Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1334/QĐ-UBND | Tiền Giang, ngày 28 tháng 05 năm 2015 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Cai Lậy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển chung: đảm bảo kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển tiếp cận mặt bằng phát triển bình quân của tỉnh. Vận dụng thu hút mọi nguồn lực vào sản xuất kinh doanh gắn liền với tích cực xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng xã nông thôn mới. Phát triển các lĩnh vực kinh tế trên cơ sở nâng chất hệ thống sản xuất kinh doanh trong từng ngành, từng lĩnh vực; gắn sản xuất với thị trường; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Ngày càng nâng cao hưởng dụng về văn hóa - xã hội - phúc lợi của nhân dân.
2. Quan điểm phát triển các khu vực kinh tế
- Đối với khu vực nông nghiệp, phát triển vùng chuyên lúa, chuyên cây ăn trái đạt hiệu quả, chất lượng và từng bước tiêu chuẩn hóa; gắn kết với các nguồn lực khu vực nông thôn, với phát triển kinh tế - xã hội chung và với tiến trình xây dựng các xã nông thôn mới, vừa là lĩnh vực chủ đạo quyết định đến tăng trưởng chung trong tầm nhìn trung hạn vừa tạo nền tảng phát triển ổn định trong tầm nhìn dài hạn.
- Đối với khu vực công nghiệp - xây dựng, cải thiện các điều kiện sản xuất các doanh nghiệp; phát triển hợp lý các cơ sở trong các lĩnh vực có lợi thế; phát triển ngành xây dựng đồng bộ với quá trình nâng cấp kết cấu hạ tầng và xây dựng các công trình quan trọng trên địa bàn, là nhóm ngành hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao.
- Đối với khu vực dịch vụ, kết hợp quá trình hình thành, phát triển hạ tầng đô thị thị trấn trung tâm huyện, các đô thị cấp tiểu vùng, xây dựng xã nông thôn mới với các công trình dịch vụ quan trọng trên địa bàn.
3. Quan điểm về huy động nguồn lực: thu hút các nguồn lực trong và ngoài huyện; phát triển trên cơ sở tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực và địa bàn trọng điểm làm đầu tàu kéo cả nền kinh tế phát triển nhanh, đồng thời vẫn chú trọng đầu tư các lĩnh vực và địa bàn có nhiều khó khăn; chú trọng phát triển nguồn nhân lực.
4. Quan điểm phát triển bền vững: gắn chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế với cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng an ninh.
1. Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2020 là huyện nông nghiệp trọng điểm của tỉnh về kinh tế vườn và lúa theo hướng gia tăng hiệu quả, chất lượng; đồng thời phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch tương thích theo các hành lang phát triển kinh tế. Tập trung đầu tư hình thành và phát triển thị trấn trung tâm huyện tại Bình Phú, phát triển nhanh các kết cấu hạ tầng đồng bộ với quá trình phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới; hoàn chỉnh và mở thêm các tuyến trục Bắc - Nam để kết nối hiệu quả và phát triển giao lưu kinh tế giữa vùng Đồng Tháp Mười, vùng ven sông Tiền và các tuyến phụ Đông - Tây; phấn đấu đạt thu nhập bình quân đầu người tương đương của tỉnh. Nâng mặt bằng về giáo dục - đào tạo, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, hưởng thụ văn hóa, thông tin truyền thông, thể dục thể thao của nhân dân. Bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
a) Về phát triển kinh tế:
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất (GO) trên địa bàn bình quân 5 năm thời kỳ 2016-2020 khoảng 6,5-7,5%/năm. Trong đó, khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng khoảng 4,7-5,0%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 13,4-16,0%/năm; dịch vụ tăng 9,6-12%/năm.
- Cơ cấu GO trên địa bàn năm 2020, tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 67-70,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 13,1-14,4%; dịch vụ chiếm 16,8-18,6%.
- Thu nhập bình quân đầu người (giá thực tế) năm 2020 trên địa bàn là 77,5-80,5 triệu đồng/người.
- Huy động ngân sách từ kinh tế địa phương tăng 10%/năm và đến năm 2020 đạt khoảng 97 tỷ đồng.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 11.700-15.000 tỷ đồng.
- Phấn đấu tỷ lệ xã cơ bản đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới là 50% xã vào năm 2020.
b) Về văn hóa, xã hội:
- Tốc độ phát triển dân số trung bình khoảng 0,5%/năm trong giai đoạn 2016-2020 và dân số trung bình đến năm 2020 gần 195.000 người.
- Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt gần 10%.
- Hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động trong giai đoạn 2016-2020.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo vào năm 2020 là 52%.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5%/năm (chuẩn nghèo áp dụng theo quy định hiện hành), đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo khoảng 6%.
- Phấn đấu đến năm 2020, 100% trạm y tế xã có bác sĩ; số bác sĩ/vạn dân đạt 2,3 bác sĩ; số giường bệnh/vạn dân đạt 5,9 giường bệnh; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi 10%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí về y tế xã là 100%.
- Đến năm 2020, tỷ lệ huy động so với dân số trong độ tuổi: nhà trẻ là 20%; mẫu giáo 80%; tiểu học 100%; trung học cơ sở 100%; trung học phổ thông đạt 80%. Phấn đấu đến năm 2020 địa bàn có 50% trường mầm non, 61,5% trường tiểu học, 50% trường trung học cơ sở và 100% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
- Tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 100% vào năm 2020, tỷ lệ hộ có điện kế chính 98%.
- Đến năm 2020, mật độ thuê bao internet đạt 7 thuê bao/100 dân.
- Đến năm 2020, huyện có trung tâm văn hóa, thể thao; 99% hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa và phấn đấu 10/16 xã có đầy đủ thiết chế văn hóa. Tỷ lệ ấp, khu phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa 100%; xã văn hóa 88%.
c) Về bảo vệ môi trường
- Đến năm 2020, tỷ lệ hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch là 99%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 90%, trong đó tỷ lệ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia đạt 65%.
- Đến năm 2020, tỷ lệ thu gom rác đô thị - công nghiệp là 97%; đạt 95% cơ sở sản xuất xây dựng mới đạt tiêu chuẩn môi trường; các khu đô thị mới có hệ thống thoát nước thải, tỷ lệ thu gom và xử lý trên 50%.
3. Các điểm đột phá phát triển trong giai đoạn quy hoạch
a) Tập trung đầu tư phát triển khu trung tâm huyện
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng mới khu trung tâm huyện tại Bình Phú; trong đó, ưu tiên quy hoạch chi tiết và xây dựng khu hành chính huyện, các khu chức năng của thị trấn Bình Phú. Phát triển quỹ đất dân cư, thương mại - dịch vụ tại khu trung tâm; xác định chỉ giới đỏ và xúc tiến kêu gọi đầu tư các khu thương mại, khu phố chợ, khu dân cư trước 2020,.... Xây dựng và phát triển bến hàng hóa tại chợ Bình Phú mở rộng.
b) Xây dựng kết cấu hạ tầng cho các hành lang phát triển kinh tế
- Nâng cấp 3 tuyến đường huyện (66, 67, 35) thành đường tỉnh (868B, 880); nâng cấp 10 tuyến đường huyện tối thiểu đạt chuẩn cấp V đồng bằng chậm nhất trước 2025.
- Trên cơ sở chương trình xây dựng xã nông thôn mới, nâng cấp và xây dựng hoàn chỉnh 70% tuyến giao thông nông thôn đạt giá trị vận tải hàng hóa.
- Kết nối chợ đầu mối Long Trung với tuyến nhà vựa dọc ĐT.864 và ĐT.868.
c) Phát triển bền vững nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả, cạnh tranh và tiếp cận thị trường:
- Xúc tiến và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào cánh đồng lớn đối với lúa. Kết hợp chương trình xây dựng kho tồn trữ lúa với các doanh nghiệp chuyên xay xát, lau bóng, trung chuyển, kho vận lúa; phát huy hơn nữa hiệu quả của Trung tâm Nông sản Phú Cường.
- Quảng bá thương hiệu sầu riêng Ngũ Hiệp. Tạo điều kiện hỗ trợ các nhà thu mua kiêm sơ chế - đóng gói - vận chuyển trái cây trú đóng và tổ chức tiêu thụ tại địa bàn. Tiếp tục mở rộng các điểm tiêu chuẩn GAP từ Hợp tác xã Ngũ Hiệp. Xúc tiến và hỗ trợ các nhà tổng phát hàng lớn mở điểm thu mua, kho trái cây tại chợ đầu mối Long Trung và tuyến kho vận ven sông Năm Thôn từ Tam Bình đến Long Trung.
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến đầu tư vùng nguyên liệu cá da trơn và xây dựng tiêu chuẩn cho các ao nuôi.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Phát triển ổn định các vùng chuyên lúa với quy mô và chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, hiệu quả canh tác tối ưu; xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn; xây dựng và phát triển liên kết sản xuất - tiêu thụ - kinh doanh trong chuỗi giá trị sản xuất lúa - trung chuyển và tồn trữ - xay xát lau bóng - kho vận theo hành lang kinh tế lúa gạo ĐT.865 - kênh Nguyễn Văn Tiếp.
Ổn định vùng chuyên sầu riêng; triển khai kỹ thuật công nghệ theo mục tiêu rải vụ, tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh khâu đóng gói - vận chuyển trong mối liên kết tiêu thụ - thương mại; tích cực đa dạng hóa thị trường tiêu thụ và có tiến độ tiêu chuẩn hóa phù hợp. Phát triển ổn định các loại hình kinh tế vườn khác.
Phát triển rau màu với quy mô thích nghi và phù hợp với thị trường; nâng cấp và phát triển các vườn mai và nghề hoa kiểng tại Long Tiên, Mỹ Long.
Phát triển chăn nuôi heo và gia cầm trên toàn địa bàn theo hướng tăng tỷ trọng nuôi tập trung, nuôi gia trại kết hợp đảm bảo môi trường và vệ sinh phòng dịch, từng bước xây dựng tiêu chuẩn GAHP (thực hành chăn nuôi tốt) cho một số trang trại điểm.
Ổn định nuôi thủy sản thâm canh (ven sông Tiền) và thủy sản ao hầm (khu vực kinh tế vườn) theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng, gắn kết chặt chẽ vùng nuôi thủy sản chuyên canh với doanh nghiệp chế biến.
Phát triển các loại hình dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp. Tăng cường dịch vụ bơm điện đối với sản xuất lúa và tập trung vào xử lý sau thu hoạch đối với lúa, rau màu, trái cây.
Tiếp tục hoàn chỉnh nâng cấp hệ thống thủy lợi vùng lúa trên cơ sở điều tiết vùng nhỏ theo các ô bao kiểm soát lũ kết hợp với các công trình quy hoạch của Trung ương và tỉnh trên địa bàn; đẩy mạnh phát triển các trạm bơm điện. Hoàn chỉnh hệ thống ô bao điều tiết nước vùng kinh tế vườn kết hợp với hệ thống giao thông nông thôn.
Khuyến khích phát triển các hình thức trang trại, đồng thời xây dựng và phát triển các mô hình hợp tác hóa kiểu mới, các mô hình làng nghề, liên kết sản xuất - kinh doanh - tiêu thụ nông sản.
2. Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng
Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Phú Cường và Long Trung. Đẩy mạnh phát triển lĩnh vực sơ chế, chế biến, đóng gói, kho vận lúa gạo và trái cây theo các tuyến có tiềm năng phát triển các doanh nghiệp công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp kết hợp kho vận (quốc lộ 1/đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Thạnh Lộc - Phú Cường, Tam Bình - Long Trung).
Bên cạnh đó tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực chế biến thực phẩm và các phụ phẩm dân dụng, cơ khí sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, gia công may mặc trên cơ sở hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời từng bước di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị - dân cư.
Phát triển đa dạng ngành xây dựng trên cơ sở đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình công cộng, công trình kinh doanh và nhà ở trong dân kết hợp với đối mới công nghệ kỹ thuật xây dựng.
3. Về thương mại và dịch vụ:
Cải tạo chợ Bình Phú hướng đến mở rộng thành khu thương mại cấp huyện (sau 2020). Đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hệ thống chợ dân sinh; mở rộng chợ đầu mối tại Long Trung; khuyến khích chỉnh trang cửa hàng; phát triển các điểm thu mua - trung chuyển - kho vận nhằm tăng nhanh mối quan hệ thị trường; liên kết xúc tiến thương mại nông sản phẩm; tiến đến phát triển đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.
Phát triển một số khu, tuyến thương mại - dịch vụ chuyên đề nhằm phát triển hoạt động thương mại dịch vụ gồm: khu và tuyến dịch vụ chuyên kho vận trái cây theo trục Tam Bình - Long Trung kết hợp các tuyến điểm dọc ĐT.868, ĐT.865 với trung tâm phát triển là chợ đầu mối Long Trung; tuyến du lịch sinh thái Tam Bình - Ngũ Hiệp - Tân Phong; tuyến kinh tế lúa gạo ĐT.865 - kênh Nguyễn Văn Tiếp từ Mỹ Hạnh Đông đến Phú Cường với Trung tâm Nông sản Phú Cường.
4. Về các lĩnh vực văn hóa - xã hội:
a) Về giáo dục
Phấn đấu đến năm 2020, tăng tỷ lệ học sinh nhập học các cấp thông qua công tác duy trì và củng cố kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, đa dạng hóa phương thức học tập. Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 đạt và tiến đến nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Phấn đấu đạt chuẩn phổ cập bậc trung học theo lộ trình phù hợp.
Hoàn thiện quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; khuôn viên mỗi trường học cần chú trọng đảm bảo diện tích xây dựng, diện tích các công trình phục vụ các hoạt động theo yêu cầu quy định; các trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập được tăng cường đầu tư theo hướng đầy đủ - chất lượng - hiện đại.
- Khuyến khích xã hội hóa giáo dục trong việc: đa dạng các loại hình trường lớp mầm non ngoài công lập, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho trường học.
b) Về y tế
Đến năm 2020, hệ thống y tế công lập sẽ tăng thêm 01 phòng y tế, 01 trung tâm y tế dự phòng, 01 trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình và 01 nhà hộ sinh và tăng thêm 12 cơ sở y tế ngoài công lập (phòng mạch tư, nhà thuốc tư nhân). Đồng thời, xây mới phòng khám đa khoa khu vực Bình Phú (khu vực trung tâm huyện), nâng cấp Phòng khám khu vực Long Trung nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất về y tế cho huyện mới đi vào hoạt động ổn định. Dự kiến sau năm 2020, Phòng khám khu vực tại trung tâm huyện (Bình Phú) sẽ nâng cấp lên thành bệnh viện với quy mô 100 giường; Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước Tây sẽ chuyển đổi thành Phòng khám khu vực Mỹ Phước Tây.
Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia và chương trình y tế ngành. Xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng bao gồm y tế công và y tế tư. Tiếp tục sử dụng tốt quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi một cách hợp lý và hiệu quả. Quản lý sức khỏe bà mẹ - trẻ em đến từng hộ gia đình, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện, bệnh nhân. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác chẩn đoán, điều trị và công tác dự phòng; củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở; phát triển các hình thức dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.
c) Về văn hóa thông tin - thể dục thể thao
Xây dựng mới Trung tâm văn hóa - thể dục thể thao huyện; xây dựng, nâng cấp và mở rộng các thiết chế văn hóa cấp cơ sở phù hợp với quy mô phát triển dân số, đô thị, nông thôn mới gồm các hạng mục như: trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng cấp cơ sở, nhà văn hóa, sân bóng đá; các điểm thể dục thể thao, các điểm văn hóa dành cho thiếu nhi theo hướng tăng cường xã hội hóa. Khuyến khích tư nhân đầu tư vào các sân bóng đá mini, cầu lông, quần vợt, sân tập luyện thể dục thể thao... phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí và rèn luyện thể lực của người dân trên địa bàn. Phấn đấu năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa là 99% và tiếp tục duy trì đến năm 2030.
Trùng tu, xây dựng và nâng cấp các di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn. Xây dựng hệ thống thư viện huyện đủ chuẩn về cơ sở vật chất, phong phú về thể loại, đầu tư trang thiết bị cho các phòng đọc sách xã; trang bị dụng cụ thể dục thể thao cho trường học, các xã, thị trấn theo hướng khai thác mọi nguồn của ngân sách và sự đóng góp của toàn xã hội.
Xây dựng đài truyền thanh cấp huyện, nâng cấp các trạm phát thanh cấp cơ sở, nâng cao chất lượng truyền thanh; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của đội thông tin lưu động huyện, phát triển mạnh phong trào của các đội văn nghệ quần chúng.
Đến năm 2020, tỷ lệ người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên 35%.
d) Về giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội
Tiếp tục vận động hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách, đối tượng nghèo. Phấn đấu đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 1,5%/năm; riêng đối tượng chính sách phải có mức sống từ trung bình trở lên so với cộng đồng nơi cư trú.
5. Về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường
- Khoa học công nghệ, thực hiện tốt các chức năng quản lý nhà nước về khoa học công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện; hỗ trợ về mặt khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước và từng bước đóng vai trò trung tâm thông tin, tư vấn công nghệ, thị trường cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu và thay đổi chế độ thủy văn; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện.
- Bảo vệ tài nguyên môi trường, đưa các cơ sở sản xuất công thương nghiệp và cơ sở y tế vào diện quản lý môi trường và phải đầu tư các hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải, tiếng ồn, đảm bảo xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn quy định; đẩy mạnh công tác thu gom rác thải, hạn chế thải rác vào sông rạch tại khu vực công cộng các trung tâm đô thị; hỗ trợ kỹ thuật hộ chăn nuôi gia trại và trang trại đầu tư túi biogas, hầm biogas, hoặc các công trình xử lý chất thải; hạn chế ô nhiễm thuốc trừ sâu, dầu và các chất thải đối với nước mặt; tăng cường tiềm lực về công tác quản lý môi trường, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đến tận cơ sở.
6. Phát triển kết cấu hạ tầng và công trình công cộng
a) Về giao thông
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các sở, ngành tỉnh hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đoạn qua địa bàn huyện, đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua trung tâm thị xã Cai Lậy.
- Phối hợp chặt chẽ với sở Giao thông vận tải duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp các tuyến đường tỉnh trên địa bàn huyện: ĐT.864 (tiêu chuẩn cấp III), ĐT.865 đạt tiêu chuẩn quản lý cấp III, ĐT.868 đạt tiêu chuẩn quản lý cấp III, ĐT.868B (nâng cấp từ ĐH.66) đạt tiêu chuẩn quản lý cấp IV (định hình năm 2030 cấp III), ĐT.874B đạt tiêu chuẩn quản lý cấp III, ĐT.875 đạt tiêu chuẩn quản lý cấp III, ĐT.875B đạt tiêu chuẩn quản lý cấp IV.
- Lập dự án đầu tư nâng cấp ĐH 35 - ĐH 67 thành ĐT.880; đến 2020 nâng cấp đạt tiêu chuẩn quản lý cấp IV.
- Đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyện đạt chuẩn quản lý cấp IV-V, quy mô 2 làn xe: ĐH.35B, ĐH.54B, ĐH.57B, ĐH.59, ĐH.63, ĐH.65, ĐH.65B, ĐH.68. ĐH.68B, ĐH.70B với tổng chiều dài 73 km.
- Phát triển hệ thống các đường trục đô thị nhằm tạo điều kiện phát triển giao thông nội thị theo phân khu chức năng khu đô thị mới. Xây mới 42 km tại thị trấn mới và các trung tâm đô thị hóa khác theo Quy hoạch chung của thị trấn và các các đô thị loại V tầm nhìn đến 2030.
- Trên địa bàn các xã, phát triển các tuyến đường nông thôn theo cả 2 hướng: phát triển hoàn chỉnh mạng giao thông và mở rộng tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải thông suốt với các tuyến đường trục, đảm bảo đến năm 2020, 70% tuyến giao thông nông thôn đạt giá trị vận tải hàng hóa. Hệ thống đường nông thôn bao gồm 103 km đường liên xã và 661 km đường nông thôn, nâng cấp khoảng 50% lên đường nông thôn loại A.
- Tích cực khai thác thế mạnh và vị trí trung chuyển giao thông thủy dọc theo tuyến sông Tiền, kênh Nguyễn Văn Tiếp, sông Ba Rài, sông Phú An, kênh 10. Xây dựng và phát triển bến hàng hóa tại thị trấn Bình Phú, bến trái cây tại Long Trung - Ngũ Hiệp, bến du lịch tại Tam Bình - Ngũ Hiệp - Tân Phong; các kho và bến thủy nội địa chuyên lúa gạo dọc kênh Nguyễn Văn Tiếp, các kho và bến thủy nội địa chuyên trái cây dọc sông Năm Thôn từ Tam Bình đến Long Trung; kết hợp xây dựng kho vựa với các khu dịch vụ kho vận.
b) Về bưu chính viễn thông
Hiện đại hóa mạng bưu chính viễn thông và phát triển hệ thống thông tin trên mạng internet; củng cố, nâng cấp hệ thống đài, trạm truyền thanh.
Quy hoạch 18 điểm đại lý bưu điện. Nâng cấp bưu điện trung tâm và các đại lý bưu điện, đầu tư trang thiết bị đồng bộ. Mở rộng đại lý internet công cộng tại các bưu cục và bưu điện xã; phát triển hệ thống internet đến cấp xã, nâng mật độ internet đến năm 2020 đạt 7 thuê bao/100 dân.
c) Mạng lưới điện
- Tiếp tục cải tạo lưới điện hạ thế không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và phát triển lưới điện nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng điện, đồng thời tránh thất thoát trên đường dây.
- Phấn đấu đến năm 2020, số hộ sử dụng điện đạt 100%, điện thương phẩm bình quân đầu người đạt 702 kWh.
d) Cấp thoát nước và rác thải
Phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước, hệ thống thoát, thu gom và xử lý nước thải, rác thải tại khu vực đô thị và khu vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Hệ thống cấp nước trên địa bàn trước mắt sẽ được bố trí phân tán theo từng xã, dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch là 99%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 90%, trong đó tỷ lệ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia đạt 65%. Từng bước cải tạo, nâng cấp và tách riêng hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải trong đô thị. Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung của các đô thị trên địa bàn huyện, trong đó trước mắt là ưu tiên đầu tư cho thị trấn Bình Phú. Phấn đấu đến năm 2020, nâng tỷ lệ thu gom rác sinh hoạt đô thị và rác đường phố đạt 96%; tỷ lệ thu gom rác công nghiệp và rác y tế lên 100%.
đ) Quy hoạch thủy lợi
- Xây dựng các công trình đầu mối điều tiết lũ trên các tuyến đê bao vượt mức đỉnh lũ; kết hợp các công trình đầu mối kiểm soát lũ cấp vùng này theo bậc thang với hệ thống giao thông, tiến hành hoàn thiện các đê bao lửng theo phương án trữ lũ, chậm lũ (đối với những năm cường suất lũ lớn). Xây dựng các trạm bơm điện tương ứng với các ô đê bao. Nạo vét các tuyến kênh thoát lũ chính do Trung ương quản lý (kênh Nguyễn Văn Tiếp). Đảm bảo khẩu độ thoát lũ và nạo vét các tuyến kênh thoát lũ (phía Nam kênh Nguyễn Văn Tiếp) do tỉnh và huyện quản lý kết hợp với hệ thống đường huyện, đường tỉnh.
- Đối với cù lao Ngũ Hiệp và Tân Phong, chia cù lao ra làm nhiều ô nhỏ lấy kênh rạch lớn, đường giao thông chính làm ranh, hình thành hệ thống bờ bao khép kín nhằm ngăn ngập do triều, điều tiết nước để bảo vệ an toàn cho các vườn cây ăn trái, cơ sở hạ tầng bên trong ô.
7. Quốc phòng an ninh
Nâng cao chất lượng và củng cố số lượng quân thường trực đáp ứng yêu cầu chính quy - hiện đại. Tăng cường biện pháp quản lý và xây dựng lực lượng dự bị, phát triển dân quân và tự vệ phù hợp với nhiệm vụ chung. Tăng cường giáo dục quốc phòng toàn dân, nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ an ninh chính trị, trật tự giao thông, an toàn xã hội. Xây dựng lực lượng cơ sở vững mạnh, đẩy mạnh phong trào nhân dân tự quản có chất lượng, bảo đảm đối phó với mọi tình huống. Tiếp tục tấn công mọi loại tội phạm, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội. Xây dựng các điểm dân cư thành những cơ sở vững mạnh bảo vệ an ninh chính trị và an toàn xã hội. Tăng cường công tác kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an ninh trong từng ngành, từng lĩnh vực để tăng cường khả năng chủ động ứng phó với mọi tình huống.
8. Phương hướng tổ chức không gian phát triển
a) Phân vùng phát triển:
- Vùng phía Bắc đường cao tốc, vùng đồng lũ, phát triển nông nghiệp với hệ thống canh tác chủ lực là chuyên lúa; đồng thời phát triển kinh tế khu vực II (công nghiệp - xây dựng) và khu vực III (dịch vụ) trên nền tảng kinh tế lúa gạo.
- Vùng phía Nam đường cao tốc, vùng ven sông Tiền, phát triển tổng hợp kinh tế vườn, thủy sản, thương mại dịch vụ, du lịch.
- Vùng cù lao, phát triển tổng hợp kinh tế vườn, thủy sản và du lịch sinh thái; liên kết phát triển với thị trấn Cái Bè và Chợ Lách (Bến Tre).
b) Phương hướng bố trí không gian phát triển:
- Phân bố không gian phát triển nông nghiệp
Lúa phân bố phía Bắc đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ; bắp và rau màu tại Bình Phú; dưa hấu tại khu vực luân canh với lúa thuộc các xã Mỹ Thành Bắc, Thạnh Lộc, Phú Cường; hoa kiểng cổ và mai vàng tại Mỹ Long, Long Tiên; vùng sầu riêng tập trung tại Long Trung, Long Tiên, Ngũ Hiệp, Tam Bình, Cẩm Sơn; chôm chôm và nhãn tại Tân Phong, cây có múi và chanh tại Hiệp Đức; vú sữa tại phía đông Mỹ Long và Tam Bình.
Gia súc, gia cầm và thủy sản ao hầm phân bố đều trên khắp địa bàn. Cá da trơn thâm canh và cá lồng bè tại Ngũ Hiệp và Tân Phong.
- Phân bố không gian phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Cụm công nghiệp quy hoạch tại 02 điểm: Phú Cường, diện tích 50 ha, dự kiến kết hợp với tuyến kinh tế lúa gạo ĐT.865 - kênh Nguyễn Văn Tiếp và Trung tâm nông sản Phú Cường; Long Trung, diện tích 50 ha kế bên chợ trái cây, dự kiến phát triển trong lĩnh vực xử lý sau thu hoạch, chế biến trái cây, đóng gói kết hợp với kho vận, cơ khí.
Các cơ sở xay xát, chế biến thực phẩm, dân dụng: phân bố theo tuyến trong hành lang giữa quốc lộ 1 và đường cao tốc. Các cơ sở sơ chế đóng gói trái cây: phân bố theo tuyến dọc ĐT.868, ĐT.864 tại Long Trung, Long Tiên và Tam Bình với tụ điểm lớn nhất tại chợ chuyên trái cây Long Trung.
- Phân bố không gian phát triển đô thị
Thị trấn Bình Phú (dự kiến): phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại V trước 2020, trung tâm hành chính của huyện và là đô thị trung tâm hành lang phát triển quốc lộ 1, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, có chức năng trung tâm kinh tế đối ngoại với 02 vệ tinh tại Bà Tồn và Ngã Năm Phú Nhuận, trong đó Ngã Năm Phú Nhuận dự kiến phát triển thành đô thị loại V Mỹ Thành Nam trong tầm nhìn đến 2030.
Đô thị Long Trung: đô thị trung tâm vùng Nam quốc lộ 1, có khả năng lên thị trấn đô thị loại V trong khoảng 2025 với vệ tinh là Tam Bình.
Đô thị Thạnh Lộc: đô thị trung tâm vùng Bắc quốc lộ 1 với vệ tinh là Phú Cường.
9. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030
a) Mục tiêu tổng quát:
Nâng cao mức sống và mặt bằng phát triển văn hóa - xã hội, hạn chế phân hóa về thu nhập, đời sống và phúc lợi xã hội. Phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ kinh tế tri thức trong các lĩnh vực quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đẩy mạnh phát triển đô thị trung tâm tại thị trấn Bình Phú, phát triển 02 trung tâm cấp tiểu vùng và các vệ tinh, tiến đến hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hoàn thành kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất (GO) bình quân 10 năm thời kỳ 2021-2030 khoảng 6,8-7,3%/năm. Trong đó, nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,6-3,7%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 12,8-13,3%/năm; thương mại - dịch vụ tăng 10,5- 12,2%/năm.
- Cơ cấu GO trên địa bàn năm 2030, tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 49-54,2%; công nghiệp - xây dựng chiếm 23,5%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 22,3-27,5%.
- Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 trên địa bàn đạt khoảng 195-213 triệu đồng/người (khoảng 60% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh).
- Huy động ngân sách từ kinh tế địa phương tăng 7-8%/năm.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 khoảng 43.000-48.000 tỷ đồng.
- Tỷ lệ đô thị hóa đạt 18-20%, trên địa bàn có 3 đô thị loại V (Bình Phú, Long Trung, Mỹ Thành Nam).
- Tốc độ tăng dân số trung bình bình quân 10 năm 2021-2030 khoảng 0,6%/năm. Đến năm 2030, dân số đạt khoảng 206.000 người; tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo là 66%; giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,0%/năm; 100% xã cơ bản đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới; số lao động đô thị chưa có việc làm dưới 3%.
c) Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực
- Đối với khu vực nông nghiệp,
Ổn định dần sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu. Đến 2020 về cơ bản đã phát triển ổn định vùng chuyên lúa, các vùng chuyên trái cây với sản lượng, chất lượng ổn định, chủ động cung theo nhiều kênh thị trường và kết hợp chặt chẽ với khâu chế biến và khâu tiêu thụ.
Phấn đấu có trên 80% hộ chăn nuôi theo hình thức gia trại hoặc cao hơn với chủng loại chủ lực là heo và gia cầm theo hướng hiệu quả, hạn chế vấn đề môi trường, bảo đảm vệ sinh phòng dịch, an toàn thực phẩm và chủ động kiểm soát giết mổ. Vùng nuôi cá da trơn thâm canh về cơ bản đã ổn định và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp chế biến.
- Đối với khu vực công nghiệp - xây dựng
Cơ bản lấp đầy Cụm công nghiệp Phú Cường và liên kết phát triển ổn định với Trung tâm nông sản Phú Cường, các doanh nghiệp trên tuyến ĐT.865 - kênh Nguyễn Văn Tiếp; trong giai đoạn này, ngoài lĩnh vực xay xát - lau bóng, có khả năng phát triển thêm các lĩnh vực phó sản phẩm từ lúa gạo.
Tại chợ chuyên trái cây Long Trung và tuyến sơ chế - kho vận ven sông Năm Thôn, sẽ hình thành các cơ sở xử lý sau thu hoạch kết hợp với kho vận và lấp đầy Cụm công nghiệp Long Trung.
Lĩnh vực xây dựng phát triển đồng bộ với tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình công cộng, công trình kinh doanh và nhà ở trong dân.
- Đối với khu vực dịch vụ và đô thị hóa,
Trung tâm huyện lỵ tại Bình Phú đã phát triển đô thị hóa mạnh với nhiều khu chức năng có tính đầu mối, phát luồng các hoạt động thương mại dịch vụ trên cơ sở kết nối với trung tâm thị xã Cai Lậy. Trên địa bàn có thêm 02 đô thị loại V mới và hiện đại hóa khu vực nông thôn. Các trung tâm phụ bắt đầu đẩy mạnh đô thị hóa là hạt nhân phát triển dịch vụ cấp tiểu vùng.
Các hành lang kinh tế phát triển mạnh dịch vụ kho vận (ĐT.865, ĐT.868 và 868B), du lịch sinh thái (trục ven sông Tiền và các cù lao với ít nhất 02 điểm du lịch tập trung và 50-70 hộ tham gia du lịch cộng đồng).
- Đối với phát triển xã hội
Đến năm 2030, dự báo 100% xã đạt tiêu chí nông thôn mới và phát triển mạnh dịch vụ nông thôn.
Nguồn nhân lực đến 2030 về cơ bản đã ổn định sau khi được đào tạo và chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Bệnh viện huyện dự kiến xây dựng tại Bình Phú trước 2025 nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn. Việc đấu nối mạng cấp nước với hệ thống chung cũng tạo điều kiện cơ bản để cải thiện chất lượng cấp nước trên địa bàn.
IV. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CAI LẬY (Phụ lục đính kèm)
1. Giải pháp huy động vốn đầu tư
Để đạt được những mục tiêu đề ra trong quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 11.700-15.000 tỷ đồng.
a) Đối với nguồn sách Trung ương và tỉnh, do là huyện mới thành lập, kiến nghị ưu tiên ghi vốn đầu tư công trung hạn cho các công trình hạ tầng theo các hành lang phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư hạ tầng khu hành chính mới, theo phân cấp đầu tư của Trung ương và tỉnh trên địa bàn; huyện phối hợp với cấp tỉnh tích cực tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng xây dựng cho việc thi công công trình trên địa bàn theo đúng kế hoạch bảo đảm điều kiện môi trường và thủ tục thi công thông thoáng.
b) Đối với nguồn vốn ngân sách huyện, phân bổ, tính toán tiến độ và ghi vốn các công trình một cách hợp lý phù hợp với khả năng tiếp nhận dự án trên địa bàn; ưu tiên các công trình có tính chất dẫn luồng và phát luồng đầu tư; tăng khả năng tiếp nhận cũng như tiêu thụ được nguồn vốn đầu tư theo đúng tiến độ, tránh tắc nghẽn quá trình đầu tư vốn; tổ chức tốt các khâu từ quy hoạch thiết kế - đấu thầu - tổ chức thi công, giám sát nghiệm thu và thanh toán theo đúng tiến độ - tổ chức hoàn công và nghiệm thu toàn phần.
c) Đối với nguồn vốn huy động trong dân và doanh nghiệp, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện đầu tư hoặc liên kết, liên doanh phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn; tích cực thông tin tuyên truyền về các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa, nông nghiệp nông thôn,... để tăng cường mời gọi đầu tư; xây dựng dữ liệu về các vùng chuyên canh lúa và trái cây, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ, khu du lịch, cụm công nghiệp và các điều kiện ưu đãi kèm theo; liên kết xúc tiến đầu tư, tạo cơ hội tiếp cận và đối tác với các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính tín dụng; rà soát lại nguồn quỹ đất hiện có phục vụ công tác đánh giá, ước lượng giá đền bù giải tỏa, chi phí và tiến độ giải phóng mặt bằng nhằm làm cơ sở thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả hoạt động và tiềm lực tài chính các loại quỹ; thúc đẩy các ngành thực hiện nhanh và dứt điểm các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng theo đúng quy hoạch được duyệt.
2. Giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Huy động tổng hợp năng lực dạy nghề trong và ngoài địa bàn; thực hiện dạy nghề theo nhu cầu thị trường, theo địa chỉ; đào tạo nhân lực cho nông thôn nhằm theo hướng quản lý hệ thống canh tác quy mô lớn; huy động toàn xã hội đóng góp và xây dựng nền giáo dục, khai thác mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục.
3. Giải pháp về khoa học và công nghệ
Phối hợp, lồng ghép với quá trình triển khai, chuyển giao khoa học công nghệ ra các vùng lúa, cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên trái cây, vùng thủy sản thâm canh; tăng cường đầu tư xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ trong khu vực nhà nước và dân doanh; tăng cường năng lực hoạt động và phân cấp các đề tài, đề án, dự án của hội đồng khoa học huyện.
4. Giải pháp về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường
Tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật, các chương trình về bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tuyên truyền và triển khai các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường đến tận người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường để việc bảo vệ môi trường đi sâu vào nếp sống của mọi tầng lớp xã hội; đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường kết hợp với công tác kế hoạch hóa và cân đối các nguồn lực, tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường. Có biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhất là khu vực đô thị và khu sản xuất công nghiệp tập trung.
5. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh
Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh.
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Cai Lậy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và các quy hoạch khác có liên quan) và các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Cai Lậy.
1. Giao Ủy ban nhân dân huyện Cai Lậy:
- Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Cai Lậy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân.
- Phối hợp sở, ngành tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của địa phương với các nhà đầu tư; giới thiệu các chương trình, dự án cần được ưu tiên đầu tư.
- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm và các chương trình dự án cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện và có đánh giá kết quả đạt được. Định kỳ tiến hành rà soát lại Quy hoạch và trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung kịp thời đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ.
- Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong huyện có trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện Quy hoạch.
- Căn cứ nội dung Quy hoạch được phê duyệt, phối hợp với các sở, ngành tỉnh liên quan triển khai thực hiện Quy hoạch theo quy định.
2. Các sở, ngành có liên quan:
- Hướng dẫn và giúp Ủy ban nhân dân huyện Cai Lậy trong quá trình thực hiện quy hoạch.
- Phối hợp với huyện Cai Lậy trong quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực để đảm bảo tính đồng bộ thống nhất của quy hoạch. Xem xét, hỗ trợ huyện trong huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước, ngoài nước để thực hiện quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Quyết định này thay thế Quyết định 2780/QĐ-UBND ngày 11/9/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Cai Lậy đến năm 2020.
Điều 4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cai Lậy; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CAI LẬY
(Kèm theo Quyết định số 1334/QĐ-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
STT | Tên dự án, chương trình | Thời kỳ 2015-2020 | Thời kỳ 2021-2030 |
I | VỀ LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN |
|
|
1 | Chương trình phát triển lúa gạo: dự án cánh đồng lớn | X |
|
2 | Chương trình phát triển vườn và rau màu: dự án phát triển vùng chuyên sầu riêng | X |
|
3 | Chương trình phát triển chăn nuôi: dự án phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại | X |
|
4 | Chương trình phát triển chăn nuôi: dự án phát triển chăn nuôi khép kín |
| X |
5 | Chương trình phát triển vườn và rau màu: dự án GAP kết hợp tiêu thụ |
| X |
6 | Dự án chuẩn hóa nuôi trồng | X |
|
II | VỀ THỦY LỢI |
|
|
1 | Dự án 05 kênh Bắc QL.1 giai đoạn 1,2 | X | X |
2 | Dự án ô bảo bảo vệ vườn cây ăn trái giai đoạn 1,2 | X | X |
3 | Dự án kiểm soát lũ vùng lúa giai đoạn 1,2 | X | X |
4 | Nạo vét kênh rạch cấp tỉnh quản lý | X |
|
III | VỀ CÔNG NGHIỆP |
|
|
1 | CCN Long Trung | X | X |
2 | CCN Phú Cường | X | X |
3 | Xây dựng ha tầng tuyến TTCN Tam Bình giai đoạn 1,2 | X | X |
4 | Nâng cấp nhà máy chế biến gạo | X |
|
5 | Cơ sở đóng gói, bảo quản rau quả | X |
|
6 | Nhà máy trái cây chế biến | X |
|
7 | Cơ sở sản xuất bao bì các loại | X |
|
8 | Doanh nghiệp cơ khí | X |
|
9 | Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa | X |
|
10 | Phát triển làng nghề | X |
|
11 | Nâng cấp nhà máy chế biến gạo và phụ phẩm từ gạo |
| X |
12 | Cơ sở xử lý, chiếu xa, đóng gói, bảo quản rau quả |
| X |
13 | Nhà máy trái cây chế biến mở rộng |
| X |
14 | Cơ sở sản xuất bao bì các loại |
| X |
15 | Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ |
| X |
16 | Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa |
| X |
IV | XÂY DỰNG ĐÔ THỊ, DÂN CƯ |
|
|
1 | Chương trình phát triển đô thị (thành lập mới đô thị loại V: Bình Phú, Long Trung, Mỹ Thành Nam) | X | X |
2 | Đầu tư xây dựng khu trung tâm hành chính Huyện ủy, UBND huyện Cai Lậy | X | X |
3 | Hạ tầng cơ bản đô thị loại V Bình Phú (ngoài các hỗ trợ hạ tầng TW và Tỉnh) | X |
|
4 | Hạ tầng cơ bản 2 đô thị loại V (ngoài các hỗ trợ hạ tầng TW và Tỉnh) | X |
|
5 | Nhà ở cho hộ nghèo và hộ chính sách | X |
|
6 | Cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ | X |
|
7 | Sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các trụ sở các xã | X |
|
8 | Dự án xây dựng Khu phố thị Bình Phú giai đoạn 1,2 | X | X |
9 | Các dự án Khu dân cư đô thị giai đoạn 1,2 (2 dự án tại Bình Phú) | X | X |
V | THƯƠNG MẠI |
|
|
1 | Siêu Thị Bình Phú | X | X |
2 | Xây mới, nâng cấp sửa chữa 8 chợ | X | X |
3 | Dự án thương mại hóa nông sản phẩm và phát triển chợ đầu mối | X |
|
4 | Dự án hạ tầng cho các chợ đầu mối, trung tâm nông sản, kho vận | X |
|
VI | DU LỊCH |
|
|
1 | Điểm du lịch cù lao Ngũ Hiệp | X | X |
2 | Điểm du lịch cù lao Tân Phong | X | X |
VII | GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
|
|
1 | Xây dựng 02 trường MN, 07 trường TH, 04 trường THCS và 01 trường THPT |
|
|
2 | Chuẩn hóa trường học các cấp | X | X |
VIII | Y TẾ - DS.KHHGĐ |
|
|
1 | Nâng cấp cải tạo sửa chữa trung tâm dân số | X |
|
2 | Xây dựng Phòng khám khu vực Bình Phú | X |
|
3 | Nâng cấp Phòng khám khu vực Long Trung | X |
|
4 | Nâng cấp hệ thống y tế cơ sở các xã | X |
|
IX | QUỐC PHÒNG - AN NINH |
|
|
1 | Xây dựng SCH thống nhất làm điểm cho BQP | X |
|
2 | Dự án Ban CHQS huyện Cai Lậy | X |
|
3 | Sửa chữa nâng cấp trường bắn kỹ thuật 908 | X |
|
4 | Xây dựng thao trường huấn luyện | X | X |
5 | Sửa chữa nâng cấp Trung đoàn 924 (gđ 2) | X |
|
6 | Dự án xây dựng Cơ sở làm việc Công an huyện Cai Lậy+CA.TT Bình Phú | X |
|
X | GIAO THÔNG - VẬN TẢI |
|
|
1 | Cao Tốc Trung Lương - Mỹ Thuận | X | X |
2 | Đường sắt tốc độ cao Tp.HCM-Cần Thơ (đoạn qua TG) |
| X |
3 | Đường tránh QL.1, đường cao tốc (đoạn đi qua địa bàn) | X |
|
4 | Nâng cấp, mở rộng các tuyến ĐT (864, 865, 868. 874B, 875 và các cầu | X | X |
5 | Xây dựng các tuyến đường tỉnh kéo dài đạt chuẩn theo Quy hoạch (ĐT 864, 874B) | X | X |
6 | Đầu tư các tuyến đường huyện + cầu, giao thông nội thị | X | X |
7 | Xây dựng đường tỉnh 868B giai đoạn 1,2 | X | X |
8 | Xây dựng đường tỉnh 875B giai đoạn 1,2 | X | X |
9 | Xây dựng đường tỉnh 880 | X |
|
10 | Nâng cấp 10 tuyến đường huyện (35B, 54B, 57C, 59, 63, 65, 65B, 68, 68B, 70B) | X | X |
11 | Nâng cấp hệ thống đường nông thôn (chương trình xã NTM) | X | X |
12 | Xây dựng hệ thống đường đô thị | X |
|
13 | Xây dựng bến xe huyện | X |
|
XI | KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ VĂN HÓA |
|
|
1 | Các dự án triển khai công nghệ trong nông nghiệp | X |
|
2 | Xây dựng các thiết chế văn hóa các cấp (có lồng ghép chương trình xã NTM) | X | X |
XII | MÔI TRƯỜNG VÀ NGHĨA TRANG |
|
|
1 | Xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế | X |
|
2 | Xây dựng hệ thống xử lý môi trường đô thị | X |
|
3 | Đấu nối hệ thống thoát nước | X |
|
4 | Nghĩa trang Long Tiên | X |
|
- 1Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2011 về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch 5 năm (2011-2015) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XV
- 2Quyết định 1332/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 3Quyết định 1335/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 4Quyết định 1336/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 5Quyết định 37/2011/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020
- 6Nghị quyết 08/NQ-HĐND năm 2015 điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 7Quyết định 34/2015/QĐ-UBND Quy định về hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và định mức chi phí lập, thẩm định, công bố quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 8Quyết định 1340/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 9Quyết định 2790/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020
- 10Quyết định 2986/2008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020
- 11Quyết định 139/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2011 về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch 5 năm (2011-2015) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XV
- 5Luật bảo vệ môi trường 2014
- 6Quyết định 1332/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 7Quyết định 1335/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 8Quyết định 1336/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 9Quyết định 37/2011/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020
- 10Nghị quyết 08/NQ-HĐND năm 2015 điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 11Quyết định 34/2015/QĐ-UBND Quy định về hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và định mức chi phí lập, thẩm định, công bố quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 12Quyết định 1340/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 13Quyết định 2790/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020
- 14Quyết định 2986/2008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020
- 15Quyết định 139/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
Quyết định 1334/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- Số hiệu: 1334/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/05/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
- Người ký: Nguyễn Văn Khang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra