Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 140/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 1999 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ THANH HOÁ ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ;
Xét đề nghị của ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá và Bộ Xây dựng tại công văn số 145/UB-BXD ngày 23 tháng 01 năm 1999 và đề nghị bổ sung của ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá tại công văn số 1098/UB-CN ngày 26 tháng 5 năm 1999,

QUYẾT ĐỊNH: 

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thanh Hoá đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây :

1. Mục tiêu :

Xác định vị trí, chức năng của thành phố Thanh Hoá trong mối quan hệ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hoá, khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh lân cận nhằm góp phần vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; kết hợp giữa xây dựng đô thị với bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữa cải tạo với xây dựng mới để từng bước xây dựng thành phố Thanh Hoá trở thành đô thị hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, giữ vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học của tỉnh Thanh Hoá.

2. Phạm vi nghiên cứu và định hướng phát triển không gian :

Phạm vi nghiên cứu quy hoạch bao gồm thành phố Thanh Hoá với diện tích 5.788 ha và các đô thị vệ tinh xung quanh thành phố Thanh Hoá thuộc các huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Hoằng Hoá, có bán kính ảnh hưởng từ 5 đến 10 km. Diện tích tự nhiên vùng nghiên cứu quy hoạch khoảng 8.500 - 10.000 ha.

2. Tính chất :

Thành phố Thanh Hoá là tỉnh lỵ của tỉnh Thanh Hoá, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh, là đầu mối giao lưu của tỉnh với cả nước; có vị trí quan trọng về mặt an ninh, quốc phòng.

3. Quy mô dân số :

- Đến năm 2010 : khoảng 300.000 người, trong đó nội thành là 270.000 người, ngoại thành là 30.000 người;

- Đến năm 2020 : khoảng 400.000 người, trong đó nội thành là 380.000 người, ngoại thành là 20.000 người.

4. Quy hoạch sử dụng đất đai và kiến trúc cảnh quan đô thị :

a) Về chỉ tiêu sử dụng đất và hướng phát triển thành phố :

- Chỉ tiêu sử dụng đất đô thị bình quân : 100 m2/người vào năm 2010; 104 m2/người vào năm 2020.

- Hướng phát triển thành phố :

+ Hướng phát triển chính : Hướng Đông, phát triển về phía sông Mã (xã Đông Hương); hướng Đông Nam phát triển gắn với khu vực xã Quảng Thành, Lễ Môn (xã Quảng Hưng);

+ Hướng phụ : phát triển về phía Tây Bắc (Phường Đông Thọ, xã Đông Cương) và Đông Bắc (phường Nam Ngạn).

b) Về phân khu chức năng :

- Các khu dân cư bao gồm : khu nội thành (11 phường thuộc khu nội thành hiện nay và khu phát triển mở rộng) quy mô dân số khống chế khoảng 380.000 người; khu vực ngoại thành gồm khu dân cư nông thôn khoảng 20.000 người và các đô thị vệ tinh (Môi, Nhồi, Lưu Vệ, Rừng Thông, Tào Xuyên) khoảng 60.000 người.

- Khu công nghiệp Đình Hương được cải tạo, nâng cấp và mở rộng phù hợp với quy hoạch xây dựng thành phố, đồng thời xây dựng mới khu công nghiệp tập trung Lễ Môn (khoảng 150 - 200 ha), chủ yếu để phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao, thu hút nhiều lao động và sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Tại các khu dân cư có thể bố trí các xí nghiệp có quy mô nhỏ, sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Các ngành công nghiệp độc hại, gây ô nhiễm môi trường được di dời ra xa thành phố. Diện tích xây dựng công nghiệp, kho tàng khoảng 500 - 700 ha.

- Hệ thống trung tâm dịch vụ của thành phố được tổ chức theo hướng đa trung tâm; trung tâm hành chính, thương mại, văn hoá, thể dục thể thao tại khu vực nội thành cũ và dọc trục đường Lê Lợi từ Quốc lộ 1A đến kênh Vinh; trung tâm thương mại, tài chính, văn phòng đại diện trong, ngoài nước, trung tâm khu đô thị mới được mở rộng dọc trục đường Lê Lợi kéo dài thuộc xã Đông Hương.

Hỗ trợ cho các trung tâm dịch vụ công cộng của thành phố là trung tâm cấp khu vực và cấp cơ sở, được bố trí gắn với các cụm phường và khu dân cư, phù hợp với quy mô cấp khu vực và cấp cơ sở.

- Các trung tâm chuyên ngành gồm :

+ Các cơ quan quản lý Nhà nước gắn với khu trung tâm thành phố. Trụ sở các công ty, văn phòng đại diện trong và ngoài nước xây dựng mới được bố trí dọc trục đường Lê Lợi kéo dài đoạn từ kênh Vinh đến đường vành đai phía Đông (Quốc lộ 1A tương lai);

+ Trung tâm y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ bố trí tại khu vực hiện nay, được cải tạo, nâng cấp phù hợp với quy mô, tính chất, yêu cầu sử dụng theo quy hoạch thành phố;

+ Trung tâm giáo dục, đào tạo, viện nghiên cứu, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề được bố trí tại khu vực cầu Quán Nam, khu Lai Thành; một số cơ sở nghiên cứu khoa học có quy mô nhỏ bố trí trong khu vực nội thành;

+ Khu văn hoá, lịch sử dân tộc kết hợp trung tâm du lịch, vườn bách thảo, bách thú, trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên, trung tâm vui chơi giải trí bố trí tại khu đồi Hàm Rồng;

+Trung tâm thể dục thể thao của tỉnh và thành phố trước mắt bố trí tại cánh đồng Ba Lít; từng bước hình thành khu liên hợp thể dục thể thao cấp tỉnh và cấp khu vực tại xã Quảng Đông - Quảng Thành.

Nâng cấp các công viên Hồ Thành, công viên ven các sông, kênh thoát nước của thành phố, đồng thời xây dựng các hồ lớn tại địa bàn phường Phú Sơn, Đông Hương, Đông Hải, Đông Vệ và phường Hàm Rồng, kết hợp làm hồ điều hoà và nơi nghỉ ngơi, giải trí.

Hình thành vành đai xanh, bảo vệ thảm thực vật, môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái đô thị với bán kính từ 1 đến 2 km.

Bảo tồn, duy trì và phát triển các vùng sinh thái Hàm Rồng, Rừng Thông, hồ Núi Long kết hợp với vành đai xanh bảo vệ môi trường đô thị.

- Các cơ sở an ninh quốc phòng hiện có và xây dựng mới được quy hoạch, sắp xếp bố trí hợp lý theo quy hoạch thành phố.

c) Về kiến trúc và cảnh quan đô thị :

- Đối với khu vực nội thành cũ : Phải giữ gìn, tôn tạo các di sản văn hoá, lịch sử, các công trình kiến trúc có giá trị; cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng; tăng diện tích cây xanh, diện tích các công trình phục vụ công cộng; di dời ra ngoại thành những cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kho tàng gây ô nhiễm; từng bước cải tạo môi trường đô thị;

- Đối với các khu đô thị phát triển mới : Phải được xây dựng theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững, mang bản sắc dân tộc; chú trọng phát triển hệ thống cây xanh, công viên, mặt nước; có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, tăng tỷ lệ tầng cao, giảm mật độ xây dựng; ưu tiên đất cho không gian thông thoáng.

5. Về quy hoạch giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật :

a) Về quy hoạch giao thông :

- Về đường bộ :

+ Hoàn chỉnh hệ thống giao thông vành đai và các trục giao thông hướng ngoại của thành phố, các nút giao thông và các bến xe liên tỉnh, bao gồm : đường từ cầu Sâng - cầu Hạc - ga Thanh Hoá vòng về đường Nguyễn Trãi đi Cầu Cốc; đường từ đình Hương - Phú Sơn - cầu Lai Thành qua Đông Hương - Nam Ngạn - Đông Thọ nối với Quốc lộ 1A và đường từ Hàm Rồng - Lễ Môn - Cầu Quán Nam vòng về ngã ba Nhồi nối với Quốc lộ 47.

Cải tạo và xây dựng mới đường ven sông Mã đi Nam Ngạn, Lễ Môn, Sầm Sơn, kết hợp với việc gia cố cải tạo đê sông Mã; các tuyến giao thông hướng ngoại từ trung tâm thành phố đi phía Bắc, phía Nam theo trục Quốc lộ 1A cũ đi Sầm Sơn và đi phía Tây theo trục Quốc lộ 45 và 47. Tương lai sau năm 2020, xây dựng cầu vượt sông Mã, hình thành tuyến vành đai phía Bắc sông Mã.

+ Cải tạo, mở rộng, nâng cấp và xây dựng mới các trục giao thông đô thị hiện có, kể cả cầu, kết hợp mở rộng xây dựng mới các nút giao thông quan trọng; bố trí đều các bãi đỗ xe và hệ thống tín hiệu điều khiển giao thông.

+ Cải tạo mở rộng cầu Cốc, cầu Lai Thành; xây mới một số cầu qua kênh Vinh, sông Quảng Châu, sông Cầu Hạc và sông Nhà Lê để khép kín các đường vành đai và các trục giao thông chính. Trước mắt tập trung xây dựng cầu qua kênh Vinh trên tuyến đường Lê Lợi, nối khu trung tâm thành phố với khu đô thị mới.

- Về đường sắt :

+ Có kế hoạch dành đất dự trữ để xây dựng đường sắt đôi khổ 1.000 mm đoạn đường sắt Bắc Nam qua thành phố Thanh Hoá;

+ Cải tạo khu vực ga hành khách và hàng hoá, quảng trường ga, xây dựng mới cầu vượt đường bộ qua đường sắt phía Nam ga Thanh Hoá.

- Về đường thuỷ :

+ Nạo vét luồng lạch sông Mã; xem xét mối liên quan với cảng Nghi Sơn để cải tạo nâng cấp cảng Lễ Môn; xây dựng bến tàu khách đi dọc sông Mã tại Nam Ngạn.

+ Nạo vét, cải tạo các tuyến sông Cầu Hạc, kênh Vinh, sông Nhà Lê, sông Quảng Châu phục vụ vận tải thuỷ và tiêu thoát nước; hình thành các bến bãi bốc xếp vật liệu xây dựng, lâm sản dọc các tuyến sông này.

- Về đường hàng không :

Căn cứ quy hoạch hệ thống sân bay dân dụng toàn quốc, có thể nghiên cứu khả năng trong tương lai hình thành sân bay dân dụng Thanh Hoá với quy mô và vị trí thích hợp.

b) Về chuẩn bị kỹ thuật, đất đai :

- Xác định cao độ nền xây dựng hợp lý cho từng khu vực, bảo đảm cao độ nền tối thiểu + 3,00 m;

- Trong khu vực nội thành cũ, trước mắt vẫn sử dụng hệ thống cống thoát nước mưa, nước bẩn chung. Trong các khu đô thị mới, sử dụng hệ thống cống thoát nước mưa, nước bẩn riêng biệt, kết hợp sử dụng hệ thống thoát nước hở gồm các sông, kênh, hồ chứa điều hoà nước;

- Cải tạo, xây dựng mới hệ thống hồ điều hoà, kết hợp với việc tạo cảnh quan và cân bằng đào đắp cục bộ nền đất xây dựng đô thị và khu công nghiệp;

c) - Xây dựng đường ven sông, kênh và hồ trong khu vực nội thành, kết hợp với việc xây kè, bó vỉa, trồng cây xanh.

Về cấp nước :

- Nhu cầu cấp nước đến năm 2010 dự tính cho khu vực thành phố Thanh Hoá khoảng 70.000 m3/ngày đêm; đến năm 2020 khoảng 110.000 m3/ngày đêm;

- Nguồn nước : Đến năm 2010 chủ yếu sử dụng nhà máy nước Mật Sơn; xây dựng mới nhà máy nước Hàm Rồng; sau năm 2020 đầu tư mở rộng nâng công suất nhà máy để đáp ứng nhu cầu cấp nước đô thị;

- Các đô thị vệ tinh như Môi, Nhồi, Tào Xuyên được cân đối chung nguồn cấp nước của thành phố Thanh Hoá; các đô thị Lưu Vệ, Rừng Thông được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước riêng.

d) Về cấp điện :

Thực hiện theo quy hoạch phát triển lưới điện do Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt.

e) Về thông tin, bưu chính viễn thông :

Hiện đại hoá mạng thông tin liên lạc theo dự án của ngành Bưu điện; hoàn chỉnh mạng lưới trạm bưu cục khu vực, mạng điện thoại công cộng; phát triển các dịch vụ bưu chính viễn thông tiên tiến;

f) Về thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường :

- Đến năm 2010 có biện pháp xử lý nước bẩn : 35.000 m3/ngày đêm; đến năm 2020 : 60.000 m3/ngày đêm; xử lý nước thải công nghiệp : 20.000 m3/ngày đêm;

- Hướng thoát nước bẩn : Tại các khu nội thành cũ trước mắt vẫn sử dụng hệ thống thoát nước bẩn chung với thoát nước mưa có xử lý cục bộ bằng các trạm làm sạch trước khi đổ vào hệ thống thoát nước mưa; tại các khu đô thị mới, xây dựng hệ thống thoát nước bẩn và nước mưa riêng biệt.

- Về vệ sinh phân rác và xử lý chất thải rắn :

+ Thu gom và vận chuyển về nơi xử lý 100% khối lượng chất thải rắn; xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn bằng công nghệ thích hợp;

+ Trước mắt cải tạo nghĩa địa Chợ Nhàng, xây dựng nghĩa trang mới để quy tập các nghĩa địa, nghĩa trang hiện đang phân tán trong địa giới hành chính thành phố; tương lai sử dụng giải pháp hoả táng, điện táng.

Điều 2. ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện Quy hoạch chung thành phố Thanh Hoá đến năm 2020 :

1. Hoàn chỉnh và phê duyệt hồ sơ thiết kế quy hoạch, tổ chức công bố Quy hoạch chung thành phố Thanh Hoá đến năm 2020 để nhân dân biết, kiểm tra và thực hiện;

2. Tổ chức soạn thảo và ban hành Điều lệ quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng thành phố Thanh Hoá;

3. Lập và trình duyệt quy hoạch chi tiết các khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành nhằm cụ thể hoá đồ án quy hoạch chung;

4. Lập kế hoạch hàng năm và dài hạn và các biện pháp thực hiện quy hoạch cải tạo, xây dựng thành phố Thanh Hoá trên cơ sở huy động mọi nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài bằng các chính sách và cơ chế thích hợp.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Thường vụ Bộ Chính trị,
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ,
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ,
- Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hoá,
- Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố Thanh Hoá,
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng,
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,
- Toà án nhân dân tối cao,
- Cơ quan TW của các đoàn thể,
- Công báo,
- VPCP : BTCN, các PCN, các Vụ, Cục,
- Lưu : CN (5), VT.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG



 
Ngô Xuân Lộc

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 140/1999/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thành phố Thanh Hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 140/1999/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/06/1999
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Ngô Xuân Lộc
  • Ngày công báo: 22/07/1999
  • Số công báo: Số 27
  • Ngày hiệu lực: 26/06/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản