các cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng sẽ tạo điều kiện cho người dân vùng Đề án tiếp cận các dịch vụ về văn hoá, giáo dục, y tế nhanh chóng, thuận lợi nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng đối với huyện miền núi biên giới.
- Về kinh tế: cơ sở kết cấu hạ tầng được đầu tư thêm, diện tích đất khai hoang để trồng cây lương thực của mỗi hộ được mở rộng, người dân được giao đất để trồng rừng, bảo vệ rừng là những điều kiện cần thiết để cuộc sống của người dân được ổn định và phát triển bền vững tại nơi ở mới.
- Về quốc phòng: việc ổn định dân cư, xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân các dân tộc được nâng lên, đoàn kết giữa các dòng họ, dân tộc được bảo đảm, nhân dân tin tưởng hơn vào Đảng, chính quyền các cấp, không nghe, không tin các luận điệu chống phá cách mạng của các thế lực thù địch; do vậy tăng cường được thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân, làm cơ sở bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
- Về môi trường: sản xuất nông, lâm nghiệp ổn định, độ che phủ rừng được nâng lên, nạn phá rừng làm nương rẫy giảm sẽ góp phần bảo vệ rừng, tăng cường khả năng phòng hộ của rừng, giảm hiện tượng xói mòn, suy thoát độ phì của đất và giữ nước để cung cấp cho các công trình thủy điện trên sông Đà cung cấp nước tưới cho vùng hạ du.
9. Thời gian thực hiện Đề án trong 5 năm, từ năm 2008 đến năm 2012.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên có nhiệm vụ:
a) Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Để án do 1 đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban; thành viên Ban Chỉ đạo là các Sở, ngành liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Mường Nhé.
b) Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên xây dựng và quyết định Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Đề án; phân công trách nhiệm phối hợp của các Sở, ngành cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện Mường Nhé, cấp xã và các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia thực hiện Đề án.
c) Căn cứ vào khả năng huy động vốn và tính cấp thiết của từng hạng mục đầu tư lựa chọn thứ tự ưu tiên hợp lý và chỉ đạo chủ đầu tư lập các dự án thành phần trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quản lý, tổ chức thực hiện dự án theo quy định hiện hành. Trong quá trình lập dự án chủ đầu tư dự án nên lấy ý kiến tham gia của người dân trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Tổ chức thực hiện thí điểm việc sắp xếp, ổn định dân di cư tự do ở một số bản trước để rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.
đ) Chủ động lồng ghép các nguồn vốn, lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục công trình hợp lý để thực hiện Đề án có hiệu quả.
e) Theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Đề án.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan cân đối nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu trong kế hoạch ngân sách hàng năm để bố trí cho tỉnh Điện Biên thực hiện Đề án đúng tiến độ, thời gian quy định tại Quyết định này.
3. Các Bộ, ngành căn cứ vào các chương trình, dự án đã được giao, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án liên quan đến đầu tư tại vùng Đề án; phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức, thực hiện các dự án có hiệu quả.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| THỦ TƯỚNG |
- 1Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 2Quyết định 100/2007/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 661/QĐ-TTg năm 1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 147/2007/QĐ-TTg về chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 141/QĐ-TTg năm 2008 phê duyệt Đề án Sắp xếp, ổn định dân di cư tự do huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên giai đoạn 2008 - 2012 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 141/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/01/2008
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra