Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1340/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG GÓP PHẦN NÂNG CAO TẦM VÓC TRẺ EM MẪU GIÁO VÀ TIỂU HỌC ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030;
Căn cứ Quyết định số 226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020” sau đây gọi tắt là Chương trình Sữa học đường, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu:
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
2. Các chỉ tiêu:
- Đến năm 2020, 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng.
- Đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường.
- Đến năm 2020, 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường.
- Đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 90% - 95% vào năm 2020.
- Tăng tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40% vào năm 2020.
- Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020.
- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm.
- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm.
- Đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 cm - 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.
3. Các giải pháp chủ yếu:
a) Giải pháp cơ chế chính sách
- Ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020; quy định về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng; quy định về định mức sữa phù hợp với lứa tuổi nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường.
- Ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình để đảm bảo nguồn lực, sự bền vững của Chương trình Sữa học đường, đặc biệt tại các huyện nghèo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình Sữa học đường theo quy định hiện hành.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp để thực hiện Chương trình Sữa học đường.
b) Giải pháp truyền thông vận động và thông tin giáo dục truyền thông:
- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của các cấp chính quyền về nhận thức vai trò, tầm quan trọng của Chương trình Sữa học đường nhằm tăng cường nguồn lực thực hiện Chương trình.
- Tăng cường công tác thông tin giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, bố, mẹ, người chăm sóc về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp theo nhóm tuổi.
- Đa dạng loại hình, phương thức truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng và vùng miền.
- Kết hợp truyền thông giáo dục dinh dưỡng với giáo dục thể chất trong hệ thống trường học.
c) Giải pháp kỹ thuật:
- Đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ cho đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên tham gia Chương trình Sữa học đường trong quá trình uống sữa, kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình cho trẻ em uống sữa.
- Theo dõi, giám sát việc triển khai và đánh giá hiệu quả của Chương trình Sữa học đường.
Điều 2. Kinh phí thực hiện Chương trình Sữa học đường
Nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: Huy động sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đóng góp của gia đình và cộng đồng; sự hỗ trợ của ngân sách địa phương theo khả năng cân đối.
Điều 3. Tổ chức thực hiện Chương trình
1. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các chương trình, đề án liên quan.
- Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên tham gia chương trình; kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất trong hệ thống trường học.
- Tăng cường theo dõi, giám sát việc triển khai và đánh giá hiệu quả của Chương trình Sữa học đường.
- Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp việc thực hiện Chương trình Sữa học đường và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình vào cuối năm 2020.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vận động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước đầu tư cho Chương trình Sữa học đường.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế tổ chức triển khai các hoạt động của Chương trình Sữa học đường; chỉ đạo các trường học cho trẻ uống sữa đúng quy định.
- Phối hợp với Bộ Y tế đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất trong hệ thống trường học.
4. Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Bộ Y tế để triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Căn cứ vào khả năng ngân sách của địa phương bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động của Chương trình Sữa học đường.
- Huy động các nguồn lực khác tại địa phương (doanh nghiệp, gia đình, quỹ từ thiện...) để thực hiện có hiệu quả Chương trình Sữa học đường.
- Ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi về nhà xưởng, thuê đất đối với doanh nghiệp có sản phẩm tham gia Chương trình Sữa học đường đầu tư tại địa phương.
- Định kỳ kiểm tra, thanh tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình sữa học đường ở địa phương; báo cáo Bộ Y tế.
6. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận chủ động tham gia thực hiện Chương trình sữa học đường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về chăm sóc dinh dưỡng trẻ em.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Thông báo số 82/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về chương trình nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 292/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về Đề án phát triển tầm vóc, thể lực người Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 187/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 5198/BGDĐT-GDTC năm 2017 về tạm dừng triển khai Chương trình Sữa học đường do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành
- 5Công văn 9877/VPCP-KGVX năm 2018 về sản phẩm sữa tham gia Chương trình Sữa học đường do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Thông báo số 82/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về chương trình nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 292/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về Đề án phát triển tầm vóc, thể lực người Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 641/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 226/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 122/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Thông báo 187/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 8Công văn 5198/BGDĐT-GDTC năm 2017 về tạm dừng triển khai Chương trình Sữa học đường do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành
- 9Công văn 9877/VPCP-KGVX năm 2018 về sản phẩm sữa tham gia Chương trình Sữa học đường do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 1340/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1340/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/07/2016
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Vũ Đức Đam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/07/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra