Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 139/QĐ-UBND | Bắc Ninh, ngày 26 tháng 02 năm 2025 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 16/9/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;
Căn cứ Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 ngày 27/6/2024;
Căn cứ Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn;
Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC);
Căn cứ Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 1679/QĐ-BGTVT ngày 22/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ban hành Kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 1191/QĐ-BGTVT ngày 30/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ban hành Kế hoạch Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 319/TTr-SGTVT ngày 24/01/2024,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch chuyển đổi từ xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel sang xe buýt sử dụng điện đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CHUYỂN ĐỔI TỪ XE BUÝT SỬ DỤNG NHIÊN LIỆU DIESEL SANG XE BUÝT SỬ DỤNG ĐIỆN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Kèm theo Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 26/02/2025 của UBND tỉnh Bắc Ninh)
I. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC CHUYỂN ĐỔI
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
Đưa ra kế hoạch chuyển đổi sang xe buýt sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Từ năm 2025: 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng năng lượng điện.
- Tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện đến năm 2030 đạt 100% (theo Quyết định 876/QĐ-TTg là 50%)
2. Nguyên tắc chuyển đổi
- Đảm bảo tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư, tránh lãng phí và phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp vận hành; Đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực cũng như sử dụng hiệu quả kinh phí trợ giá của nhà nước.
- Các tuyến buýt mở mới sử dụng phương tiện năng lượng điện; Việc chuyển đổi phương tiện đối với các tuyến buýt đang khai thác được thực hiện theo lộ trình khi hết hạn thời gian thực hiện hợp đồng đấu thầu (hoặc đặt hàng).
- Đối với các phương tiện xe buýt diesel đang hoạt động, thực hiện chuyển đổi theo nguyên tắc:
+ Đối với phương tiện xe buýt diesel hết khấu hao đồng thời với hết hạn thời gian thực hiện hợp đồng: Thay thế toàn bộ phương tiện sang sử dụng phương tiện năng lượng điện.
+ Đối các phương tiện xe buýt diesel còn khấu hao nhưng hết hạn thời gian thực hiện hợp đồng: Được sử dụng phương tiện diesel tối đa đến thời điểm hết khấu hao phương tiện sau đó chuyển đổi sang phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh.
- Ưu tiên thực hiện chuyển đổi đối với các xe buýt đã có định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện.
1. Hiện trạng phương tiện xe buýt
Tính đến tháng 01/2025, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 06 tuyến xe buýt nội tỉnh, là các tuyến xe buýt có trợ giá với số phương tiện xe buýt là 45 xe, các xe đều đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Tất cả các phương tiện khi đưa vào khai thác đều mới 100%, đảm bảo yêu cầu đối với xe buýt đô thị và hồ sơ thầu (hoặc đặt hàng), có lắp đầy đủ các trang thiết bị camera, thiết bị giám sát hành trình, hệ thống thông tin hành khách (thiết bị báo điểm dừng bằng âm thanh, đèn LED). Số lượng phương tiện có thời gian sử dụng 6 năm là 11 xe, số lượng phương tiện có thời gian sử dụng 5 năm là 07 xe, số lượng phương tiện có thời gian sử dụng 01 năm là 27 xe. Các tuyến xe buýt cơ bản đã đáp ứng được hiệu quả khai thác vận hành, vừa đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh, vừa tiết kiệm kinh phí trợ giá, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
a) Theo thời gian hết hạn gói thầu:
- Năm 2027: Có 01 tuyến hết hạn đặt hàng với tổng số 11 xe đang hoạt động, là loại xe buýt nhỏ.
- Năm 2028: Có 01 tuyến hết hạn đặt hàng với tổng số 07 xe buýt đang hoạt động, là xe buýt loại nhỏ.
- Năm 2029: Có 04 tuyến hết hạn thầu với tổng số 27 xe buýt đang hoạt động, là xe buýt loại nhỏ.
b) Theo thời gian hết khấu hao quy định:
Số lượng phương tiện có thời gian hết khấu hao bằng hoặc sau thời hạn thầu (hoặc đặt hàng) là 45 phương tiện/tổng số 45 phương tiện.
Căn cứ vào hiện trạng đoàn phương tiện xe buýt hiện nay, với số lượng phương tiện chuyển đổi sang xe buýt điện không lớn, các phương tiện có thời gian hết khấu hao bằng hoặc sau thời hạn thầu (hoặc đặt hàng), thời gian hết hạn thầu còn dài. Để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay của tỉnh Bắc Ninh, lựa chọn phương án chuyển đổi: giai đoạn 2024-2030 có 100% phương tiện chuyển đổi sang xe buýt điện. Cụ thể:
Tính toán số lượng phương tiện đầu tư chuyển đổi:
Loại xe | Số phương tiện đầu tư chuyển đổi giai đoạn 2024-2030 (xe) |
Xe buýt nhỏ | 72 |
Số phương tiện đầu tư chuyển đổi (xe) | 72 |
Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện | 100% |
Ghi chú: Số phương tiện sau chuyển đổi tăng từ 45 xe lên 72 xe do số lượng xe buýt điện phát sinh trong quá trình chuyển đổi từ xe buýt diezel sang xe buýt điện (đối với xe buýt điện nhỏ là 1,61 lần) do giới hạn năng suất chạy xe trong ngày (xe buýt điện nhỏ phạm vi hoạt động không quá 180km/lần sạc đầy chạy trong 01 ngày).
Lộ trình chuyển đổi: Các tuyến xe buýt sau khi đã hết hạn thầu (hoặc đặt hàng) được tiếp tục đấu thầu để chọn đơn vị khai thác, phương tiện được đầu tư mới là loại xe buýt sử dụng điện. Cụ thể:
- Năm 2027: Số lượng xe buýt điện đầu tư mới là: 18 xe.
- Năm 2028: Số lượng xe buýt điện bổ sung đầu tư mới là: 11 xe.
- Năm 2029: Số lượng xe buýt điện bổ sung đầu tư mới là: 43 xe.
Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2024-2030 là 72 xe. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện đến năm 2030 dự kiến đạt 100% tổng số phương tiện được chuyển đổi.
Cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi: Định hướng xây dựng các trạm sạc điện tại bến xe, các điểm đầu cuối và các điểm phù hợp trên tuyến đảm bảo việc sạc điện cho xe buýt được thuận lợi, hiệu quả. Số lượng trụ sạc được xác định trên cơ sở số lượng ổ sạc (súng sạc)/trụ sạc và số lượng phương tiện trên tuyến.
3. Dự kiến kinh phí cần huy động để chuyển đổi phương tiện
Để triển khai thực hiện kế hoạch cần có nguồn lực huy động (ngân sách nhà nước), bao gồm: Trợ giá phát sinh do chuyển đổi; Hỗ trợ lãi vay phát sinh do tăng số lượng phương tiện và tăng giá mua phương tiện và hỗ trợ lãi vay đầu tư hạ tầng trạm sạc điện.
Phương pháp tính toán được xác định trên cơ sở số lượng xe buýt hiện có cần chuyển đổi, chưa tính toán cho số lượng xe buýt phát sinh cho các tuyến mở mới. Số lượng xe buýt điện đầu tư được tính toán dựa trên các chỉ tiêu khai thác tuyến hiện tại (số xe vận doanh, lượt xe, năng suất km/ngày xe vận doanh) để quy đổi ra số lượng xe buýt sử dụng điện với công suất tham khảo ở thời điểm hiện tại, xe buýt điện nhỏ có phạm vi hoạt động không quá 180km/lần sạc đầy (ngày).
Trợ giá phát sinh do chuyển đổi = Trợ giá sau khi chuyển đổi - Trợ giá trước khi chuyển đổi.
Chi phí lãi vay tính trung bình năm là 11%/năm; Giá trị vay tương ứng khoảng 80% giá trị hợp đồng; Hỗ trợ 100% lãi suất mua phương tiện; Hỗ trợ 70% lãi suất đầu tư trạm sạc; Thời gian hỗ trợ lãi vay dự kiến là 05 năm tính cho cả đầu tư hạ tầng trạm sạc và mua phương tiện.
Lãi vay = | Giá gốc x 11% |
|
2 |
|
Kinh phí đầu tư phương tiện = Số phương tiện x nguyên giá
Chi phí đầu tư hạ tầng trạm sạc điện được tạm xác định theo kinh nghiệm cho phần xây dựng, thiết bị mà không tính tiền đất (khoảng 40 tỷ đồng/100 xe).
Bảng tổng hợp nguồn lực cần thiết bố trí chuyển đổi phương tiện
Giai đoạn | Trợ giá phát sinh | Lãi vay phát sinh | Tổng cộng (tỷ đồng) | |
Phương tiện | Hạ tầng | |||
2024-2030 | 50,9 | 20,4 | 1,9 | 73,2 |
Tổng kinh phí cần huy động để chuyển đổi phương tiện sang sử dụng xe buýt điện là 73,2 tỷ đồng, trong đó chi phí phát sinh cho trợ giá là 50,9 tỷ đồng.
1. Sở Xây dựng
- Là cơ quan thường trực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi và tổng hợp đánh giá việc thực hiện Kế hoạch này.
- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá xe buýt sử dụng năng lượng điện phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; Xây dựng qui trình, thủ tục hỗ trợ lãi suất để đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
- Rà soát, cơ cấu lại giá vé xe buýt để phù hợp với cự ly đi lại của hành khách đảm bảo tính hợp lý, tăng sản lượng, tăng doanh thu; Tham mưu đề xuất triển khai áp dụng thẻ vé điện tử liên thông cho hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; Phối hợp với các đơn vị vận hành các tuyến buýt để phổ biến và quán triệt các nội dung liên quan đến kế hoạch chuyển đổi.
2. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh cơ chế chính sách, giải pháp huy động nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp năng lượng cho phương tiện giao thông công cộng sử dụng điện; Hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải/nhà đầu tư trong việc đầu tư hạ tầng cung cấp năng lượng điện (đầu tư trạm sạc, bãi đỗ xe,...); tham mưu đề xuất UBND tỉnh các nhiệm vụ về lĩnh vực tài chính;
- Trên cơ sở kế hoạch và khả năng cân đối ngân sách, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện theo quy định.
3. Sở Công Thương
Chủ trì, tham mưu xây dựng phương án quy hoạch hệ thống hạ tầng trạm sạc điện cho phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh; Thực hiện quy hoạch, kế hoạch phương án phát triển mạng lưới cấp điện đáp ứng nhu cầu phụ tải, cung ứng điện cho các trạm sạc, phương tiện giao thông điện (trong đó có xe buýt điện).
4. Sở Nông nghiệp và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn UBND cấp huyện tổng hợp nhu cầu sử dụng đất để phát triển hạ tầng trạm sạc, bãi đỗ xe cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh, để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số áp dụng đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các tuyến xe buýt, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi xe buýt.
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan báo chí, truyền thông, các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai tuyên truyền về các nội dung Kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng xe buýt điện để mọi người dân, doanh nghiệp hiểu, đồng thuận.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trong đó có quỹ đất dành cho các trạm sạc điện phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Phối hợp với các sở, ban, ngành để phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện tại địa phương.
7. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng để chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc chuyển đổi phương tiện đang khai thác cũng như đầu tư mới phương tiện sử dụng điện đảm bảo đáp ứng được mục tiêu, lộ trình chung đã được nêu trong Kế hoạch này.
- 1Quyết định 6004/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố” do Thành phố Hà Nội ban hành
- 2Quyết định 51/2024/QĐ-UBND về Định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 3Kế hoạch 38/KH-UBND năm 2025 chuyển đổi sang sử dụng xe buýt điện, xe khách nội tỉnh và phương tiện giao thông xanh giai đoạn 2025-2030 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Quyết định 139/QĐ-UBND năm 2025 về Kế hoạch chuyển đổi từ xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel sang xe buýt sử dụng điện đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- Số hiệu: 139/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/02/2025
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
- Người ký: Ngô Tân Phượng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/02/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra