Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 141/2000/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 7 tháng 09 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ BÁN ĐẤU GIÁ LÔ HÀNG VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI CỦA CHÍNH PHỦ MỸ
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/03/1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Căn cứ vào Hiệp định đã ký ngày 01/9/2000 giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam;
Xét đề nghị của Vụ trưởng - Trưởng Ban Quản Lý và Tiếp nhận viện trợ quốc tế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bán đấu giá 25.000 tấn mỳ hạt của Chính phủ Mỹ viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, Vụ trưởng - Trưởng Ban Quản lý và Tiếp nhận viện trợ quốc tế, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính và Hội đồng bán đấu giá chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./
| K/T BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
QUY CHẾ
BÁN ĐẤU GIÁ 25.000 TẤN HẠT MỲ CỦA CHÍNH PHỦ MỸ VIỆN TRỢ CHO CHÍNH PHỦ VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 111/2000/QĐ-BTC ngày 7 tháng 9 năm 2000 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính)
Điều 1: Nguyên tắc chung:
1- 25.000 tấn mỳ hạt là hàng viện trợ không hoàn của Chính phủ Mỹ viện trợ cho Chính phủ Việt Nam sẽ được đấu giá công khai bằng bỏ phiếu công khai.
Ban Quản lý và tiếp nhận Quốc tế - Bộ Tài chính sẽ thông báo cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng khi có thông tin chắc chắn hàng bắt đầu rời bến từ Mỹ đến Việt Nam.
2- Doanh nghiệp trúng thầu là doanh nghiệp trả giá cao nhất trong Cuộc đấu giá phải mua toàn bộ lô hàng.
3- Doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải nộp tiền đặt cọc và thanh toán đủ giá trị lô hàng theo thời hạn quy định.
4- Hội đồng chỉ tổ chức đấu giá khi có từ hai doanh nghiệp tham gia đấu thầu trở lên.
5- Ban Quản lý và Tiếp nhận viện trợ Quốc tế có trách nhiệm cung cấp các thông tin về lô hạt mỳ trên cho các doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Điều 2: Điều kiện dự đấu giá
- Tất cả các loại hình doanh nghiệp có chức năng xay xát và kinh doanh các mặt hàng lương thực được quy định trong giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp, có khả năng thanh toán 100% giá trị toàn bộ lô hàng đều có thể tham gia đấu giá.
- Đại diện cho doanh nghiệp dự đấu giá phải là chủ doanh nghiệp hoặc là người được chủ doanh nghiệp ủy quyền tham gia đấu giá.
Điều 3: Đăng ký đấu giá
Các doanh nghiệp có đủ điều kiện nêu ở điều 2 phải viết đơn đăng ký đấu giá gửi về Ban Quản lý và Tiếp nhận viện trợ Quốc tế - Bộ Tài chính, số 4 Phan Huy Chú - Hà Nội để đăng ký tham gia đấu giá, kèm theo hồ sơ có công chứng Nhà nước:
Đăng ký kinh doanh,
Giấy phép hành nghề,
Giấy bảo lãnh khả năng thanh toán của Ngân hàng.
Điều 4: Tiền đặt cọc và lệ phí tham gia đấu giá.
- Các doanh nghiệp đăng ký tham gia đấu giá, khi đến đấu giá phải nộp hai triệu đồng để trang trải cho việc tổ chức đấu giá, đăng tin và phục vụ trong quá trình đấu giá. Số tiền này không trả lại cho doanh nghiệp mặc dù doanh nghiệp không trúng thầu.
- Các doanh nghiệp khi đến đấu giá phải thực hiện việc đặt cọc bằng tiền mặt hoặc Ngân phiếu với số tiền là 1 tỷ đồng Việt Nam. Số tiền đặt cọc của các doanh nghiệp trúng thầu được sử dụng vào việc thanh toán cuối cùng của Hợp đồng kinh tế. Các doanh nghiệp không trúng thầu sẽ được hoàn trả số tiền đặt cọc ngay sau khi kết thúc buổi đấu giá.
Điều 5: Giá để đấu giá.
- Căn cứ vào giá thị trường trong nước tại thời điểm đấu giá, Hội đồng bán đấu giá sẽ đưa ra giá chào để đấu giá cho toàn bộ lô hàng. Giá được tính bằng đồng Việt Nam trên một tấn mỳ hạt. Giá này không bao gồm các loại thuế. Giá chào sẽ được công bố khi bắt đầu mở thầu.
Điều 6: Tổ chức đấu giá.
a- Ngày và địa điểm đấu giá:
- Hội đồng bán đấu giá thông báo cụ thể trên các phương tiện thông tin về ngày giờ, địa điểm đấu giá và thủ tục tham gia.
- Doanh nghiệp tham gia đấu giá chỉ được cử 1 người đại diện vào phòng đấu giá. Đại diện doanh nghiệp phải xuất trình giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền và là người có đủ trách nhiệm, thẩm quyền quyết định mọi vấn đề có liên quan đến đấu giá.
- Trước khi đấu giá Hội đồng sẽ công bố Danh sách các doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia đấu giá, quy chế đấu giá và những thông tin về lô hàng tham gia đấu giá.
b- Quy trình đấu giá:
- Đấu giá bằng bỏ phiếu công khai. Số lần bỏ phiếu tối thiểu là 2 vòng, mỗi vòng 3 lần bỏ phiếu, Hội đồng bán đấu giá sẽ công bố giá cao nhất sau mỗi lần bỏ phiếu. Căn cứ vào giá bỏ thầu, Hội đồng sẽ quyết định số lần bỏ phiếu và quyết định giá bán.
- Doanh nghiệp trúng thầu là doanh nghiệp bỏ phiếu với giá cao nhất trong các doanh nghiệp cùng tham gia đấu giá và không thấp hơn giá chỉ đạo được Hội đồng đấu giá quy định.
- Doanh nghiệp trúng thầu phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đã được ký kết trong hợp đồng kinh tế, nếu vi phạm phải được xử lý theo luật định. Doanh nghiệp trúng thầu từ chối không mua, tiền ký quỹ sẽ nộp vào Ngân sách Nhà nước và lô hàng sẽ được bán đấu giá lại.
- Trong trường hợp nhiều doanh nghiệp cùng trả một giá cao nhất thì các doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau về số lượng mua, nếu không thỏa thuận được, Hội đồng sẽ chia đều cho các doanh nghiệp cùng trả giá trúng thầu.
- Các doanh nghiệp tham gia đấu giá phải có mặt đúng giờ quy định của Hội đồng bán đấu giá, doanh nghiệp nào không có mặt coi như không tham gia đấu giá. Hội đồng bán đấu giá có quyền xem xét hoặc từ chối không cho doanh nghiệp tham gia đấu giá.
- Hội đồng bán đấu giá sẽ công bố công khai kết quả và lập biên bản với nội dung:
+ Số lượng doanh nghiệp tham gia đấu giá.
+ Giá trúng thầu.
+ Tên doanh nghiệp trúng thầu.
Điều 7: Thanh toán
Doanh nghiệp trúng thầu có trách nhiệm ký hợp đồng mua bán với Ban Quản lý và Tiếp nhận viện trợ Quốc tế - Bộ Tài chính. Doanh nghiệp trúng thầu khi ký hợp đồng mua bán phải có giấy bảo lãnh của Ngân hàng về việc thanh toán cho toàn bộ giá trị lô hàng đã trúng thầu. Giá thanh toán là giá trúng thầu cộng thêm thuế giá trị gia tăng. Các điều khoản chi tiết thanh toán sẽ được ghi trong hợp đồng kinh tế.
Điều 8: Giao hàng: Giao tại mạn tàu ngoại
Doanh nghiệp trúng thầu phải có trách nhiệm bố trí đủ phương tiện để nhận hàng theo đúng kế hoạch bốc dỡ của Cảng. Nếu chậm trễ doanh nghiệp phải chịu mọi chi phí phát sinh để nhận hàng (kể cả chi phí phạt tàu).
Điều 9: Chế tài
Các doanh nghiệp tham gia đấu giá phải tuân thủ theo Quy chế đấu giá này. Nếu vi phạm thì tùy theo mức độ, Hội đồng bán đấu giá sẽ có quyết định xử lý theo Quy chế này.
Mọi hành vi gây rối làm ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bán đấu giá sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Điều 10: Quy chế này được công bố công khai đến các doanh nghiệp tham gia đấu giá, được tóm tắt gọi thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- 1Quyết định 131/1997/TC-QĐ-VT năm 1997 ban hành Quy chế bán đấu giá xe ô tô nhập từ nguồn viện trợ không hoàn lại 3 tỷ yên Nhật tài khoá 1994-1995 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 103/2008/QĐ-BTC về Quy chế bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia do Cục Dự trữ quốc gia trực tiếp quản lý do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Nghị định 15-CP năm 1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ
- 2Nghị định 178-CP năm 1994 về nhiệm vụ,quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính
- 3Quyết định 131/1997/TC-QĐ-VT năm 1997 ban hành Quy chế bán đấu giá xe ô tô nhập từ nguồn viện trợ không hoàn lại 3 tỷ yên Nhật tài khoá 1994-1995 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Quyết định 103/2008/QĐ-BTC về Quy chế bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia do Cục Dự trữ quốc gia trực tiếp quản lý do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Quyết định 141/2000/QĐ-BTC ban hành Quy chế bán đấu giá lô hàng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Mỹ do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 141/2000/QĐ-BTC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/09/2000
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Lê Thị Băng Tâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/09/2000
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra