- 1Luật Thi đua, Khen thưởng 2003
- 2Luật khoa học và công nghệ năm 2013
- 3Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi 2013
- 4Nghị định 78/2014/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ
- 5Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 7Nghị định 60/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2014/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2021/QĐ-UBND | Hà Nam, ngày 19 tháng 7 năm 2021 |
BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Thi đua khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 60/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xét tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành, kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2021.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)
Điều 1. Tên gọi của Giải thưởng, mục đích và ý nghĩa
1. Tên gọi: Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam (sau đây viết tắt là Giải thưởng).
2. Mục đích và ý nghĩa: tôn vinh các tổ chức, cá nhân đã có những công trình, cụm công trình khoa học và công nghệ xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ; áp dụng vào sản xuất và đời sống, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Hà Nam và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Quy chế này quy định về tên, đối tượng, lĩnh vực, nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn, cơ cấu Giải thưởng, quy trình xét tặng Giải thưởng, trình tự thủ tục thành lập và hoạt động của Hội đồng xét tặng Giải thưởng cho tập thể, cá nhân có công trình, cụm công trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ xuất sắc trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
1. Tác giả, đồng tác giả là người Việt Nam, người nước ngoài có công trình khoa học và công nghệ, cụm công trình khoa học và công nghệ, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Quy chế này được đề nghị xét tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam.
2. Các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc xét tặng Giải thưởng.
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công trình khoa học và công nghệ là sản phẩm của lao động sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, bao gồm:
a) Công trình nghiên cứu khoa học là kết quả của hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn;
b) Công trình nghiên cứu phát triển công nghệ là công trình tạo ra công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật mới, vật liệu mới, giống mới, sản phẩm mới;
c) Công trình ứng dụng công nghệ là công trình ứng dụng thành công công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật mới.
2. Cụm công trình khoa học và công nghệ bao gồm:
a) Tập hợp các công trình khoa học và công nghệ của cùng một tác giả hoặc các đồng tác giả đã được xác định thuộc một lĩnh vực khoa học và công nghệ hoặc một lĩnh vực áp dụng;
b) Tập hợp các công trình khoa học và công nghệ do nhiều tác giả thực hiện độc lập, tạo ra cùng một kết quả nhưng sử dụng các phương pháp, nguyên lý, kỹ thuật khác nhau;
Công trình khoa học và công nghệ và cụm công trình khoa học và công nghệ được gọi tắt là công trình.
3. Tác giả công trình là người trực tiếp sáng tạo ra công trình; trong trường hợp có hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo ra công trình thì họ là đồng tác giả. Tác giả, đồng tác giả công trình sau đây gọi tắt là tác giả công trình.
4. Công bố công trình là việc đưa công trình ra trước công chúng dưới dạng xuất bản, thuyết trình, trưng bày, trình diễn và các hình thức khác.
5. Ứng dụng công trình là sử dụng công trình trong thực tiễn nhằm phục vụ lợi ích của con người và xã hội.
Điều 5. Nguyên tắc xét tặng Giải thưởng
1. Việc đăng ký đề nghị xét tặng Giải thưởng được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
2. Việc xét tặng Giải thưởng được thực hiện khách quan, công khai, công bằng và chính xác, đúng trình tự quy định tại Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
3. Việc xét các Giải thưởng phải trên cơ sở đảm bảo chất lượng các công trình dự giải, không nhất thiết phải xét đủ số lượng cho từng lĩnh vực nếu các công trình tham dự giải không đảm bảo điều kiện xét thưởng theo quy định.
4. Giải thưởng theo cơ cấu giải được xét chọn theo tổng số điểm trung bình của các thành viên Hội đồng chấm cho từng công trình tham dự Giải thưởng được xét theo số điểm từ cao xuống thấp; khi có nhiều công trình có số điểm ngang nhau, vượt quá số lượng quy định cho mỗi loại giải thì việc xét thưởng ưu tiên các công trình được Hội đồng đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cao hơn.
5. Không xét thưởng các công trình nhập thiết bị và công nghệ trong nước, ngoài nước trọn gói, không có giải pháp sáng tạo đổi mới, cải tiến.
ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN, CƠ CẤU, MỨC THƯỞNG VÀ KINH PHÍ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG
Điều 6. Lĩnh vực xét tặng Giải thưởng
1. Khoa học tự nhiên.
2. Khoa học kỹ thuật và công nghệ.
3. Khoa học xã hội và nhân văn.
4. Khoa học y dược.
5. Khoa học nông nghiệp.
6. Ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ.
Điều 7. Cơ cấu, số lượng giải thưởng và mức thưởng
1. Cơ cấu Giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh Hà Nam, bao gồm: Giải A, giải B, giải C và giải Khuyến khích.
2. Số lượng Giải thưởng của từng lĩnh vực (theo quy định tại Điều 6 của Quy chế này) được cơ cấu như sau:
a) Giải A: có 01 giải A, được trao cho công trình xuất sắc có số điểm cao nhất, đạt điểm trung bình từ 90 điểm trở lên và phải được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng cấp tỉnh bỏ phiếu đồng ý.
b) Giải B: có 02 giải B, trao cho công trình có điểm số trung bình từ 80 điểm đến dưới 90 điểm và phải được ít nhất 80% tổng số thành viên Hội đồng cấp tỉnh bỏ phiếu đồng ý.
c) Giải C: có 03 giải C, trao cho công trình có điểm số trung bình từ 75 điểm đến dưới 80 điểm và phải được ít nhất 75% tổng số thành viên Hội đồng cấp tỉnh bỏ phiếu đồng ý.
d) Giải Khuyến khích: có 05 giải Khuyến khích, trao cho công trình có điểm số trung bình từ 70 điểm đến dưới 75 điểm và phải được ít nhất 70% thành viên Hội đồng cấp tỉnh bỏ phiếu đồng ý.
3. Mức thưởng: cơ quan Thường trực Giải thưởng phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ và cơ quan, đơn vị có liên quan, tham mưu mức thưởng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam phù hợp với tình hình thực tế tại thời điểm tổ chức trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt. Mức thưởng không vượt quá 100 lần mức lương cơ sở tại thời điểm quyết định Giải thưởng. Khi nhà nước có sự thay đổi chế độ tiền lương, không còn sử dụng mức lương cơ sở, thì Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh mức tiền thưởng quy đổi sang giá trị tuyệt đối phù hợp với mức quy định ở thời điểm thực hiện.
Điều 8. Điều kiện được xét tặng Giải thưởng
1. Công trình được thực hiện trên phạm vi tỉnh Hà Nam và phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh của tỉnh Hà Nam.
2. Công trình lần đầu tiên được thực hiện ở tỉnh Hà Nam, có tính mới, tính hiệu quả (hiệu quả kinh tế, hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả xã hội), có giá trị khoa học và công nghệ, giá trị thực tiễn, có khả năng áp dụng và chưa được trao Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam hoặc Giải thưởng về Khoa học và Công nghệ cấp cao hơn.
3. Công trình phải có hồ sơ hợp lệ, được công bố hoặc ứng dụng trong thực tiễn ít nhất 01 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.
4. Đối với công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng hoặc nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước phải được đăng ký, lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định pháp luật.
5. Tính đến thời điểm xét tặng Giải thưởng, tác giả công trình không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Khoa học và Công nghệ, bao gồm:
a) Lợi dụng hoạt động khoa học và công nghệ để xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khoẻ con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
b) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả khoa học và công nghệ.
c) Tiết lộ tài liệu, kết quả khoa học và công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước; lừa dối, giả mạo trong hoạt động khoa học và công nghệ.
d) Cản trở hoạt động khoa học và công nghệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Điều 9. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng đối với công trình nghiên cứu khoa học
1. Về giá trị khoa học
a) Công trình nghiên cứu khoa học phải bổ sung được tri thức mới hoặc có những phát hiện khoa học mới có tác động thay đổi trong sản xuất và đời sống xã hội thuộc phạm vi quản lý của tỉnh;
b) Trực tiếp hoặc góp phần nâng cao năng lực khoa học công nghệ hoặc giải quyết vấn đề cấp thiết về kinh tế - xã hội của địa phương, ngành, đơn vị.
2. Về giá trị thực tiễn
a) Công trình nghiên cứu khoa học phải có tác động đến nhận thức và đời sống xã hội; nâng cao dân trí; thay đổi tích cực hành vi ứng xử của nhóm, tầng lớp xã hội;
b) Có đóng góp quan trọng cho việc dự báo xu hướng tương lai, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý của tỉnh;
c) Cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hoặc làm thay đổi hợp lý cơ cấu ngành nghề; tiết kiệm chi phí sản xuất; nâng cao năng suất lao động; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; chăm sóc sức khỏe cộng đồng; khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; tiết kiệm năng lượng; giám sát và dự báo thiên tai, thảm họa;
d) Được sử dụng để phục vụ cho công tác nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.
Điều 10. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng đối với công trình nghiên cứu và phát triển công nghệ
1. Về giá trị công nghệ
a) Công trình nghiên cứu và phát triển công nghệ phải giải quyết được các vấn đề công nghệ để cải tiến, tạo ra được công nghệ mới với các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cơ bản cao hơn công nghệ tương tự khác đang ứng dụng trong tỉnh hoặc tạo ra sản phẩm mới;
b) Góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện hình thành và phát triển ngành nghề mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm của đơn vị sản xuất của các ngành kinh tế địa phương.
2. Về giá trị thực tiễn
a) Công trình nghiên cứu và phát triển công nghệ có tác dụng lớn góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ của tỉnh;
b) Được ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế lớn, hoặc tạo ra sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm có thương hiệu xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu;
c) Có khả năng thay đổi phương thức lao động, sản xuất truyền thống hoặc cải thiện điều kiện và môi trường lao động, sản xuất hoặc góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Điều 11. Tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng đối với công trình ứng dụng công nghệ
1. Về giá trị công nghệ
Công trình ứng dụng công nghệ phải góp phần tạo ra được phương án tổng thể với các giải pháp kỹ thuật đồng bộ kèm theo hoặc tạo ra những cải tiến kỹ thuật, công nghệ để ứng dụng thành công và sáng tạo công nghệ tiên tiến trong các công trình lớn của tỉnh hoặc có tác động đến hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của công trình đó.
2. Về giá trị thực tiễn
a) Công trình ứng dụng công nghệ phải mang lại hiệu quả lớn trong phát triển kinh tế - xã hội hoặc quốc phòng, an ninh hoặc hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường;
b) Tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật cơ bản của sản phẩm tạo ra cao hơn chỉ tiêu của sản phẩm cùng loại đang được áp dụng tại địa phương;
c) Có đóng góp quan trọng trong phát triển khoa học và công nghệ của địa phương, ngành, lĩnh vực.
Điều 12. Thang điểm và tiêu chí xét tặng giải thưởng
1. Thang điểm để xét tặng Giải thưởng áp dụng thang điểm 100.
2. Điểm tối thiểu để được xét trao Giải thưởng là 70 điểm.
3. Trường hợp 2 công trình có tổng số điểm trung bình bằng nhau, thì ưu tiên xét Công trình có điểm giá trị thực tiễn cao hơn.
Điều 13. Kinh phí tổ chức xét tặng Giải thưởng
1. Kinh phí để xét tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ.
2. Kinh phí sử dụng chi các nội dung sau:
a) Xây dựng, triển khai kế hoạch xét tặng Giải thưởng;
b) Chi hoạt động của Ban Tổ chức, Hội đồng chuyên ngành, Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp tỉnh; Thư ký, chuyên gia phản biện độc lập; việc thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng và triển khai kế hoạch xét tặng Giải thưởng;
c) Tổ chức Lễ trao thưởng;
d) Tiền thưởng kèm theo Giải thưởng;
đ) Chi văn phòng phẩm, in ấn tài liệu, làm biểu trưng, kỷ yếu của Giải thưởng;
e) Tổ chức trưng bày, triển lãm các Công trình tham gia Giải thưởng;
g) Các hoạt động khác có liên quan.
Mức chi cụ thể được thực hiện theo các quy định hiện hành.
QUY TRÌNH, THỦ TỤC, THẨM QUYỀN XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG
Điều 14. Thời gian, thời hạn xét tặng Giải thưởng
1. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức xét tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam.
2. Giải thưởng được xét tặng 03 năm một lần; công bố và trao Giải thưởng vào Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18 tháng 5 của năm xét Giải thưởng hoặc vào thời điểm phù hợp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Điều 15. Thẩm quyền xét tặng Giải thưởng
1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức việc xét tặng và quyết định tặng giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam.
2. Việc quyết định tặng Giải thưởng trên cơ sở xem xét báo cáo của Ban Tổ chức Giải thưởng cấp tỉnh và kết quả đánh giá của Hội đồng xét tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam.
3. Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan Thường trực Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam.
Điều 16. Hồ sơ xét tặng Giải thưởng
1. Hồ sơ xét tặng Giải thưởng thực hiện theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 và Điều 1 Nghị định số 60/2019/NĐ-CP ngày 05/7/2019 của Chính phủ.
2. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ
a) Tổ chức, hướng dẫn và thông báo thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng;
b) Tổ chức tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị xét thưởng;
c) Tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp tỉnh;
d) Tham mưu tổ chức họp Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp tỉnh;
đ) Trình danh sách tác giả và hồ sơ công trình đủ điều kiện, tiêu chuẩn được xét tặng Giải thưởng đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định;
e) Tiếp nhận và xử lý khiếu nại tố cáo (nếu có).
Điều 17. Quy trình xét tặng Giải thưởng
Việc xét tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam, được tiến hành ở hai cấp như sau:
1. Cấp cơ sở:
a) Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng được xem xét tại Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp cơ sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện) hoặc Thủ trưởng cơ quan, đoàn thể, tổ chức trực tiếp quản lý tác giả công trình thành lập.
b) Trong trường hợp tác giả công trình không có cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý thì Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp cơ sở.
c) Đối với tác giả là người nước ngoài có công trình nghiên cứu tại tỉnh Hà Nam, công trình phải được một tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc tỉnh có lĩnh vực hoạt động chuyên môn phù hợp với lĩnh vực của công trình đề xuất xét tặng Giải thưởng với tỉnh (qua cơ quan chủ quản trực tiếp, nếu có). Tổ chức khoa học và công nghệ thuộc tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ tác giả công trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng theo quy định và thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp cơ sở sau khi có ý kiến đồng ý của cơ quan chủ quản và Ủy ban nhân dân tỉnh. Trường hợp không có tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc tỉnh có lĩnh vực hoạt động chuyên môn phù hợp với lĩnh vực của công trình đề xuất xét tặng Giải thưởng thì cơ quan Thường trực Giải thưởng có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
2. Cấp tỉnh:
Thực hiện qua 02 bước:
a) Bước 1: Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng được xét sơ tuyển tại các Hội đồng xét tặng Giải thưởng chuyên ngành cấp tỉnh do Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập;
b) Bước 2: Xem xét hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng tại Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ;
c) Kết quả xét tặng Giải thưởng được cơ quan Thường trực Hội đồng xét tặng Giải thưởng tổng hợp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 18. Hội đồng xét tặng Giải thưởng các cấp
1. Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp cơ sở (sau đây gọi tắt là Hội đồng cấp cơ sở)
a) Hội đồng cấp cơ sở, được thành lập theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Quy chế này có 07 hoặc 09 thành viên gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phản biện và các thành viên khác. Trường hợp cần thiết, người thành lập Hội đồng cơ sở có thể mời thêm chuyên gia am hiểu lĩnh vực khoa học và công nghệ của công trình tham gia Hội đồng cơ sở và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;
b) Các thành viên Hội đồng cấp cơ sở, là đại diện cho các cơ sở đã ứng dụng kết quả công trình, các nhà khoa học, nhà công nghệ, nhà quản lý có uy tín, có trình độ chuyên môn phù hợp và am hiểu sâu lĩnh vực khoa học và công nghệ của công trình;
c) Hội đồng cấp cơ sở phân công thành viên là chuyên gia am hiểu sâu lĩnh vực khoa học của công trình làm Ủy viên phản biện viết nhận xét, đánh giá công trình. Trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng đơn vị cơ sở tổ chức xét tặng Giải thưởng có thể mời thêm chuyên gia phản biện độc lập;
d) Tác giả công trình hoặc người có quyền, lợi ích liên quan đến công trình không được là thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng công trình đó.
2. Hội đồng xét tặng Giải thưởng chuyên ngành cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là Hội đồng chuyên ngành cấp tỉnh)
a) Hội đồng chuyên ngành cấp tỉnh, do Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập có 09 hoặc 11 thành viên, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phản biện và các thành viên khác bao gồm các nhà khoa học uy tín được đào tạo cùng chuyên ngành với công trình đề nghị xét thưởng hoặc có công trình cùng chuyên ngành công bố;
b) Số lượng Hội đồng chuyên ngành, được thành lập trên cơ sở số lĩnh vực khoa học của các công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng, số lượng thành viên trong từng Hội đồng chuyên ngành, được thành lập trên cơ sở số lượng công trình đề xuất xét thưởng và do Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ quyết định sau khi thống nhất với Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp tỉnh.
3. Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là Hội đồng Giải thưởng cấp tỉnh) có 09 hoặc 11 thành viên, gồm các thành phần sau:
a) Chủ tịch Hội đồng, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đảm nhiệm.
b) 03 Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ là Phó Chủ tịch thường trực; Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật và mời Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
c) Các Ủy viên khác gồm: Lãnh đạo Sở Nội vụ; các nhà khoa học có uy tín ở nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ và một số cán bộ khoa học chuyên ngành am hiểu sâu lĩnh vực xét thưởng do Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị.
d) Thư ký hành chính giúp việc cho Hội đồng Giải thưởng cấp tỉnh là lãnh đạo phòng chuyên môn của sở Khoa học và Công nghệ.
Điều 19. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng Giải thưởng các cấp
1. Hội đồng xét tặng Giải thưởng các cấp đánh giá công bằng, dân chủ, khách quan, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín;
2. Hội đồng xét tặng Giải thưởng các cấp chỉ xem xét những hồ sơ đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 16 của Quy chế này;
3. Hội đồng Giải thưởng cấp tỉnh chỉ xem xét những công trình được Hội đồng chuyên ngành đề nghị; Hội đồng chuyên ngành chỉ xem xét những công trình được Hội đồng cấp cơ sở đề nghị;
4. Việc xét tặng Giải thưởng cho các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước được áp dụng quy trình, thủ tục chung nhưng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước;
5. Cuộc họp Hội đồng xét tặng Giải thưởng các cấp phải có ít nhất 3/4 số thành viên Hội đồng tham dự, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch (được Chủ tịch ủy quyền bằng văn bản) chủ trì và có 02 Ủy viên phản biện. Các thành viên Hội đồng vắng mặt phải có nhận xét, đánh giá bằng văn bản; Nội dung cuộc họp phải được ghi thành biên bản, có chữ ký của người chủ trì, thư ký khoa học do Hội đồng bầu chọn và lưu hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng;
6. Thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng các cấp có trách nhiệm nghiên cứu, nhận xét và đánh giá hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng công trình bằng văn bản;
7. Cơ quan Thường trực Hội đồng có trách nhiệm gửi thông tin, tài liệu về công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng cho các thành viên Hội đồng nghiên cứu trước khi tổ chức họp.
Điều 20. Trình tự, nội dung họp Hội đồng xét tặng Giải thưởng các cấp
1. Công bố quyết định thành lập Hội đồng;
2. Phổ biến các quy định liên quan đến hoạt động của Hội đồng;
3. Thống nhất phương thức làm việc và kế hoạch hoạt động của Hội đồng;
4. Phân công nhiệm vụ các thành viên Hội đồng, trong đó có 02 thành viên làm phản biện đối với mỗi công trình;
5. Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp của Hội đồng; trường hợp Chủ tịch vắng mặt, ủy quyền bằng văn bản cho Phó Chủ tịch chủ trì;
6. Bầu Thư ký khoa học và Ban kiểm phiếu đánh giá công trình;
7. Thành viên phản biện nêu ý kiến, nhận xét về công trình;
8. Các thành viên Hội đồng thảo luận, xem xét đánh giá công trình;
9. Thành viên Hội đồng bỏ phiếu đánh giá công trình;
10. Kiểm phiếu đánh giá công trình và thông qua biên bản kiểm phiếu;
11. Thảo luận để thống nhất từng nội dung kết luận và thông qua biên bản họp Hội đồng;
12. Kiến nghị Thủ trưởng cơ quan tổ chức xét tặng xem xét, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian Hội đồng làm việc (nếu có);
13. Hoàn thiện hồ sơ và thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TÁC GIẢ CÔNG TRÌNH ĐƯỢC TẶNG GIẢI THƯỞNG
Điều 21. Quyền lợi của tác giả công trình được tặng Giải thưởng
1. Được nhận Bằng Chứng nhận Giải thưởng và tiền thưởng theo quy định của Giải thưởng.
2. Các tập thể, cá nhân có công trình đạt giải A, ngoài việc được nhận giải thưởng bằng tiền, Bằng chứng nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban tổ chức xét tặng Giải thưởng đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen.
3. Được hưởng các quyền lợi khác có liên quan đến Giải thưởng (nếu có).
Điều 22. Trách nhiệm của tác giả công trình được tặng Giải thưởng
1. Tác giả công trình được tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.
2. Trường hợp bị phát hiện không trung thực trong quá trình lập hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng thì tác giả công trình sẽ bị hủy bỏ quyết định tặng Giải thưởng, thu hồi Bằng chứng nhận và tiền thưởng; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Ban Tổ chức Giải thưởng cấp tỉnh
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Ban Tổ chức Giải thưởng cấp tỉnh, gồm:
a) Trưởng ban: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Các Phó Trưởng ban: Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Phó Trưởng ban thường trực; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và mời Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
c) Các Ủy viên là lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.
2. Ban Tổ chức Giải thưởng giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các hoạt động của Giải thưởng và có các nhiệm vụ sau:
a) Xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch tổ chức Giải thưởng sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
b) Ban hành thể lệ, xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, thang điểm cụ thể để xét tặng từng loại, lĩnh vực Giải thưởng và các văn bản liên quan triển khai các hoạt động Giải thưởng;
c) Thông tin, tuyên truyền về Giải thưởng; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục, thời hạn đăng ký xét tặng Giải thưởng;
d) Đề xuất các thành viên Hội đồng Giải thưởng cấp tỉnh, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định;
đ) Công bố và tổ chức Lễ trao Giải thưởng;
e) Phân công công việc cho các cá nhân, đơn vị có liên quan triển khai tổ chức Giải thưởng;
g) Thực hiện nhiệm vụ khác có liên quan do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
1. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Là cơ quan Thường trực của Ban Tổ chức, Hội đồng chuyên ngành, Hội đồng Giải thưởng cấp tỉnh chịu trách nhiệm giúp Ban Tổ chức Giải thưởng cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 23 của Quy chế này.
b) Chủ trì phối hợp với Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này và kế hoạch tổ chức Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
c) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch và thành lập Ban tổ chức, Hội đồng Giải thưởng cấp tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp tỉnh để xem xét hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ;
d) Tham mưu Ban Tổ chức Giải thưởng cấp tỉnh ban hành thể lệ, tiêu chí, thang điểm cụ thể để xét tặng từng loại, lĩnh vực giải thưởng và các văn bản liên quan đến công tác tổ chức Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam;
đ) Chủ trì xây dựng dự toán kinh phí thực hiện tổ chức Giải thưởng, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định;
e) Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia Giải thưởng;
g) Nhận, bảo quản, phân loại hồ sơ tham dự Giải thưởng; tạo điều kiện cho các Hội đồng Giải thưởng cấp tỉnh làm việc;
h) Chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Ban Tổ chức, Hội đồng Giải thưởng cấp tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp tỉnh; phối hợp với Hội đồng chuyên ngành, Hội đồng Giải thưởng cấp tỉnh giúp Ban Tổ chức Giải thưởng cấp tỉnh xem xét, đánh giá chất lượng các công trình tham dự; hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng theo quy định;
i) Chuẩn bị Biểu trưng (nếu có), Bằng chứng nhận Giải thưởng để Ban Tổ chức Giải thưởng cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng cho các tác giả công trình đạt giải.
k) Thực hiện nhiệm vụ khác có liên quan do Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tổ chức Giải thưởng cấp tỉnh giao.
2. Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu, giới thiệu thành viên tham gia Hội đồng Giải thưởng cấp tỉnh; tuyên truyền, hướng dẫn, đề xuất các công trình, cụm công trình khoa học và công nghệ phù hợp với quy định tham gia xét tặng Giải thưởng.
3. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tặng Bằng khen cho các tác giả công trình đạt giải A; thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thi đua - khen thưởng đối với Giải thưởng.
4. Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kinh phí thực hiện kế hoạch tổ chức Giải thưởng cấp tỉnh.
5. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền rộng rãi và tạo điều kiện để các tác giả có công trình được tham gia Giải thưởng; tổ chức, thành lập Hội đồng Giải thưởng cấp cơ sở để xem xét, đề xuất Hội đồng Giải thưởng cấp tỉnh xét tặng Giải thưởng; thực hiện đầy đủ, chính xác, công khai các quy định của Quy chế này.
6. Báo Hà Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về Giải thưởng.
Điều 25. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề phát sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
- 1Quyết định 10/2020/QĐ-UBND về Quy chế xét tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
- 2Quyết định 1078/QĐ-UBND năm 2020 về Quy chế xét tặng Giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh Khánh Hòa
- 3Quyết định 1285/QĐ-UBND năm 2016 về Quy chế Xét tặng Giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 4Quyết định 51/2020/QĐ-UBND về Quy chế xét tặng Giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La
- 5Quyết định 1650/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án hình thành và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 6Quyết định 57/2021/QĐ-UBND về Quy chế xét tặng Giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh An Giang
- 7Quyết định 52/2021/QĐ-UBND ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Tôn Đức Thắng trên địa bàn tỉnh An Giang
- 8Quyết định 04/2022/QĐ-UBND về Quy chế xét tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Hoa Lư tỉnh Ninh Bình
- 9Quyết định 32/2022/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế xét tặng Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh kèm theo Quyết định 13/2020/QĐ-UBND
- 1Luật Thi đua, Khen thưởng 2003
- 2Luật khoa học và công nghệ năm 2013
- 3Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi 2013
- 4Nghị định 78/2014/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ
- 5Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 7Nghị định 60/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2014/NĐ-CP về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ
- 8Quyết định 10/2020/QĐ-UBND về Quy chế xét tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum
- 9Quyết định 1078/QĐ-UBND năm 2020 về Quy chế xét tặng Giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh Khánh Hòa
- 10Quyết định 1285/QĐ-UBND năm 2016 về Quy chế Xét tặng Giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 11Quyết định 51/2020/QĐ-UBND về Quy chế xét tặng Giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La
- 12Quyết định 1650/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án hình thành và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- 13Quyết định 57/2021/QĐ-UBND về Quy chế xét tặng Giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh An Giang
- 14Quyết định 52/2021/QĐ-UBND ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Tôn Đức Thắng trên địa bàn tỉnh An Giang
- 15Quyết định 04/2022/QĐ-UBND về Quy chế xét tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Hoa Lư tỉnh Ninh Bình
- 16Quyết định 32/2022/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế xét tặng Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh kèm theo Quyết định 13/2020/QĐ-UBND
Quyết định 14/2021/QĐ-UBND về Quy chế xét tặng Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam
- Số hiệu: 14/2021/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/07/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
- Người ký: Trương Quốc Huy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/08/2021
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực