Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 138/2004/QĐ-UB

Đà Nẵng, ngày 18 tháng 8 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH "PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, VĂN HỌC-NGHỆ THUẬT VÀ XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN MINH ĐÔ THỊ PHÙ HỢP VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÀ VỊ THẾ MỚI CỦA ĐÀ NẴNG, GIAI ĐOẠN 2005-2010"

ỦY BAN NHÂN DÂN

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

- Căn cứ Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 19 tháng 11 năm 2003 của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tại công văn số 780-CV/TU ngày 02 tháng 8 năm 2004 v/v ban hành Quyết định thực hiện Chương trình 6;

- Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND thành phố,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình "Phát triển văn hóa, văn học-nghệ thuật và xây dựng nếp sống văn minh đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và vị thế mới của Đà Nẵng, giai đoạn 2005-2010".

Điều 2 : Phân công triển khai Chương trình:

- Sở Văn hóa - Thông tin, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố căn cứ theo sự phân công chủ trì các nội dung trong Chương trình, phối hợp với các cơ quan liên quan để lập phương án, kế hoạch triển khai theo từng giai đoạn, dự kiến các khoản kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, trung ương để đề xuất việc bố trí kế hoạch, đồng thời tiến hành các biện pháp vận động kinh phí từ các nguồn tài trợ trong và ngoài nước.

- Sở Nội vụ phối hợp với Sở Văn hóa- Thông tin lập kế hoạch và triển khai việc kiện toàn bộ máy các cơ quan quản lý và hoạt động văn hóa - nghệ thuật; đào tạo cán bộ quản lý và tài năng trẻ trên lĩnh vực văn hóa, văn học- nghệ thuật.

- Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên- Môi trường phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin và UBND các quận, huyện để thực hiện các quy hoạch, dự án liên quan, lưu ý triển khai sớm việc quy hoạch, xác định mốc giới để bảo vệ các di tích cấp quốc gia và cấp thành phố.

- Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định, đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định việc bố trí kinh phí trong kế hoạch hàng năm và dài hạn đảm bảo thực hiện các nội dung trong Chương trình.

- Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện quán triệt, vận dụng các nội dung của Chương trình trong khi xây dựng các kế hoạch của ngành, của địa phương có liên quan đến công tác phát triến văn hóa, văn học-nghệ thuật và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

- Đề nghị Ủy ban Mật trận Tổ quốc Việt Nam thành phố vận động nhân dân và các đoàn thể thành viên của Mặt trận tích cực hưởng ứng, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4: Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các sở, Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật thành phố, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các quận, huyện căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TVTU, TT HĐND TP (b/c)
- CT, các PCT UBNDTP
- UBMTTQVNTP
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể
- UBND các quận, huyện
- CPVP UBND TP
- Lưu VT, VX, TH.

TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
CHỦ TỊCH




Hoàng Tuấn Anh

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT VÀ XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN MINH ĐÔ THỊ PHÙ HỢP VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ VỊ THẾ MỚI CỦA ĐÀ NẴNG, GIAI ĐOẠN 2005-2010.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 138/2004/QĐ-UB ngày 18 tháng 8 năm 2004 của UBND thành phố Đà Nẵng)

I. VỀ XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN MINH ĐÔ THỊ:

1. Xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại cho cộng đồng dân cư Đà Nẵng:

Mục tiêu:

Xây dựng tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, nhân cách và nếp sống văn minh, hiện đại cho các tầng lớp nhân dân đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng.

Nội dung thực hiện:

- Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người Đà Nẵng theo Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), trong đó nhấn mạnh việc xây dựng bản lĩnh vững vàng, năng động, sáng tạo có ý thức cộng đồng và tinh thần hợp tác, biết kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa Đất Quảng, văn hóa Việt Nam, kết hợp với tiếp thu có chọn lọc văn hóa nhân loại, gắn bó sắt son với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển Đà Nẵng.

- Nhiệm vụ hàng đầu là tuyên truyền giáo dục nhằm chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; duy trì thường xuyên việc học tập tư tưởng đạo đức cách mạng và những chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của con người Xứ Quảng, đặc biệt là học tập đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh trong đảng viên, cán bộ và nhân dân. Chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, đạo đức cho thanh thiếu niên, đặc biệt là sinh viên học sinh.

- Việc xây dựng tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, nhân cách và nếp sống văn minh, hiện đại cho các tầng lớp nhân dân đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng cần được tiến hành đồng bộ, cả ở công sở, trong sinh hoạt cộng đồng và trong gia đình. Đặc biệt đối với cán bộ công chức hiện nay, phải quyết tâm chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, nhũng nhiễu, hách dịch đối với nhân dân theo tinh thần Chỉ thị 11 ngày 20.10.2003 và Nghị quyết 09 ngày 14.4.2004 của Thường vụ Thành ủy.

- Coi trọng việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng và các loại hình văn học nghệ thuật mang tính quần chúng như ca dao, diễn ca, tranh cổ động, triển lãm nhỏ, tiêu phẩm sân khấu, thông tin lưu động... trong việc biểu dương gương "người tốt, việc tốt", phê phán những hiện tượng tiêu cực về đạo đức, lối sống. Xuất bản các tập sách mỏng về gương "người tốt, việc tốt" phổ biến rộng rãi trong dân chúng.

- Có hình thức khen thưởng các gương "người tốt, việc tốt" bằng huy hiệu hoặc bằng khen kèm hiện vật để động viên và nhân rộng trong cộng đồng xã hội.

Thời gian thực hiện: 2005 - 2010

Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa - Thông tin

Đơn vị phối hợp: BCĐ cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố ...

2. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, nếp sống văn minh đô thị:

Mục tiêu:

Nâng cao đời sống tinh thần trong các tầng lớp nhân dân; đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn xã hội, khẳng định các giá trị văn hóa mới phù hợp với lối sống hiện đại không tách rời truyền thống; xây dựng nếp sống văn minh trong đời sống nhân dân.

Nội dung chủ yếu:

- Xây dựng và ban hành các quy chế về nếp sống văn minh trật tự vệ sinh đô thị ở từng điểm công cộng và ở cộng đồng dân cư. Có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng đi đôi với biện pháp hành chính, xử phạt nghiêm, Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và các công trình công cộng đảm bảo thực hiện các quy chế trật tự vệ sinh nơi công cộng.

- Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa; xã, phường văn hóa; công sở văn hóa (cơ quan, nhà máy, công ty, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, chợ...). Từng bước tạo nếp sống lành mạnh, văn minh trong mỗi người dân. Tổ chức thường xuyên các phong trào thi đua thực hiện nếp sống văn minh đô thị, thực hiện các Quy chế về việc cưới, việc tang và lễ hội, chống mọi hành vi lợi dụng các lễ hội để tuyên truyền mê tín dị đoan. Lưu ý chỉ đạo duy trì những nề nếp thường xuyên ở khu dân cư như sinh hoạt tổ dân phố, phong trào vệ sinh sáng Chủ nhật hàng tuần v.v...Gắn các phong trào này với việc thực hiện quy ước, hương ước, nội quy tổ dân phố trên từng địa bàn dân cư.

- Phấn đấu giữ vững ổn định các chỉ tiêu 100% các quận, huyện có trung tâm văn hóa, thư viện, nhà truyền thống; 100% các xã, phường có điểm sinh hoạt văn hóa, điểm vui chơi giải trí, kiệt hẻm ở khu dân cư được bê tông hóa; 100% hộ gia đình được tiếp cận với thông tin trong nước và thế giới một cách kịp thời qua các phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu, sách.

- Đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở có trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Thời gian thực hiện: 2005 - 2010

Đơn vị chủ trì thực hiện : Sở Văn hóa - Thông tin

Đơn vị phối hợp: BCĐ cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố...

II. VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, VĂN HỌC-NGHỆ THUẬT:

1. Bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của thành phố.

Mục tiêu:

Gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của thành phố nhằm nâng cao lòng tự hào về truyền thống quê hương, xây dựng tình cảm gắn bó và tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và các thế hệ tiếp theo. Giới thiệu trao đổi các giá trị văn hóa của thành phố với các địa phương trong nước và thế giới. Gắn việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa với việc xây dựng các tuyến, điểm du lịch.

Nội dung:

Khẩn trương tiến hành việc khảo sát, đánh giá thực trạng một cách chuẩn xác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn thành phố, trên cơ sở đó đề xuất kế hoạch bảo tồn tôn tạo theo một lộ trình hợp lý phù hợp với điều kiện và khả năng của thành phố qua từng thời kỳ. Trước mắt, tập trung tiến hành các công việc cụ thể sau:

a. Tôn tạo, xây dựng và đưa vào sử dụng các di tích lịch sử, văn hoá của thành phố, gồm:

- Bán đảo Sơn Trà: Có giá trị nhiều mặt về thiên nhiên, lịch sử, vừa phát huy giá trị truyền thống vừa phát triển du lịch.

Yêu cầu: Quy hoạch vành đai khu di tích, tôn tạo, phục chế di tích; kết hợp với tuyến du lịch Sơn Trà - Điện Ngọc đang xây dựng tạo thành điểm tham quan, giáo dục truyền thống.

- Di tích núi Ngũ Hành Sơn (Non Nước): Đây là di tích lịch sử, văn hóa độc đáo của thành phố, có giá trị nhiều mặt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Yêu cầu: Quy hoạch, xác định chỉ giới bảo vệ khu di tích quốc gia; tôn tạo di tích Ngũ Hành Sơn thành quần thể văn hóa - du lịch có sức hấp dẫn trong nước và du khách quốc tế.

- Di tích thành Điện Hải: Thành Điện Hải gắn liền với lịch sử hào hùng của người dân thành phố trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp ngay từ những ngày đầu xâm lược nước ta, giai đoạn 1858 - 1860.

Yêu cầu: Quy hoạch chu vi khu di tích một cách hợp lý, triển khai cụ thể việc nghiên cứu khoa học về di tích này, trên cơ sở đó tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích; xây dựng tượng đài danh tướng Nguyễn Tri Phương.

- Chống xuống cấp, tôn tạo toàn bộ các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố, theo hướng:

+ Thành phố và Trung ương đầu tư 100% kinh phí các di tích cách mạng, kháng chiến, các di tích lịch sử cấp quốc gia.

+ Thành phố đầu tư 100% kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, cách mạng cấp thành phố.

+ Các di tích lịch sử, văn hóa khác (đình chùa, mộ danh nhân...) thành phố hỗ trợ một phần, còn lại huy động nhân dân đóng góp.

b. Thường xuyên tiến hành sưu tầm hiện vật lịch sử, văn hoá, cách mạng mua các hiện vật quý hiếm:

Đà Nẵng là mảnh đất có bề dày và nhiều biến cố lịch sử, đặc biệt từ thế kỷ 15 đến nay. Đà Nẵng còn là mảnh đất chứa đựng giá trị của nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó có nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Cham-pa, văn hóa người Việt. Do đó, cần xúc tiến sớm và thường xuyên công tác sưu tầm các hiện vật quý hiếm có liên quan đến lịch sử, văn hóa của thành phố để bổ sung phong phú thêm bảo tàng thành phố.

Thời gian thực hiện: 2005 - 2010

Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa - Thông tin

Cơ quan phối hợp: Sở Xây dựng, Sở Du lịch, Hội liên hiệp VH-NT Thành phố...

2. Xây dựng các thiết chế văn hoá thành phố:

a. Sớm hoàn chỉnh bản đồ quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa thành phố từ nay đến 2020 để có cơ sở triển khai theo từng giai đoạn cho phù hợp quy hoạch chung.

b. Tiếp tục thực hiện việc xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm theo Nghị quyết HĐND thành phố tại kỳ họp thứ 4 khóa VI, gồm:

- Tiếp tục hoàn thiện các công trình ở khu Đài tưởng niệm tại quảng trường 29/3.

- Xây dựng Bảo tàng thành phố.

- Xây dựng khu văn hóa - thể thao tại khu vực số 24 đường Trần Phú.

- Xây dựng, cải tạo Trung tâm VH-TT thành phố.

- Xây dựng Trường Văn hóa - Nghệ thuật tại địa điểm mới.

- Xây dựng nâng cấp nhà hát Trưng Vương.

- Xây dựng Trung tâm kỹ thuật phát thanh, truyền hình thành phố.

- Nâng cấp Nhà Văn hóa Thanh niên, Nhà Văn hóa thiếu nhi, Trung tâm VH- TT người lớn tuổi.

- Tranh thủ nguồn đầu tư của trung ương xây dựng Nhà Văn hóa Lao động thành phố.

Các hạng mục trên UBND thành phố đã và đang triển khai thực hiện.

Trước mắt, từ giữa 2004 đến 2005, để chuẩn bị cho những ngày kỷ niệm lớn trong năm 2005, cần đôn đốc xúc tiến hoàn thành các hạng mục như: Xây dựng, cải tạo Trung tâm VH-TT thành phố, xây dựng nâng cấp nhà hát Trưng Vương xây dựng Nhà Văn hoá Lao động thành phố...

Từ 2005-2010, nghiên cứu từng bước đầu tư một số công trình văn hóa công cộng như:

- Xây dựng hệ thống các quảng trường nhỏ, hệ thống công viên và những nhóm tượng đài lịch sử-văn hóa, vườn tượng, nhóm trang tri nghệ thuật...tạo thành những điểm nhấn có ý nghĩa chính trị, xã hội, văn hóa, lịch sử ở từng khu vực dân cư thuộc địa bàn thành phố.

- Xây dựng Thư viện tổng hợp Thành phố theo hướng hiện đại: Tập trung đầu tư kinh phí để cải tạo nâng cấp, trang bị mới hệ thống thiết bị phục vụ nghiệp vụ thư viện và phục vụ yêu cầu tra cứu của cán bộ, nhân dân.

Xúc tiến sớm việc xây dựng Thư viện điện tử trực thuộc Thư viện tổng hợp Thành phố, nối mạng với các Thư viện của Trung ương và các thành phố lớn; đồng thời xúc tiến quá trình chuẩn bị xây dựng hệ thống Thư viện cấp Quận, Huyện phục vụ yêu cầu của nền kinh tế tri thức và xây dựng xã hội học tập.

- Xây dựng Nhà Bảo tàng tổng hợp Thành phố tương xứng với truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, truyền thống văn hoá của thành phố Đà Nẵng và của vùng xứ Quảng nói chung.

Trên cơ sở nội dung hiện vật, hình ảnh của nhà chứng tích tội ác đế quốc Mỹ" trước đây, tiếp tục sưu tầm, bổ sung để đưa vào Bảo tàng Tổng hợp của Thành phố, tiến tới xây dựng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh trong những năm tiếp theo.

- Tiếp tục sưu tầm, bổ sung hiện vật, hình ảnh để củng cố, nâng cấp, mở rộng quy mô Bảo tàng nghệ thuật Tuồng của Thành phố phục vụ đông đảo công chúng.

- Có cơ chế và chính sách khuyến khích nhằm vận động nhân dân tham gia thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn, bảo tàng.

- Xây dựng các Trung tâm VH -TT các quận, huyện: Đảm bảo mỗi quận huyện có các thiết chế văn hoá cơ bản, trước mắt tập trung xây dựng và củng cố hoạt động các Trung tâm Văn hóa - Thông tin quận, huyện, tiến tới xây dựng Thư viện, Nhà truyền thống, điểm biểu diễn văn nghệ quần chúng, rạp chiếu bóng và biểu diễn nghệ thuật. Đối với cấp xã, phường: Xây dựng khu vui chơi giải trí, phòng truyền thống, điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, phòng đọc sách (trước tiên quan tâm phòng đọc sách cho thiếu nhi).

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết về địa điểm, hiện vật và các điều kiện thiết yếu để từ 2005, kiến nghị Bộ văn hóa Thông tin nghiên cứu xúc tiến xây dựng các thiết chế như: Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng dân tộc học, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên đặt tại Đà Nẵng.

Trước mắt, hàng năm Thành phố cần đầu tư một khoản kinh phí thích đáng để chọn mua các tác phẩm nghệ thuật có giá trị để lưu giữ, tránh thất thoát.

Thời gian thực hiện: 2005 - 2010

Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa - Thông tin

Cơ quan phối hợp: Sở Xây dựng, UBND các Quận Huyện...

3. Tạo không khí sinh hoạt văn hóa, văn học-nghệ thuật sôi động trên toàn địa bàn thành phố.

Mục tiêu:

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, sôi nổi trên địa bàn thành phố. Phát huy nghệ thuật dân tộc trong đời sống nhân dân, đồng thời xây dựng các loại hình nghệ thuật hiện đại phù hợp với xu thế phát triển của thành phố trong tương lai, đáp ứng yêu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, hướng dẫn thị hiếu lành mạnh; đưa nghệ thuật đến đời sống nhân dân.

Nội dung chủ yếu:

- Đầu tư xây dựng các tiết mục, chương trình mới với các loại hình ngày càng phong phú, đa dạng kết hợp với việc đầu tư kinh phí mời các Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương tham gia biểu diễn với quy mô lớn và các loại hình nghệ thuật tổng hợp.

Trước mắt, tập trung xây dựng Chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ những ngày lễ lớn trong năm 2005 .

- Củng cố Đoàn Ca múa nhạc, xây dựng Nhà hát Tuồng hoạt động đúng chức năng là một Nhà hát. Tiếp tục đưa nghệ thuật Tuồng vào trong trường học.

- Sớm có kế hoạch phát triển bộ môn Kịch nói. Tích cực chuẩn bị điều kiện mọi mặt để tiến tới xây dựng Nhà hát Ca-Múa - Nhạc Thành phố vào những năm sau 2010.

- Xây dựng hệ thống Câu lạc bộ trực thuộc Trung tâm văn hóa thông tin.

- Củng cố và tăng cường hoạt động các Đội thông tin tuyên truyền lưu động các quận, huyện, các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở.

- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thành lập các Ban, nhóm nhạc, các Câu lạc bộ nghệ thuật gia đình (văn thơ, ca, múa, nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, ảo thuật-xiếc...), các Phòng tranh tư nhân.

Thời gian thực hiện: 2005-2010

Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa - Thông tin

Cơ quan phối hợp: Hội Liên hiệp VH-NT, Sở Giáo dục - Đào tạo, Đoàn thanh niên cộng sản HCM thành phố, Hội Liên hiệp sinh viên...

4. Phấn đấu xây dựng những tác phẩm có giá trị về thành phố Đà Nẵng trên tất cả các loại hình văn học-nghệ thuật :

Mục tiêu:

Phát triển toàn diện các loại hình văn học, nghệ thuật; tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ có điều kiện sáng tác, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị.

Trước mắt, từ nay đến 2005, thành phố phải có được các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng chào mừng các ngày kỷ niệm lớn.

Nội dung chủ yếu:

- Tiếp tục đổi mới tổ chức của Hội liên hiệp VH-NT của thành phố, đẩy mạnh phong trào sáng tác trong giới văn nghệ sĩ và trong quần chúng nhân dân.

- Đầu tư kinh phí hàng năm hợp lý cho mỗi hội để tổ chức các hoạt động hội, công bố tác phẩm, đầu tư sáng tác như tổ chức các chuyến đi thực tế, tổ chức giao lưu, tọa đàm, vấn đề in sách...Tạo điều kiện để Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học-nghệ thuật hoạt động có hiệu quả.

- Nghiên cứu đề án Xây dựng Nhà sáng tác cho văn nghệ sĩ thành phố.

- Xây dựng chính sách khuyến khích sáng tạo và phổ biến tác phẩm đối với văn nghệ sĩ tài năng thuộc các thế hệ, các ý tưởng sáng tạo mới; chính sách đặt hàng cho văn nghệ sĩ; chính sách hỗ trợ, động viên các tác giả được giải thưởng quốc gia, quốc tế.

- Chấn chỉnh và nâng cao hoạt động các cơ quan báo chí thành phố. Củng cố và nâng cao chất lượng của Tạp chí Non nước; nghiên cứu tiến tới xuất bản Tuần báo Văn nghệ thành phố.

Thời gian thực hiện: 2005-2010

Cơ quan chủ trì thực hiện : Hội Liên hiệp VH-NT

Cơ quan phối hợp: Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục - Đào tạo...

5. Đào tạo cán bộ quản lý và tài năng trẻ trên lĩnh vực văn hoá, văn học nghệ thuật:

Mục tiêu:

Tạo nguồn cán bộ quản lý giỏi cấp thành phố và địa phương, cơ sở; phát huy tài năng nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đời sống văn hóa thành phố.

Nội dung chủ yếu :

- Tuyển chọn những sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi, có năng lực quản lý về làm việc tại các cơ quan văn hoá để tạo nguồn cán bộ trẻ.

- Mở các lớp bồi dưỡng cán bộ đương chức để đủ năng lực hoạt động trên lĩnh vực văn hóa phù hợp với sự phát triển KT - XH và vị thế mới của thành phố.

- Mở các lớp năng khiếu tại trường Văn hóa - Nghệ thuật thành phố, Trung tâm VH-TT, Nhà thiếu nhi, Trung tâm múa và tại các Trung tâm VH-TT quận, huyện.

Chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ - đặc biệt là đội ngũ giáo viên cơ hữu - để tiến tới xây dựng Trường Cao đẳng nghệ thuật Thành phố.

- Phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng các năng khiếu, nhân tài nghệ thuật. Có chính sách khuyến khích những học sinh có năng khiếu đi đào tạo tại các trường của Trung ương.

- Mở rộng giao lưu văn hóa, nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Thời gian thực hiện: 2005 - 2010

Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa - Thông tin

Đơn vị phối hợp: Hội liên hiệp VH - NT thành phố, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục đào tạo, Nhà thiếu nhi Đà Nẵng...

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 138/2004/QĐ-UBND về chương trình phát triển Văn học nghệ thuật và xây dựng nếp sống văn minh đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và vị thế mới của thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2005 – 2010

  • Số hiệu: 138/2004/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/08/2004
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Hoàng Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/09/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản