Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA
VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 139 /QĐ-BCĐQG

Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TÔN VINH, KHEN THƯỞNG CÁ NHÂN, TẬP THỂ CÓ THÀNH TÍCH HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN VÀ VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN

BAN CHỈ ĐẠO

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng;

Căn cứ Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 26/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện;

Căn cứ Quyết định số 15/QĐ-BCĐQG ngày 26/6/2008 của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện về việc ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện;

Căn cứ Thông báo kết luận số 82/TB-BCĐQG ngày 05/01/2009 của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tại Hội nghị Ban Chỉ đạo quốc gia lần thứ 4 năm 2008;

Sau khi có ý kiến của Ban Thi đua, Khen thưởng Trung ương tại Công văn góp ý số 2735/BTĐKT-VI ngày 23/12/2008;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế Tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện”.

Điều 2. Thường trực Ban Chỉ đạo có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các ông (bà) thành viên Ban Chỉ đạo, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Thủ tướng và các phó thủ tướng CP (để b/c);
- Vụ Văn xã, VP Chính phủ (để biết);
- Ban Thi đua, khen thưởng TƯ;
- Bộ Tài chính;
- Các thành viên BCĐQG vận động hiến máu
tình nguyện (để thực hiện);
- BCĐ vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh, TP
trực thuộc TƯ (để ph/h thực hiện);
- Lưu VPTT BCĐ.

TM. BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA
TRƯỞNG BAN




Nguyễn Quốc Triệu

 

QUY CHẾ

TÔN VINH, KHEN THƯỞNG CÁ NHÂN, TẬP THỂ CÓ THÀNH TÍCH HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN VÀ VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 139 /QĐ-BCĐQG ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tập thể là gia đình có thành tích hiến máu tình nguyện;

2. Khen thưởng cá nhân, tập thể là tổ chức có thành tích trong vận động hiến máu tình nguyện.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, gia đình (bao gồm cả cá nhân, gia đình người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt nam) có thành tích hiến máu tình nguyện.

Gia đình có ít nhất 2 người trở lên có quan hệ ruột thịt (ông bà, bố mẹ, con cháu), không nhất thiết cùng chung 1 hộ khẩu. Ngoài phần thưởng riêng dành cho cá nhân trong gia đình, gia đình tham gia hiến máu được tôn vinh thành tích chung theo quy định của Quy chế này.

2. Cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác vận động hiến máu tình nguyện; Ban Chỉ đạo vận động hiến máu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 3. Mục đích của tôn vinh khen thưởng

1. Tạo động lực tinh thần mạnh mẽ đối với cá nhân, gia đình hiến máu tình nguyện và những cá nhân, tổ chức tích cực tham gia vận động hiến máu tình nguyện.

2. Làm công cụ tuyên dương hiệu quả để nâng cao lòng tự hào về nghĩa cử cao đẹp, nhằm động viên người có đủ sức khỏe tham gia hiến máu và vận động, thu hút nhiều người hiến máu hơn nữa và tiếp tục hiến máu thường xuyên.

Điều 4. Nguyên tắc tôn vinh, khen thưởng

1. Tôn vinh những giá trị nhân đạo, nghĩa cử cao đẹp của những cá nhân, tập thể cống hiến cho cộng đồng, qua đó động viên, khuyến khích mọi người trong cộng đồng tham gia hiến máu.

2. Khen thưởng cá nhân, tổ chức có thành tích vận động hiến máu tình nguyện căn cứ vào việc thực hiện chỉ tiêu được giao cho ban chỉ đạo các cấp do Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt.

3. Mối quan hệ giữa tôn vinh, khen thưởng và quà tặng mang đậm nét văn hóa truyền thống của nhân dân Việt Nam. Không có sự liên quan trực tiếp giữa vật dụng, quà tặng và ràng buộc phải hiến máu.

Điều 5. Quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được tôn vinh, khen thưởng

1. Cá nhân, tập thể được tôn vinh, khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày và sử dụng hiện vật, danh hiệu được tặng.

2. Cá nhân, tập thể được tôn vinh, khen thưởng có nghĩa vụ bảo quản hiện vật, giải thưởng được tặng, không được cho người khác mượn để mưu cầu mục đích riêng.

Điều 6. Hình thức, thẩm quyền quyết định tôn vinh, khen thưởng

1. Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện) tặng Phù hiệu “Một nghĩa cử cao đẹp”, Thư cảm ơn, Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện, Thẻ người hiến máu tình nguyện.

2. Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) quyết định tặng Ly thủy tinh màu vàng, bạc, đồng; Cúp thủy tinh vàng, bạc, đồng.

3. Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo quốc gia) quyết định tặng Khánh màu vàng, bạc, đồng; Đĩa màu vàng, bạc, đồng; Phù hiệu cá nhân 20, 30, 40 50, 70, 100 lần hiến máu; Phù hiệu gia đình 20, 30, 40, 50, 70, 100 lần hiến máu.

4. Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế.

6. Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định tặng bằng khen của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam.

7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tặng Bằng khen của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

8. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tặng Giấy khen của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Chương II

TÔN VINH, KHEN THƯỞNG THÀNH TÍCH HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN

Điều 7. Tiêu chuẩn, hình thức tôn vinh, khen thưởng cá nhân

1. Cá nhân hiến máu lần đầu:

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp huyện tặng Phù hiệu “Một nghĩa cử cao đẹp” và Thẻ người hiến máu tình nguyện.

2. Cá nhân hiến máu lần thứ ba:

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp huyện đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét tặng Giấy khen.

3. Cá nhân hiến máu lần thứ năm:

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh xét tặng Ly thủy tinh màu đồng.

4. Cá nhân hiến máu lần thứ mười:

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh xét tặng Ly thủy tinh màu bạc.

5. Cá nhân hiến máu lần thứ mười lăm:

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh xét tặng Ly thủy tinh màu vàng.

6. Cá nhân hiến máu lần thứ hai mươi:

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét tặng Bằng khen và Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Phù hiệu cá nhân 20 lần hiến máu.

7. Cá nhân hiến máu lần thứ ba mươi:

Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Phù hiệu cá nhân 30 lần hiến máu và đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xem xét tặng Bằng khen.

8. Cá nhân hiến máu lần thứ bốn mươi:

Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Phù hiệu cá nhân 40 lần hiến máu và đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xem xét tặng Kỷ niệm chương.

9. Cá nhân hiến máu lần thứ năm mươi:

Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Khánh màu đồng, Phù hiệu cá nhân 50 lần hiến máu.

10. Cá nhân hiến máu lần thứ bảy mươi:

Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Khánh màu bạc, Phù hiệu cá nhân 70 lần hiến máu và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tặng Bằng khen.

11. Cá nhân hiến máu lần thứ một trăm:

Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Khánh màu vàng, Phù hiệu cá nhân 100 lần hiến máu và đề nghị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp mặt, tuyên dương thành tích.

12. Ngoài các tiêu chuẩn, hình thức tôn vinh khen thưởng trên, mỗi lần hiến máu tình nguyện, cá nhân được nhận Thư cảm ơn và Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện.

Điều 8. Tiêu chuẩn, hình thức tôn vinh, khen thưởng gia đình

1. Gia đình hiến máu lần đầu:

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp huyện tặng Phù hiệu “Một nghĩa cử cao đẹp”.

2. Gia đình hiến máu lần thứ ba:

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp huyện đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét tặng Giấy khen.

3. Gia đình hiến máu lần thứ năm:

Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh xét tặng Cúp thủy tinh màu đồng.

4. Gia đình hiến máu lần thứ mười:

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh xét tặng Cúp thủy tinh màu bạc.

5. Gia đình hiến máu lần thứ mười lăm:

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh xét tặng Cúp thủy tinh màu vàng.

6. Gia đình hiến máu lần thứ hai mươi:

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét tặng Bằng khen và đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Phù hiệu gia đình 20 lần hiến máu.

7. Gia đình hiến máu lần thứ ba mươi:

Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Phù hiệu gia đình 30 lần hiến máu và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét tặng Bằng khen.

8. Gia đình hiến máu lần thứ bốn mươi:

Ban chỉ đạo quốc gia xét tặng Phù hiệu gia đình 40 lần hiến máu và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét tặng bằng khen.

9. Gia đình hiến máu lần thứ năm mươi:

Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Khánh màu đồng và Phù hiệu gia đình 50 lần hiến máu.

10. Gia đình hiến máu lần thứ bảy mươi:

Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Khánh màu bạc, Phù hiệu gia đình 70 lần hiến máu và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tặng Bằng khen.

11. Gia đình hiến máu lần thứ một trăm:

Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Khánh màu vàng, Phù hiệu gia đình 100 lần hiến máu và đề nghị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp mặt, tuyên dương thành tích.

Điều 9. Tôn vinh, khen thưởng đột xuất

Trong trường hợp phục vụ cấp cứu, tai nạn lớn, thảm họa, an ninh quốc phòng có huy động cá nhân, tập thể ở huyện, quận, tỉnh, liên tỉnh tham gia hiến máu, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia để xem xét, tôn vinh, khen thưởng kịp thời và xứng đáng với sự đóng góp của cá nhân, tập thể.

Chương III

KHEN THƯỞNG TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ THÀNH TÍCH VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN

Điều 10. Tiêu chuẩn khen thưởng tổ chức, cơ quan, đơn vị, xã phường, quận huyện vượt chỉ tiêu về số lượng và chất lượng hiến máu tình nguyện

1. Vượt chỉ tiêu trên 30%:

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp huyện đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét tặng Giấy khen và Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Đĩa màu đồng.

2. Vượt chỉ tiêu trên 50%:

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét tặng Bằng khen và Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Đĩa màu bạc.

3. Vượt chỉ tiêu trên 100%:

Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Đĩa màu vàng và đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xem xét tặng Bằng khen.

Điều 11. Tiêu chuẩn khen thưởng cá nhân có thành tích vận động hiến máu tình nguyện:

1. Vận động được trên 50 lượt người hiến máu:

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp huyện đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét tặng Giấy khen.

2. Vận động được trên 100 lượt người hiến máu:

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét tặng Bằng khen.

3. Vận động được trên 200 lượt người hiến máu:

Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xem xét tặng Bằng khen.

4.Vận động được trên 300 lượt người hiến máu:

Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Đĩa màu đồng và đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xem xét tặng Bằng khen.

5. Vận động được trên 500 lượt người hiến máu:

Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Đĩa màu bạc và đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xem xét tặng Kỷ niệm chương.

6. Liên tục 3 năm liền vận động được 500 lượt người hiến máu trong mỗi năm:

Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Đĩa màu vàng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tặng Bằng khen.

Chương IV

KHEN THƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG ĐẠT, VƯỢT CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH ĐƯỢC GIAO

Điều 12. Khen thưởng đối với các tỉnh thuộc dự án xây dựng 4 Trung tâm truyền máu khu vực vượt chỉ tiêu quy định về Tỷ lệ người hiến máu nhắc lại; Tỷ lệ người hiến máu tình nguyện; Tỷ lệ dân số hiến máu tình nguyện

Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét tặng Bằng khen.

Điều 13. Khen thưởng đối với các tỉnh ngoài dự án xây dựng 4 Trung tâm truyền máu khu vực, đặc biệt các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía bắc và Tây nguyên đạt 02 chỉ tiêu về Tỷ lệ người hiến máu tình nguyện và tỷ lệ người hiến máu nhắc lại

Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét tặng Bằng khen

Điều 14. Khen thưởng đối với các tỉnh ngoài diện bao phủ của dự án Ngân hàng Thế giới (trừ các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Tây nguyên) đạt đủ 03 chỉ tiêu quy định về Tỷ lệ người hiến máu nhắc lại; Tỷ lệ người hiến máu tình nguyện; Tỷ lệ dân số hiến máu tình nguyện ban hành kèm Quy chế này

Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xem xét tặng Bằng khen.

Điều 15. Khen thưởng đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương 3 năm liên tục vượt chỉ tiêu theo các quy định tại Điều 12, Điều 13 , Điều 14.

Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tặng Bằng khen.

Chương V

THỦ TỤC XÉT TÔN VINH, KHEN THƯỞNG

Điều 16. Các danh hiệu thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo các cấp

1. Hồ sơ đề nghị:

a. Văn bản đề nghị tôn vinh, khen thưởng của đơn vị làm đầu mối.

b. Bản tóm tắt thành tích của tập thể, cá nhân có xác nhận của đơn vị quản lý hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú.

c. Biên bản họp xét tôn vinh, khen thưởng của Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện cấp huyện đối với Hồ sơ đề nghị cấp tỉnh tôn vinh, khen thưởng; Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện cấp tỉnh đối với Hồ sơ đề nghị các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.

2. Tuyến trình:

a. Hồ sơ đề nghị các hình thức tôn vinh thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp huyện được gửi về Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp huyện xem xét tặng.

b. Hồ sơ đề nghị các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh được gửi về Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp huyện để tập hợp đề nghị Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh xem xét tặng.

c. Hồ sơ đề nghị các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện do Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh tập hợp gửi về Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện để xem xét tặng.

Điều 17. Các danh hiệu theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng

Thủ tục, hồ sơ trình, xét khen thưởng các danh hiệu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện theo hướng dẫn của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Chương VI

KINH PHÍ KHEN THƯỞNG

Điều 18. Kinh phí khen thưởng:

Chỉ khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác vận động hiến máu tình nguyện theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 73/2006/TT-BTC ngày 15/08/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng theo Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Yêu cầu tổ chức trao tặng danh hiệu tôn vinh, khen thưởng

1. Việc công bố, trao tặng các danh hiệu tôn vinh, khen thưởng phải tổ chức trang trọng, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, tránh những biểu hiện phô trương hình thức, lãng phí.

2. Cấp ra Quyết định chịu trách nhiệm in ấn Giấy khen và Bằng khen. Cấp ra quyết định tôn vinh, khen thưởng trao tặng hoặc ủy quyền cho cấp dưới tổ chức trao tặng.

3. Nghi thức trao tặng thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

Điều 20. Địa điểm tổ chức tôn vinh, khen tưởng

1. Để kịp thời động viên người vận động và người hiến máu, lễ trao tặng có thể được tổ chức tại những nơi có quy mô nhỏ, trung bình hoặc ở những Hội nghị có quy mô lớn.

2. Tùy thuộc vào đơn vị tổ chức, hình thức sinh hoạt và đối tượng tham gia, buổi lễ tôn vinh khen thưởng có quy mô khác nhau được tổ chức tại những địa điểm khác nhau.

a) Hoạt động quy mô nhỏ:

- Sinh hoạt đội, nhóm.

- Giao lưu, họp mặt, tọa đàm.

- Các loại hình Câu lạc bộ người hiến máu.

- Các buổi mít tinh tuyên truyền, vận động.

b) Hoạt động quy mô trung bình:

- Các ngày hội hiến máu.

- Sơ kết hoạt động.

- Buổi trình diễn văn nghệ.

c) Hoạt động quy mô lớn:

- Hội nghị tổng kết công tác.

- Hội nghị khu vực.

- Hội nghị toàn quốc.

- Lễ Kỷ niệm ngày thành lập các ban ngành, đoàn thể: Ngày học sinh, sinh viên 9/1; Ngày Thầy thuốc Việt nam 27/2; ngày Thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3; Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10; Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10; Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 23/11…

- Các ngày lễ quốc tế như Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; Ngày thành lập Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế 8/5.

d. Hoạt động có quy mô lớn nhất:

- Ngày Toàn dân tham gia hiến máu 7/4 (Ngày sức khỏe Thế giới 7/4).

- Ngày Thế giới tôn vinh những người hiến máu 14/6.

Điều 21. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện các cấp có trách nhiệm:

a) Đánh giá, nhận xét đúng thành tích hiến máu và thành tích vận động. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của Hồ sơ do mình đề xuất.

b) Rà soát, đối chiếu đúng đối tượng đề nghị tôn vinh, khen thưởng, bảo đảm không trùng lắp về đối tượng đối với các hình thức tôn vinh, khen thưởng.

c) Thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền những tấm gương điển hình trong công tác vận động và hiến máu tình nguyện.

d) Tổ chức tốt và kịp thời các buổi lễ trao tặng.

2. Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện có trách nhiệm:

a. Ban hành Mẫu các danh hiệu tôn vinh (kích thước, màu sắc, nội dung) thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo các cấp để thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

b. Hướng dẫn thực hiện Quy chế này.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Quy chế này gồm có 8 chương và 22 điều. Trong quá trình thực hiện nếu có những nội dung, điều khoản nào trong Quy chế này chưa phù hợp, các thành viên của Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện cấp tỉnh đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.

 

PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Quyết định số 139/QĐ-BCĐQG ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện)

A. 22 tỉnh, thành phố trong dự án xây dựng 4 Trung tâm truyền máu khu vực:

1. Trung tâm truyền máu khu vực Hà Nội, bao gồm: Hà Nội (gồm cả Hà Tây cũ). Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nam.

2. Trung tâm truyền máu khu vực Huế, bao gồm: Thành phố Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Đà Nẵng.

3. Trung tâm truyền máu khu vực Chợ Rẫy, bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.

4. Trung tâm truyền máu khu vực Cần Thơ, bao gồm: Thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang và Vĩnh Long.

B. 41 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không thuộc diện bao phủ của dự án xây dựng 4 Trung tâm truyền máu khu vực (Hà Nội, Huế, Chợ Rẫy và thành phố Cần Thơ). Trong 41 tỉnh này có một số tỉnh thuộc miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có nhiều khó khăn.

1. Phía Bắc: Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn.

2. Tây Nguyên: Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng.

C. Bảng chỉ tiêu:

TT

Năm

Chỉ tiêu năm

Tỷ lệ người cho máu nhắc lại

Tỷ lệ người hiến máu tình nguyện

Tỷ lệ dân số hiến máu

1

2009

35%

75%

0,70%

2

2010

40%

80%

0,75%

3

2011

45%

85%

0,80%

4

2012

50%

90%

0,85%

5

2013

55%

95%

0,90%

6

2014

60%

100%

0,95%

7

2015

60%

100%

1,00%

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 139/QĐ-BCĐQG năm 2009 về Quy chế Tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện do Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện ban hành

  • Số hiệu: 139/QĐ-BCĐQG
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/05/2009
  • Nơi ban hành: Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện
  • Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/05/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 15/09/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản