Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2021/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 22 tháng 6 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CẤP, PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, BẢO TRÌ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐỐI VỚI ĐƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ Quy định quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số điều của Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì công trình đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Văn bản số 897/SXD- PTĐT ngày 27 tháng 4 năm 2021 về việc phân cấp, phân công trách nhiệm quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đối với đường đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp, phân công trách nhiệm quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đối với đường đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Xây dựng;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Cục Kiểm tra VBQPPL- Bộ Tư pháp;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, các VP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Cao Sơn

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP, PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, BẢO TRÌ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐỐI VỚI ĐƯỜNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
(Kèm theo Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định phân cấp, phân công trách nhiệm quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đối với đường đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đối với đường đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Chương II

PHÂN CẤP, PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ

Điều 3. Phân cấp quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị

1. Sở Giao thông Vận tải quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị đối với các tuyến đường tỉnh, đường quốc lộ được cấp có thẩm quyền giao quản lý đi qua đô thị và quản lý các tuyến đường đô thị khác khi được UBND tỉnh giao.

2. UBND các huyện, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến đường phố chính đô thị, đường phố gom đô thị thuộc phạm vi địa bàn quản lý. Đối với UBND thành phố Ninh Bình, ngoài việc thực hiện quản lý đường đô thị theo quy định này còn thực hiện quản lý đường đô thị theo quy chế quản lý đô thị thành phố Ninh Bình.

3. UBND các phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến đường phố nội bộ được giao thuộc phạm vi địa bàn quản lý.

Điều 4. Phân công trách nhiệm quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đối với đường đô thị

1. Sở Xây dựng

a) Thực hiện chức năng quản lý về quy hoạch trên địa bàn toàn tỉnh, thẩm định công trình giao thông trong đô thị theo quy định trừ công trình đường sắt đô thị, cầu vượt sông, đường quốc lộ, đường tỉnh qua đô thị;

b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác định hành lang an toàn đường đô thị theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Phối hợp với các Sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị, xử lý các hành vi vi phạm về hành lang an toàn đường đô thị theo thẩm quyền và theo các quy định của pháp luật;

2. Sở Giao thông Vận tải

a) Hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến đường đô thị thuộc phạm vi địa phương quản lý;

b) Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo trì và bảo vệ công trình giao thông đường đô thị thuộc phạm vi quản lý;

c) Phối hợp với UBND cấp huyện thực hiện công tác theo dõi, kiểm tra kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị thuộc phạm vi quản lý để đảm bảo duy trì tình trạng kỹ thuật cầu đường, bảo đảm giao thông thông suốt;

d) Phối hợp với các ngành, các cấp và các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị;

đ) Kịp thời báo cáo và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị, giải tỏa các công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị thuộc phạm vi quản lý;

e) Cấp, thu hồi Giấy phép thi công, đình chỉ hoạt động gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình đường đô thị và vệ sinh môi trường trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị đối với các tuyến đường đô thị thuộc phạm vi quản lý;

f) Xây dựng kế hoạch, tổ chức, kiểm tra thực hiện công tác phòng chống lụt bão và khắc phục hư hỏng công trình đường đô thị do thiên tai, địch họa gây ra đối với các tuyến đường đô thị thuộc phạm vi quản lý;

g) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất báo cáo UBND tỉnh kế hoạch phân bổ vốn ngân sách cấp tỉnh để thực hiện công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị.

4. Sở Tài chính

a) Hàng năm căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn hỗ trợ thực hiện công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị và giải tỏa hành lang an toàn đường đô thị theo quy định;

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn vốn thực hiện công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị và giải tỏa hành lang an toàn đường đô thị của địa phương có hiệu quả, đúng mục đích;

5. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan trong việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị và hướng dẫn việc khảo sát, đo đạc, phân loại, sử dụng đất hành lang an toàn đường đô thị theo quy định của pháp luật.

6. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan đơn vị có liên quan hướng dẫn thực hiện việc xây dựng hệ thống trạm xăng dầu và các công trình điện dọc theo đường đô thị phải tuân thủ các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị, an toàn lưới điện và an toàn giao thông.

7. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị theo thẩm quyền;

b) Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị, xử lý các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường đô thị theo quy định.

8. UBND cấp huyện

a) Thống kê danh mục, đặt số hiệu các tuyến đường phố chính đô thị thuộc địa bàn quản lý trình UBND tỉnh xem xét quyết định để thuận tiện trong công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ;

b) Phân loại cụ thể các tuyến đường đô thị trên địa bàn cấp huyện (đường phố chính đô thị, đường phố gom đô thị và đường phố nội bộ theo tiêu chuẩn làm cơ sở xác định cơ quan quản lý, bảo trì theo phân cấp tại Điều 3 quy định này;

c) Thực hiện công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị thuộc phạm vi quản lý;

d) Bố trí ngân sách hàng năm để thực hiện thường xuyên công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị thuộc phạm vi quản lý;

đ) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường đô thị, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị;

e) Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị trên địa bàn (quản lý, sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường đô thị theo quy định của pháp luật); tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường đô thị theo thẩm quyền liên quan đến đường đô thị trên địa bàn quản lý;

f) Chủ trì, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn đường đô thị, công tác giải tỏa, cưỡng chế vi phạm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường đô thị thuộc phạm vi quản lý;

g) Huy động lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khắc phục hư hỏng công trình đường đô thị do thiên tai, địch họa gây ra để khôi phục và đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn;

h) Thực hiện chức năng quản lý về quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, cải tạo, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị trên địa bàn quản lý;

i) Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các quy định quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị và đường phố nội bộ thuộc địa bàn quản lý cấp xã;

k) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về UBND tỉnh (qua Sở Giao thông Vận tải) trong công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị trên địa bàn quản lý.

9. UBND cấp xã

a) Thực hiện công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường phố nội bộ thuộc địa bàn được giao quản lý;

b) Phối hợp với đơn vị quản lý đường đô thị, thanh tra giao thông và các lực lượng liên quan kiểm tra, lập biên bản và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường đô thị; tham gia công tác giải tỏa, cưỡng chế vi phạm hành lang an toàn đường đô thị;

c) Tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường đô thị, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị;

d) Huy động lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch họa các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý;

đ) Báo cáo định kỳ (hoặc đột xuất) gửi UBND cấp huyện về công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường phố nội bộ thuộc địa bàn được giao quản lý.

10. Việc bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường đô thị được thực hiện Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 13/9/2013 của Chính phủ; Thông tư số 50/2015/TT- BGTVT ngày 23/9/2015, Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07/6/2018 và Thông tư số 13/2020/TT-BGTVT ngày 29/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm triển khai thực hiện theo Quyết định này.

3. Trong quá trình thực hiện, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế; nếu có vấn đề phát sinh cần bổ sung, điều chỉnh, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan có ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Xây dựng nghiên cứu, xem xét tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 14/2021/QĐ-UBND về phân cấp, phân công trách nhiệm quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đối với đường đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

  • Số hiệu: 14/2021/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/06/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Nguyễn Cao Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản