Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1356/QĐ-UBND | Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 19 tháng 8 năm 2010 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 1590/SKHĐT-HTĐN ngày 13 tháng 8 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2010 - 2015.
Điều 2. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động này và chức năng nhiệm vụ của đơn vị theo luật định; từng sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh trên lĩnh vực, địa bàn quản lý; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện cụ thể; đồng thời phân công người chịu trách nhiệm từng phần việc.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi, đôn đốc tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ của chương trình hành động được phân công cho các sở, ban, ngành, địa phương định kỳ hằng tháng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH (PCI) TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1356/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH (PCI) TỈNH NINH THUẬN NĂM 2009
1. Đặt vấn đề
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) hợp tác xây dựng nhằm đo lường và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của lãnh đạo các địa phương dựa trên môi trường kinh doanh và chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Trong những năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác cải cách hành chính góp phần cải thiện rõ nét năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo kết quả công bố PCI trong giai đoạn từ 2005 - 2009, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện từ vị trí 40/42 tỉnh, thành được đánh giá trong năm 2005 xếp ở nhóm thấp; đến năm 2009 chỉ số PCI của tỉnh xếp ở vị trí 48/63 tỉnh, thành trong cả nước và xếp ở nhóm khá.
Đạt được những kết quả trên là do đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, sự phối hợp của các cấp, các ngành; sự chỉ đạo, điều hành sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; đặc biệt với việc thành lập và đưa vào hoạt động Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO) từ tháng 3 năm 2010 với mô hình và cách làm mới bước đầu phát huy kết quả rất tích cực góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo được niềm tin của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với kết quả xếp hạng của tỉnh trong nhiều mặt vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triển của tỉnh, vẫn là những rào cản, thách thức cho việc thu hút các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để đáp ứng cho nhu cầu phát triển đặc biệt là những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn tới.
Theo phân tích của tư vấn Monitor (Mỹ), nếu so sánh Ninh Thuận với các quốc gia và nền kinh tế trên thế giới thì Ninh Thuận đang đứng thứ 103 so với các nền kinh tế (Việt Nam đứng thứ 84) về năng lực cạnh tranh. Mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển của tỉnh là phấn đấu vươn lên thứ hạng 59 trong những năm tới so với nền kinh tế và trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh của cả nước. Để đạt được mục tiêu này, theo đề xuất của Monitor, tỉnh cần tập trung cải thiện 12 lĩnh vực liên quan đến đầu tư và doanh nghiệp như cải cách thủ tục hành chính (thực hiện quy trình song song, giảm thời gian thực hiện các thủ tục), cải thiện các thủ tục liên quan đến đăng ký tài sản, tiếp cận đất đai, thuế, …).
Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh trong thời gian tới.
2. Thực trạng PCI của tỉnh Ninh Thuận năm 2009: theo công bố của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh của Ninh Thuận năm 2009, trong 9 chỉ số thành phần của PCI được đánh giá năm 2009, có 3 chỉ số cải thiện được vị trí xếp hạng ở bậc cao hơn, có điểm số trên trung bình và 6 chỉ số giảm mạnh vị trí xếp hạng hoặc giảm điểm hoặc có điểm dưới trung bình so năm 2008, cụ thể:
2.1. Các chỉ số thành phần cải thiện được vị trí xếp hạng, có điểm số trên trung bình cần tiếp tục nâng cao (3 chỉ số) gồm:
a) Chi phí gia nhập thị trường: xếp hạng 33/63 tỉnh, thành so với năm 2008 tăng 15 bậc, đạt 8,35 điểm và tăng hơn 0,48 điểm, cần được tiếp tục duy trì và phát huy.
b) Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước: xếp hạng 34/63, tăng 8 bậc; đạt 6,46 điểm, tăng 1,67 điểm.
c) Thiết chế pháp lý: xếp hạng 14/63, tăng 36 bậc; đạt 5,93 điểm, tăng 1,13 điểm.
Các chỉ số này tuy có cải thiện về điểm số và vị trí xếp hạng so năm 2008, nhưng mức xếp hạng chung năm 2009 vẫn còn ở mức trung bình khá, thấp so với nhiều tỉnh, cần tiếp tục cải thiện, nâng cao;
2.2. Những chỉ số cấu thành PCI của tỉnh giảm điểm hoặc được xếp vào thứ hạng thấp dưới trung bình (6 chỉ số) cần phải tập trung cải thiện, theo thứ tự xếp hạng như sau:
a) Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất: xếp hạng 21/63, tuy tăng 5 bậc, xếp hạng trên trung bình nhưng giảm 0,12 điểm.
b) Chi phí không chính thức: xếp hạng 36/63, giảm 3 bậc, có điểm số 5,83 giảm 0,82 điểm.
c) Đào tạo lao động: xếp hạng 42/63, giảm 6 bậc, có điểm số 4,46.
d) Chính sách phát triển kinh tế tư nhân: xếp hạng 42/63, tuy tăng 8 bậc nhưng có điểm số dưới trung bình 4,71 điểm.
e) Tính minh bạch: xếp hạng 52/63, giảm 12 bậc, có điểm số 5,22.
f) Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh: có mức xếp hạng thấp nhất trong các chỉ số PCI thành phần của tỉnh 57/63, giảm 1 bậc, có điểm số dưới trung bình 2,97.
Như vậy, mặc dù Ninh Thuận đã có những bước tiến về chỉ số PCI so với năm 2005 nhưng so với năm 2008 mức độ cải thiện không đáng kể. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong những năm tới, cần có chương trình hành động với các giải pháp cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm tạo bước đột phá trong nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Ninh Thuận trong những năm tới.
NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
1. Mục tiêu chương trình hành động
1.1. Mục tiêu chung:
- Nâng cao năng lực cạnh tranh đưa Ninh Thuận trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Thông qua chương trình hành động tạo bước chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế;
1.2. Mục tiêu cụ thể:
- Năm 2010: phấn đấu nâng vị trí xếp hạng PCI của tỉnh Ninh Thuận vào tốp 15 - 20 tỉnh dẫn đầu của cả nước.
- Từ năm 2010 - 2015: phấn đấu đưa Ninh Thuận vào tốp 5 tỉnh dẫn đầu về chỉ số PCI của cả nước.
2. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện các chỉ số thành phần, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh: tiếp tục phát huy, nâng cao các chỉ số trên trung bình, tập trung khắc phục ngay các lĩnh vực có liên quan đến những chỉ số thành phần của PCI có điểm số và xếp hạng thấp, cụ thể như sau:
2.1. Chỉ số “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh”: cần được tập trung chỉ đạo nhằm tạo sự chuyển biến mạnh trong đội ngũ cán bộ công chức về trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ; chuyển nhận thức và hành động từ “quản lý doanh nghiệp” sang “hỗ trợ doanh nghiệp”; đổi mới hình thức quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp theo hướng từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” và tăng tính tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp.
a) Thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề bức xúc của doanh nghiệp, tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành với cộng đồng doanh nghiệp:
- Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh gặp gỡ, đối thoại với đại diện cộng đồng các doanh nghiệp định kỳ 6 tháng/1 lần hoặc đột xuất theo đề nghị của các tổ chức hội doanh nghiệp; tổ chức làm việc định kỳ với các hội doanh nghiệp; thường xuyên đi cơ sở để để kịp thời nắm bắt, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc do doanh nghiệp.
- Lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, tạo kênh thông tin đối thoại mở thân thiện với doanh nghiệp, để kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề bức xúc của doanh nghiệp. Hằng năm các sở, ngành phối hợp với các tổ chức hội doanh nghiệp tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp về các vấn đề có tính bức xúc, như: tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận đất đai, cung ứng nguồn nhân lực, thuế, ...
- Các tổ chức hội doanh nghiệp thường xuyên nắm thông tin phản ánh và tâm tư nguyện vọng của các doanh nghiệp, định kỳ 1 tháng/lần hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để giải quyết kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp.
- Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO) thành lập bộ phận tiếp nhận thông tin, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại EDO; tổng hợp các vấn đề khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thường trực Ban chỉ đạo EDO để giải quyết kịp thời.
- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh công bố “đường dây nóng” của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp kịp thời phản ánh các bức xúc, khó khăn đến lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh;
b) Củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước:
- Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước từ tỉnh đến thành phố, huyện, thị trấn, xã, phường, nhất là tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt tại bộ phận “một cửa” các sở, ngành, địa phương.
- Các sở, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp lại công tác sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” và các phòng, ban liên quan trên cơ sở năng lực, phẩm chất đạo đức để bố trí vị trí phù hợp, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thông suốt, hiệu quả.
c) Đào tạo nguồn nhân lực thực thi công vụ: Sở Nội vụ xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chung cho toàn tỉnh; đối với công tác đào tạo từng chuyên ngành, các ngành, các đơn vị có kế hoạch bồi dưỡng để đáp ứng nhiệm vụ của đơn vị nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” và các phòng, ban liên quan;
2.2. Chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin”: tăng cường tính minh bạch và giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin về các quy hoạch, chủ trương, chính sách của tỉnh và Trung ương.
a) Công khai quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành và địa phương: các sở, ban, ngành, địa phương trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do tư vấn Monitor giúp xây dựng, tập trung rà soát, hoàn thành xây dựng và công khai quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, địa phương, kể cả các quy hoạch chi tiết trong thời gian đến trên website các sở, ban, ngành, địa phương, cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, website EDO và các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin về quy hoạch một cách nhanh nhất, rút ngắn được thời gian cũng như chi phí cho doanh nghiệp.
b) Tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua nhiều hình thức:
- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý Nhà nước, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin tại các bộ phận “một cửa” các sở, ngành, địa phương, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử; đề xuất nâng cấp cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử (website) của các sở, ban, ngành, địa phương.
- Văn phòng Phát triển kinh tế lập đề án xây dựng website EDO trở thành cổng thông tin chính cung cấp các thông tin về quy hoạch, kế hoạch; các quy định và hướng dẫn thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư, …
- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính tham mưu bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp đường truyền, hệ thống mạng và kinh phí xây dựng các trang thông tin điện tử cho các sở, ngành nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin và xử lý hồ sơ qua mạng nhanh chóng và đạt hiệu quả cao.
c) Tăng cường phổ biến, cung cấp các văn bản pháp luật cho doanh nghiệp:
- Các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường phổ biến, cung cấp các văn bản pháp luật của Trung ương và của tỉnh cho các doanh nghiệp thông qua đầu mối là các tổ chức hội doanh nghiệp và trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của ngành, địa phương; trước khi ban hành hoặc tham mưu ban hành các văn bản có liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của các doanh nghiệp cần tổ chức lấy ý kiến tham gia của doanh nghiệp hay đại diện các doanh nghiệp (các tổ chức hội doanh nghiệp).
- Sở Công Thương tăng cường phổ biến các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, thị trường và hàng hoá xuất khẩu cho các doanh nghiệp thông qua đầu mối là các tổ chức hội doanh nghiệp và trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của ngành;
2.3. Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” và “Chi phí thời gian và thực hiện các quy định của Nhà nước”: đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí thời gian hình thành và khởi sự doanh nghiệp.
a) Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Chính phủ (Đề án 30); tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định của tỉnh, ngành, huyện, thành phố không còn phù hợp hoặc đang hạn chế hoạt động của doanh nghiệp để giảm thời gian thành lập doanh nghiệp và chi phí gia nhập thị trường.
- Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO):
+ Phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy định về giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” tại EDO, theo hướng tất cả thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư được đưa về tiếp nhận và giải quyết tập trung tại EDO, giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư không phải tiếp xúc với nhiều cơ quan; nâng cao sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương; đồng thời đề xuất giải pháp kết hợp giải quyết các thủ tục theo quy trình song song, sơ đồ hoá các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, môi trường và xây dựng, … giảm tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính tại EDO.
+ Lập đề án xây dựng mô hình “một cửa điện tử hiện đại” tại EDO, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký kinh doanh, đầu tư qua mạng, truy cập tình hình xử lý hồ sơ qua mạng và cung cấp các tiện tích khác thông qua mô hình “một cửa điện tử hiện đại”.
- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, huyện, thành phố:
+ Rà soát và hoàn chỉnh các quy trình thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” tại các sở, ngành, địa phương đáp ứng yêu cầu đơn giản hoá, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục, phù hợp với quy trình “một cửa liên thông” tại EDO tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và áp dụng.
+ Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong thực thi công vụ, nhất là cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp với EDO trong giải quyết các thủ tục hành chính theo quy trình “một cửa liên thông”.
- Cục Thuế tỉnh đề xuất triển khai thực hiện việc đăng ký kê khai thuế trên mạng, xây dựng cơ chế kiểm tra giám sát hoạt động thu thuế đảm bảo tính công khai, minh bạch, giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục thuế.
b) Bộ phận “một cửa” các sở, ngành và địa phương công khai trình tự thủ tục, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, mẫu hoá tất cả các văn bản và cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp.
c) Sở Tư pháp: giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với bất động sản, quyền sử dụng đất; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng hệ thống; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho công chức, viên chức làm công tác giao dịch bảo đảm quyền sử dụng đất và xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.
d) Thanh tra tỉnh chủ trì hướng dẫn và kiểm tra các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thanh tra trong việc phối hợp lập kế hoạch thanh, kiểm tra nhằm tránh chồng chéo gây phiền hà, lãng phí thời gian cho doanh nghiệp.
e) Xây dựng và thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO trong quản lý hành chính công tại các sở ngành, địa phương;
2.4. Chỉ số “Chi phí không chính thức”: triển khai kịp thời việc thực hiện các quy định của Nhà nước, tăng cường công tác phòng và chống tham nhũng; tăng cường kỷ luật kỷ cương đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác.
a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị rà soát lại đội ngũ cán bộ công chức, kịp thời phát hiện và thay thế ngay các cán bộ kém phẩm chất, nhũng nhiễu gây khó khăn cho các doanh nghiệp, kiên quyết không bố trí công chức thiếu phẩm chất, năng lực vào những khâu công việc dễ nảy sinh tiêu cực tại cơ quan, đơn vị.
- Thực hiện chế độ luân chuyển cán bộ phù hợp với năng lực và yêu cầu công tác; có chế độ khen thưởng, kỷ luật và đề bạt công bằng, làm động lực cho cán bộ công chức phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ.
- Thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp hạch sách, nhũng nhiễu; chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức nhất là những người trực tiếp giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của doanh nghiệp.
b) Các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác và nghiêm túc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân trong quan hệ tiếp xúc, làm việc với các cơ quan Nhà nước; mạnh dạn tố cáo các hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức Nhà nước với các cơ quan chức năng để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
c) Các sở, ngành, địa phương niêm yết công khai, minh bạch các mức thu các loại phí tại bộ nhận tiếp nhận giao trả hồ sơ để nhân dân, doanh nghiệp biết thực hiện.
d) Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính đề xuất chính sách đãi ngộ thoả đáng cho các cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” của các sở, ngành, địa phương; xây dựng cơ chế đặc thù đối với cán bộ tham gia công tác tại Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO);
2.5. Chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”: thể chế hoá các chính sách về đất đai phù hợp với thực tế của tỉnh, giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với đất đai, tạo niềm tin cho nhà đầu tư về chính sách đất đai của tỉnh.
a) Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương chuẩn bị lập dự án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2020, theo các phân vùng quy hoạch do Monitor và Arup đề xuất, đảm bảo đủ quỹ đất dự trữ cho phát triển công nghiệp dịch vụ.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai để người sử dụng đất biết hạn chế thấp nhất các vi phạm luật đất đai.
- Chủ trì phối hợp với EDO, Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tích hợp về đất đai (Ninh Thuận Intergrated Land Information System - NILIS), theo như đề xuất của Monitor gắn với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, trong đó tập trung các khu đất được quy hoạch để kêu gọi đầu tư, gắn với các dự án kêu gọi đầu tư cụ thể để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với đất đai.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế tạo quỹ đất dự trữ, đất sạch do Nhà nước quản lý (thông qua Trung tâm Phát triển Quỹ đất), nhất là đối với các khu đất nằm trong quy hoạch, cụm, điểm công nghiệp, dịch vụ, các khu đất quy hoạch dự án thuộc danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh nhằm gia tăng giá trị đất theo hướng thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thông qua các hình thức đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế phối hợp liên thông trong thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục giao đất cho thuê đất xuống còn 20 ngày.
- Chủ trì xây dựng, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế tài chính thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và quy chế phối hợp bồi thường hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh theo hướng chính quyền đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư trong thực hiện thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư kể các các dự án thuộc diện nhà đầu tư tự thoả thuận theo quy định của Luật Đất đai, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tạo điều kiện nhà đầu tư triển khai dự án.
- Xây dựng quy chế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quỹ đất phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
b) Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 để tạo quỹ đất dành cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa được thuê đất thực hiện dự án.
c) Sở Xây dựng trên cơ sở đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và dải ven biển, rà soát, bổ sung các quy hoạch xây dựng chi tiết tại các khu vực đô thị, phù hợp với định hướng quy hoạch của Arup, tạo quỹ đất hợp lý cho thu hút đầu tư nhất là lĩnh vực xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục thể thao, …
d) Các sở, ngành khẩn trương rà soát các quy hoạch hiện có, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành theo như ý tưởng của Monitor và Arup như quy hoạch các khu vực phát triển nông nghiệp chất lượng cao, giống thủy sản chất lượng cao, quy hoạch năng lượng tái tạo, … gắn với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng để đảm bảo tính thống nhất làm cơ sở để kêu gọi đầu tư.
e) Các cấp, các ngành nhất là chính quyền cấp huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hỗ trợ, giúp các nhà đầu tư thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thuê đất.
f) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành và địa phương rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiên quyết hủy bỏ chủ trương đầu tư, thu hồi đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích;
2.6. Chỉ số “Đào tạo lao động”: nâng cao chất lượng đào tạo lao động nhất là đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề bằng nhiều nguồn vốn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư.
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì:
- Xây dựng và thực hiện quy hoạch giáo dục đào tạo và dạy nghề đến 2020 theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề; khuyến khích xã hội hoá phát triển hệ thống đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của khu vực.
- Phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan xây dựng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và dạy nghề cho lao động để cung ứng lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp và đào tạo nghề cho lao động vùng nông thôn theo chính sách hỗ trợ đào tạo nghề của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu lao động của doanh nghiệp.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đề án củng cố, mở rộng hợp tác liên kết trong đào tạo nghề; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo Trường trung cấp Nghề của tỉnh, Trung tâm dạy nghề các huyện, cở sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề theo yêu cầu của các doanh nghiệp; chú trọng hình thức hợp tác với doanh nghiệp sử dụng lao động để đào tạo theo địa chỉ và nhu cầu sử dụng.
- Đề xuất giải pháp củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh.
b) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh các trường phổ thông trung học, phổ thông cơ sở trong tỉnh.
c) Ngân hàng Chính sách Xã hội có chính sách tạo điều kiện cho lao động nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn học nghề;
2.7. Chỉ số “Chính sách phát triển kinh tế tư nhân”: cụ thể hoá và thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn vay; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập cho các doanh nghiệp thông qua việc cung ứng các dịch vụ dự báo, đào tạo, tư vấn và các hình thức hỗ trợ của Nhà nước về mặt bằng, tín dụng, công nghệ, đào tạo, chính sách thuế, ...
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân.
b) Sở Công Thương chủ trì:
+ Phối hợp với các ngành và địa phương liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch khuyến công và xúc tiến thương mại; tăng cường trợ giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nhất là thị trường mới, thị trường xuất khẩu.
+ Tăng cường huy động các nguồn vốn hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo điều kiện thuận lợi trong việc hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
+ Giúp các địa phương, cơ sở sản xuất, làng nghề xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm nhất là các sản phẩm truyền thống như gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, …
+ Thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kịp thời phát hiện các hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, …
c) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới công nghệ, xây dựng và quản lý thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phổ biến các quy định về hàng rào kỹ thuật thương mại, tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 900 - 2008.
d) Ban quản lý các khu công nghiệp chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được giao quản lý.
e) Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt việc đơn giản hoá và hướng dẫn khách hàng về thủ tục vay vốn theo hướng rõ ràng, minh bạch và thuận tiện; ưu tiên vốn và thực hiện cho vay không có tài sản bảo đảm phục vụ sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với quy định hiện hành.
f) Chi nhánh Ngân hàng Phát triển, Quỹ bảo lãnh tín dụng tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả việc bảo lãnh vay vốn cho khách hàng.
g) Các sở, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp cần thường xuyên tập huấn nghiệp vụ, cập nhật các chính sách mới của Trung ương, của tỉnh để thông tin cho các doanh nghiệp, người dân.
h) Tăng cường vai trò, trách nhiệm và hoạt động của Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO), các trung tâm khuyến công, xúc tiến thương mại, việc làm, trợ giúp pháp lý, … để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thông tin định hướng phục vụ cho chiến lược kinh doanh của mình;
2.8. Chỉ số thiết chế pháp lý: tiếp tục nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của các thiết chế pháp lý ở địa phương, tạo sự tin tưởng của doanh nghiệp vào thiết chế pháp lý ở địa phương.
a) Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành duy trì thường xuyên công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời thắc mắc khiếu kiện của công dân và doanh nghiệp.
b) Sở Tư pháp:
- Chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung hoặc bãi bỏ những văn bản do tỉnh ban hành không còn phù hợp, gây cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp.
- Nâng cao vai trò hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý, mở rộng phạm vi hoạt động để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và nhận được những hỗ trợ thực sự cần thiết.
c) Toà án tỉnh có giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ thẩm phán các cấp nhằm giải quyết các vụ tranh chấp về kinh tế theo đúng quy định pháp luật, rút ngắn thời gian so với quy định;
2.9. Cơ sở hạ tầng: từng bước xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh.
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy hoạch, kế hoạch nhất là hệ thống đường giao thông, điện, phát triển hạ tầng đô thị, … tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư, phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Sở Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các tuyến đường giao thông ven biển, tuyến đường cao tốc từ sân bay Cam Ranh về Phan Rang; kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển Cà Ná, cảng Ninh Chữ và các công trình lớn theo các hình thức BT, BOT, BTO, … Tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn; rà soát, đầu tư xây dựng nâng cấp cầu cống trên tuyến cùng cấp với tải trọng của đường nhất là các tuyến giao thông chính.
c) Các cơ quan liên quan nâng cao chất lượng cung cấp điện, nước, viễn thông, hạ tầng giao thông; kịp thời phát triển hệ thống cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc đến các hàng rào các dự án đầu tư.
1. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Căn cứ vào Chương trình hành động này, xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ cụ thể của đơn vị mình nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực, địa bàn quản lý, trong đó xác định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện cụ thể và phân công người chịu trách nhiệm từng phần việc nhằm đạt mục tiêu chung của tỉnh theo từng giai đoạn theo mục tiêu đề ra (hoàn thành và gửi Ủy ban nhân dân tỉnh trong tháng 8 năm 2010); định kỳ hằng tháng, quý báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, đúng thời gian theo yêu cầu một số nhiệm vụ trọng tâm trong phụ lục kèm theo Chương trình hành động này và báo cáo kết quả kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền về kế hoạch và giải pháp của tỉnh nhằm cải thiện chỉ số PCI nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong tỉnh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với các thông tin về các nỗ lực của tỉnh nhằm nâng cao chỉ số PCI, tạo sự đồng thuận, ủng hộ và quyết tâm cao của các cấp ngành, doanh nghiệp trong thực hiện chương trình hành động.
2. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chuyên mục nâng hạng PCI, phát sóng định kỳ 1 lần/tháng.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Tham mưu thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh;
- Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các hiệp hội doanh nghiệp định kỳ 6 tháng tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và các doanh nghiệp nhằm thông tin cho các doanh nghiệp về các nỗ lực của tỉnh trong cải thiện chỉ số PCI và tiếp nhận các phản ảnh, kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp;
- Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện theo đề án của các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh. Định kỳ hằng tháng đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua các cuộc họp định kỳ Ban chỉ đạo hằng tháng để kịp thời chỉ đạo.
4. Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị liên quan đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong chương rình hành động.
5. Các tổ chức hội doanh nghiệp (Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận) phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt kế hoạch nâng hạng PCI của tỉnh; đồng thời kịp thời phản ảnh các kiến nghị, đề xuất cũng như các phản ánh của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chương trình hành động để Ủy ban nhân dân tỉnh có chỉ đạo kịp thời.
6. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phải coi việc nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của ngành, địa phương. Hằng năm, thông qua với kết quả chỉ số PCI công bố của VCCI sẽ tổ chức họp phân tích đánh giá trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện nâng hạng PCI của tỉnh, kịp thời biểu dương các cơ quan đơn vị có nhiều nỗ lực thực hiện tốt trách nhiệm của mình; đồng thời phê bình, nhắc nhở các cơ quan đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ được giao; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ nâng hạng PCI của tỉnh với bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm của tỉnh./.
- 1Quyết định 1310/QĐ-UBND năm 2009 về Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Kế hoạch 141/KH-UBND nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố Hà Nội (PCI) giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3Quyết định 2072/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020
- 4Chỉ thị 15/2012/CT-UBND về tăng cường thực hiện các biện pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 5Quyết định 1128/QĐ-UBND năm 2013 kế hoạch thực hiện đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2015 và định hướng năm 2020
- 1Luật Đất đai 2003
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật Thanh tra 2004
- 4Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 5Quyết định 1310/QĐ-UBND năm 2009 về Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 6Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
- 7Kế hoạch 141/KH-UBND nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố Hà Nội (PCI) giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 8Quyết định 2072/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020
- 9Chỉ thị 15/2012/CT-UBND về tăng cường thực hiện các biện pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 10Quyết định 1128/QĐ-UBND năm 2013 kế hoạch thực hiện đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2015 và định hướng năm 2020
Quyết định 1356/QĐ-UBND năm 2010 về Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2010 - 2015
- Số hiệu: 1356/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/08/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Nguyễn Chí Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra