Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 138/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 12 tháng 01 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2011-2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Quảng cáo số 39/2001/PL-UBTVQH10 ngày 16/11/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo;

Căn cứ Quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 11/7/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ lập Đề án Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 1961/SVHTTDL-NVVH ngày 08 tháng 12 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, theo các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Mục tiêu chung:

Quy hoạch hệ thống quảng cáo trực quan ngoài trời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, quảng cáo ngoài trời theo đúng quy định, góp phần phục vụ đắc lực công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, phục vụ dân sinh; đồng thời tạo cảnh quan đẹp cho các đô thị và quảng bá phát triển du lịch.

Xác định cụ thể vị trí đất đai, không gian sử dụng, quy mô, hình thức và nội dung của các cụm bảng quảng cáo trên các tuyến quốc lộ, vị trí treo băng zôn, trạm bảng tin, quảng cáo rao vặt và các hình thức quảng cáo ngoài trời khác; trên cơ sở đó trình cấp có thẩm quyền giao quyền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất sử dụng lâu dài, phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch vùng, lĩnh vực và quy mô phát triển đô thị; không phá vỡ kiến trúc cảnh quan và không gian đô thị, đáp ứng nhu cầu giao lưu, hội nhập và phát triển; tiếp cận và áp dụng công nghệ quảng cáo tiên tiến hiện đại, tương xứng và phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với đặc điểm dân cư, phong tục, tập quán của từng địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Xây dựng hệ thống bảng cổ động trực quan:

* Giai đoạn 2011 - 2015:

- Rà soát hệ thống bảng cổ động trực quan, băng - zôn, trạm bảng tin, bảng hộp đèn trên cột điện và dải phân cách các hình thức quảng cáo ngoài trời khác, phục vụ công tác tuyên truyền đã có ở các trung tâm (thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ...) để điều chỉnh cho phù hợp với Quy hoạch.

- Xây dựng mới hệ thống bảng cổ động trực quan ở trung tâm thành phố Thanh Hóa dọc Đại lộ Lê Lợi, đường Quốc lộ 1A phần đi qua thành phố Thanh Hóa, Khu đô thị mới phía Đông, phía Tây và từ cửa ô của thành phố đi trung tâm các huyện, thị xã.

- Xây dựng hệ thống bảng hộp đèn trên dải phân cách và trên cột điện tại trục đường Đại lộ Lê Lợi và tuyến Quốc lộ 1A đi qua thành phố Thanh Hóa.

- Xây dựng các bảng cổ động trực quan, trạm bảng tin, theo các đường chính của cấp xã, phường, thôn, khu dân cư.

- Xây dựng 03 bảng cổ động trực quan tuyên truyền có nội dung tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, thương mại tại 03 điểm giáp ranh các tỉnh: Nghệ An, Ninh Bình, Hòa Bình (kinh phí lấy từ nguồn ngân sách).

* Giai đoạn 2016 - 2020:

- Thực hiện hệ thống bảng cổ động trực quan tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị dọc theo các tuyến đường mới, các khu đô thị mới hình thành.

- Tiếp cận và đưa công nghệ tuyên truyền hiện đại và nâng cấp các bảng cổ động trực quan, phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị.

- Xây dựng các bảng cổ động trực quan đồng bộ, đúng quy định, kích thước, kiểu dáng, an toàn, mỹ quan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

2.2. Xây dựng hệ thống bảng quảng cáo ngoài trời:

* Giai đoạn 2011 - 2015:

- Giữ nguyên hiện trạng các bảng tấm lớn đã cấp giấy phép, hàng năm, trong quá trình gia hạn sẽ thực hiện điều chỉnh về vị trí, diện tích, khoảng cách giữa các bảng theo quy hoạch được duyệt.

- Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, tiếp tục cấp phép và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư bảng tấm lớn dọc theo tuyến Quốc lộ 1A, Đường Hồ Chí Minh và các trục đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, các giao lộ thu hút các doanh nghiệp quảng cáo.

- Xây dựng hệ thống quảng cáo bảng hộp đèn tại dải phân cách một số tuyến đường, tuyến phố thuộc thành phố Thanh Hóa và tại trung tâm một số huyện.

- Xây dựng Bảng quảng cáo bảng điện tử (LED) tại Trung tâm Thành phố, Khu đô thị phía Bắc, Khu đô thị phía Nam, Quảng trường Lê Lợi và một số vị trí thuận lợi khác.

- Bảng quảng cáo (dưới 40m2) được thực hiện tại siêu thị, giao lộ, trung tâm thương mại, một số tuyến đường nội thị.

- Thực hiện xây dựng quy hoạch chi tiết theo phương thức xã hội hóa các điểm treo băng zôn trong nội thành thành phố Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn, Bỉm Sơn và một số trung tâm huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Quảng cáo rao vặt được thực hiện theo phương thức xã hội hóa tại các điểm nhạy cảm thu hút cao độ sự quan tâm của công chúng như: Tại khu vực nhà văn hóa, khu vực các nút, điểm giao thông, khu vực chợ đầu mối...

* Giai đoạn 2016 - 2020:

- Hoàn chỉnh toàn tuyến Quốc lộ 1A toàn bộ hệ thống bảng quảng cáo tấm lớn đúng kích thước theo quy hoạch, bảo đảm mỗi bảng quảng cáo là một công trình đầu tư khai thác trong nhiều năm.

- Hoàn thiện và thực hiện quy hoạch đường Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và một số tuyến đường thu hút được hiệu quả quảng cáo cao, đưa công nghệ quảng cáo hiện đại, tiên tiến vào lắp đặt và vận hành.

- Đưa công nghệ quảng cáo mới (hình ảnh cuộn, thay hình, quảng cáo di động) vào các bảng quảng cáo tấm lớn.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Nguyên tắc quy hoạch tuyên truyền cổ động trực quan, quảng cáo ngoài trời.

- Việc xen lẫn tuyên truyền cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị với quảng cáo ngoài trời trên cùng một diện tích, phải có nội dung phù hợp và được phép của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.

- Ưu tiên các vị trí tốt nhất (lưu lượng người đi, các đầu mối giao thông, các giao lộ, điểm tiếp giáp với các tỉnh bạn, không được che khuất tầm nhìn, ảnh hưởng đến an toàn giao thông) cho việc tuyên truyền cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị.

- Thực hiện việc tuyên truyền cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị - quảng cáo ngoài trời ở những vị trí thích hợp đã quy hoạch, không làm ảnh hưởng xấu đến mỹ quan khu dân cư, đô thị; phải đạt được hiệu quả tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và hiệu quả kinh tế khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo giới thiệu sản phẩm.

- Đảm bảo tính kế thừa, duy trì hệ thống tuyên truyền cổ động trực quan, quảng cáo ngoài trời hiện tại đã được cấp phép. Việc gia hạn, cấp mới giấy phép thực hiện quảng cáo sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với nội dung quy hoạch và theo lộ trình thích hợp.

2. Đối tượng:

- Hệ thống bảng cổ động trực quan, băng zôn, bảng hộp đèn trên dải phân cách và trên cột điện, trạm bảng tin phục vụ nhiệm vụ chính trị.

- Bảng quảng cáo tấm lớn, bảng quảng cáo tấm nhỏ.

- Băng zôn.

- Quảng cáo bảng hộp đèn.

- Bảng hộp đèn dải phân cách, trên cột điện.

- Quảng cáo tại các sạp báo, nhà chờ xe buýt, điểm bán vé xe buýt và cabin điện thoại công cộng.

- Quảng cáo bằng bảng điện tử Led.

- Các hình thức bảng quảng cáo áp tường nhà.

- Các loại hình quảng cáo ngoài trời khác.

3. Phạm vi: Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa:

- Các trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, thôn, khu dân cư.

- Các trục đường chính cấp quốc gia đi qua địa bàn tỉnh cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, thôn, khu dân cư.

- Các cụm, khu công nghiệp hiện có và dự kiến trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Hệ thống các nhà văn hóa từ tỉnh đến khu dân cư.

- Các khu đô thị cũ, mới và một số điểm thích hợp tại một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhà dân có nhu cầu.

4. Địa điểm, hình thức, phương tiện không được phép quảng cáo:

Ngoài những địa điểm, hình thức, phương tiện đã được quy định tại Pháp lệnh Quảng cáo và Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ và Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT ngày 16/7/2003 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo không được:

- Quảng cáo ngoài trời tại các trường học, bệnh viện;

- Trên nóc nhà, mái nhà, mặt nước hồ ở khu đô thị;

- Phát tán các loại tờ rơi, tờ gấp trên đường phố;

- Dán tờ rơi, áp phích, in số điện thoại trên tường nhà, tường rào, trên cây...

5. Các hoạt động quảng cáo không cần giấy phép:

- Quảng cáo trên dù che, xe đẩy, thùng hàng, cờ dây, trong siêu thị, trung tâm thương mại, cao ốc, văn phòng. Phải tuân theo quy định của pháp luật và pháp luật về quảng cáo đảm bảo các điều kiện sau:

+ Quảng cáo trên các loại xe đẩy, thùng hàng trên xe không được dùng âm thanh để quảng cáo (Bằng lời nói trực tiếp hoặc bằng cassette thu âm, phát các bản nhạc).

+ Các loại dù che, cờ dây, tờ rơi, mẫu giới thiệu sản phẩm chỉ được đặt trong khuôn viên của nơi kinh doanh, địa điểm tổ chức.

- Quảng cáo rao vặt:

+ Quảng cáo trong các cuộc liên hoan, hội nghị, hội thảo, biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa hoặc các chương trình vui chơi giải trí thực hiện theo quy định tại: Điều 13 Pháp lệnh quảng cáo, Điều 13 Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết ban hành Pháp lệnh quảng cáo khoản 9 mục II Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT ngày 16/7/2003 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2003/NĐ-CP của Chính phủ và khoản 4 Thông tư số 79/2005/TT-BVHTT ngày 8/12/2005 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sửa đổi bổ sung một số quy định của Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT ngày 16/7/2003.

6. Quy định đối với biển hiệu: Biển hiệu được đặt tại trụ sở, nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân hình thức nội dung thể hiện và vị trí đặt biển hiệu phải tuân theo đúng quy định tại Điều 22 Chương VI Quy chế hoạt động Văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ và tuân theo các quy định sau:

- Trên biển hiệu chỉ được thể hiện Logo (Biểu tượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, không được quảng cáo bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào. Biểu tượng không được vượt quá 1/4 diện tích biển hiệu).

- Kích thước biển hiệu: Chiều cao tối đa 1,5m chiều dài không được vượt quá chiều ngang của mặt tiền công trình.

- Số lượng biển hiệu: Mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng, trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập. Với tổ chức, cá nhân khác chỉ được đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc. Đối với cao ốc văn phòng có nhiều cơ quan, tổ chức đặt văn phòng thì mỗi cơ quan tổ chức chỉ được đặt một biển hiệu.

- Vị trí đặt biển: Biển hiệu chỉ được viết đặt sát cổng hoặc mặt trước của trụ sở, nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Biển hiệu phải được đặt ốp sát vào ban công tầng một hoặc trên mái hiên (đối với tầng trệt, mép dưới của biển hiệu đặt trùng với mép dưới của sân ban công tầng một hoặc mái hiên. Biển hiệu và thiết bị chiếu sáng không được lấn chiếm không gian công cộng và không được đặt trên vỉa hè).

- Đối với cao ốc có nhiều cơ quan, tổ chức đặt văn phòng thì khu vực đặt biển hiệu của cơ quan tổ chức nằm trong khuôn viên của cao ốc kích thước và vị trí đặt biển hiệu do đơn vị quản lí cao ốc quy định nhưng phải đảm bảo mĩ quan, an toàn.

7. Xây dựng hệ thống quảng cáo cổ động trực quan:

* Bảng cổ động trực quan:

+ Địa điểm:

- Tại các tuyến đường quốc lộ, liên tỉnh, liên huyện, liên xã và một số vị trí thuận lợi phát huy hiệu quả trong nội thành thành phố Thanh Hóa và trung tâm các huyện, thị, xã, phường, thị trấn, thị tứ. Khu vực ngoài hành lang các tuyến đường: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường liên tỉnh, liên huyện đã được chấm điểm quy hoạch.

- Trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ giáp ranh với tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Ninh Bình.

- Khu vực nhà văn hóa, trung tâm huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn, thị tứ.

+ Nội dung:

- Tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước và tỉnh.

- Thực hiện quảng cáo ngoài trời được thỏa thuận giữa đơn vị thực hiện quảng cáo với cơ quan quản lý bảng nhưng không quá 50% diện tích trên cùng một mặt bảng.

+ Kích thước: Diện tích mặt bảng được quy định từ 60m2/mặt đến 200m2/mặt với kích thước: 12m (dài) x 5m (rộng) hoặc 15m (dài) x 8m (rộng) hoặc 20m (dài) x 10m (rộng).

+ Chất liệu: Khung sắt hoặc inox, hoặc bê tông, mặt bạt.

+ Thời gian: Theo từng đợt phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền cổ động.

+ Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa.

- Chiều cao được thiết kế phù hợp với vị trí dựng bảng sau khảo sát và được cấp phép tối đa không quá 25m (So với mặt đường).

+ Kiểu dáng của bảng: Bảng có 01 cột trụ tròn bọc thép chống rỉ và có hệ thống chiếu sáng tiêu chuẩn với chế độ bật tự động từ 19h0' đến 23h30' hàng ngày (nếu có nhu cầu).

* Băng zôn:

+ Địa điểm:

- Đường phố, trung tâm huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn, thị tứ. (Được phép treo ngang qua đường giao thông).

- Trụ sở các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp và các doanh nghiệp.

+ Nội dung: Tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh.

+ Kích thước: 8,0m (dài) x 1,0m (rộng) hoặc 5,0m (dài) x 1,0m (rộng).

+ Chất liệu: Vải hoặc bạt in màu đỏ.

+ Thời gian: Theo từng đợt phục vụ nhiệm vụ chính trị.

+ Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước.

* Bảng hộp đèn trên dải phân cách và trên cột điện:

+ Địa điểm: Khu vực có vị trí thuận lợi nhất trên các trục đường chính liên tỉnh, liên huyện, liên xã.

+ Nội dung:

- Tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước và tỉnh.

- Thực hiện quảng cáo ngoài trời theo hình thức xã hội hóa phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhưng không quá 80% thời gian dành cho quảng cáo ngoài trời hoặc không quá 30% diện tích mặt bảng hộp đèn cho cả hai mặt bảng hộp đèn.

+ Kích thước:

- Diện tích bảng hộp đèn trên dải phân cách, trên cột điện được thống nhất theo kích thước quy định phù hợp trên một trục đường phải đảm bảo thẩm mĩ, an toàn giao thông.

- Bảng hộp đèn trên cột điện thống nhất kích thước chuẩn là 1,5m (dài) x 0,7m (cao) x 0,2m (rộng). Chiều cao của bảng hộp đèn tính từ mặt đường đến mép dưới của bảng hộp đèn phải phù hợp với địa hình, đảm bảo thẩm mỹ, an toàn giao thông.

+ Chất liệu:

- Khung sắt, inox, bạt...

+ Thời gian: Theo từng đợt phục vụ nhiệm vụ chính trị và thời gian quảng cáo ngoài trời theo quy định của pháp luật.

+ Nguồn vốn: Xã hội hóa.

* Trạm bảng tin:

+ Địa điểm:

- Trung tâm các xã, phường, thị trấn, thị tứ.

- Cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.

- Khu vực có vị trí thuận lợi nhất của nhà văn hóa huyện, xã, phường, thôn, khu dân cư.

+ Nội dung:

- Tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh.

- Thực hiện quảng cáo ngoài trời theo thỏa thuận bằng văn bản giữa đơn vị thực hiện quảng cáo với đơn vị quản lý trạm, bảng tin nhưng không quá 20% diện tích 01 mặt.

* Kích thước:

Diện tích mặt bảng tin 15,0m2 tỉ lệ 5,0m (cao) x 3,0m (dài) hoặc 4,5m2 tỉ lệ 3m (cao) x 1,5m (dài) chiều cao của bảng tin thiết kế phù hợp với địa hình.

+ Chất liệu:

- Bê tông, xây gạch, mái ngói.

- Khung sắt, inox, mái tôn.

+ Thời gian: Theo từng đợt phục vụ nhiệm vụ chính trị và thời gian quảng cáo ngoài trời theo quy định của pháp luật.

+ Nguồn vốn: Xã hội hóa.

8. Xây dựng hệ thống quảng cáo ngoài trời:

8.1. Quảng cáo bảng tấm lớn:

* Thống nhất kiểu dáng:

- Bảng quảng cáo tấm lớn có một trụ.

- Đảm bảo tiêu chí mỹ thuật, với sự đảm bảo của hệ thống kết cấu có tính toán kỹ lưỡng (bảng tính kết cấu) về sự chịu lực của bảng với các tác động bên ngoài (như tác động gió, tải trọng tự thân).

Diện tích chiếm đất nhỏ nhất về thân trụ cũng như giải pháp móng đem lại hiệu quả kinh tế và diện tích chiếm đất.

* Diện tích bảng quảng cáo:

- Trong khu vực đường liên tỉnh, cao tốc diện tích mặt bảng tối đa cho phép là 200m2 với tỷ lệ mặt bảng là 20m (dài) x 10m (cao) (chiều dài mặt bảng bằng 2 lần chiều cao mặt bảng).

- Tại các tuyến đường liên huyện hoặc tuyến đường liên xã diện tích mặt bảng tối đa cho phép 120m2 với tỉ lệ bảng là 15m (dài) x 8m (cao) (chiều dài bảng tỉ lệ với chiều cao mặt bảng).

- Tại các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp mỗi doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đặt một vị trí bảng quảng cáo cho sản phẩm theo đúng đăng ký kinh doanh. Diện tích mặt bảng tối đa cho phép 120m2 với tỉ lệ bảng 15m (dài) x 8m (cao).

- Diện tích bảng được tính toán và đưa ra tiêu chuẩn dựa trên thực tế các bảng quảng cáo đang có trên trong từng khu vực cũng như đặc điểm vị trí địa lí, mật độ tham gia giao thông của các phương tiện, sự tương tác của các kiến trúc khác với bảng quảng cáo.

- Việc đưa ra một diện tích mặt bảng đồng nhất trên từ khu vực vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, vừa đảm bảo lượng thông tin quảng cáo, đồng thời quản lý dễ dàng trong việc cấp phép...

- Chiều cao chân cột (tính từ cốt mặt đường đến mép dưới của bảng):

- Tại các tuyến đường liên tỉnh, cao tốc chiều cao thân cột bảng quảng cáo được phép dựng tối đa là: 15m.

- Tại các tuyến đường liên huyện hoặc tuyến đường liên xã chiều cao thân cột bảng quảng cáo được phép dựng tối đa là: 10m.

- Tại các vị trí trong Khu công nghiệp, cụm công nghiệp chiều cao thân cột bảng quảng cáo được phép dựng tối đa là: 10m.

- Chiều cao đề xuất trên cũng được tính toán và đưa ra tiêu chuẩn dựa vào thực tế các bảng quảng cáo đang có trên trong từng khu vực.

- Dựa trên cơ sở tính toán về trường nhìn của mắt người, góc nhìn tốt nhất đối với mắt người trong một trường bình thường là 27 độ nhìn thẳng, và 60 độ với khoảng cách lớn, nhìn xiên (từ lề đường bên này qua lề đường bên kia) đề án đã đề xuất chiều cao chân cột như trên. (Vì tại mỗi khu vực và điểm nhìn có trường nhìn khác nhau do bị ảnh hưởng của vật cản, hiện trạng khu vực, các đoạn đường cong nên đề xuất trong đề án là đề xuất chung nhất để đảm bảo các yếu tố nêu trên).

* Khoảng cách giữa hai bảng:

- Khoảng cách giữa hai bảng quảng cáo tấm lớn liên tiếp tại các tuyến đường là từ 150m -> 300m:

- Việc đưa ra 1 tiêu chuẩn như trên về khoảng cách giữa các bảng quảng cáo tại các tuyến đường cao tốc là để đảm bảo về tính mỹ quan đô thị, tính hiệu quả thông tin quảng cáo và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý cấp phép quảng cáo.

- Cũng như các tiêu chí khi đề xuất chiều cao cho bảng tại các tuyến đường, khoảng cách đề xuất đảm bảo tầm nhìn tốt nhất cho người tham gia giao thông và các phương tiện tham gia giao thông, các bảng quảng cáo vẫn đạt được hiệu quả nhất định.

* Tiêu chí về việc đặt bảng:

- Khoảng cách của bảng phải cách mép chỉ giới đường đỏ là 25m. Khoảng cách được tính toán và đề xuất dựa trên việc đề xuất diện tích mặt bảng, chiều cao bảng, để đảm bảo về thông tin quảng cáo và an toàn giao thông cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, và không tách rời việc đảm bảo mỹ quan đô thị.

* Vị trí đặt bảng quảng cáo:

- Vị trí đặt bảng quảng cáo tấm lớn được thực hiện theo đúng điểm đã được quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt.

- Đối với các vị trí không nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt nhưng các doanh nghiệp vẫn đảm bảo các tiêu chí về bảng tấm lớn thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của các cấp có thẩm quyền.

8.2. Băng zôn:

* Địa điểm:

- Chỉ được treo từ mái hiên trở vào đối với cửa hàng, cửa hiệu hoặc trong khuôn viên diễn ra liên hoan, hội nghị, hội thảo, hội chợ, khai trương, chiêu sinh, khuyến mãi, trưng bày, triển lãm, giới thiệu hàng hóa, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí.

- Đối với cửa hàng, cửa hiệu được treo không quá 02 (hai) băng rôn trong một đợt quảng cáo.

- Trên vỉa hè, dải phân cách phải treo đúng vào các vị trí đã quy hoạch đã được phê duyệt.

* Nội dung:

- Giới thiệu sản phẩm hàng hóa, chương trình khuyến mại, tuyển sinh và các nội dung pháp luật không cấm.

- Chỉ được quảng cáo cho các cuộc liên hoan, hội nghị, hội thảo, hội chợ, khai trương, chiêu sinh khuyến mãi, trưng bày, triển lãm, giới thiệu hàng hóa, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí... và các nội dung mà pháp luật không cấm.

- Nội dung băng rôn phải ghi rõ tên đơn vị tổ chức thực hiện, số giấy phép, thời hạn treo.

* Kích thước: Băng zôn: 8,0m x 1,0m hoặc 5,0 x 1,0m.

* Chất liệu: Vải màu, bạt phun sơn.

* Thời gian: Theo quy định của pháp luật.

* Nguồn vốn: Đơn vị xin phép thực hiện quảng cáo.

8.3. Bảng bạt thả, bảng gắn khung, bảng hộp chuyển hình, bảng đèn Neon Sign, bảng nan chớp lật (Trivision) và các hình thức tương tự bằng hình thức áp tường nhà.

* Địa điểm: Đối với bảng quảng cáo đặt tại các công trình, nhà ở trong thành phố, trung tâm huyện, thị.

* Nội dung: Giới thiệu sản phẩm hàng hóa, chương trình khuyến mại và các nội dung pháp luật không cấm.

* Kích thước:

- Chiều cao bảng không quá 06m, chiều dài bảng không vượt quá giới hạn mặt tường tại vị trí đặt bảng.

- Đối với công trình nhà 05 tầng trở xuống (không kể tum) phải ốp mặt tường bên hông nhà chiều cao của bảng không được nhô lên quá sàn mái là 1,5m.

- Đối với công trình, nhà ở 05 tầng trở lên thì phải ốp toàn bộ vào mặt tường bên hông.

* Chất liệu: Khung sắt chống rỉ hoặc inox, mặt bạt phun sơn hoặc gỗ, sắt, tôn.

* Thời gian: Theo quy định của pháp luật.

* Nguồn vốn: Đơn vị xin phép thực hiện quảng cáo.

8.4. Quảng cáo bằng màn hình điện tử LED, Pano night vision:

* Địa điểm: Các vị trí đã được quy hoạch tại tuyến đường chính thuộc trung tâm các huyện, thành phố.

* Nội dung:

- 30% thời lượng phát hình cho tuyên truyền cổ động trực quan trong các ngày lễ lớn của đất nước và tỉnh.

- Giới thiệu sản phẩm hàng hóa.

* Hình thức bảng:

- Bảng một cột.

- Chiều cao từ mặt đường đến mép trên của biển tối đa không được vượt quá 20m

- Diện tích bảng 60m2.

* Thời gian: Theo quy định của pháp luật.

* Âm thanh: Chỉ được phát hình không phát tiếng.

* Nguồn vốn:

+ Ngân sách nhà nước, xã hội hóa.

+ Nếu tư nhân tham gia thì số vốn góp 30%, nhà nước 70%; nếu liên doanh 50/50 theo tổng giá trị dựng màn hình điện tử.

(Đối với hình thức Quảng cáo bằng màn hình Tivi, LCD. Các vị trí đặt, nội dung phát hình phải được chấp thuận và cho phép của các cấp có thẩm quyền).

8.5. Quảng cáo tại các sạp bán báo, nhà chờ xe buýt, điểm bán vé xe buýt, cabin điện thoại công cộng:

* Địa điểm.

- Các vị trí hiện có trong thành phố, thị trấn, thị tứ....

- Không được quảng cáo trên nóc sạp bán báo, nhà chờ xe buýt, nóc điểm bán vé xe buýt, nóc cabin điện thoại công cộng.

* Nội dung: Giới thiệu sản phẩm hàng hóa.

* Kích thước: Diện tích dành cho quảng cáo không được vượt quá diện tích bề mặt của sạp bán báo, nhà chờ xe buýt, cabin điện thoại công cộng.

* Chất liệu: Vẽ trên tôn, sơn, bạt phun hoặc chất liệu khác.

* Thời gian: Theo quy định của pháp luật.

* Nguồn vốn: Đơn vị xin phép thực hiện quảng cáo.

8.6. Quảng cáo tại dải phân cách - trên cột điện:

* Địa điểm:

- Tại các điểm theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

- Cách tối thiểu 60m được lắp dựng một bảng hộp đèn.

- Chiều ngang tối đa của bảng hộp đèn không được vượt quá chiều ngang của dải phân cách.

- Bảng hộp đèn đặt tại thân cột chiếu sáng phải đảm bảo đúng quy định về hành lang an toàn giao thông.

* Nội dung: Giới thiệu sản phẩm hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm

* Kích thước:

- Diện tích bảng hộp đèn được thống nhất một kích thước trên một trục đường đối với bảng hộp đèn trên dải phân cách đảm bảo thẩm mĩ, an toàn giao thông.

- Bảng hộp đèn trên cột điện thống nhất kích thước chuẩn là 1,5m (dài) x 0,7m (cao) x 0,2m (dầy). Chiều cao của bảng hộp đèn so với mặt đường phải phù hợp với địa hình đảm bảo thẩm mỹ, an toàn giao thông.

* Chất liệu: Bảng hộp khung sắt, Inox, bạt...

* Thời gian: Theo quy định của pháp luật.

* Nguồn vốn: Đơn vị xin phép thực hiện quảng cáo.

8.7. Quảng cáo trên các vật đặc biệt, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước: Phải chấp hành các quy định pháp luật về quảng cáo; đảm bảo an toàn và cảnh quan môi trường.

9. Thiết kế mẫu:

- Mục đích: Tạo bộ mẫu cho tất cả các loại hình quảng cáo đảm bảo tính thống nhất, bản sắc dân tộc, phát huy có hiệu quả.

- Phương pháp: Kế thừa những mô hình đã và đang được triển khai có kết quả để thiết kế bảng, bảng mẫu cho các khu vực của tỉnh (đặc biệt là khu vực nhạy cảm).

- Phụ lục kèm theo, gồm 2 loại hình:

+ Loại hình không cấp giấy phép;

+ Loại hình cấp giấy phép.

10. Lập sơ đồ quy hoạch tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời:

- Lập sơ đồ quy hoạch bảng cổ động trực quan, quảng cáo ngoài trời, băng zôn, bảng hộp đèn trên dải phân cách trên cột đèn, trạm bản tin tuyên truyền cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị của huyện, thành phố, phường, xã, thị trấn, thị tứ, thôn, làng, khu dân cư.

- Lập sơ đồ quy hoạch bảng, băng zôn quảng cáo ngoài trời của trung tâm thành phố, phường, xã, thị trấn.

- Các tuyến đường đã hoàn chỉnh, lập sơ đồ xác định vị trí đã có bảng tuyên truyền quảng cáo hiện tại, vị trí quy hoạch cho dựng bảng; sơ đồ các bảng không nằm trong quy hoạch (để có hướng giải quyết hợp lý).

- Tại các nơi đã được quy hoạch nhưng chưa hoàn thành thi công, cần xác định quy mô, tính nguyên tắc để xây dựng các vị trí dựng bảng quảng cáo ngoài trời.

- Tại các tuyến đường nội thành, nội thị, trong quá trình xây dựng quy hoạch không chấm điểm cố định mà đề ra nguyên tắc để xác định vị trí, quy mô dựng bảng sao cho phù hợp với cảnh quan đô thị.

- Tại các khu công nghiệp, quy hoạch tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời được thực hiện theo hướng xác định vị trí bảng quảng cáo ngoài trời, hệ thống bảng chỉ dẫn nội bộ.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về tuyên truyền:

- Tiếp tục tuyên truyền phổ biến Pháp lệnh Quảng cáo và các văn bản pháp luật có liên quan để cá nhân, tổ chức hiểu được lợi ích đối với đời sống xã hội trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Công khai Quy hoạch tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời đã được UBND tỉnh phê duyệt; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền cổ động trực quan, quảng cáo ngoài trời nắm bắt những nội dung chủ yếu của quy hoạch: Khu vực dựng bảng, cơ chế chính sách, kích thước các loại bảng... để thực thi có hiệu quả.

2. Đào tạo nâng cao nguồn nhân lực:

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chương trình về đường lối, chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nghiệp vụ tuyên truyền cổ động cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp quảng cáo.

- Cử cán bộ đi tập huấn tập trung ở một số trung tâm đào tạo chuyên ngành về quản lý, tuyên truyền, quảng cáo.

3. Cơ chế huy động vốn:

3.1. Đối với bảng cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị:

Xác định nhu cầu vốn đầu tư cho quảng cáo tuyên truyền cổ động và quảng cáo ngoài trời để phân cấp nguồn vốn, phân kỳ đầu tư chia làm ba giai đoạn (Chủ yếu hai giai đoạn 2011-2013 và 2013-2015, giai đoạn từ 2016-2020 chỉ là định hướng).

Giai đoạn I: Từ 2011 - 2013:

Bảng tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn thành phố: 7 vị trí

Bảng tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn huyện thị: 48 vị trí

Giai đoạn II: Từ 2013 - 2015:

Bảng tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn thành phố: 10 vị trí

Bảng tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn huyện thị: 68 vị trí

Giai đoạn III: Từ 2016 - 2020

Bảng tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn thành phố: 8 vị trí

Bảng tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn huyện thị: 85 vị trí.

3.2. Đối với bảng tấm lớn:

- Các bảng tấm lớn thường xuyên tuyên truyền cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị hàng năm Nhà nước bỏ kinh phí xây dựng 100%.

- Các bảng tấm lớn còn lại cho phép tổ chức, cá nhân đầu tư 100% kinh phí xây dựng, được hưởng quyền lợi ưu đãi và trách nhiệm như sau:

+ Ưu đãi về giá thuê đất; thời hạn thuê đất từ 05 năm đến 50 năm.

+ Trách nhiệm: Ngoài thời lượng thực hiện quảng cáo đã được cấp giấy phép. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Nhà nước khi có yêu cầu (gồm các ngày lễ, tết, sự kiện chính trị tối đa không quá 15 ngày cho 1 lần tuyên truyền) và hỗ trợ kinh phí in ấn sản phẩm tuyên truyền.

3.3. Đối với quảng cáo ngoài trời tăng nguồn vốn tài trợ và cho phép các tổ chức, cá nhân góp vốn đầu tư cho mục đích phát triển quảng cáo.

3.4. Nhà nước tạo cơ chế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các cột trụ để treo băng - rôn, trạm bảng tin để thực hiện quảng cáo rao vặt như tờ rơi, áp phích.

4. Xác định nhu cầu về đất cho tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời:

- Trên cơ sở xác định cụ thể các vị trí đất đai, quy mô, kích thước, không gian, chất liệu tạo thành hệ thống bảng cổ động trực quan, quảng cáo ngoài trời, băng - rôn, bảng hộp đèn trên dải phân cách và trên cột điện, trạm bảng tin từ tỉnh đến thôn, làng, khu dân cư; để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng bảng cổ động trực quan, quảng cáo tấm lớn tại các tuyến quốc lộ, tuyến đường cao tốc đã được quy hoạch thu hút các nhà đầu tư xây dựng phương tiện quảng cáo hiện đại, lâu dài.

- Về quyền sử dụng đất: Được cấp quyền sử dụng đất (hợp đồng sử dụng đất lâu dài tối đa là 50 năm) để liên doanh, liên kết với các công ty quảng cáo xây dựng bảng tấm lớn.

5. Xây dựng điểm:

- Xây dựng thí điểm 02 bảng tuyên truyền cổ động trực quan quảng cáo tấm lớn ở các vị trí thuận lợi tiếp giáp với tỉnh Nghệ An và Ninh Bình trên tuyến Quốc lộ 1A, bằng nguồn xã hội hóa để phục vụ tuyên truyền và cho các doanh nghiệp khai thác quảng cáo vào các thời điểm thích hợp. Đây là hai bảng tấm lớn làm mẫu theo quy hoạch đã được duyệt.

- Lựa chọn thành phố Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn xây dựng các vị trí bảng quảng cáo tấm lớn với kiểu dáng 02 hoặc 03 mặt với kích thước bảng từ 60m2/mặt đến 120m2/mặt. Xây dựng xã hội hóa các điểm treo băng - rôn, Bảng hộp đèn trên dải phân cách - trên cột điện, trạm bản tin, quảng cáo rao vặt theo đúng những vị trí đã được quy hoạch.

- Lựa chọn mỗi một huyện, thành phố xây dựng một trạm, một bảng tin bằng nguồn vốn xã hội hóa.

6. Xác định vị trí:

+ Đối với các vị trí hiện tại trong quy hoạch.

Các vị trí đã quy hoạch muốn thực hiện quảng cáo chỉ cần sự đồng ý của UBND xã, phường và các thủ tục liên quan tiến hành xin phép.

+ Đối với những vị trí không có trong quy hoạch.

- Trường hợp đối với nhà, đất tư nhân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thì hợp đồng thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo phải có chứng thực của UBND xã, phường đối với hình thức bảng áp tường nhà.

- Trường hợp đối với đất tư nhân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp đồng thuê địa điểm phải được UBND cấp xã, phường xác nhận và phải có sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện, thị xã, thành phố đối với xây dựng bảng quảng cáo.

- Trường hợp đối với nhà đất do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thu quản lý thì hợp đồng thuê địa điểm quảng cáo chỉ cần sự đồng ý của hai bên.

- Trường hợp địa điểm quảng cáo do các Sở, ngành quản lý thì hợp đồng thuê địa điểm quảng cáo phải được thỏa thuận bằng văn bản của Sở, ngành đó.

- Trường hợp địa điểm quảng cáo đặt trên đất nông nghiệp, đất canh tác thì phải có chứng thực của UBND xã, phường và phải được sự đồng ý bằng văn bản của UBND huyện, thị xã, thành phố (được quy định tại khoản 2, Điều 37 Luật Đất đai).

7. Xử lý tồn đọng:

- Đối với hình thức quảng cáo của các tổ chức, cá nhân không có giấy phép (đã hoặc chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền) thì tổ chức cá nhân đó phải tự tổ chức tháo dỡ toàn bộ những hình thức quảng cáo vi phạm. Thời hạn phải tự tháo dỡ căn cứ theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền chậm nhất 45 ngày. Sau thời hạn trên nếu tổ chức cá nhân không tự tháo dỡ Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc UBND cấp huyện ra Quyết định cưỡng chế tiến hành tháo dỡ. Toàn bộ kinh phí sẽ do các tổ chức thực hiện quảng cáo chịu trách nhiệm. Đồng thời cho phép doanh nghiệp được ưu tiên lựa chọn vị trí thuận lợi, nằm trong quy hoạch để doanh nghiệp tiếp tục thực hiện quảng cáo.

- Đối với hình thức quảng cáo có giấy phép thực hiện quảng cáo đã hết hạn hoặc đang trong thời hạn trong giấy phép nhưng vi phạm về kiểu dáng kích thước, tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật và bảng dựng không nằm trong quy hoạch (do cấp phép khi chưa có quy hoạch), các doanh nghiệp quảng cáo được tiếp tục duy trì đến hết thời hạn của giấy phép thực hiện quảng cáo. Tổ chức cá nhân nếu có nhu cầu vẫn tiếp tục quảng cáo sẽ phải tự điều chỉnh lại hình thức quảng cáo theo đúng quy định và các tiêu chí của quy hoạch, trên cơ sở đó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục xem xét cấp giấy phép thực hiện quảng cáo cho tổ chức cá nhân đó.

- Sau 3 năm thực hiện quy hoạch, không còn bảng quảng cáo nằm ngoài quy hoạch.

8. Quản lý nhà nước về cấp phép:

Sau khi Quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch công bố công khai “Quy hoạch quảng cáo ngoài trời tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011 - 2015, định hướng năm 2020” và các chủ trương, cơ chế chính sách trên trang thông tin cơ sở của Sở và các website của tỉnh.

Trên cơ sở đó, căn cứ quy định của pháp luật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép và phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quản lý theo các nội dung sau:

- Quảng cáo bảng tấm lớn.

- Quảng cáo màn hình điện tử LED.

- Quảng cáo trên băng zôn.

- Quảng cáo trên các trạm bảng tin, quảng cáo rao vặt.

- Các bảng quảng cáo áp tường.

- Các hình thức quảng cáo trên dải phân cách, trên cột điện, nhà chờ, bán vé xe buýt, cabin điện thoại công cộng.

- Quảng cáo các lôgô trên các biển hiệu, hộp đèn.

- Một số hình thức quảng cáo khác theo quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các hoạt động quảng cáo, là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh trực tiếp quản lý theo dõi thực hiện quy hoạch. Có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố phổ biến công khai quy hoạch tới các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp giấy phép thực hiện quảng cáo cho các tổ chức, cá nhân tổ chức thực hiện quảng cáo theo đúng Quy hoạch và đúng theo quy định của pháp luật đồng thời gửi bản sao giấy phép thực hiện quảng cáo cho phòng Văn hóa Thông tin huyện, thị xã, thành phố để biết và quản lý công tác quảng cáo ở địa phương.

Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý sai phạm về hoạt động quảng cáo theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Lập biên bản vi phạm hành chính, ra Quyết định xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép, quyết định cưỡng chế tháo dỡ các loại hình quảng cáo sai phạm. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động quảng cáo theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Báo cáo định kỳ với UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo.

2. Các Sở: Xây dựng, Y tế, Nông nghiệp & PTNT: Có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và có văn bản thỏa thuận đúng thời hạn quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT/BVHTT/BYT/BNN/BXD ngày 28/2/2007.

3. Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Công thương: Có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện Quy hoạch Quảng cáo được duyệt, đảm bảo chất lượng và tiến độ.

4. UBND huyện, thị xã, thành phố: Có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, thực hiện các hoạt động quảng cáo trên địa bàn đảm bảo đúng Quy hoạch được duyệt; tổ chức kiểm tra, xử lý sai phạm theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý, cưỡng chế các hoạt động quảng cáo trái phép; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở quản lý chuyên ngành, xây dựng và hướng dẫn thực hiện Quy hoạch quảng cáo được duyệt và các quy định của pháp luật về hoạt động quảng cáo tại địa phương.

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật và mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung Quy hoạch được duyệt tại Quyết định này; chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, thực hiện theo đúng Quy hoạch; định kỳ hàng năm, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc các Sở; Trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Văn Việt

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 138/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 138/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/01/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Vương Văn Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/01/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản