Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2008/QĐ-UBND

Nha Trang, ngày 17 tháng 03 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 32-CT/TW NGÀY 09/12/2003 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA CÁN BỘ, NHÂN DÂN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị Quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ nhân dân;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư Pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Cam Ranh và thành phố Nha Trang chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Xuân Thân

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 32-CT/TW NGÀY 09/12/2003 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ-UB ngày 17 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ nhân dân”; Kế hoạch 59/KH-TU ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; với sự nỗ lực và cố gắng của các cấp, các ngành trong tỉnh, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, tạo nên bước chuyển biến mới tích cực góp phần xây dựng ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ và nhân dân. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh cho thấy việc tổ chức thực hiện Chỉ thị ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm, kế hoạch, biện pháp phối hợp chưa hiệu quả; công tác tham mưu của các cơ quan chuyên môn với cấp ủy, chính quyền ở một số nơi còn thiếu chủ động, kịp thời; kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện chưa thống nhất, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn yếu; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chỉ thị chưa được thường xuyên coi trọng, sự phối hợp giữa các ngành liên quan trong quá trình thực hiện chưa chặt chẽ, chưa phát huy đầy đủ chức năng, phương tiện của các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Để đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong thực tế, ngày 07 tháng 12 năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP “Về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”.

Nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung sau đây

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; đổi mới phương thức tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền kịp thời, thường xuyên, rộng khắp nội dung pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; tổ chức có hiệu quả công tác này trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Yêu cầu

- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trên cơ sở huy động được sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn xã hội.

- Kế thừa kết quả, bảo đảm tính liên tục và phát triển trong việc thực hiện các nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền cho các đối tượng đã được đề ra trong Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ năm 2003 đến năm 2007. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống và những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới đang được ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; chú trọng phổ biến các quy định pháp luật cụ thể, liên quan trực tiếp đến cán bộ và nhân dân.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện, phù hợp, hiệu quả.

- Gắn giáo dục pháp luật với giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, giáo dục văn hóa truyền thống và bồi dưỡng, rèn luyện ý thức tự nguyện, tự giác tìm hiểu, chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được thực hiện đồng bộ với việc tổ chức thực hiện pháp luật và thực hiện các phong trào quần chúng nhân dân ở cơ sở.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Tiếp tục quán triệt đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân theo đúng tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

2. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn; sử dụng, khai thác và vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp phù hợp, hiệu quả; kết hợp giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở, giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong từng vụ việc cụ thể. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật trực tiếp thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, huy động sức mạnh của các phương tiện đại chúng để nâng cao hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm làm cho cán bộ, nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

3. Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ tỉnh đến tận các cơ quan, đơn vị cơ sở; xác định rõ vị trí, phát huy vai trò của Hội đồng là tổ chức phối hợp chỉ đạo giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, bộ phận ở địa phương, đơn vị về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

4. Kiện toàn tổ chức làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đặc biệt là lực lượng Pháp chế ngành, Trợ giúp pháp lý, Báo cáo viên pháp luật, chuyên trách tư pháp ở cơ sở, các cơ quan, bộ phận làm công tác tuyên truyền ở Đài Phát thanh truyền hình, Báo Khánh Hòa, đoàn thể … theo hướng đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng nguồn lực cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ này, xác định rõ khoản ngân sách hàng năm cho hoạt động này theo hướng tăng thêm để đáp ứng kịp thời, đầy đủ về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

5. Kết hợp có hiệu quả việc tuyên truyền pháp luật với việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chương trình, đề án của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo...

6. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên, các tổ chức khác trong việc vận động, giáo dục quần chúng nhân dân tích cực nghiên cứu tìm hiểu pháp luật và tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

7. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và huyện; Viện Kiểm sát, Toà án Quân sự tại địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân thông qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh để xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, nội dung, đối tượng trọng tâm công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của cấp ủy toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

2. Tiếp tục xây dựng, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ tỉnh đến cơ sở; chậm nhất là đến quý II năm 2008 phải hoàn thành việc ra quyết định thành lập hoặc củng cố Hội đồng phối hợp, ban hành quy chế hoạt động, đồng thời tiến hành họp phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Hàng năm Hội đồng tiến hành đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, rút kinh nghiệm về tình hình thực hiện, cho thôi và bổ sung các thành viên cho phù hợp.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố; các sở, ban, ngành, đoàn thể phải đưa nội dung công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vào chương trình công tác của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Tiến hành phân công cụ thể bộ phận, đối tượng thực hiện, chuẩn bị các điều kiện vật chất và xây dựng kế hoạch kinh phí cần thiết để phục vụ cho yêu cầu công tác tuyên truyền pháp luật. Trong quá trình triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải thường xuyên tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện, động viên khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời có chế độ đãi ngộ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên và những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

4. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn triển khai các chương trình kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung ương và của tỉnh; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố; báo cáo đề xuất kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh các nội dung nhằm kịp thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra.

5. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

a) Trong quý I năm 2008, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân” để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Ban thường vụ tỉnh ủy xem xét ban hành chỉ đạo công tác tuyên truyền pháp luật trong thời gian tới.

b) Làm tốt công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh; kịp thời đề xuất kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường hiệu quả chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp, ngành.

c) Tham mưu củng cố và bồi dưỡng về kiến thức pháp luật lực lượng Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Đồng thời tổ chức nghiên cứu đề xuất nhằm tăng cường cải tiến các hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng hiệu quả tuyên truyền.

d) Hướng dẫn các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân.

e) Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin, Bưu điện, Hội Nông dân, Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tốt việc tổ chức luân chuyển sách pháp luật giữa các điểm bưu điện văn hóa xã với thư viện xã, Tủ sách pháp luật, Đồn biên phòng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng sách pháp luật theo hướng phong phú về chủng loại, sát hợp với nội dung theo yêu cầu của nhân dân.

6. Sở Văn hóa - Thông tin có trách nhiệm: Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, củng cố các đội văn hóa thông tin cơ sở và thực hiện lồng ghép nội dung pháp luật vào hoạt động của các đội văn hóa thông tin, trung tâm văn hóa thông tin, nhà văn hóa các cấp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, lễ hội dân gian và các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch lớn của tỉnh. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền pháp luật trong các đội thông tin 1ưu động.

7. Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa có trách nhiệm: Tăng thời lượng phát sóng và nâng cao chất lượng các bài, chuyên mục pháp luật. Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành nghiên cứu, xây dựng các trang tin, chuyên đề, chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật mới, kịp thời nêu các gương người tốt, việc tốt, các điển hình trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn công tác giảng dạy pháp luật trong nhà trường.

- Bổ sung đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên môn giáo dục công dân và pháp luật. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, chuẩn hóa và có chế độ đãi ngộ phù hợp với đội ngũ giáo viên dạy môn pháp luật, giáo dục công dân.

- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc học môn giáo dục công dân và pháp luật trong nhà trường.

9. Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, các đơn vị lực lượng vũ trang hướng dẫn việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân thông qua các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm sát viên thẩm phán, hội thẩm nhân dân phương pháp, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật.

10. Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên chủ động, phối hợp với các cơ quan trong việc giám sát thực hiện pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, tổ chức lấy ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc xây dựng, thực hiện gia đình văn hóa, hương ước, điều lệ hội, đoàn quần chúng.

11. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương lập kế hoạch kinh phí bảo đảm cho việc triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh.

12. Định kỳ 6 tháng, 1 năm Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố; các sở, ban, ngành, đoàn thể phải đánh giá và báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình triển khai thực hiện, kết quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo kế hoạnh đã đề ra; Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp để báo cáo cho Chính phủ.

Căn cứ vào nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được quy định tại Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố nghiên cứu xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện đảm bảo hoàn thành kế hoạch với chất lượng, hiệu quả cao./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 14/2008/QĐ-UBND về Kế hoạch tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

  • Số hiệu: 14/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/03/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Lê Xuân Thân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/03/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản