Hệ thống pháp luật

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1375/QĐ-TLĐ

Ngày 01 tháng 9 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TUYỂN SINH VÀ ĐÀO TẠO CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN HỆ ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TẬP TRUNG

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

- Căn cứ Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

- Căn cứ Nghị quyết Đại hội IX CĐVN, Nghị quyết 05 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khoá VIII; Nghị quyết số 03 của Đoàn Chủ tịch TLĐ về đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn trong tình hình mới;

Căn cứ Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ GD&ĐT (Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 4/3/2005 và Quyết định số 05/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 21/2/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT).

- Theo đề nghị của Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tuyển sinh và đào tạo cán bộ công đoàn hệ đại học chính quy tập trung.

Điều 2: Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Bãi bổ các quy định tạm thời, Quy chế trước đây trái với Quy định này.

Điều 3: Các Ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn LĐVN, LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, công đoàn Tổng công ty trực thuộc TLĐ, Trường Đại học Công đoàn VN chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH




Cù Thị Hậu

 

QUY ĐỊNH

VỀ TUYỂN SINH VÀ ĐÀO TẠO CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN HỆ ĐẠI HỌC CHÍNH QUY TẬP TRUNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1375/QĐ-TLĐ ngày 01/9/2006 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN về việc Quy định tuyển sinh và đào tạo cán công đoàn hệ đại học chính quy tập trung)

Trên cơ sở thực hiện Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo; để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong thời kỳ CNH-HĐH đất n­ước, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định việc tuyển sinh và đào tạo cán bộ công đoàn hệ đại học chính qui tập trung như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

1. Quy định tuyển sinh và đào tạo cán bộ công đoàn hệ đại học chính quy tập trung bao gồm: Đối tượng, điều kiện dự thi, trách nhiệm các cấp công đoàn.

2. Quy định này áp dụng cho Trường Đại học Công đoàn Việt Nam, công đoàn các cấp có cử cán bộ học hệ đại học chính qui tập trung hưởng lương từ ngân sách công đoàn.

3. Quy định này không áp dụng cho tuyển sinh và đào tạo đại học chính quy tập trung bằng các nguồn kinh phí khác.

Điều 2: Quản lý, chỉ đạo công tác tuyển sinh và đào tạo cán bộ công đoàn.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý, chỉ đạo công tác tuyển sinh, đào tạo cán bộ công đoàn hệ chính quy tập trung thông qua việc:

1. Giao chỉ tiêu đào tạo cán bộ công đoàn hệ đại học chính quy tập trung hằng năm cho Trường Đại học Công đoàn.

2. Chỉ đạo việc nghiên cứu cải tiến, đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy và giám sát, kiểm tra việc tuyển sinh, đào tạo cán bộ công đoàn hệ đại học chính quy tập trung.

Chương II

ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN TUYỂN SINH VÀ ĐIỀU KIỆN DỰ THI

Điều 3: Đối tượng cử đi dự thi.

Công nhân công nghiệp trực tiếp sản xuất đang làm việc tại doanh nghiệp có số lượng từ 500 lao động trở lên trong các thành phần kinh tế, nơi đủ điều kiện bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 4: Tiêu chuẩn.

1. Phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, là những nhân tố tích cực, có uy tín, có thành tích trong lao động sản xuất và công tác (đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua…).

2. Không bị kỷ luật trong thời gian xem xét cử đi dự thi.

3. Có khả năng hoạt động công đoàn, được quần chúng tín nhiệm.

4. Trong diện quy hoạch là cán bộ chuyên trách hoặc cán bộ công đoàn chủ chốt tại đơn vị.

Điều 5: Điều kiện dự thi tuyển sinh.

Đối tượng có đủ các điều kiện sau đây được chọn cử đi dự thi tuyển sinh:

1. Được Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn (sau đây gọi chung là LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương) quy hoạch sử dụng làm cán bộ công đoàn chuyên trách và giới thiệu về dự thi bằng văn bản.

2. Có thời gian làm việc và đóng bảo hiểm xã hội liên tục ít nhất là 3 năm (đủ 36 tháng tính theo sổ bảo hiểm xã hội) trở lên.

3. Có một trong các bằng tốt nghiệp sau đây: Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Trung học bổ túc, Trung học chuyên nghiệp, Trung học nghề.

4. Có đủ sức khoẻ để học tập, rèn luyện theo quy định hiện hành của Liên bộ Y Tế- Giáo dục và Đào tạo. Không ở trong thời kỳ mang thai.

5. Lý lịch rõ ràng.

6. Không quá 35 tuổi.

7. Người không có dị tật.

Điều 6: Hồ sơ dự thi, gồm:

1. Bộ hồ sơ tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Công văn cử đi dự thi của LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương.

3. Xác nhận của cơ quan cử đi học về thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định tại khoản 2, Điều 5, Quy định này.

4. Các yêu cầu khác (nếu cần) do Trường Đại học Công đoàn quy định.

Điều 7: Trình tự xem xét cử đi dự thi tuyển sinh và nhập học quy định như sau:

1. Căn cứ thông báo tiêu chuẩn, điều kiện dự thi của Trường Đại học Công đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương thông báo tới các cấp công đoàn.

2. Căn cứ yêu cầu sử dụng hoặc chủ trương đào tạo dự nguồn, các cấp công đoàn xem xét cử người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi bằng văn bản báo cáo với Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương.

3. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương căn cứ yêu cầu sử dụng, hoặc chủ trương đào tạo dự nguồn, xem xét cử người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi bằng văn bản về Trường đại học Công đoàn.

4. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương ra quyết định cử cán bộ đi học sau khi trúng tuyển.

5. Trường Đại học Công đoàn tiếp nhận hồ sơ và sổ bảo hiểm xã hội, giấy thôi trả lương để làm thủ tục nhập học

Điều 8: Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh.

1. Thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. ­ưu tiên chọn cử công nhân ưu tú trực tiếp sản xuất, nhất là công nhân công nghiệp; đối tượng vùng sâu, vùng xa, vùng núi hải đảo, nơi có ít cán bộ được đào tạo; khu vực ngoài quốc doanh; con cán bộ công đoàn khi đủ tiêu chuẩn, điều kiện đi dự thi.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP CÔNG ĐOÀN TRONG CÔNG TÁC TUYỂN SINH VÀ ĐÀO TẠO.

Điều 9: Trách nhiệm của công đoàn cơ sở cử người đi học.

1. Căn cứ yêu cầu sử dụng hoặc chủ trương đào tạo dự nguồn, chọn cử người đi học đúng đối tượng quy hoạch, đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi bằng văn bản báo cáo với công đoàn cấp trên.

2. Tạo điều kiện, hỗ trợ cho người học theo quy định của đơn vị, địa phương (nếu có) ; cùng với công đoàn cấp trên phối hợp với Trường Đại học Công đoàn theo dõi quá trình học tập, rèn luyện của người đi học.

3. Chịu trách nhiệm trước công đoàn cấp trên về tính chính xác, hợp pháp của hồ sơ dự thi, về phẩm chất đạo đức và có kế hoạch sử dụng, bố trí công tác phù hợp đối với cán bộ sau khi tốt nghiệp ra trường.

Điều 10: Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương.

Ban Th­ường vụ LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương có trách nhiệm:

1. Xây dựng qui hoạch cán bộ các cấp công đoàn cho hiện tại và lâu dài, có kế hoạch cử cán bộ đi học đại học công đoàn hệ chính quy tập trung.

2. Thông báo kế hoạch tuyển sinh hằng năm đến các cấp công đoàn, tập hợp hồ sơ xin dự thi, trực tiếp kiểm tra việc chọn cử ng­ười đủ điều kiện, tiêu chuẩn đi học và tổ chức lập hội đồng đánh giá, xem xét, chọn cử cán bộ đi dự thi theo quy trình, đúng qui hoạch sử dụng. Chịu trách nhiệm trước Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về tính chính xác, hợp pháp hồ sơ của đối t­ượng cử đi học.

3. Phối hợp với Trường Đại học Công đoàn quản lý cán bộ đi học, đánh giá việc học tập, rèn luyện từng năm và cả khoá học.

4. Chỉ đạo công đoàn cơ sở cử người đi học bố trí, sắp xếp công tác cho cán bộ sau khi tốt nghiệp ra trường.

Điều 11: Trường Đại học Công đoàn.

Thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, tiêu chuẩn, điều kiện dự thi tuyển sinh đến LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương.

Thành lập Hội đồng tuyển sinh và các Ban chuyên môn phục vụ tuyển sinh theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Tiếp nhận hồ sơ dự thi, tổ chức ôn tập văn hoá cho ng­ười dự thi theo khối thi, thời gian ít nhất là 3 tháng.

4. Tổng hợp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của hồ sơ dự thi và báo cáo danh sách trích ngang ng­ười dự thi, kết quả tuyển sinh về Ban Tổ chức Tổng liên đoàn.

5. Báo cáo công tác tuyển sinh, đào tạo năm tr­ước, kế hoạch năm sau và chịu trách nhiệm về tuyển sinh và đào tạo tr­ước Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN.

6. Đổi mới nội dung, ph­ương pháp giảng dạy nâng cao chất lư­ợng đào tạo.

7. Đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của ng­ười học hằng năm, cả khoá; gửi nhận xét kết quả học tập và rèn luyện về Tổng Liên đoàn và đơn vị cử ngư­ời đi học.

8. Ra quyết định công nhận kết quả tốt nghiệp và chuyển trả hồ sơ về đơn vị cử ngư­ời đi học.

Điều 12: Các Ban của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

1. Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn giúp Đoàn Chủ tịch trong việc:

a. Tổng hợp nhu cầu đào tạo, giao chỉ tiêu tuyển sinh đại học công đoàn hằng năm cho Tr­ường Đại học Công đoàn và định hư­ớng công tác tuyển sinh tại các khu công nghiệp, các vùng trọng điểm.

b. Xây dựng chính sách, chuyển xếp lương, hướng dẫn trả l­ương đối với cán bộ đi học đại học công đoàn hệ chính quy tập trung.

c. Định kỳ giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy định của Tổng Liên đoàn về tuyển sinh, đào tạo ở Trường Đại học Công đoàn, ở đơn vị có cán bộ đi đào tạo.

d. Hư­ớng dẫn công tác quy hoạch cán bộ, theo dõi kế hoạch đào tạo gắn với bố trí, sử dụng và giao biên chế ở các cấp công đoàn.

2. Các Ban và đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn

a. Phối hợp với Trường Đại học Công đoàn nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh, đổi mới nội dung, ph­ương pháp giảng dạy và học tập về lý luận, nghiệp vụ công đoàn.

b. Tham gia hư­ớng dẫn ngư­ời học nghiên cứu, tìm hiểu hoạt động công đoàn.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI DỰ THI, NGƯỜI HỌC.

Điều 13: Ng­ười dự thi có trách nhiệm.

1. Hoàn thiện hồ sơ dự thi theo quy định và thực hiện đúng quy chế thi.

2. Ngư­ời dự thi không trúng tuyển, nếu vẫn đủ tiêu chuẩn và được cơ quan cử đi học đề nghị có thể được dự thi lần 2.

Điều 14: Ng­ười học có trách nhiệm.

1. Tích cực học tập, rèn luyện và chấp hành nội quy, quy chế của trường; chịu sự kiểm tra giám sát, đánh giá của Trường và đơn vị cử đi học.

2. Không mang con trên 36 tháng tuổi đến trường, cam kết bằng văn bản không sinh con trong thời gian học tập.

3. Thực hiện cam kết nhận công tác tại đơn vị cử đi học hoặc tại cơ quan thuộc hệ thống công đoàn ít nhất là 5 năm, nếu không phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí đào tạo.

Điều 15: Quyền lợi của ng­ười học.

1. Được hư­ởng l­ương từ ngân sách công đoàn (áp dụng bảng lư­ơng công chức loại B theo NĐ 204/2004 ngày 14/12/2004 của Chính phủ). Mức lư­ơng cụ thể căn cứ theo giấy thôi trả lương của đơn vị cũ, quá trình làm việc, thời gian đóng bảo hiểm xã hội; kết quả học tập, rèn luyện tốt được nâng lư­ơng theo chế độ hiện hành.

2. Được công đoàn cơ sở cử đi học hỗ trợ theo quy định của địa phương (nếu có).

3. Được công đoàn cơ sở cử đi học bố trí công tác sau khi tốt nghiệp ra trường.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16: Các Quy định tạm thời, Quy chế tr­ước đây đều bãi bỏ. Đơn vị, cá nhân vi phạm (chọn cử và nhập học người không đúng đối tượng, không đủ tiêu chuẩn và điều kiện dự thi…), nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý kỷ luật và phải bồi thường chi phí đào tạo. Trong quá trình thực hiện Quy định này có vướng mắc báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN xem xét giải quyết.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1375/QĐ-TLĐ năm 2006 về Quy định tuyển sinh và đào tạo cán bộ công đoàn hệ đại học chính quy tập trung do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 1375/QĐ-TLĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/09/2006
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Cù Thị Hậu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản