Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1393/QĐ-UBND | Vĩnh Phúc, ngày 25 tháng 7 năm 2022 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ PHÚC YÊN GIAI ĐOẠN 2020-2030, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2045
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát triển thành phố Phúc Yên giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045;
Căn cứ Thông báo số 249/TB-UBND ngày 18/12/2020 và số 136/TB-UBND ngày 02/7/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về xây dựng Đề án phát triển thành phố Phúc Yên giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 12/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Hội đồng thẩm định Đề án phát triển thành phố Phúc Yên giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045; Quyết định số 393/QĐ-HĐTĐ ngày 19/02/2021 của Hội đồng thẩm định về việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng thẩm định Đề án phát triển thành phố Phúc Yên giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045;
Căn cứ Báo cáo thẩm định số 31/BC-HĐTĐ ngày 02/3/2021 của Hội đồng thẩm định; ý kiến thống nhất của Tập thể Lãnh đạo UBND tỉnh và Thông báo cáo kết luận số 404-TB/BCS ngày 25/7/2022 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án;
Xét đề nghị đề nghị của UBND thành phố Phúc Yên tại Tờ trình số 23/TTr-UBND ngày 11/3/2022,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án, gồm những nội dung sau:
I. Tên đề án: Đề án phát triển thành phố Phúc Yên giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045.
II. Cấp quyết định phê duyệt Đề án: UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
III. Tên cơ quan chủ trì đề xuất Đề án: UBND thành phố Phúc Yên.
IV. Địa điểm thực hiện: Thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
V. Nội dung chủ yếu của Đề án:
1. Mở đầu: Khái quát về thành phố Phúc Yên; sự cần thiết xây dựng Đề án; căn cứ xây dựng Đề án; những nội dung trọng tâm của Đề án; phạm vi thực hiện Đề án phát triển thành phố Phúc Yên giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045.
2. Phần thứ nhất: Thực trạng thành phố Phúc Yên giai đoạn 2010-2020
Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng: Phát triển công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ, nông, lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng hạ tầng xã hội, phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị - nông thôn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật; quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Đánh giá nội dung thực hiện nghị quyết Đảng bộ thành phố Phúc Yên nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đánh giá tiềm năng, lợi thế, hạn chế và thách thức phát triển thành phố Phúc Yên.
- Chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đô thị và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0; bối cảnh quốc tế và trong nước;
- Vai trò, vị thế Phúc Yên trong mối quan hệ vùng lãnh thổ, mối quan hệ vùng thủ đô Hà Nội; định hướng phát triển đô thị, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố Phúc Yên: Dòng vốn FDI có chất lượng, phù hợp với chiến lược phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, phát triển bền vững; ảnh hưởng và tác động định hướng phát triển vùng lãnh thổ của vùng thủ đô Hà Nội và hành lang kinh tế Côn Minh - Hà nội - Hải Phòng; các thách thức, xu thế về chuyển đổi số, kinh tế số, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị phát triển bền vững; các định hướng phát triển kinh tế với công nghiệp là nền tảng, du lịch là mũi nhọn, về phát triển đô thị là đô thị loại II đến năm 2025, hướng đến đô thị loại I và trở thành bộ phận cấu thành của đô thị Vĩnh Phúc; mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa, con người, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
4.1. Quan điểm phát triển
Một là, xây dựng và phát triển thành phố Phúc Yên phải trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của thành phố, của tỉnh, nhất là vị trí cửa ngõ phía Đông của tỉnh, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, góp phần quan trọng hình thành thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai.
Hai là, xây dựng phát triển thành phố Phúc Yên trở thành trung tâm có vai trò, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp chế biến và chế tạo, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới; xác định công nghiệp là nền tảng, dịch vụ và kinh tế đô thị là mũi nhọn, phát triển nông thôn nâng cao, kiểu mẫu. Phát triển kinh tế của thành phố phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.
Ba là, Phúc Yên có cơ chế thu hút các nguồn vốn FDI, DDI và các nguồn lực khác để thúc đẩy đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng nhằm tạo ra các động lực phát triển đột phá; đồng thời Phúc Yên phải có cơ chế chính sách cân đối nguồn ngân sách nhà nước, nhằm tạo thế chủ động trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thành phố, hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Bốn là, Phúc Yên đến năm 2025 là đô thị loại II, hướng đến là thành phố xanh, là điểm đến thân thiện, an toàn, có môi trường cảnh quan hấp dẫn, có lối sống xanh, thân thiện với môi trường, có hạ tầng đô thị hiện đại. Khuyến khích phát triển các mô hình phát triển hiệu quả về du lịch, đô thị - du lịch và các mô hình đô thị có đặc trưng theo hướng sinh thái.
Năm là, Phúc Yên có thị trường bất động sản nhà ở, du lịch hấp dẫn, có hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và thương mại dịch vụ đồng bộ. Thu hút phát triển dân số đô thị có trình độ tri thức cao, là lựa chọn ngôi nhà nghỉ dưỡng thứ hai ưa thích của người dân trong vùng.
Sáu là, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đời sống người dân, đầu tư cho giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hợp tác khu vực trong nước và quốc tế.
Bảy là, đến năm 2045 Phúc Yên có kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đạt tiêu chí của đô thị loại I, phát triển theo định hướng đô thị thông minh, hệ thống quản trị đô thị thông minh, xây dựng các khu đô thị thông minh, cộng đồng thông minh.
4.2. Mục tiêu phát triển
Xây dựng Phúc Yên cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại II vào năm 2025; Phát triển kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế đô thị với trọng tâm là phát triển các khu du lịch và đô thị du lịch, bước đầu xây dựng hệ sinh thái ngành dịch vụ du lịch, dịch vụ đô thị; phát triển ổn định các ngành công nghiệp, lựa chọn công nghệ cao, tiết kiệm đất, ít ô nhiễm môi trường, ưu tiên các ngành trong lĩnh vực trong hệ sinh thái của ngành công nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô xe máy; phát triển các trung tâm mới về hành chính du lịch thương mại dịch vụ tài chính và công nghiệp, xây dựng các khu đô thị, khu đô thị du lịch chất lượng cao song song với cải tạo chỉnh trang đô thị đồng bộ, hiện đại; đầu tư phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện, xanh hóa lối sống; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận, là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, khai thác hiệu quả vị trí gắn với hệ thống đầu mối hạ tầng quốc tế, quốc gia và vùng lãnh thổ.
4.3. Phương hướng và nhiệm vụ
a) Về phát triển đô thị
Tổ chức lập quy hoạch chung thành phố Phúc Yên đến năm 2040, tổ chức không gian phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, trong đó:
- Thu hút nguồn lực xã hội hóa trong tái thiết, cải tạo khu vực trung tâm hành chính cũ, đáp ứng yêu cầu “giải nén” khu vực hiện hữu. Mở rộng không gian phát triển đô thị khu vực phía tây và phía bắc thành phố, hình thành các trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ, du lịch tạo động lực mới cho phát triển thành phố.
- Tổ chức không gian các trung tâm đô thị: Xây dựng Trung tâm hành chính mới của thành phố tại vị trí xã Cao Minh theo quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt, vị trí công trình hành chính của thành phố sau khi di dời nghiên cứu tạo thành các không gian công viên cây xanh, công trình công cộng, không gian mở cho trung tâm đô thị hiện hữu; xây dựng trung tâm Tài chính - Thương mại - Dịch vụ (CBD) quy hoạch trên trục phía tây đường Nguyễn Tất Thành tại xã Cao Minh; trung tâm hỗn hợp Thương mại - Dịch vụ (CBD) quy hoạch tại ga đường sắt mới Phúc Yên; trung tâm Nghiên cứu - Phát triển (R&D) tập trung các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, bố trí dọc đường Nguyễn Tất Thành; trung tâm dịch vụ đô thị Bắc Ngọc Thanh bố trí ở phía bắc hồ Đại Lải, dọc đường tỉnh 301; trung tâm vui chơi giải trí bố trí giữa 2 nhánh tuyến đường Nội Bài - Hồ Đại Lải; nghiên cứu điều chỉnh vị trí Trường cao đẳng Vĩnh Phúc...
b) Về phát triển công nghiệp
- Phát triển ổn định các ngành công nghiệp, lựa chọn công nghệ cao, tiết kiệm đất đai, không ô nhiễm môi trường, ưu tiên các ngành trong lĩnh vực trong hệ sinh thái của ngành công nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô xe máy;
- Đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Phúc Yên gắn với đầu tư nút giao IC2 cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
- Đầu tư Khu doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại vực phía Bắc đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được kết nối qua nút IC2 và đường Nguyễn Tất Thành.
- Khuyến khích phát triển công nghiệp chế tạo, lắp ráp sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông nghiệp, công nghiệp có công nghệ không gây ô nhiễm môi trường.
c) Phát triển giáo dục, y tế
- Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo một cách đồng bộ, toàn diện, đưa giáo dục - đào tạo thành phố trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của tỉnh. Đẩy nhanh việc mở rộng, cải tạo nâng cấp các trường học, nâng cao chất lượng trường chuẩn Quốc gia và trường chất lượng cao.
- Đầu tư xây dựng, từng bước hiện đại hóa mạng lưới y tế; đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động trên lĩnh vực y tế; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng bệnh viện chuyên khoa, cơ sở chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Làm tốt công tác y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân thành phố và các khu vực lân cận.
d) Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp
- Phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ cao gắn với phát triển dịch vụ, du lịch và bảo vệ môi trường. Phát triển nông nghiệp phục vụ phát triển đô thị trên cơ sở nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích và cải thiện đời sống nông dân. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, xây dựng các thương hiệu về sản phẩm nông nghiệp, hạn chế sử dụng hóa chất. Phát triển nông nghiệp bền vững nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn.
- Nông nghiệp phát triển theo hướng giảm quy mô, tăng năng suất và tăng giá trị:
Phát triển các ngành nông nghiệp trồng hoa, trồng cây ăn trái, hoa, rau củ quả với chất lượng cao, áp dụng các quy trình kiểm soát chất lượng như VietGAP và xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất trồng trọt đến chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường. Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi. Nghiên cứu phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên nền quỹ đất nông nghiệp xã Ngọc Thanh.
Khuyến khích trồng rừng gắn với tạo dựng môi trường cảnh quan thành phố Phúc Yên hấp dẫn.
Áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, liên kết và đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ.
Phát huy điển hình thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, tạo động lực cổ vũ phong trào lập nghiệp ở các địa phương. Khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác và các chương trình mô hình điển hình khác.
e) Phát triển du lịch, dịch vụ
- Thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội từ các doanh nghiệp hàng đầu, có thương hiệu, nguồn lực mạnh, uy tín. Phát triển các khu đô thị du lịch, khu du lịch cao cấp trên địa bàn thành phố sẽ là những động lực thúc đẩy phát triển du lịch, đô thị và thị trường bất động sản, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong vùng.
- Trung tâm du lịch của thành phố là khu vực phía Bắc, khu vực hồ Đại Lải và xã Ngọc Thanh, với sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông kết nối với tuyến đường vành đai 5 và đường nối sân bay quốc tế Nội Bài, nút IC2 kết nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và đường Nguyễn Tất Thành.
- Thu hút đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao, phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển du lịch tầm cỡ khu vực phía Tây hồ Đại Lải, xã Ngọc Thanh.
- Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử An toàn khu tại xã Ngọc Thanh, chợ văn hóa truyền thống gắn với du lịch Ngọc Thanh, phát huy mô hình Homestay, FarmStay, du lịch khu vực Hang Rơi và xây dựng các điểm du lịch phát huy giá trị truyền thống văn hóa bản địa, phát triển du lịch gắn với cộng đồng. Phát triển đa dạng loại hình du lịch, du lịch hội thảo MICE, du lịch khám phá, du lịch nghỉ dưỡng, khu điều dưỡng, du lịch trải nghiệm, Zipline, leo núi, chèo thuyền, lễ hội, thể thao golf…
- Cải tạo chỉnh trang các tuyến phố thương mại truyền thống tại khu phố cũ Phúc Yên. Phát triển Khu trung tâm hỗn hợp theo mô hình TOD ga đường sắt Phúc Yên mới.
- Phát triển tuyến phố tài chính thương mại dịch vụ (CBD) phía Tây đường Nguyễn Tất Thành, tại xã Cao Minh, gắn với ga đường sắt du lịch Nội Bài - Tam Đảo, thu hút tập trung các ngân hàng, công ty tài chính, chứng khoán, các hãng bảo hiểm…
- Phát triển thương mại dịch vụ cấp vùng: phát triển các trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ du lịch như các trung tâm vui chơi giải trí, các không gian công cộng, không gian mở cho cộng đồng và các trung tâm thương mại cấp vùng
- Phát triển các dịch vụ Logistic, giao thông phục vụ du lịch, kết nối khu vực Phúc Yên và vùng thủ đô Hà Nội. Chủ động tham gia vào chuỗi dịch vụ Logistic, cung ứng vận chuyển hàng hóa, trong hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hạ Long cũng như liên kết với thủ đô Hà Nội.
- Kết nối, khai thác hiệu quả ưu thế vị trí với hệ thống hạ tầng đầu mối khu vực trong phát triển thương mại dịch vụ như cảng thông quan ICD tại Bình Xuyên, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đường cao tốc, đường sắt Hà Nội - Lào Cai.
- Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, xây dựng hệ sinh thái Du lịch: thương mại, tài chính, ngân hàng logistic, thương mại, giáo dục - đào tạo, tài chính- ngân hàng, y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin - truyền thông, vận tải, bảo hiểm, tư vấn, khoa học công nghệ, vui chơi giải trí. Xây dựng các đề án phát triển ngành du lịch, thương mại, sớm đầu tư xây dựng hệ thống chợ đầu mối trên địa bàn, phát triển thương mại điện tử, tăng cường xúc tiến thương mại điện tử, ngân hàng số...
f) Phát triển văn hóa, xã hội
Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nâng cao trình độ dân trí, ý thức, trách nhiệm của người dân. Kết hợp hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển đô thị, bảo đảm tiêu chuẩn đô thị sinh thái “xanh, sạch, đẹp”, tạo lập nếp sống văn minh trong xã hội đô thị, xây dựng các khu đô thị văn minh, cộng đồng thông minh. Xây dựng hình ảnh đô thị Phúc Yên xanh; xanh hóa lối sống, xanh hóa đường phố.
g) Vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý nước thải, rác thải
- Triển khai các dự án về thoát nước và rà soát lại những dự án liên quan đến thoát nước theo phương thức tiếp cận bền vững.
- Nước thải thu gom và xử theo các mô hình tổ chức tập trung hoặc phân tán. Hệ thống thoát nước tập trung được xây dựng cho các khu trung tâm đô thị, có mật độ dân số cao, có điều kiện xây dựng đồng bộ. Mô hình phân tán áp dụng là cho các khu đô thị mới, các vùng ven đô, nông thôn.
- Phân tán dòng chảy theo các lưu vực nhỏ, dẫn nước đi bằng những giải pháp sử dụng kênh mương hở và nông, lưu giữ nước mưa trong những hồ chứa và cho thấm xuống đất ở những khu vực thích hợp. Áp dụng những giải pháp xử lý tại chỗ trong bãi đất thấm, hồ lắng, bãi lọc ngầm trồng cây… nhằm ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm. Xây dựng hệ thống hạ tầng thoát nước mưa, nước thải và các trạm xử lý nước thải theo quy hoạch.
- Xây dựng công trình nhà tang lễ, nghĩa trang thành phố và nghĩa trang các khu vực thuộc thành phố theo quy hoạch được phê duyệt đảm bảo cảnh quan, môi trường.
h) Xây dựng chính quyền, cải cách thủ tục hành chính
- Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, vững mạnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, nhất là tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và cả hệ thống chính trị để thực hiện thành công các nhiệm vụ xây dựng và phát triển đô thị Phúc Yên.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tập trung hoàn thiện bộ máy, hiện đại hoá công tác quản lý, điều hành, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền đô thị năng động, sáng tạo. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển và quản lý thành phố.
- Thúc đẩy hợp tác, mở rộng quan hệ, nâng cao vị thế đô thị Phúc Yên. Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thông tin, khoa học công nghệ về quản lý và phát triển đô thị. Hợp tác song phương hoặc đa phương trong việc đầu tư xây dựng đô thị xanh, đô thị thông minh. Tăng cường kết nối mạng lưới đô thị Việt Nam, vùng và khu vực.
4.4. Định hướng, mục tiêu phát triển đến năm 2045
Phúc Yên cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, là một bộ phận cấu thành quan trọng của đô thị Vĩnh Phúc, là động lực phát triển cửa ngõ phía Đông của tỉnh Vĩnh Phúc, là đô thị xanh, phát triển theo hướng thông minh, có các khu đô thị thông minh, cộng đồng thông minh với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kiến trúc đô thị hài hòa với thiên nhiên. Các trung tâm về du lịch, vui chơi giải trí, dịch vụ thương mại, tài chính cấp vùng, với các điểm nhấn về công trình kiến trúc mang tính biểu tượng cho giai đoạn phát triển mới của thành phố; tạo được thương hiệu về du lịch và đô thị gắn với cảnh quan môi trường. Phúc Yên phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, có hệ thống chính trị vững mạnh, đoàn kết, thúc đẩy phát triển bền vững đô thị Phúc Yên.
5.1. Giải pháp tổng thể
- Xây dựng cơ chế chính sách để khai thác và phát triển thị trường bất động sản.
- Xây dựng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị.
- Thu hút đầu tư, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư.
- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
- Phát triển y tế, văn hóa, giáo dục; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
- Bảo vệ, phát triển môi trường bền vững; sử dụng, quản lý có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
- Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
- Thúc đẩy hợp tác, mở rộng quan hệ, nâng cao vị thế đô thị Phúc Yên.
- Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân.
- Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
5.2. Giải pháp phát triển đột phá
Các giải pháp đột phá là các chương trình, dự án quan trọng, có quy mô và tính chất quan trọng gắn với định hướng chiến lược cho các ngành lĩnh vực, cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế xã hội và các giải pháp tổng thể phát triển đô thị Phúc Yên, xây dựng phát triển các ngành kinh tế gắn với hình thành các Hệ sinh thái công nghiệp - xây dựng, hệ sinh thái du lịch - dịch vụ, hệ sinh thái nông nghiệp chế biến; cấu trúc phát triển thành phố Phúc Yên... Xây dựng công cụ quản lý đô thị, du lịch đầu tư xây dựng và thị trường bất động sản thông qua các đồ án quy hoạch. Ưu tiên nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đô thị; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo các tiêu chí đô thị loại I.
6. Phần thứ năm: Nguồn lực đầu tư và tổ chức thực hiện
6.1. Nguồn vốn thực hiện
Tổng vốn đầu tư phát triển thành phố Phúc Yên giai đoạn 2020-2030 dự kiến khoảng 94.911 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn NSNN khoảng 16.411 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa khoảng 78.500 tỷ đồng (đối với phần vốn NSNN sẽ được xem xét, quyết định cụ thể trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm của tỉnh và của thành phố Phúc Yên).
6.2. Tổ chức thực hiện
a) Đảng bộ Thành phố Phúc Yên tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thành phố Phúc Yên giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045, hằng năm đánh giá sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện với Thường trực - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Thành ủy thành phố Phúc Yên xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Phúc Yên giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045.
b) Ủy ban nhân dân tỉnh giao UBND thành phố Phúc Yên là cơ quan đầu mối xây dựng và tổ chức thực hiện danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn thành phố. Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài Chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và các sở, ban, ngành khác của tỉnh có trách nhiệm phối hợp với UBND thành phố Phúc Yên thực hiện danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn thành phố.
c) Các Sở: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải và các sở, ban, ngành liên quan khác của tỉnh có trách nhiệm phối hợp với UBND thành phố Phúc Yên thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các nhiệm vụ, danh mục các dự án đầu tư thuộc Đề án phát triển thành phố Phúc Yên giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045.
d) Hội đồng nhân dân thành phố Phúc Yên có trách nhiệm đề xuất, báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách về việc thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ tỉnh ủy và chương trình của Thành ủy.
e) Ủy ban nhân dân thành phố Phúc Yên là đơn vị chủ trì thực hiện Đề án. Căn cứ trên Nghị quyết của Tỉnh ủy, chương trình của Thành ủy, UBND thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho các Phòng, ban, đơn vị thực hiện nhiệm vụ tương ứng với chức năng, nhiệm vụ của mình.
f) UBND thành phố Phúc Yên có trách nhiệm chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức công bố công khai Đề án phát triển thành phố Phúc Yên giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045 theo quy định.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Văn hóa thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công thương, các thành viên Hội đồng thẩm định (theo Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 12/01/2021 của UBND tỉnh); Chủ tịch UBND thành phố Phúc Yên, Chủ tịch UBND các phường, xã - thành phố Phúc Yên và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 1179/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030
- 2Quyết định 931/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 3Quyết định 1153/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Luật Đầu tư công 2019
- 3Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 4Luật Xây dựng sửa đổi 2020
- 5Quyết định 1179/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030
- 6Quyết định 931/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 7Quyết định 1153/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Quyết định 1393/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2045
- Số hiệu: 1393/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/07/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
- Người ký: Vũ Chí Giang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra