Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1353/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 06 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM TRA CHỐNG THẤT THU THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NGOÀI QUỐC DOANH, HỘ KINH DOANH TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI, ĂN UỐNG, DỊCH VỤ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12//2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 115/2009/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;

Căn cứ Thông báo số 75/TB-VPCP ngày 05/5/2016 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN giai đoạn 2011-2015, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

QUYT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch kiểm tra chống thất thu thuế đối với Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh, Hộ kinh doanh kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ.

Điều 2. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định này đảm bảo đúng tiến độ, thời gian, chất lượng và hiệu quả; đồng thời báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm tra theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Vụ trưởng Vụ chế độ kế toán, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Thủ trưởng các Vụ/Đơn vị thuộc Tổng cục Thuế (Vụ Quản lý thuế Thu nhập cá nhân, Vụ Thanh tra, Vụ Kiểm tra nội bộ, Vụ Chính sách, Vụ Pháp chế, Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Cục Công nghệ thông tin) và Cục trưởng Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Lãnh đạo Bộ Tài chính (để b/c);
- Lưu: VT, TCT.

TUQ. BỘ TRƯỞNG
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ





Bùi Văn Nam

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA CHỐNG THẤT THU THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NGOÀI QUỐC DOANH VÀ HỘ KINH DOANH TRONG LĨNH VỰC THƯƠNG MẠI, ĂN UỐNG, DỊCH VỤ
(Kèm theo Quyết định số: 1353/QĐ-BTC ngày 15/06/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I. MỤC ĐÍCH

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 75/TB-VPCP ngày 05/5/2016 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN giai đoạn 2011-2015, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2016-2020, theo đó giao Bộ Tài chính: “Quyết liệt chỉ đạo chng thất thu thuế nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, các đối tượng nộp thuế theo hình thức khoán thuế ở các thành phố lớn. Các cơ sở kinh doanh đều phải có hóa đơn hạch toán theo quy định.”, từ đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực của pháp luật; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế; bảo vệ quyền lợi, đảm bảo công bằng trong thực thi pháp luật giữa những người nộp thuế.

II. YÊU CẦU

Thực hiện chống thất thu thuế đối với Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh và Hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Thực hiện đúng quy định pháp luật thuế một cách khách quan, bình đẳng;

- Cơ quan thuế và các cơ quan ban ngành phải có sự phối hợp, đồng thuận theo sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên;

- Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức;

- Kết hợp đồng bộ và hài hòa các biện pháp kiểm tra, khảo sát, vận động, tuyên truyền, đấu tranh để người nộp thuế tự giác kê khai doanh thu sát với thực tế;

- Việc kiểm tra thuế được Cơ quan Thuế cấp trên thực hiện đối với cơ quan thuế cấp dưới theo các quy định hiện hành; việc kiểm tra chống thất thu thuế được thực hiện đối với người nộp thuế thuộc diện quản lý của cấp Chi cục Thuế;

- Việc kiểm tra chống thất thu được thực hiện chéo giữa các Chi cục Thuế trên địa bàn.

III. PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Lĩnh vực, ngành nghề và số lượng đối tượng thực hiện kiểm tra chống thất thu thuế

- Việc kiểm tra chống thất thu thuế được thực hiện đối với Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh và Hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ.

- Việc triển khai kiểm tra chống thất thu thuế được thực hiện trên phạm vi toàn quốc và tập trung vào các thành phố lớn. Số lượng đơn vị phải thực hiện kiểm tra chống thất thu thuế như sau:

+ Đối với Hà Nội, Hồ Chí Minh: tối thiểu mỗi Chi cục nội thành 15 đơn vị, tối thiểu mỗi Chi cục ngoại thành 10 đơn vị.

+ Đối với các Cục thuế Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai: tối thiểu mỗi Chi cục nội thành 10 đơn vị, tối thiểu mỗi Chi cục ngoại thành 5 đơn vị.

+ Đối với các Cục thuế còn lại thực hiện lựa chọn đối tượng kiểm tra chống thất thu phù hợp theo tình hình thực tế tại địa phương.

2. Tiêu chí xác định đối tượng thuộc diện kiểm tra chống thất thu

Căn cứ để xác định đối tượng thuộc diện kiểm tra chống thất thu thuế theo quy định hiện hành về quản lý rủi ro đối với Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh và Hộ kinh doanh. Trong đó lưu ý các yếu tố sau đây:

- Có tổng diện tích sử dụng cho hoạt động kinh doanh thường xuyên từ 200m2 trở lên;

- Có quy mô kinh doanh thực tế lớn hơn quy mô kinh doanh khai báo dự kiến từ 30% trở lên;

- Riêng đối với Hộ kinh doanh tại địa bàn Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào các Hộ kinh doanh có doanh thu kinh doanh từ 5 tỷ đồng/năm trở lên; hoặc từ 3 tỉ đồng/năm trở lên và sử dụng thường xuyên trên 10 lao động.

3. Thời gian thực hiện kiểm tra chống thất thu

Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục Thuế thực hiện triển khai kiểm tra chống thất thu thuế theo Kế hoạch này trong thời gian từ tháng 6/2016 đến hết tháng 8/2016.

IV. NỘI DUNG KẾ HOẠCH VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

1. Ban chỉ đạo thuộc Tổng cục Thuế

Ban chỉ đạo thuộc Tổng cục Thuế được thành lập theo Quyết định số 796/QĐ-TCT ngày 26/4/2016 và Quyết định số 854/QĐ-TCT ngày 11/5/2015 của Tổng cục Thuế có nhiệm vụ:

1.1. Chỉ đạo việc xây dựng chương trình, kế hoạch, nghiên cứu các biện pháp và tổ chức thực hiện chống thất thu thuế đối với Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh và Hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ;

1.2. Thành lập đoàn kiểm tra của Tổng cục Thuế để kiểm tra tại Chi cục Thuế. Cụ thể như sau:

- Nhân sự của đoàn kiểm tra bao gồm: Lãnh đạo Tổng cục Thuế là trưởng đoàn và các thành viên là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Thanh tra, Chính sách Thuế, Chế độ kế toán), đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế (Thu nhập cá nhân, Thanh tra, Kiểm tra nội bộ, Chính sách, Pháp chế, Kê khai - Kế toán thuế, Công nghệ thông tin) và đại diện lãnh đạo Cục thuế.

- Đoàn kiểm tra của Tổng cục Thuế sẽ triển khai tại các Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm các Chi cục Thuế sau đây: Quận Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Quận Đống Đa, Quận 1, Quận 3 và Quận Bình Thạnh.

- Đoàn kiểm tra của Tổng cục Thuế có nhiệm vụ:

(1) Chỉ đạo Cục Thuế và Chi cục Thuế tổ chức triển khai kiểm tra chống thất thu thuế theo Kế hoạch này.

(2) Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ thuế trong việc quản lý thu thuế đối với Hộ kinh doanh; việc xử lý hồ sơ khai thuế, nộp thuế, miễn giảm thuế đối với Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh, Hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ; việc triển khai chống thất thu thuế theo Kế hoạch này.

1.3. Phê duyệt Danh sách đơn vị thuộc diện kiểm tra chống thất thu thuế của Cục Thuế thành phố Hà Nội và Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh.

1.4. Đôn đốc các đoàn kiểm tra của Tổng cục Thuế, đoàn kiểm tra của Cục thuế, đoàn kiểm tra của Chi cục Thuế hoàn thành việc kiểm tra chống thất thu thuế theo Kế hoạch này; chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh doanh thu khoán đối với Hộ kinh doanh trong thời gian còn lại của năm 2016 đối với trường hợp kết quả kiểm tra có doanh thu thay đổi từ 50% trở lên và cập nhật vào cơ sở dữ liệu kết quả kiểm tra để làm cơ sở xác định doanh thu khoán cho năm sau.

1.5. Căn cứ kết quả triển khai Kế hoạch chống thất thu thuế, thực hiện đánh giá và kiến nghị để hoàn thiện cơ chế chính sách, quy trình quản lý đối với Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh và Hộ kinh doanh, trọng tâm vào một số vấn đề sau:

- Kiến nghị về chính sách thuế phù hợp đối với Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh và Hộ kinh doanh theo hướng đơn giản, minh bạch, chống thất thu theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị Quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ.

- Xây dựng sửa đổi, bổ sung quy trình quản lý thuế đối với Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh và Hộ kinh doanh; quy trình giao dịch điện tử giữa Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh và Hộ kinh doanh với Cơ quan thuế.

- Kiến nghị về tổ chức thực hiện chính sách quản lý sử dụng hóa đơn đối với Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh và Hộ kinh doanh, tập trung vào hóa đơn điện tử đối với cá nhân theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết 36a/NQ- CP.

- Kiến nghị giải pháp tăng cường vai trò của Hội đồng tư vấn thuế đối với quản lý thuế Hộ kinh doanh.

- Kiến nghị sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý thuế đối với Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh và Hộ kinh doanh ở cơ quan Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục Thuế.

- Kiến nghị về giải pháp mở rộng ủy nhiệm thu thuế đối với Hộ kinh doanh.

2. Ban chỉ đạo thuộc Cục Thuế

2.1. Các Cục thuế sau đây phải thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng Kế hoạch chi tiết để triển khai tại địa phương, bao gồm: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.

2.2. Các Cục thuế thuộc nhóm không bắt buộc phải thành lập ban chỉ đạo, trong công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2016 phải được định hướng để thực hiện kiểm tra chống thu thuế theo Kế hoạch này.

2.3. Đồng chí Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hà Nội và Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất danh sách đơn vị thuộc diện kiểm tra theo Kế hoạch này trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phê duyệt.

2.4. Đồng chí Cục trưởng Cục Thuế của các tỉnh, thành phố trừ Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm phê duyệt Danh sách đối tượng thuộc diện kiểm tra chống thất thu thuế của Cục Thuế.

3. Biện pháp tổ chức triển khai Kế hoạch kiểm tra chống thất thu thuế

3.1. Về công tác phối hợp

Các đồng chí Cục trưởng Cục thuế báo cáo UBND để chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa bàn (quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, công an khu vực, ...) phối hợp với Cơ quan Thuế triển khai kiểm tra chống thất thu có hiệu quả.

3.2. Về công tác tuyên truyền

Các Cục thuế thực hiện tuyên truyền chủ trương của Chính phủ, Nhà nước về Kế hoạch kiểm tra chống thu thuế đối với Doanh nghiệp ngoài quốc doanh và Hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ. Các đơn vị thuộc diện kiểm tra chống thất thu thuế phải được tuyên truyền trước bằng cách tổ chức gặp mặt trực tiếp, qua đó Cơ quan Thuế thực hiện việc vận động trước khi chính thức tiến hành kiểm tra để tránh phản ứng tiêu cực.

3.3. Về biện pháp kiểm tra chống thất thu thuế

- Kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế: được thực hiện bởi các Cơ quan Thuế cấp trên đối với Cơ quan Thuế cấp dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ thuế, đồng thời chỉ đạo cơ quan thuế cấp dưới tổ chức kiểm tra chống thất thu thuế theo Kế hoạch này.

- Kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế:

+ Đối với Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh:

Cục Thuế, Chi cục Thuế tùy theo từng lĩnh vực ngành nghề kinh doanh của Doanh nghiệp để phối hợp với các cơ quan liên quan như: cơ quan Công an, Quản lý thị trường, Văn hóa - TT - DL, Tài chính, cán bộ UBND,... thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Cơ quan Thuế làm trưởng đoàn để thực hiện kiểm tra tại trụ sở của Doanh nghiệp. Trường hợp sau khi kiểm tra có dấu hiệu hoạt động kinh doanh phức tạp, quy mô lớn, kinh doanh liên kết nhằm mục đích trốn thuế thì báo cáo lãnh đạo Cơ quan Thuế để thực hiện thanh tra chống thất thu thuế theo quy định.

+ Đối với Hộ kinh doanh:

Cục Thuế, Chi cục Thuế tùy theo từng lĩnh vực ngành nghề kinh doanh của Hộ kinh doanh để phối hợp với các cơ quan liên quan như: cơ quan Công an, Quản lý thị trường, Văn hóa - TT - DL, Tài chính, cán bộ UBND,... thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Cơ quan Thuế làm trưởng đoàn để thực hiện kiểm tra, khảo sát tại địa điểm kinh doanh của Hộ kinh doanh thông qua ghi chép, quan sát, kiểm đếm hoạt động kinh doanh thực tế của Hộ kinh doanh trong thời gian cao điểm - thời gian thấp điểm để xác định doanh thu bình quân; hoặc thực hiện kiểm tra, khảo sát gián tiếp thông qua trao đổi, vận động, đấu tranh đối với chủ cơ sở, người làm công, nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ đầu vào, khách hàng, ...để xác định các yếu tố chi phí tối thiểu của Hộ kinh doanh đó hoặc của Hộ kinh doanh cùng quy mô, ngành nghề, địa bàn, từ đó xác định mức doanh thu khoán phù hợp.

4. Chế độ báo cáo

- Định kỳ ngày 10 tháng 7,8,9/2016 các Cục thuế thực hiện báo cáo kết quả tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra chống thất thu thuế. Báo cáo được gửi về Ban chỉ đạo thuộc Tổng cục Thuế để tổng hợp báo Bộ Tài chính định kỳ vào ngày 15 tháng 7,8,9/2016.

- Chậm nhất là đầu tháng 10/2016, Tổng cục Thuế thực hiện tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện Kế hoạch chống thất thu thuế và đánh giá tình trạng thất thu thuế thực tế đối với Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh, Hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1353/QĐ-BTC năm 2016 Kế hoạch kiểm tra chống thất thu thuế đối với Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh, Hộ kinh doanh kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 1353/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/06/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Bùi Văn Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/06/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản