Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2009/QĐ-UBND

Vị Thanh, ngày 23 tháng 4 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY CHI CỤC THÚ Y TỈNH HẬU GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 18/2008/QĐ-BNN ngày 28 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Chăn nuôi;

Căn cứ Quyết định số 19/2008/QĐ-BNN ngày 28 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thú y;

Căn cứ Quyết định số 15/2008/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc thành lập Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang;

Căn cứ Quyết định số 50/2008/QĐ-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng của Chi cục Thú y

Chi cục Thú y là cơ quan trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực: chăn nuôi, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thú y, thú y thủy sản ở địa phương; thực hiện nhiệm vụ chẩn đoán, xét nghiệm, phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y thực phẩm có nguồn gốc động vật lưu thông tiêu dùng trong nước, thực hiện công tác khuyến nông về thú y, thú y thủy sản hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi, thú y, thú y thủy sản trong tỉnh theo sự phân công, hướng dẫn của Cục Thú y và Cục Chăn nuôi, thực hiện chức năng thanh tra trong phạm vi lĩnh vực quản lý.

Chi cục Thú y chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Thú y và Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Thú y

1. Xây dựng và tổ chức chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển ngắn hạn và dài hạn về chăn nuôi, thú y, thú y thủy sản trong phạm vi toàn tỉnh trên cơ sở kế hoạch, chủ trương, chiến lược, của tỉnh.

Quản lý các đơn vị trực thuộc Chi cục, các Trạm Thú y cấp huyện, thị xã, Trạm Kiểm dịch động vật; Thú y các xã, phường, thị trấn.

2. Tổ chức thực hiện việc theo dõi, phát hiện, chẩn đoán, xác định bệnh động vật, thông báo kịp thời tình hình dịch bệnh, đề xuất chủ trương và hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch bệnh; ngăn chặn, dập tắt các ổ dịch, vùng dịch xảy ra trên động vật và quản lý các ổ dịch cũ trong tỉnh.

 Định kỳ kiểm tra chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, dịch bệnh động vật, vệ sinh thú y tại cơ sở hoạt động có liên quan đến lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi động vật, thú y, thú y thủy sản của tỉnh và của cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh theo sự phân công của Cục Thú y và Cục Chăn nuôi.

3. Tổ chức thực hiện công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật lưu thông vận chuyển trong tỉnh, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc động vật, kiểm tra vệ sinh thú y đối với các cơ sở hoạt động có liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y và thú y thủy sản. Tổ chức và thực hiện việc khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở giết mổ, mua bán, triển lãm sơ chế động vật - sản phẩm động vật; các cơ sở hoạt động có liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi; truyền giống; ấp nở; nhân giống; dịch vụ thú y, thú y thủy sản; các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

Tổ chức và thực hiện kiểm dịch động vật ở đầu mối giao thông theo sự phân công của Cục Thú y và chỉ đạo của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Quản lý nhà nước về kinh doanh, lưu thông thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; trực tiếp quản lý, hướng dẫn sử dụng các loại vắc-xin, chế phẩm sinh học, vật tư, thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản, thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi để phòng chống dịch bệnh động vật, xử lý môi trường nuôi.

Giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý quỹ dự trữ về thuốc thú y cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

5. Cấp và thu hồi giấy chứng nhận về tiêm phòng; giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc thú y; chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y cho các cơ sở chăn nuôi, sản xuất, nhân giống, ấp nở, giết mổ, sơ chế, lưu trữ, vận chuyển gia súc gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm, thủy sản, dịch vụ thú y, thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản… theo quy định và được thu phí, lệ phí theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

6. Quản lý về sản xuất kinh doanh và chất lượng giống vật nuôi theo Pháp lệnh Giống vật nuôi.

7. Tổ chức, chỉ đạo và thực hiện chương trình quốc gia về chăn nuôi, thú y, thú y thủy sản; khảo sát, thực nghiệm và hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành chăn nuôi, thú y, thú y thủy sản; thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi, thú y, thú y thủy sản theo quy định pháp luật.

8. Phối hợp với Thanh tra Sở tổ chức và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thú y, thú y thủy sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động có liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thú y thủy sản; xử lý các vi phạm hành chính và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thú y, thú y thủy sản.

9. Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình chăn nuôi, dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ động vật, quản lý thuốc thú y và các hoạt động khác có liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thú y thủy sản của địa phương theo quy định của Cục Thú y và Cục Chăn nuôi.

10. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao và theo quy định pháp luật.

Điều 3. Tổ chức bộ máy và biên chế

1. Tổ chức bộ máy:

a. Lãnh đạo: Chi cục Thú y có Chi cục trưởng và các Phó Chi cục trưởng giúp việc.

b. Cơ cấu tổ chức:

- Các Phòng chuyên môn - nghiệp vụ:

+ Phòng Hành chính, tổng hợp.

+ Phòng Thanh tra, pháp chế.

+ Phòng Kiểm dịch.

+ Phòng Dịch tễ.

+ Phòng Chăn nuôi.

+ Phòng Chẩn đoán xét nghiệm.

- Các đơn vị trực thuộc Chi cục:

+ Trạm Kiểm dịch động vật (Cái Tắc).

+ Các Trạm Thú y huyện, thị xã (trong đó có cán bộ Thú y xã, phường, thị trấn).

2. Biên chế:

Biên chế Chi cục Thú y nằm trong tổng biên chế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được UBND tỉnh giao hàng năm.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Giao Chi cục trưởng Chi cục Thú y xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Chi cục có sự phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng bộ phận trực thuộc và từng cán bộ, công chức, viên chức trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; đồng thời, sắp xếp tổ chức, bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo đúng tiêu chuẩn chức danh Nhà nước quy định.

Điều 5. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- VP. Chính phủ (HN-TPHCM);
- Bộ: NN&PTNT; NV;
- Cục Kiểm tra văn bản (BTP);
- TT: TU; HĐND; UBND tỉnh;
- Sở, Ban ngành tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Phòng VB-TT (STP);
- Lưu: VT. HN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 14/2009/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang

  • Số hiệu: 14/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/04/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản